Hiện nay, Trùng Khánh đang tập trung đẩy nhanh xây dựng thành phố trở thành điểm đến du lịch-văn hóa thế giới, đồng thời trở thành hình mẫu về phát triển văn hóa-du lịch chất lượng cao ở Trung Quốc.
Trong 3 quý đầu năm 2024, Trùng Khánh đã đón 328 triệu lượt du khách, tăng 10,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng du khách nhập cảnh là 760.000 lượt người, tăng 222,4% so cùng kỳ năm ngoái, dự kiến trong năm 2024 sẽ đón khoảng hơn 1 triệu lượt du khách nhập cảnh.
Khác với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, không cổ kính, uy nghiêm như Bắc Kinh, không tráng lệ, hiện đại như Thượng Hải, không phảng phất kiến trúc cổ điển châu Âu như Thiên Tân, Trùng Khánh có nét đặc biệt rất riêng, lạ lẫm mà lại gần gũi đối với những người lần đầu đến thành phố này.
Đến với Trùng Khánh, du khách không thể không check-in cảnh đêm lung linh rực rỡ ánh đèn mang tên Hồng Nhai Động nằm trên con phố giáp với nơi giao nhau của hai dòng sông Trường Giang và Gia Lăng.
Điểm check-in Hồng Nhai Động tuy chỉ dài khoảng gần 100m nhưng là điểm du lịch 4A cấp quốc gia, gồm khu nhà sàn, khu mua sắm với không gian kiến trúc giả cổ được trang trí bởi ánh đèn vàng bắt mắt.
Du khách có thể thưởng thức ẩm thực truyền thống, vui chơi giải trí, mua sắm đồ thủ công mỹ nghệ dân gian. Năm 2023, doanh thu từ dịch vụ văn hóa-du lịch Hồng Nhai Động đạt 21,79 triệu nhân dân tệ.
Mỗi ngày, Hồng Nhai Động đón hàng chục nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm, đặc biệt là vào buổi tối lượng người rất đông, không dễ tìm chỗ đẹp để chụp ảnh check-in.
“Chưa ngắm cảnh đêm là chưa đến Trùng Khánh”, sau khi check-in Hồng Nhai Động, du khách có thể lên thuyền thưởng ngoạn cảnh đêm phố núi Trùng Khánh trên hai dòng sông Trường Giang và Gia Lăng.
Với thời gian khoảng 1 giờ cho hành trình 20km, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố được mệnh danh là “Lưỡng giang tứ ngạn” - đôi dòng sông, bốn bến bờ.
Những công trình kiến trúc hiện đại rực rỡ sắc màu ở hai bên bờ sông chính là hình ảnh thu nhỏ của thành phố Trùng Khánh hiện đại, năng động và phát triển.
Nằm ở vị trí trung tâm thương mại sầm uất nhất thành phố Trùng Khánh, khu phố sáng tạo văn hóa Bắc Thương được cải tạo từ một nhà kho của nhà máy dệt may cũ của thành phố và được công nhận là khu phố hình mẫu về du lịch cấp quốc gia, trở thành điểm check-in mới của giới trẻ khi tới Trùng Khánh.
Khu phố sáng tạo văn hóa Bắc Thương gồm nhiều không gian văn hóa như thư viện thành phố, phòng trưng bày nghệ thuật, điểm trải nghiệm văn hóa, vườn ươm dự án sáng tạo...để xây dựng nơi đây thành một hệ sinh thái sáng tạo trong cách sống và làm việc hiện đại trên nền văn hóa truyền thống.
Du khách tham quan, mua sắm các đồ lưu niệm tại Thư viện Bắc Thương mở cửa 24 giờ trong ngày.
Trùng Khánh được mệnh danh là phố núi miền tây Trung Quốc với tổng diện tích 82.400km2, trong đó 76% là núi, 22% gò, đồi và chỉ có 2% là địa hình bằng phẳng, chênh lệch độ cao lên tới 2.723m. Do đó, ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân tới thành phố này chính là hệ thống đường giao thông đa tầng, hiện đại, phức tạp. Nhiều cầu vượt, cầu cạn trên cao, đường giao thông được xây dựng uốn lượn, quanh co, lên xuống thuận theo thế núi hình sông.
Sau khi ngắm cảnh đêm trên sông, du khách cũng nên trải nghiệm phương tiện giao thông công cộng ở Trùng Khánh. Gọi là đi tàu điện ngầm cũng đúng, hay đường sắt đô thị trên cao cũng không sai, bởi bạn sẽ có trải nghiệm đủ từ cung đường dưới lòng đất, thoáng chốc đã thấy ở đường sắt trên cao vượt qua hẻm núi sâu, rồi lại xuyên vào lòng núi. Với các tuyến xuyên thành phố, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn thành phố, sông Trường Giang, Gia Lăng từ trên cao, thấy được sự hiện đại, năng động của Trùng Khánh.
Một góc đường giao thông với tàu điện chạy bên trên, đường cầu vượt và đường đi bộ ở tầng hai.
Một điểm check-in nổi tiếng khác ở Trùng Khánh là ga Lý Tử Bá thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 của thành phố, nằm sát bên dòng sông Gia Lăng. Đây là ga tàu trên cao đầu tiên ở Trung Quốc nằm trong lòng một tòa nhà chung cư-văn phòng.
Lý Tử Bá không phải là tên riêng chỉ người, mà chỗ này xưa kia trồng nhiều cây mận (lizi-lý tử); từ “bá” có nghĩa là vùng đồng bằng ở khu vực phía tây nam Trung Quốc, sau này có thêm nghĩa là công trình đê điều chống lũ.
Để đáp ứng nhu cầu check-in của du khách, chính quyền địa phương đã xây dựng một đài quan sát, quảng trường để mọi người có thể chụp ảnh lúc đoàn tàu ra vào ga chung cư.
Du khách cũng có thể đến công viên Hoàng Giác Loan để chụp ảnh check-in nút giao cầu vượt lớn nhất, phức tạp nhất thành phố Trùng Khánh.
Núi giao cầu vượt Hoàng Giác Loan gồm 5 tầng cao 37m, với 20 đường nhánh tỏa đi 8 hướng.