(Sóng trẻ) - Tái chế đồ jean cũ thành túi xách, balo,… là công việc thường ngày của chị Nguyễn Thị Hải Yến, người sáng lập Mèo Tôm Handmade. 10 năm theo đuổi hành trình tái chế, chị Yến đã góp phần lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng.
Gắn đam mê với chất liệu jean cũ
Xuất phát điểm là sinh viên ngành Công tác xã hội, ngành học này có ảnh hưởng gì đến quyết định đi theo con đường thời trang tái chế từ jean cũ của chị hay không?
Tôi là một người rất đam mê những món đồ handmade, đặc biệt là túi xách. Từ khi còn là sinh viên, tôi đã tự mày mò tạo ra những chiếc túi độc đáo và có tính handmade cao. Sau khi ra trường, tôi quyết định về quê để tạo lập một thương hiệu túi xách riêng.
Đồng thời, bản thân cũng học Công tác xã hội, nên tôi mong muốn các sản phẩm của mình phần nào mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chính vì thế, tôi muốn tạo ra một dòng túi xách có tính sáng tạo cao, được may từ nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường thay vì từ vải mới.
Sau một thời gian tìm kiếm và trải nghiệm, vải jean tái chế là nguồn nguyên liệu được chọn lựa. Bên cạnh thỏa mãn đam mê sáng tạo, việc sử dụng quần jean cũ cũng góp phần giảm thiểu rác thải thời trang ra môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chính vì ý nghĩa nhân văn ấy mà tôi đã quyết định theo đuổi thương hiệu thời trang, túi xách tái chế từ đồ cũ.
Các sản phẩm ở đây đều là jean đã qua sử dụng, liệu chúng còn đủ độ bền và sử dụng được trong thời gian dài nữa không?
Quần jean cũ là chất liệu rất phù hợp để may túi. Bản chất của jean là rất bền, cùng với độ đanh và độ co giãn của vải sẽ rất thích hợp để làm ra những chiếc túi xách có độ bền cao. Hơn nữa, việc tận dụng và trao cho những chiếc quần jean "một vòng đời mới" còn tránh lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có.
Khi may túi, chúng tôi cũng chọn lọc những mảnh vải mới nhất trong chiếc quần và ghép lại với nhau. Vì vậy, các sản phẩm vẫn có độ sử dụng cao, thậm chí lên tới vài năm hoặc lâu hơn, và đảm bảo được sự bền vững trong thời trang.
Những chiếc túi xách tái chế từ jean cũ, ngoài tính thân thiện với môi trường thì còn đặc điểm nào đặc biệt hơn những chiếc túi thông thường không, thưa chị?
Khách hàng khi nhìn thấy những chiếc túi này thường khá thích thú bởi trông vừa lạ lại vừa quen. Bởi chúng tôi đã mang những họa tiết đặc trưng từ quần jean thiết kế và tạo thành hoạ tiết chính của túi xách. Chính vì vậy, mỗi chiếc túi làm từ jean cũ chính là một phiên bản giới hạn. Đó cũng là điểm đặc biệt thu hút của túi xách tái chế.
Ngoài ra, đối với tôi, mỗi chiếc túi cũng là một “đại sứ môi trường”. Khách hàng thông qua việc sở hữu và chia sẻ lại câu chuyện về túi xách tái chế, góp phần đưa lối sống xanh lan tỏa rộng hơn đến cộng đồng.
Lan tỏa lối sống xanh
Khi mới bắt đầu, Mèo Tôm Handmade là cơ sở tiên phong trong việc tái chế jean. Khi ấy chị có được nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ mọi người xung quanh?
Ở thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, tái chế jean vẫn là cụm từ khá mới mẻ với thị trường Việt Nam, hầu như chưa có bên nào đi theo hướng chuyên nghiệp với độ thẩm mỹ cao. Đến hiện tại, rác thải thời trang trở thành vấn đề nan giải thì việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Vì vậy, tôi cũng được truyền thông quan tâm và thương hiệu được lan tỏa tới nhiều người hơn.
Thời gian đầu, tôi luôn mong ước thật nhiều người biết đến túi jean tái chế, ai cũng có thể tự tin xách túi trong mọi trường hợp. Bền bỉ mấy năm, giờ đi đâu tôi cũng không phải giới thiệu dài nữa vì nhiều người còn nắm rõ chiếc túi hơn cả mình. Đó cũng là một phần tự hào trong hành trình của tôi vì đã góp phần mang túi tái chế đến gần hơn với cộng đồng
Biết được đam mê và mục đích của tôi, người thân, gia đình và bạn bè xung quanh cũng ủng hộ, hỗ trợ tôi rất nhiều từ những ngày Mèo Tôm Handmade chưa chính thức ra đời. Để phát triển đến ngày hôm nay, tôi cảm thấy may mắn vì vẫn nhận được sự giúp đỡ từ người thân, bên cạnh đó là sự tin tưởng từ khách hàng, những người đến với Mèo Tôm qua tình yêu với những chiếc túi xách tái chế.
Hiện nay có rất nhiều cơ sở tái chế jean, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Chị Yến đã cùng cộng sự đã làm cách nào để tạo ra sự khác biệt cho Mèo Tôm Handmade?
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều bên tái chế với mẫu mã đa dạng, đó cũng là tín hiệu tích cực về việc lối sống xanh đang ngày càng phổ biến. Nhờ đó, việc sáng tạo thời trang tái chế như chúng tôi cũng có nhiều điều kiện để phát triển hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy cần phải nỗ lực hơn nữa, tạo ra những mẫu túi chất lượng cao hơn. Chúng tôi sẽ phải tỉ mỉ hơn trong các chi tiết để chiếc túi đến với tay người tiêu dùng sẽ là sản phẩm hoàn hảo với độ bền và độ thẩm mỹ cao nhất. Ngoài ra, mỗi chiếc túi cũng mang phong cách riêng mà chỉ Mèo Tôm mới có để tạo dấu ấn, dù trên thị trường có nhiều túi xách tái chế thì cũng không thể nào bị lẫn được.
Ngoài việc thiết kế và sản xuất ra những sản phẩm tái chế từ jean, Mèo Tôm Handmade cũng tổ chức rất nhiều workshop miễn phí để giúp mọi người nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh. Chị có thể chia sẻ thêm về hành trình này được không?
Ngoài việc kinh doanh túi xách. chúng tôi cũng thường tổ chức workshop để lan tỏa tinh thần tái chế này tới nhiều người hơn. Chúng tôi kết nối với nhiều sinh viên, câu lạc bộ của các trường đại học hoặc tự tổ chức tại trung tâm thương mại. Mục đích là lan tỏa việc tái chế quần jean cũ, các món đồ cũ tới nhiều người hơn.
Sau khi tham gia workshop với Mèo Tôm Handmade, mọi người có thể phần nào thay đổi cách nghĩ về công dụng của chiếc quần jean cũ: Chiếc quần này còn có thể làm được gì, chúng ta sẽ làm gì với nó thay vì vứt đi ngay? Bên cạnh đó, mọi người càng thêm yêu mến những chiếc túi xách tái chế nói riêng và các món đồ handmade nói chung. Hơn hết, khi gặp gỡ, giao lưu với mọi người, tôi cũng được tiếp thêm động lực trong việc tái chế và "giải cứu" nhiều chiếc quần jean cũ.
Mèo Tôm Handmade không chỉ có mặt ở trong nước mà còn có mặt ở một số nước châu Âu. Chắc hẳn đây là quá trình không dễ dàng, chị làm cách nào để tiếp cận được nhóm khách hàng ngoại quốc?
Hiện nay, ngoài sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, chúng tôi cũng đang tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Âu. Quá trình đưa sản phẩm "vươn ra biển lớn" gặp khá nhiều khó khăn. Thông qua các kênh thứ ba, chúng tôi cố gắng tìm hiểu nhu cầu, sở thích của khách hàng châu Âu để đưa sản phẩm của Mèo Tôm đến gần hơn với mọi người.
Chúng tôi cũng bày bán sản phẩm tại một số trung tâm thương mại nước ngoài nhằm tiếp cận nhiều hơn với khách hàng châu Mỹ, Áo, Đức, Pháp. May mắn là túi xách mang thương hiệu Mèo Tôm Handmade đã có cơ hội tham gia một show diễn thời trang và được bạn bè quốc tế ủng hộ tích cực.
Tiếp tục với đam mê lớn
Động lực nào đã giúp chị kiên trì với công việc này đến ngày hôm nay và tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai?
Từ khi bắt đầu, tôi đã rất yêu đồ handmade. Trong quá trình sản xuất những chiếc túi xách, tôi cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ người thân, bạn bè trên Facebook, và niềm yêu thích từ khách hàng. Giờ đây, tôi đã có thể tạo ra thu nhập cho một số chị em phụ nữ xung quanh. Tất cả đều là động lực lớn lao giúp tôi phát triển và mong muốn được phát triển hơn nữa để giúp đỡ cho nhiều người và kiến tạo giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Trong tương lai, chị có dự định nào để tiếp tục phát triển Mèo Tôm Handmade?
Trong tương lai, Mèo Tôm mong muốn phát triển thương hiệu túi xách tái chế tại nước ngoài. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng mong muốn kết hợp với một số nguồn nguyên liệu tái chế khác để tạo nên nhiều chiếc túi đa dạng hơn về mẫu mã và chất liệu.
Tôi dự định sẽ tạo nên dòng sản phẩm mới với đặc trưng của jean, bên cạnh đó là mang thêm những nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam, đưa bản sắc Việt ra thế giới.
Vậy còn hành trình lan tỏa lối sống xanh đến giới trẻ và cộng đồng thì sẽ thế nào, thưa chị?
Ngoài ra, Mèo Tôm cũng mong muốn có thể tổ chức nhiều buổi workshop hơn nữa để lan tỏa về các món đồ handmade cũng như phụ kiện thời trang từ vật liệu tái chế, sâu xa hơn là truyền cảm hứng sống xanh đến cộng đồng.
Với chị, Mèo Tôm Handmade có ý nghĩa như thế nào?
Với tôi, Mèo Tôm Hanmade không chỉ là một dự án khởi nghiệp bình thường, mà còn là sự đam mê lớn lao bởi tôi đã dùng tuổi trẻ để phấn đấu, nỗ lực. Và cũng nhờ đam mê ấy, tôi đã đạt được thành quả như ngày hôm nay. Đó là cả một thời thanh xuân của tôi.
Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ này!