Nguyên tắc sử dụng vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh cho người được tiêm chủng. Việc sử dụng vắc xin đúng cách không chỉ giúp cơ thể tạo ra miễn dịch tối ưu mà còn giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn, khai thác tối đa lợi ích mà vắc xin mang lại trong bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
Tìm hiểu cơ bản về vắc xin
1. Khái niệm
Vắc xin là chế phẩm sinh học được sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh hoặc các yếu tố có cấu trúc kháng nguyên tương tự, đã được xử lý để đảm bảo tính an toàn trong quá trình sử dụng. Khi được tiêm vào cơ thể, vắc xin kích thích hệ miễn dịch sản sinh các kháng thể, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như virus và vi khuẩn.
Các thành phần trong vắc xin đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả và độ an toàn của sản phẩm. Các thành phần cơ bản của vắc xin bao gồm:
- Kháng nguyên: Đây là các virus hoặc vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoặc làm yếu đi, giúp hệ miễn dịch nhận diện và tạo phản ứng chống lại mầm bệnh.
- Chất bổ trợ: Tăng cường phản ứng miễn dịch, giúp vắc xin hoạt động mạnh mẽ hơn.
- Chất bảo quản: Giúp duy trì chất lượng vắc xin và đảm bảo sự an toàn khi sử dụng.
- Chất ổn định: Bảo vệ vắc xin khỏi sự biến đổi trong quá trình vận chuyển và lưu trữ.
2. Cơ chế hoạt động
Cơ chế hoạt động của vắc xin dựa trên nguyên lý kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và chống lại các tác nhân gây bệnh mà không gây ra bệnh cho người tiêm. Khi vắc xin được tiêm vào cơ thể, nó sẽ cung cấp cho hệ miễn dịch một “mẫu” của tác nhân gây bệnh, thường là virus hoặc vi khuẩn đã được làm yếu, bất hoạt hoặc một phần của chúng, chẳng hạn như protein hoặc kháng nguyên. Các thành phần này không đủ mạnh để gây bệnh nhưng đủ để hệ miễn dịch nhận diện và ghi nhớ.
Sau khi vắc xin đi vào cơ thể, hệ miễn dịch bắt đầu quá trình nhận diện các yếu tố ngoại lai (kháng nguyên) thông qua các tế bào chuyên trách như tế bào miễn dịch lympho B và tế bào T. Tế bào lympho B sản sinh ra kháng thể, các protein đặc biệt có khả năng nhận diện và gắn vào các yếu tố gây bệnh, ngăn không cho chúng tấn công cơ thể. Tế bào T giúp tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh và hỗ trợ điều phối phản ứng miễn dịch.
Đặc biệt, khi cơ thể gặp lại tác nhân gây bệnh trong tương lai, hệ miễn dịch đã “ghi nhớ” các đặc điểm của mầm bệnh thông qua một quá trình “ghi nhớ miễn dịch”. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, giúp cơ thể chống lại bệnh hiệu quả hơn và giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh.
3. Các loại vắc xin phổ biến (công nghệ)
Vắc xin là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của y học, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát nhiều bệnh dịch nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của mỗi cá thể.
Ngày này, với sự tiến bộ của khoa học, các nhà nghiên cứu đã nhận diện được vô số tác nhân gây bệnh cùng cơ chế lây truyền phức tạp. Để tăng cường hiệu quả phòng bệnh, vắc xin đã được phát triển dựa trên nhiều công nghệ hiện đại, phù hợp với đặc tính của từng loại vi sinh vật và cách thức gây bệnh để tối ưu hóa hiệu quả và tính an toàn. Dưới đây là các loại vắc xin phổ biến theo công nghệ sản xuất:
3.1. Vắc xin bất hoạt
Vắc xin bất hoạt là loại vắc xin được chế tạo từ các vi sinh vật (virus hoặc vi khuẩn) đã bị tiêu diệt hoặc làm mất khả năng gây bệnh. Những vi sinh vật này được xử lý bằng các phương pháp như nhiệt hoặc hóa chất, khiến chúng không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ được các cấu trúc kháng nguyên quan trọng. Khi tiêm vào cơ thể, vắc xin bất hoạt không có khả năng gây bệnh, nhưng các kháng nguyên từ vi sinh vật chết vẫn đủ để kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng bảo vệ.
Cơ chế hoạt động của vắc xin bất hoạt chủ yếu dựa trên việc hệ miễn dịch nhận diện và ghi nhớ các kháng nguyên từ vi sinh vật đã bị tiêu diệt. Khi cơ thể gặp lại tác nhân gây bệnh thực tế sau này, hệ miễn dịch sẽ phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn nhờ vào những “ký ức” mà vắc xin tạo ra.
Tuy nhiên, vì vắc xin bất hoạt chỉ chứa các vi sinh vật đã bị tiêu diệt, phản ứng miễn dịch của nó có thể không mạnh mẽ và bền vững như vắc xin sống. Vì vậy, vắc xin bất hoạt thường yêu cầu tiêm nhiều mũi để duy trì hiệu quả bảo vệ lâu dài.
3.2. Vắc xin sống giảm độc lực
Vắc xin sống giảm độc lực là loại vắc xin được điều chế từ vi sinh vật (virus hoặc vi khuẩn) sống nhưng đã được xử lý để làm yếu đi khả năng gây bệnh nhưng vẫn đủ mạnh để kích thích hệ miễn dịch. Khi tiêm vào cơ thể, vắc xin sống giảm độc lực tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ giúp cơ thể nhận diện và tạo kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Một trong những ưu điểm nổi bật của vắc xin sống giảm độc lực là khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả và kéo dài, nhờ vào việc kích thích hệ miễn dịch tương tự như khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh thật. Điều này giúp vắc xin sống giảm độc lực mang lại sự bảo vệ lâu dài với ít mũi tiêm hơn so với vắc xin bất hoạt.
Tuy nhiên, vắc xin sống giảm độc lực có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ do chính sự sinh sôi của vi sinh vật trong cơ thể. Do đó, những người có tình trạng suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai không nên sử dụng loại vắc xin này.
3.3. Vắc xin tiểu đơn vị
Vắc xin tiểu đơn vị là loại vắc xin được chế tạo từ các thành phần cụ thể của vi sinh vật, thường là protein hoặc kháng nguyên bề mặt, thay vì sử dụng toàn bộ virus hoặc vi khuẩn. Những thành phần này được chọn lọc và xử lý để kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng bảo vệ mà không đưa toàn bộ mầm bệnh vào cơ thể.
Ưu điểm của vắc xin tiểu đơn vị là an toàn, ít gây phản ứng và có thể sử dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính… Tuy nhiên, nhược điểm của loại vắc xin này là yêu cầu tiêm nhắc lại theo lịch khuyến cáo để duy trì hiệu quả bảo vệ trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
3.4. Vắc xin giải độc tố
Vắc xin giải độc tố là loại vắc xin được sản xuất từ các độc tố do vi khuẩn tiết ra, đã được xử lý để mất đi khả năng gây hại nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc kháng nguyên. Khi tiêm vào cơ thể, vắc xin kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu để vô hiệu hóa độc tố nếu cơ thể gặp phải chúng trong tương lai.
Loại vắc xin này tập trung vào việc ngăn ngừa các bệnh gây ra bởi độc tố vi khuẩn, chẳng hạn như uốn ván và bạch hầu. Với ưu điểm an toàn cao và hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại tác hại của độc tố, vắc xin giải độc tố thường được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong các chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần tiêm nhắc lại theo lịch trình khuyến cáo.
3.5. Vắc xin mRNA
Vắc xin mRNA là bước tiến vượt bậc trong công nghệ vắc xin bằng cách sử dụng một đoạn vật liệu di truyền (mRNA) để hướng dẫn tế bào cơ thể sản xuất kháng nguyên giống với một phần của virus gây bệnh. Kháng nguyên này sau đó kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng bảo vệ, bao gồm việc sản sinh kháng thể và ghi nhớ để chống lại tác nhân gây bệnh thực sự.
Vắc xin mRNA không chứa virus sống, giúp đảm bảo an toàn và loại bỏ nguy cơ gây bệnh. Công nghệ này cho phép sản xuất vắc xin nhanh chóng và dễ dàng điều chỉnh để ứng phó với các biến thể virus mới. Tuy nhiên, chúng yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt để đảm bảo tính ổn định như vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna.
3.6. Vắc xin vector virus
Vắc xin vector virus là loại vắc xin sử dụng một loại virus vô hại làm “vector” (vật mang) để đưa gen mã hóa kháng nguyên của mầm bệnh vào cơ thể. Khi tiêm vắc xin, vector virus xâm nhập vào tế bào và hướng dẫn chúng sản xuất kháng nguyên, từ đó kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng bảo vệ.
Loại vắc xin này không chứa virus gây bệnh, đảm bảo an toàn và khả năng kích thích miễn dịch mạnh mẽ. Vắc xin vector virus có ưu điểm là dễ sản xuất và có thể được thiết kế nhanh chóng để ứng phó với các mầm bệnh mới. Tuy nhiên, một số người có thể có miễn dịch từ trước với virus vector, ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin.
3.7. Vắc xin DNA
Vắc xin DNA là loại vắc xin sử dụng một đoạn DNA chứa gen mã hóa kháng nguyên của mầm bệnh để kích thích hệ miễn dịch. Khi tiêm vào cơ thể, đoạn DNA này xâm nhập vào tế bào, hướng dẫn tế bào sản xuất kháng nguyên tương tự mầm bệnh, giúp hệ miễn dịch nhận diện và tạo kháng thể bảo vệ.
Tóm lại, các công nghệ sản xuất vắc xin hiện đại không chỉ nâng cao hiệu quả phòng bệnh mà còn giảm thiểu rủi ro và cải thiện khả năng tiếp cận vắc xin trên toàn cầu. Mỗi loại vắc xin phù hợp với các nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các nguyên tắc sử dụng vắc xin quan trọng
1. Tiêm vắc xin đúng đối tượng
Tiêm vắc xin đúng đối tượng là một trong số nguyên tắc sử dụng vắc xin quan trọng nhằm đảm bảo hiệu quả phòng bệnh và an toàn khi tiêm chủng. Mỗi loại vắc xin được thiết kế dành cho một hoặc nhiều nhóm đối tượng cụ thể dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nguy cơ phơi nhiễm bệnh.
Ví dụ, vắc xin lao (BCG) và viêm gan B được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh, trong khi vắc xin HPV phù hợp cho nam giới và nữ giới, từ 9 đến 45 tuổi. Ngoài ra, đối với những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt như phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc mắc bệnh nền mạn tính, cần được khám sàng lọc, đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ để tránh tiêm những loại vắc xin chống chỉ định.
Tiêm đúng đối tượng không chỉ tối ưu hóa khả năng tạo miễn dịch mà còn giảm thiểu nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ hoặc biến chứng nghiêm trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng một cách an toàn và hiệu quả.
2. Tiêm vaccine đúng lịch
Bên cạnh yếu tố tiêm vắc xin đúng đối tượng, tiêm vắc xin đúng lịch cũng là nguyên tắc sử dụng vắc xin quan trọng để giúp tối ưu hiệu quả phòng bệnh và đảm bảo an toàn cho người tiêm chủng.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết mỗi loại vắc xin đều có lịch tiêm cụ thể được thiết kế dựa trên nghiên cứu khoa học, phù hợp với độ tuổi và thời điểm cơ thể có khả năng đáp ứng miễn dịch tốt nhất. Việc tiêm đúng lịch không chỉ đảm bảo cơ thể kịp thời tạo ra kháng thể bảo vệ mà còn giúp duy trì miễn dịch ở mức tối ưu trong suốt thời gian dài.
Đặc biệt, đối với các loại vắc xin cần tiêm nhắc lại, việc tuân thủ lịch tiêm là rất cần thiết để duy trì hiệu quả bảo vệ. Ngoài ra, tiêm đúng lịch còn góp phần vào việc kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng, hạn chế nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
3. An toàn tiêm chủng
An toàn tiêm chủng là nguyên tắc hàng đầu trong cách sử dụng vắc xin, đảm bảo mỗi cá thể tiêm vắc xin sẽ không gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng và có trải nghiệm tiêm chủng an toàn. Để đảm bảo an toàn, trước khi tiêm, người tiêm cần được khám sàng lọc kỹ lưỡng để xác định tình trạng sức khỏe và phát hiện các yếu tố nguy cơ như dị ứng với thành phần của vắc xin, bệnh nền hoặc tình trạng sức khỏe không đủ điều kiện để tiến hành tiêm vắc xin.
Ngoài ra, vắc xin phải được sử dụng trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, đúng nhiệt độ và đúng quy trình để duy trì tính hiệu quả và an toàn.
Sau khi tiêm, người được tiêm cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các phản ứng phụ (nếu có) và có biện pháp xử lý kịp thời. Các tác dụng phụ thường gặp sau tiêm như sốt nhẹ, đau tại vết tiêm là phản ứng thông thường, sẽ thuyên giảm sau khoảng 1 - 2 ngày mà không cần can thiệp điều trị.
Tuy nhiên, nếu người tiêm xuất hiện các dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng như sốt cao co giật, sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường, khó thở, sốc phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngưng thở… thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.
4. Xử trí các phản ứng sau tiêm
Xử trí các phản ứng sau tiêm vắc xin là một phần quan trọng trong quá trình tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho người tiêm. Phản ứng sau tiêm thường gặp là những triệu chứng nhẹ và tạm thời như đau, sưng tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi hoặc phát ban. Để xử trí, người tiêm có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol (nếu cần) và áp dụng chườm lạnh xung quanh vị trí tiêm để giảm sưng tấy. Ngoài ra, việc nghỉ ngơi và duy trì chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện phản ứng nghiêm trọng hơn như phản ứng dị ứng (phản vệ) với các triệu chứng như khó thở, phù mặt, tay chân hoặc da phát ban nặng. Những trường hợp này cần được xử lý ngay lập tức bằng cách đưa người tiêm đến cơ sở y tế để cấp cứu và sử dụng thuốc như epinephrine (adrenaline) để giảm phản ứng dị ứng. Việc xử trí kịp thời và đúng cách các phản ứng sau tiêm không chỉ giúp giảm bớt sự lo lắng của người tiêm mà còn bảo vệ sức khỏe, giúp quá trình tiêm chủng trở nên an toàn và hiệu quả hơn.
5. Bảo quản vắc xin đúng cách
Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp từ 2 - 8°C và cần tránh để vắc xin tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc ánh sáng trực tiếp, điều này có thể làm giảm hiệu lực hoặc gây hỏng vắc xin. Trong quá trình vận chuyển, vắc xin phải được vận chuyển bằng hệ thống xe lạnh thiết kế đặc biệt để đảm bảo tính toàn vẹn của vắc xin trong suốt quá trình vận chuyển ở điều kiện nhiệt độ lý tưởng.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, vắc xin không được sử dụng nếu đã hết hạn sử dụng hoặc nếu có dấu hiệu hư hỏng như vắc xin bị đông cứng, đổi màu hoặc có sự thay đổi về cấu trúc. Việc bảo quản đúng cách không chỉ đảm bảo vắc xin duy trì được chất lượng mà còn giúp tối ưu hóa hiệu quả phòng bệnh, góp phần vào thành công của các chương trình tiêm chủng toàn cầu.
VNVC - Nơi đảm bảo các nguyên tắc sử dụng vắc xin
Với mạng lưới hàng trăm trung tâm tiêm chủng cao cấp trải dài khắp cả nước, VNVC là địa chỉ tin cậy được hàng triệu gia đình tin tưởng lựa chọn bởi luôn đề cao, chú trọng trong việc đảm bảo các nguyên tắc sử dụng vắc xin để đảm bảo an toàn cho Khách hàng.
Hệ thống tiêm chủng VNVC tự hào sở hữu hệ thống dây chuyền lạnh (Cold Chain) hiện đại, gồm hệ thống hàng trăm kho vắc xin đạt tiêu chuẩn GSP chất lượng quốc tế, quy mô lớn trên toàn quốc; hệ thống gần 40 xe lạnh GSP, trang thiết bị vận chuyển lạnh vận hành toàn quốc cùng hệ thống tủ bảo quản vắc xin tại mỗi phòng tiêm. Nhờ đó VNVC sở hữu khả năng lưu trữ hơn 400 triệu liều vắc xin trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt từ 2 - 8 độ C, bảo đảm chất lượng cao nhất theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất.
Tại VNVC, mọi Khách hàng đều được trải nghiệm dịch vụ tiêm chủng an toàn, uy tín, chất lượng. Trước khi tiêm, các bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ tiến hành thăm khám sàng lọc cẩn thận để đưa ra chỉ định tiêm phù hợp với nhu cầu tiêm ngừa, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý, lịch sử tiêm ngừa… Trong quá trình tiêm, điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm êm ái, nhẹ nhàng, chính xác, chuẩn chuyên môn, kể cả những loại vắc xin “khó tiêm” như vắc xin sốt xuất huyết, đảm bảo quy trình tuân thủ chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm, Khách hàng được yêu cầu ở lại khu vực theo dõi ít nhất 30 phút để quan sát các phản ứng sau tiêm và được hỗ trợ xử lý kịp thời nếu cần. Đồng thời, điều dưỡng cũng cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc tại nhà trong 24 - 48 giờ tiếp theo, đảm bảo mang đến sự yên tâm tuyệt đối cho Khách hàng.
Để hỗ trợ người dân, đặc biệt những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, VNVC triển khai nhiều chương trình ưu đãi thiết thực như hỗ trợ giá vắc xin, thiết kế các combo và gói tiêm chủng tiết kiệm. VNVC cũng đã thực hiện tiêm miễn phí hàng triệu liều vắc xin phòng cúm, lao, viêm gan B, uốn ván… Đồng thời, hệ thống còn áp dụng các giải pháp tài chính linh hoạt như tiêm trước - thanh toán sau không lãi suất, trả góp 0% qua ngân hàng trong 6 tháng hoặc cho phép Khách hàng chia nhỏ chi phí thanh toán theo từng lần tiêm.
Bên cạnh đó, VNVC luôn giữ vững cam kết bình ổn giá, không tăng giá ngay cả khi vắc xin trên thị trường khan hiếm. Mọi Khách hàng, dù tiêm lẻ hay trọn gói, đều được miễn phí hoàn toàn dịch vụ khám và tư vấn trước tiêm bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Ngoài ra, Khách hàng còn được tận hưởng các tiện ích miễn phí khác như wifi tốc độ cao, nước uống, hỗ trợ phí hoặc miễn phí gửi xe, tã, bỉm chất lượng cao… đảm bảo mang lại trải nghiệm trọn vẹn và an tâm cho Khách hàng.
Những lầm tưởng về vắc xin thường gặp
1. Vắc xin là nguyên nhân gây ra tự kỷ, ung thư
Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến về vắc xin là chúng có thể gây ra tự kỷ hoặc ung thư. Sai lầm này bắt nguồn từ một nghiên cứu năm 1998 của Andrew Wakefield, trong đó tuyên bố mối liên hệ giữa vắc xin MMR (sởi - quai bị - rubella) và chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã bị bác bỏ hoàn toàn do sai phạm nghiêm trọng trong phương pháp nghiên cứu và dữ liệu không chính xác.
Nhiều nghiên cứu quy mô lớn sau đó, bao gồm cả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã khẳng định không có mối liên hệ nào giữa vắc xin và tự kỷ.
Tương tự, một số người lo ngại rằng vắc xin chứa chất bảo quản hoặc tá dược có thể gây ung thư. Trên thực tế, các thành phần trong vắc xin được nghiên cứu và kiểm nghiệm kỹ lưỡng trước khi được sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. Các cơ quan y tế hàng đầu thế giới đã nhiều lần xác nhận rằng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin gây ung thư.
Chuyên gia cho biết, những hiểu lầm này có thể khiến nhiều người lo ngại và từ chối tiêm chủng, làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Việc tiếp cận thông tin chính xác từ các nguồn đáng tin cậy và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
2. Không cần tiêm các vắc xin phòng bệnh thông thường
Bên cạnh lầm tưởng vắc xin là nguyên nhân gây ra tự kỷ, ung thư, cũng có một số ý kiến cho rằng không cần tiêm các vắc xin phòng bệnh thông thường bởi chỉ những bệnh nghiêm trọng mới cần tiêm phòng. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Đặc biệt khi các bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà, quai bị và viêm gan vẫn tồn tại và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng giảm xuống.
Hơn nữa, tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ người tiêm mà còn giúp tạo ra “miễn dịch cộng đồng” vững chắc, ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong xã hội. Việc bỏ qua các vắc xin phòng bệnh thông thường có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại của các dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng và tạo gánh nặng cho hệ thống y tế. Do đó, việc tiêm đầy đủ các vắc xin phòng bệnh thông thường là rất quan trọng, không chỉ cho bản thân mà còn vì lợi ích của cộng đồng.
3. Có phải chỉ cần tiêm vắc xin là đủ?
Một lầm tưởng phổ biến khác về vắc xin là chỉ cần tiêm vắc xin là đủ để bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh tật. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm vì tiêm vắc xin chỉ là một phần trong việc duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Mặc dù vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, nhưng không thể chỉ dựa vào vắc xin mà bỏ qua các biện pháp bảo vệ sức khỏe khác.
Tiêm vắc xin giúp cơ thể tạo ra miễn dịch, nhưng hiệu quả của vắc xin có thể giảm theo thời gian hoặc do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus như trường hợp của bệnh cúm hay Covid-19. Do đó, việc tiêm nhắc lại vắc xin theo khuyến cáo của các tổ chức y tế là rất quan trọng để duy trì hiệu quả bảo vệ lâu dài.
Việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và giữ vệ sinh cá nhân tốt vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong việc tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, đối với một số bệnh, vắc xin chỉ bảo vệ một phần và không đảm bảo 100% hiệu quả, do đó, các biện pháp phòng ngừa bổ sung như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, vẫn cần được thực hiện, đặc biệt trong mùa dịch bệnh.
Các mốc quan trọng cần tiêm vắc xin
1. Tiêm ngừa cho trẻ em
Trẻ em là nhóm tuổi nhạy cảm nhất, đặc biệt trong những năm đầu đời khi hệ miễn dịch còn chưa phát triển đầy đủ. Ở giai đoạn này, cơ thể trẻ chưa thể tự sản xuất đủ kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
Không chỉ vậy, trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với môi trường đông đúc như nhà trẻ, trường học - nơi dễ bùng phát các dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Nếu không được bảo vệ kịp thời bằng vắc xin, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh nặng, để lại biến chứng lâu dài, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, tiêm chủng cho trẻ em là bước khởi đầu không thể thiếu để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ.
2. Tiêm phòng trong thai kỳ
Thai kỳ là thời điểm phụ nữ đối mặt với nhiều thay đổi lớn trong cơ thể, bao gồm cả sự suy giảm miễn dịch tự nhiên. Điều này khiến mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng hơn và khi mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng thường cao hơn so với người bình thường. Các bệnh nhiễm trùng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây nguy hiểm cho thai nhi, bao gồm nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non hoặc thậm chí tử vong.
Việc tiêm vắc xin trong thai kỳ không chỉ bảo vệ người mẹ mà còn giúp thai nhi nhận được kháng thể từ mẹ qua nhau thai, cung cấp lớp bảo vệ quan trọng cho bé trong những tháng đầu đời. Đây là giai đoạn trẻ chưa đủ sức đề kháng để tự chống lại các bệnh truyền nhiễm và cũng chưa đủ tuổi để tiêm chủng. Vì vậy, tiêm ngừa trong thai kỳ là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con, đồng thời giảm nguy cơ bệnh tật sau khi bé chào đời.
3. Tiêm chủng cho người lớn tuổi
Người lớn tuổi, đặc biệt là từ 50 tuổi trở lên, thường trải qua sự suy giảm của hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Sự lão hóa khiến cơ thể không còn khả năng đối phó tốt với các tác nhân gây bệnh, dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm cao hơn. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm tăng thêm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm bệnh.
Tiêm vắc xin ở giai đoạn này là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và tránh được những biến chứng nặng nề, giúp người lớn tuổi duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, việc tiêm chủng còn giúp giảm gánh nặng chăm sóc cho gia đình và xã hội, đặc biệt khi người cao tuổi là nhóm dễ tổn thương trước các dịch bệnh nguy hiểm.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề cách sử dụng vắc xin, quý Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với VNVC thông qua hotline 028.7102.6595 hoặc inbox qua fanpage VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em Người lớn hoặc đến ngay các trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc để được nhân viên chăm sóc Khách hàng hướng dẫn chi tiết, được bác sĩ thăm khám sàng lọc, tư vấn sức khỏe và chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Tra cứu trung tâm tiêm chủng VNVC gần nhất tại đây.
Tóm lại, nguyên tắc sử dụng vắc xin là rất quan trọng giúp đảm bảo hiệu quả và an toàn trong việc phòng ngừa bệnh tật. Việc tiêm vắc xin đúng đối tượng, đúng lịch và đảm bảo an toàn tiêm chủng là những yếu tố cơ bản để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất.
Ngoài ra, việc xử trí các phản ứng sau tiêm và bảo quản vắc xin đúng cách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng vắc xin và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sử dụng vắc xin này không chỉ giúp cá nhân được bảo vệ khỏi các bệnh nguy hiểm mà còn góp phần tạo nên miễn dịch cộng đồng, bảo vệ toàn xã hội khỏi sự bùng phát của dịch bệnh.