Ventures Capital là gì?
Venture Capital là những quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các dự án mới thành lập. Lý do ra đời của những VC đến từ nhu cầu gọi vốn của những dự án nhỏ, không có khả năng gọi vốn trên thị trường, hoặc vay nợ ngân hàng.
Đối với crypto, định nghĩa venture capital cũng không quá khác biệt, do bản thân thị trường này đã mang tính mạo hiểm rất nhiều so với thị trường truyền thống, nên gần như tất cả các nhà đầu tư đều có thể gọi là Venture Capital (VC). Một vài VC nổi tiếng trong Crypto: Coinbase Ventures, Hashed, Paradigm, Delphi Digital,...
Capital Investment là gì?
Capital Investment là vốn đầu tư, đây là tiền mà quỹ sẽ đưa cho dự án để giúp họ hoạt động. Số tiền này có thể là tiền mặt, hoặc tài sản vật chất. Số tiền này sẽ đổi lấy quyền lợi nào đó từ dự án. Trong crypto, đó có thể là token dự án trong tương lai, hay nói cách khác là mua token thông qua gọi vốn.
Các thành phần trong quỹ đầu tư
Limited Partners (LP)
Limited Partners là những người đưa tiền cho quỹ đi đầu tư. Quỹ thực chất không có nhiều tiền. Số tiền mà chúng ta thấy được thông báo trên truyền thông, thực chất đến từ LP. LP có thể lên đến vài chục cá nhân, tổ chức.
Hiểu tổng quan, mô hình quỹ đầu tư nghĩa là LP đang sử dụng dịch vụ mà GP (giải thích bên dưới) cung cấp. Đó là dùng tiền của LP để đầu tư sinh lợi nhuận.
Managing Partners (General Partners - GP)
Managing Partners là những người có tiếng nói lớn nhất trong quỹ, trực tiếp quản lý số tiền đó để đầu tư. Họ có quyền quyết định cuối cùng trong việc dự án có được đầu tư hay không.
Principals
Principals chỉ dưới quyền Managing Partners. đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư cho quỹ. Ở một số công ty, họ dẫn đầu nhóm thẩm định và thực hiện phân tích tài chính về các công ty có tiềm năng trong danh mục đầu tư.
Venture Partners
Các quỹ lớn đôi khi sẽ thuê thêm Venture Parters (có cả full-time và part-time). Họ là những nhà đầu tư kỳ cựu hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó. Nhìn chung, có thể coi đây là Advisors của quỹ.
Các loại phí của Venture Capital
Dưới đây là một số loại phí trong vận hành quỹ. Các phí này đều được LP trả dựa trên tỉ lệ họ góp vốn.
Phí tổ chức quỹ, đảm bảo pháp lý
Khi GP tạo quỹ, họ cần tiền để xây dựng khung pháp lý cho quỹ. Ngoài ra, phí nộp hồ sơ để đăng ký quan hệ đối tác với LP có thể dao động từ 500 USD đến 2,000 USD. Trong quá trình hoạt động, đôi khi họ cần phí trong các trường hợp sửa đổi tài liệu, đàm phán, hoặc liên quan đến pháp lý.
Phí quản lý quỹ
Đây là phí trả cho GP, xem như tiền thưởng cho họ điều hành, quản lý quỹ. Phí này dao động từ 2 - 2.5% tổng vốn cam kết, và trả theo năm trong suốt quá trình quỹ còn hoạt động.
Có một cách tính khác không dựa trên tổng vốn, đó là theo từng thương vụ đầu tư. Với cách này, phí quản lý dựa trên số vốn được triển khai. Điều này thúc đẩy các quỹ đầu tư nhiều dự án hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến thị trường crypto trong lúc downtrend năm 2022 nhưng vẫn có nhiều thương vụ đầu tư diễn ra như hình dưới.
Lãi suất từ đầu tư
Đây là số tiền được tính theo lợi nhuận tạo ra từ GP. Thông thường, lãi suất này là khoảng 20%. Tức là tổng tiền quỹ trừ đi tiền vốn của LP, sau đó 20% thuộc về GP, 80% chia theo tỉ lệ góp của LP.
Trước khi tìm hiểu làm thế nào để các VC tham gia vào các deal, chúng ta hãy xem xét về cách thức gọi vốn trong crypto.
Các vòng gọi vốn của VC
Thông thường, các dự án trong crypto chỉ gọi vốn Seed Round và Private Round, một số ít hơn gọi vốn thêm ở Series A, Series B, hoặc trước cả vòng Seed, là vòng Pre-Seed. Vậy các vòng này mang ý nghĩa như thế nào?
Seed Round là vòng đầu tiên gọi vốn của các dự án. Thông thường, dự án sẽ không có số liệu, hoặc số liệu không quá đặc sắc. Nên để tìm được dự án tốt, nhà đầu tư sẽ nhìn vào ý tưởng, đội ngũ dự án, họ đã từng làm gì trước đó, kết quả thế nào,...
Theo kinh nghiệm của mình, ở Seed Round, số tiền các dự án trong crypto thường gọi được dao động từ 1 triệu USD đến 10 triệu USD. Các nhà đầu tư sẽ được mua token ở định giá thấp nhất, đổi lại là rủi ro cũng cao nhất. Dưới đây là tổng hợp một số dự án gọi vốn Seed Round trong tháng 10/2021:
Trên lý thuyết, các vòng thường cách nhau một khoảng thời gian để chứng minh cho các nhà đầu tư ở vòng sau về hiệu suất của dự án. Nhưng thực tế, Private Round trong crypto được gọi vốn gần như đồng thời với Seed Round, nhưng khác về giá token cũng như thời gian vesting.
Vậy làm sao để quyết định VC nào ở vòng nào? Đó là dựa vào giá trị của từng nhà đầu tư có thể đóng góp, cách chơi của VC, mối quan hệ,... mà đội ngũ dự án có thể xem xét đưa các VC vào các vòng phù hợp.
Còn ở Series A, Series B thì rất ít dự án gọi vốn ở những vòng này, có thể một phần do vòng đời của các dự án Crypto khá ngắn, team không có động lực làm tiếp, hoặc tự chính dự án có thể tạo ra doanh thu cho riêng mình. Pre-Seed cũng tương tự Seed Round, chỉ đơn giản là sớm hơn nữa, có thể chưa định hình được tokenomics chẳng hạn.
Thời gian gọi vốn
Vào những năm 2017, dự án thường gọi vốn chỉ với một tấm whitepaper kèm theo ý tưởng. Nhưng từ khi DeFi bùng nổ, Crypto cũng trở nên quen thuộc hơn với nhiều người, trong đó có cả các venture capital. Do đó, để gọi vốn, các dự án không thể chỉ có nói mà cần phải có sản phẩm đã hoạt động, hay đang trong quá trình phát triển.
Không dừng lại ở đó, trong năm 2021 đã bắt đầu xuất hiện hình thức thú vị hơn, đó là dự án hoạt động một thời gian rồi mới bắt đầu gọi vốn, ví dụ như Trader Joe, hay proposal bán SUSHI cho các quỹ đến từ Sushi (nhưng đã không được thông qua).
Việc này nhằm chứng minh mạnh mẽ về tiềm năng của dự án, rằng họ sẽ chấp nhận hoạt động trong thời gian đầu với điều kiện khó khăn, tự bỏ tiền túi ra để phát triển sản phẩm. Sau khi đã có những thành tựu nhất định, họ bắt đầu đi gọi vốn bằng cách bán token với giá discount, hoặc kèm các điều kiện khác.
Ví dụ trường hợp gọi vốn của 1inch vào ngày 1/12/2021, dù họ không phải dự án mới và đã có một lượng lợi nhuận nhất định, nhưng họ vẫn chọn cách discount giá 1INCH về giá 1.5 USD so với giá được giao dịch lúc bấy giờ là khoảng 3.6 USD. Mục đích việc gọi vốn là muốn có thêm tầm nhìn của các quỹ để mở rộng mạng lưới 1inch.
Rủi ro phải đối mặt
Rủi ro của dự án khi chọn Venture Capital
Nếu chọn sai VC, các dự án sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Một số nhà đầu tư chỉ muốn ăn ngắn, khi nhận được token rồi họ sẽ xả bất chấp chart token như thế nào. Mà một khi chart đã bị xấu, cộng đồng khả năng cao cũng sẽ hoảng loạn mà bán tháo theo.
Một trường hợp khác, đó là biết trước tin tức như airdrop, sau đó quỹ cầm rất nhiều tiền vào thực hiện đúng quy trình để có được một lượng lớn token, sau đó xả thu về lợi nhuận. Cách làm này không những không giúp ích cho dự án, mà còn làm nhiều holder chân chính cũng chịu thiệt thòi.
Điển hình là vào khoảng đầu tháng 10 đã xảy ra một sự việc, đó là cộng đồng phát hiện ra một trong những nhà đầu tư seed round của Ribbon là Divergence (đầu tư 25,000 USD), đã biết trước cách thức tham gia airdrop và đã “bội thu” khá nhiều sau khi dump token của dự án.
Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, Divergence cũng đã có động thái tương tự với các dự án như Charm, Cozy, Foundation, Saddle, Arbitrum, Lyra, 1inch,... Dĩ nhiên sau đó, Divergence đã trả lại một phần số tiền là 1.9 triệu USD RBN. Những sự việc này cho thấy, tin tức airdrop đã bị lợi dụng một cách triệt để từ VC, hay ở đây là Divergence.
Rủi ro của Venture Capital trong crypto
Đầu tư không phải lúc nào cũng thuận lợi, bạn đừng nghĩ là quỹ thì luôn luôn có lợi nhuận trong đầu tư. Thực chất, quỹ cũng chỉ là tập hợp một số người có kinh nghiệm, hoạt động tối ưu hơn các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng không phải không có rủi ro.
Điều đầu tiên mình muốn nói, đó là “scam”. Scam ở đây không hẳn là việc dự án ôm tiền bỏ trốn (cũng có nhưng rất ít), mà là việc dự án không thực hiện đúng với lộ trình đưa ra, giả sử như thay vì sau gọi vốn 3 tháng sẽ có sản phẩm, 2 tháng tiếp theo KPI đạt một mốc nhất định, thì đằng này dự án lại làm việc chậm chạp, không có bất kỳ bước tiến trong thời gian dài.
Tiếp theo là việc thua lỗ. Như mình đã nói, không phải deal nào cũng đều mang lại lợi nhuận cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Một số deal tưởng chừng như rất ngon, nhưng gặp phải nhiều yếu tố khách quan mà dẫn đến thua lỗ. Hoặc trường hợp khác, họ đầu tư không phải vì lợi nhuận mà vì một thứ khác, mối quan hệ chẳng hạn.
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư mạo hiểm này sẽ có những cách thức phân bổ, để cho dù họ lỗ các deal này, nhưng lợi nhuận từ deal khác cũng sẽ bù được và còn có lời. Điều này sẽ được nói ở phần tiếp theo.
Các quỹ đầu tư crypto lớn & chiến lược của họ
Dù rằng những cá nhân trong quỹ đều có kiến thức rất vững trong thị trường, nhưng không tránh khỏi mỗi người sẽ có những nhận định riêng, dẫn đến cấu trúc quỹ cũng sẽ khác nhau, chưa kể đến nhiều yếu tố khách quan khác, như mối quan hệ chẳng hạn.
Ví dụ:
- Delphi Digital có tầm nhìn rất tốt ở Layer 1 với các deal “khủng” như Terra và Solana, nhưng nói về Lending thì có vẻ chưa có gì đặc sắc lắm.
- Còn ở Spartan, dù họ không có vị thế ở những dự án Layer 1, nhưng lại chú trọng vào Internet of Blockchain của Cosmos hay Polkadot với nhiều dự án trong 2 hệ sinh thái này.
Và cũng theo trend NFT, Play to Earn, Delphi Digital và Spartan đều có cho mình rất nhiều dự án NFT, Gaming.
Một chiến lược khác, đó là phân bổ vốn. Thông thường các quỹ sẽ chia vốn ra làm nhiều phần để đầu tư theo mục đích khác nhau. Một ví dụ đến từ việc chia sẻ chiến thuật của Not Boring Capital, đó là:
- Core: Dùng 75% tổng Fund cho các dự án chính, có thể hoàn vốn trong Bull case.
- Growth: Chiếm khoảng 20% tổng Fund, đây là các khoản đầu tư khi dự án đã đi được một giai đoạn, nên sẽ an toàn hơn với giá trần thấp hơn và giá sàn cao hơn.
- Explore: Đầu tư một khoảng nhỏ (5 - 10% tổng Fund) để có vị thế trong vòng gọi vốn tiếp theo hoặc tăng deal flow. Lợi nhuận mang lại cao, nhưng cũng rủi ro cao.
Kinh nghiệm chọn Venture Capital
Mình biết đa phần anh em đọc bài này có lẽ đều là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, rất ít người đang làm dự án trong crypto. Tuy nhiên, vào ngày 16/10, Jason Choi - General Partner của Spartan đã có một tweet khá thú vị về cách lựa chọn Venture Capital (VC), có thể sẽ giúp anh em có thêm góc nhìn đa chiều hơn.
Theo Jason, việc gọi vốn rất quan trọng, có thể coi như là chúng ta đang “thuê” nhà đầu tư, nên cần phải bình tĩnh mà thực hiện, không được vội vã. Và như đã nói ở trên, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các dự án cần xem xét kỹ những gì mình nhận được để ra deal cho phù hợp. Nếu deal quá nhỏ dành cho một quỹ quá to, thì đừng mong chờ những sự tư vấn kỹ lưỡng.
Các giá trị mà VC có thể mang đến cho dự án thường là:
- Branding, Marketing để giúp cộng đồng biết về dự án.
- Technical support, hỗ trợ code phụ nếu cần thiết, hoặc có thể tham gia hệ sinh thái các dự án mà quỹ đã đầu tư.
- Mở rộng quan hệ trong ngành.
- Cố vấn về chiến lược phát triển, thiết kết Tokenomics, mô hình dự án,... Ví dụ như cách mà Luke Saunders - CTO của Delphi Digital từng mô tả chính họ: có rất nhiều kinh nghiệm trong cơ chế AMM, và họ đã giúp đỡ rất nhiều trong sự thành công của THORChain (tweet cụ thể ở dưới).
Để hiểu hơn về cách thiết kế Tokenomics hiệu quả, có thể tham khảo bài viết sau: Tokenomics là gì?
Thông thường, các Venture Capital sẽ đưa ra một con số tối thiểu để đầu tư, nhưng tốt nhất đừng đưa cho họ bằng mức tối thiểu đó. VC không chỉ có mình deal của bạn, nên chúng ta không thể đòi hỏi VC dành thời gian cho một dự án bán một allocation quá ít cho mình, so với dự án khác offer cao hơn gấp 10 lần.
Các quỹ thường sẽ rải tiền ở rất nhiều dự án, nên không tránh khỏi việc đầu tư vào dự án đối thủ cùng phân khúc. Nếu chẳng may gặp điều này, bạn hãy liên hệ trực tiếp với quỹ để hỏi về vấn đề này, trong trường hợp không tin tưởng VC sẽ bảo mật thông tin của mình.
Các quỹ liệu có giỏi hơn nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Nhiều người cả mới lẫn lâu năm trong thị trường đều cho rằng quỹ là tập hợp của những bộ óc kiệt xuất trong đầu tư. Tuy nhiên, những sự kiện tiêu cực năm 2022 cho thấy: quỹ đầu tư cũng như mọi người, đầu tư thua lỗ, thậm chí phá sản.
Đầu tiên là sự kiện 3AC sụp đổ: Three Arrows Capital (3AC) là quỹ nổi tiếng trong crypto, những dự án có logo quỹ này trong phần nhà đầu tư thường thu hút cộng đồng. Tuy nhiên, 3AC trong năm 2022 đã mắc một sai lầm lớn, đó là tin vào thuyết Supercycle (đại ý năm 2022 vẫn sẽ tăng tiếp) mà cứ nghiên về phía "long". Ngoài ra, họ cũng thua nặng trong sự kiện Terra sụp đổ.
Tiếp theo là Alameda Research - một quỹ lớn khác của crypto cũng đi đến hồi kết. Vào tháng 11/2022, Coindesk bất ngờ đưa tin về việc bảng cân đối kế toán của sàn giao dịch FTX có vấn đề, từ đó kéo theo sự việc FTX sụp đổ. Và Alameda Research có liên hệ mật thiết với sàn FTX.
Vụ bê bối tài chính của FTX dẫn đến hàng loạt quỹ lớn đầu tư vào sàn này lỗ nặng. Một vài ví dụ như Sequoia đã xem như số tiền đầu tư vào FTX bằng 0, hay trường hợp nhiều quỹ vẫn để tiền trên FTX, và giờ không thể rút tiền.
Tiger Global - quỹ lớn lâu đời ở kinh tế truyền thống, đã mướn công ty Bain & Co tìm hiểu những công ty tiềm năng để đầu tư với giá 100 triệu USD/năm. Sau đó Bain & Co đề xuất FTX, và Tiger Global đã đầu tư 38 triệu USD. Dĩ nhiên số tiền này xem như mất hết.
Qua đó cho thấy, thậm chí họ chi nhiều tiền cho nghiên cứu nhưng vẫn không tìm được lỗ hổng của FTX. Nên đừng "thần thánh" quỹ đầu tư quá mức, vì họ đôi khi cũng giống chúng ta.
Tổng kết
Tương tự các quỹ truyền thống, quỹ trong Crypto không chỉ thu về lợi nhuận, mà còn là nhân tố quan trọng để các dự án phát triển. Nếu không có quỹ, dự án sẽ không có tiền, không có kinh nghiệm, rất khó để tồn tại trong môi trường thay đổi liên tục của crypto.