Cùng tìm hiểu về các khái niệm và lý thuyết xoay quanh thuật ngữ “Người có ảnh hưởng” (hay còn được gọi trong tiếng Anh là Influencer) như: Người có sức ảnh hưởng là gì? Họ là ai? Phân loại Người có ảnh hưởng (Người ảnh hưởng, Người có sức ảnh hưởng)? Tìm hiểu về nghề Người có ảnh hưởng trên mạng? Vai trò của Người có ảnh hưởng đối với thương hiệu hay các hoạt động marketing?
Được nổi lên chủ yếu dưới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay Instagram, thuật ngữ hay cụm từ “Người có ảnh hưởng” đề cập đến tất cả những cá nhân có sức ảnh hưởng đến người khác và thường gắn liền với các hành động cụ thể chẳng hạn như ảnh hưởng đến việc ra một quyết định nào đó.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips.com phân tích trong bài bao gồm:
- Người có ảnh hưởng là gì hay Họ là ai?
- Tổng quan về nghề Người có ảnh hưởng trên mạng.
- Phân loại các kiểu Người có ảnh hưởng hiện có trên thị trường.
- Phân biệt Người có ảnh hưởng với KOLs.
- Cách trở thành một Người có ảnh hưởng chuyên nghiệp.
- Vai trò chính của những Người có ảnh hưởng trong marketing hay đối với thương hiệu là gì?
- FAQs - Những câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ Người có ảnh hưởng.
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Người có sức ảnh hưởng là gì? Họ là ai?
Người có ảnh hưởng trong tiếng Anh có nghĩa là Influencer.
“Người có ảnh hưởng” là khái niệm đề cập đến tất cả những cá nhân có khả năng gây ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là có thể làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của họ.
Người có ảnh hưởng là thuật ngữ chung mang tính đại diện cho tất cả những người có sức ảnh hưởng dù cho họ đang làm việc trong lĩnh vực cụ thể là gì, họ ảnh hưởng trong phạm vi nào hay độ lớn của những nhóm đối tượng theo dõi (bị ảnh hưởng) họ.
Đặc điểm rõ ràng nhất để nhận diện một cá nhân nào đó là Người có ảnh hưởng đó là sức ảnh hưởng của họ đến hành vi, tâm lý và thậm chí là các hành động cụ thể của đối tượng theo dõi họ.
Tuỳ theo từng mức độ ảnh hưởng hay lĩnh vực cụ thể mà những Người có ảnh hưởng cũng được chia thành các nhóm hay có những tên gọi khác nhau, bạn có thể xem chi tiết ở các phần tiếp theo của bài viết này.
Người có ảnh hưởng còn được gọi là Người ảnh hưởng hoặc Người có sức ảnh hưởng.
Nghề Người có ảnh hưởng là gì?
Cũng tương tự như nghề marketing, Người có ảnh hưởng cũng có thể được coi là một ngành hay nghề chính thức với một số người.
Về mặt tổng thể, có thể phân ngành nghề Người có ảnh hưởng thành 2 nhóm đó là những người được đào tạo để trở thành một Người có ảnh hưởng nói chung và những người kinh doanh trong lĩnh vực này, tức là những cá nhân hay tổ chức chuyên đào tạo và sử dụng Người có ảnh hưởng vào công việc kinh doanh của họ.
Phân loại các kiểu Người có ảnh hưởng hiện có trên thị trường.
Như đã phân tích ở trên, Người có ảnh hưởng vốn là danh từ chung được sử dụng mang tính đại diện cho tất cả những ai có một sức ảnh hưởng nhất định đến một nhóm người hay cộng đồng cụ thể nào đó.
Cũng tương tự các khái niệm marketing, tuỳ theo từng cách phân loại khác nhau, “Người có ảnh hưởng” cũng có thể được phân loại thành các nhóm hay tên gọi khác nhau.
Một số phương pháp phân loại phổ biến nhất là theo số lượng người theo dõi (followers), theo loại nội dung (content type) và theo mức độ ảnh hưởng của người đó đến các nhóm đối tượng đang theo dõi họ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phân loại Người có ảnh hưởng theo các thị trường ngách (niche market) mà họ đang làm việc và có sức ảnh hưởng.
Dưới đây là chi tiết các loại Người có ảnh hưởng phổ biến nhất.
Phân loại Người có ảnh hưởng theo số lượng người theo dõi.
Vốn được sinh ra chủ yếu trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, Người có ảnh hưởng gắn liền với các chỉ số theo dõi trên các nền tảng này như lượt thích (Like), lượt bình luận (Comment), lượt chia sẻ (Share), lượt tiếp cận (Reach) hay số lượng người theo dõi (Follower) họ.
Theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, Người có ảnh hưởng được phân loại theo 4 kiểu bao gồm: Mega-Influencer (những người có lượng theo dõi rất lớn), Macro-Influencer (những người có lượng theo dõi lớn), Micro-Influencer (những người có lượng theo dõi nhỏ) và Nano-Influencer (những người có lượng người theo dõi rất nhỏ).
Mega Influencer (Người có ảnh hưởng lớn).
Mega Influencer là những người có ảnh hưởng rất lớn khi họ sở hữu một lượng người theo dõi khủng trên các nền tảng mạng xã hội (chủ yếu).
Mặc dù không có bất cứ một quy tắc cố định nào về số lượng người theo dõi gắn liền với các cách phân loại Người có ảnh hưởng, những Mega Influencer thường là những người có trên 1 triệu người theo dõi trên một nền tảng mạng xã hội riêng biệt nào đó.
Nhiều Mega Influencer là những người nổi tiếng được nhiều người biết đến (ngay cả ở ngoại tuyến) - họ có thể là những ngôi sao điện ảnh, những vận động viên thể thao, ca nhạc sĩ và thậm chí là những doanh nhân đang điều hành các doanh nghiệp cụ thể.
Bạn có thể nghĩ ngay về Elon Musk trong ví dụ này, người hiện có hơn 96 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter.
Bởi thế mạnh là có số lượng người theo dõi lớn, chỉ có những thương hiệu lớn mới sử dụng Mega Influencer trong các chiến dịch marketing hay truyền thông của họ.
Macro Influencer (Người có ảnh hưởng có lượng theo dõi lớn).
Có phần nhỏ hơn so với các Mega Influencer, Macro Influencer là người có ảnh hưởng cũng tương đối lớn và thường là sự lựa chọn tối ưu của các marketer.
Macro Influencer có số người theo dõi nằm trong khoảng từ 40.000 đến dưới 1 triệu trên từng mạng xã hội riêng lẻ (không cộng dồn người theo dõi giữa các nền tảng lại).
Cũng tương tự như những Mega Influencer, các Macro Influencer có thể là những ca sỹ, diễn viên, hay một nghệ nhân nào đó, tuy nhiên họ chưa có sức ảnh hưởng rộng lớn hoặc chỉ có sức ảnh hưởng trên một số môi trường nhất định (chẳng hạn như internet).
Nằm trong chiến lược tổng thể của thương hiệu, những người có ảnh hưởng lớn như Mega Influencer và Macro Influencer thường được sử dụng với mục tiêu là xây dựng độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness) hay mức độ yêu thích của người dùng với thương hiệu.
Micro Influencer (Người có sức ảnh hưởng nhỏ).
Micro Influencer có thể hiểu là những người có ảnh hưởng nhỏ hoặc vi mô, những người thường được biết đến với tư cách là một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó.
Mặc dù hiện không có quy định nào về số lượng người theo dõi của các Micro Influencer, bạn có thể coi những người này có từ 1.000 đến dưới 40.000 người theo dõi trên một nền tảng mạng xã hội riêng lẻ.
Khác với những người có ảnh hưởng lớn, khi họ có rất nhiều người biết hay thậm chí là có cả 1 ekip phụ trách việc họ hợp tác với các thương hiệu, người có ảnh hưởng nhỏ thường ít ai biết đến trừ khi bạn chủ động tìm kiếm và tiếp cận họ.
Với số lượng người theo dõi khiêm tốn, những Micro Influencer thường ít được sử dụng để xây dựng độ nhận biết thương hiệu, thay vào đó họ là những “cánh tay đắc lực” giúp thương hiệu kết nối ở một cấp độ gần và sâu hơn với người tiêu dùng.
Chẳng hạn nếu bạn là người phụ trách marketing của một thương hiệu về sữa dành cho trẻ em, trong khi các bác sỹ chuyên khoa Nhi có thể không giúp thương hiệu tiếp cận với hàng triệu người dùng mục tiêu, họ có khả năng thuyết phục những người mẹ cao hơn.
Ngoài việc các thương hiệu thường phải trả phí khi cộng tác với các Micro Influencer, trong không ít các trường hợp, thương hiệu có thể nhận được sự hỗ trợ miễn phí từ họ.
Cũng tương tự như ví dụ về thương hiệu sữa dành cho trẻ em nói trên, nếu bạn tổ chức một sự kiện mang tính cộng đồng dành cho những người mẹ có thể có các bí quyết để chăm sóc em bé tốt hơn thay vì là quảng cáo đơn thuần, những người có ảnh hưởng nhỏ mà trong trường hợp này chính là các bác sỹ khoa Nhi sẽ có thể tham gia tư vấn miễn phí.
Nano Influencer (Người có sức ảnh hưởng siêu nhỏ).
Kiểu người có ảnh hưởng cuối cùng trong cách phân loại theo lượng người theo dõi đó là Nano Influencer, những người có ảnh hưởng rất nhỏ hoặc siêu nhỏ.
Những người này chỉ có một số lượng nhỏ người theo dõi, nhưng họ là những chuyên gia trong một lĩnh vực ít người biết đến hoặc chuyên môn cao.
Trong nhiều trường hợp, các Nano Influencer thường có ít hơn 1.000 người theo dõi - và vì họ không phải là người nỗi tiếng, họ thường sẵn sàng tương tác với các nhóm đối tượng mục tiêu nhiều hơn so với các kiểu người có ảnh hưởng nói trên.
Trong khi nhiều thương hiệu coi những người có ảnh hưởng nano là không quan trọng, họ có thể trở thành một “tài sản quý giá” đối với các doanh nghiệp hay thương hiệu có các sản phẩm chuyên biệt.
Ví dụ bạn đang kinh doanh những loại máy công nghiệp nào đó chẳng hạn, những kỹ sư công nghiệp ít người biết đến lại có thể là những người có thể giúp người mua tin tưởng và an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm.
Phân loại Người có ảnh hưởng theo loại hay kiểu nội dung.
Khi những người có ảnh hưởng gắn liền với các nền tảng mạng xã hội, tuỳ vào từng nền tảng mạng xã hội khác nhau hay những gì mà họ đang tập trung vào, những Người có ảnh hưởng khi này cũng sẽ được chia thành các kiểu khác nhau.
Blogger.
Bloggers là khái niệm được sử dụng để chỉ những cá nhân thường xuyên xây dựng và phân phối nội dung (bài đăng) trên các nền tảng website (riêng) của họ.
Tuỳ vào từng sở thích khác nhau, những gì họ viết có thể là về du dịch, ẩm thực hay marketing chẳng hạn.
Nếu một blogger nổi tiếng nào đó đề cập một cách tích cực đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn trong một bài đăng trên Blog của họ, điều này có thể dẫn đến việc những người ủng hộ blogger đó sẽ muốn dùng thử sản phẩm của bạn.
Nếu một blog đủ lớn và đủ ảnh hưởng, bạn có thể mua một bài đăng được tài trợ trên trang của họ.
YouTuber.
Trong khi các nền tảng video vẫn tiếp tục chiếm nhiều ưu thế nhất trong việc được người tiêu dùng đón nhận, những YouTuber tức những người có ảnh hưởng trên YouTube sẽ là một lựa chọn khác cho các thương hiệu.
Podcaster.
Podcast Marketing hiện không còn là một khái niệm mới với những người làm marketing nói chung. Bằng cách đơn giản hoá quá trình tương tác với các nhóm đối tượng mục tiêu, Podcast (những nội dung bằng âm thanh) cũng là một cách khác để thương hiệu có thể tương tác với người dùng.
Khi nhu cầu tiêu thụ Podcast tiếp tục tăng lên, Podcaster sẽ là những Người có ảnh hưởng mà các thương hiệu có thể cộng tác.
Phân loại Người có ảnh hưởng theo cấp độ ảnh hưởng.
Cách phân loại Người có ảnh hưởng cuối cùng là phân loại theo cấp độ ảnh hưởng hay mức độ “quyền lực” của họ đối với các nhóm đối tượng mục tiêu.
Theo cách phân loại này, Người có ảnh hưởng được chia thành 2 nhóm chính đó là Celebrities (những người nổi tiếng) và KOL (những người đóng vai trò là người lãnh đạo, những chuyên gia có sức ảnh hưởng lớn).
Celebrities.
Celebrities (thường được gọi tắt là Celeb) là những người nổi tiếng và những người này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giải trí, họ thường là những ca sĩ, diễn viên hay người mẫu thời thượng nào đó.
Celebrities có lượng theo dõi lớn và không chỉ nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội hay môi trường internet, họ còn được biết đến rộng rãi từ các môi trường ngoại tuyến.
Những cái tên như James Bond hay Bi Rain chính là những Celeb chính hiệu.
KOL.
KOL là từ viết tắt của Key Opinion Leader, là khái niệm đề cập đến những người có khả năng gây ảnh hưởng đến một nhóm người nhất định trong xã hội.
Các KOL có thể là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những nhà lãnh đạo tư tưởng ngành, những chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó hay thậm chí là các nhà chính trị gia.
Một trong những điểm nhận dạng rõ ràng nhất về các KOL là khả năng được nhìn nhận bởi công chúng, mức độ tín nhiệm, khả năng ảnh hưởng của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media) hay mức độ liên quan của họ đến đối tượng mục tiêu.
Sự khác biệt giữa “Người có ảnh hưởng” với KOLs là gì?
Như đã phân tích ở trên, trong khi Người có ảnh hưởng là khái niệm sử dụng chung cho tất cả những người ảnh hưởng, KOL hay các Key Opinion Leader đề cập trực tiếp đến những Người có ảnh hưởng là những chuyên gia hay nhà lãnh đạo trong từng lĩnh vực cụ thể.
Người có ảnh hưởng trên mạng xã hội là gì?
Theo dữ liệu từ Statista, đến năm 2022, toàn thế giới có khoảng 4 tỷ người dùng mạng xã hội và con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến chạm mốc 4.5 tỷ vào năm 2025.
Khi các nền tảng mạng xã hội (Social Media) tiếp tục là nơi mà người dùng chọn để giải trí, làm việc và hơn thế nữa, những Người có ảnh hưởng từ các nền tảng này sẽ tiếp tục phát triển và là một phần không thể thiếu trong bức tranh ngành Người có ảnh hưởng.
Người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chính là những người có sức ảnh hưởng chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay Instagram, điều này có nghĩa là có thể không ai biết đến họ từ các nền tảng hay môi trường khác.
Cách trở thành một Người có ảnh hưởng chuyên nghiệp (theo đúng nghĩa).
Điều đầu tiên bạn cần trả lời trước khi nói đến các công việc cần làm để trở thành một Người có ảnh hưởng chuyên nghiệp đó là trong các loại Người có ảnh hưởng nói trên, đâu là kiểu mà bạn muốn hướng tới trong tương lai, hay nói cách khác, bạn muốn bạn là ai và làm gì.
Trong khi để trở thành những kiểu Người có ảnh hưởng khác nhau, bạn cần những kỹ năng, năng lực và con đường khác nhau, dưới đây là những bước cơ bản bạn cần làm để trở thành một Người có ảnh hưởng chuyên nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào.
Bước 1: Tìm kiếm thị trường ngách của bạn.
Như đã phân tích ở trên, trở thành một Người có ảnh hưởng có nghĩa là bạn cần trở thành một chuyên gia hay nổi tiếng trong một lĩnh vực cụ thể nào đó.
Nếu bạn là người thích và giỏi thể thao, bạn có thể trở thành một Người có ảnh hưởng trong lĩnh vực thể thao như cách mà cầu thủ Cristiano Ronaldo đã và đang làm.
Bạn có thể sử dụng đến ma trận SWOT nếu bạn vẫn còn chưa biết bạn giỏi hay có thế mạnh về điều gì.
Bước 2: Chọn nền tảng mạng xã hội nơi bạn sẽ toả sáng.
Tuỳ vào từng thị trường ngách khác nhau mà bạn đã chọn ở Bước 1 trước đó mà bạn có thể cần chọn các nền tảng khác nhau như TikTok, Instagram hay YouTube.
Chẳng hạn nếu đối tượng mục tiêu của bạn là những bạn Gen Z, thì TikTok có thể phù hợp hơn, ngược lại nếu bạn muốn tiếp cận những chuyên gia, LinkedIn là nơi hoàn hảo.
Ngoài việc dựa vào các đối tượng mục tiêu để xác định đúng nền tảng tiếp cận, bạn cũng có thể dựa vào những Người có ảnh hưởng tương tự khác để xem họ đang tập trung vào những nền tảng nào.
Bước 3: Xây dựng chiến lược nội dung.
Bước thứ 3 bạn cần làm để trở thành một Người có ảnh hưởng đó là xây dựng chiến lược nội dung (Content Strategy).
Dù cho bạn đang lựa chọn thị trường ngách là gì, hay nền tảng mà bạn đang hướng tới là đâu, những thông điệp nội dung vẫn là thứ quan trọng nhất để kết nối với các nhóm đối tượng mục tiêu và tạo ra sức ảnh hưởng đến họ.
Tuỳ vào từng nhóm đối tượng khác nhau và nền tảng khác nhau, bạn sẽ cần những kiểu hay loại nội dung (Content) khác nhau.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu có những kiểu nội dung nào mà bạn có thể sử dụng, content là gì là bài viết mà MarketingTrips khuyên bạn nên đọc.
Bước 4: Xây dựng và phát triển website (blog).
Sau khi đã có được chiến lược nội dung cho mình, bạn cũng nơi để có thể cập nhật chúng lên và sau đó duy trì công việc này thường xuyên.
Bước 5: Giữ cho mọi thứ được nhất quán.
Cững giống như cách xây dụng một thương hiệu hay xây dựng thương hiệu cá nhân, mọi thứ bạn truyền tải đi cần nhất quán.
Nhất quán có nghĩa là hướng đối tượng mục tiêu suy nghĩ đến bạn theo một hoặc một số ít cách duy nhất, thay vì với mỗi nội dung khác nhau bạn buộc họ phải hình dung bạn theo những cách khác nhau.
Ví dụ nếu các nội dung bạn đăng đều thể hiện rõ tính chuyên nghiệp và bài bản thì một vài bài đăng cẩu thả có thể làm hư hết hình ảnh của bạn trong mắt người đọc.
Bước 6: Xây dựng một quan điểm hay lập trường riêng.
Bạn cứ thử hình dung xem liệu đối tượng mục tiêu của bạn có “theo dõi” và ủng hộ bạn không nếu bạn không có bất cứ một chính kiến hay lập trường riêng nào.
“Dĩ hoà vi quý” có thể không tỏ ra hiệu quả với hình ảnh của một người có ảnh hưởng.
Chẳng hạn nếu bạn đang muốn trở thành một KOL trong lĩnh vực chuyên môn của mình, việc bạn phải đưa ra những góc nhìn mới và sáng tạo là điều bắt buộc.
Bước 7: Tương tác sâu với đối tượng mục tiêu.
Tới đây, khi bạn đã có thể xây dựng cho mình một nhóm đối tượng riêng, việc bạn thường xuyên tương tác với họ hay thậm chí là tương tác ở cấp độ cá nhân là rất cần thiết.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách thích và trả lời các bình luận của họ, hay trong một số trường hợp bạn có thể phân tích sâu một câu hỏi của họ và biến nó thành Case Study, đây cũng là cách để đối tượng mục tiêu có thể tin tưởng về năng lực cũng như mức độ sẵn sàng hợp tác của bạn.
Bước 8: Thường xuyên đánh giá và cải tiến.
Khi bạn bắt đầu xây dựng, phân phối nội dung và tương tác với đối tượng mục tiêu của mình, bạn bắt đầu cần theo dõi, đánh giá các chỉ số có được và cải thiện chúng.
Ví dụ nếu bạn phát hiện ra một kiểu chủ đề hay nội dung nào nhận được nhiều sự tương tác hay ủng hộ, bạn có thể cần xây dựng nó nhiều hơn.
Bước 9: Cập nhật liên tục các xu hướng hay kiến thức mới.
Một trong những đặc điểm khác biệt của các nền tảng mạng xã hội với các nền tảng khác đó là tính mới mẽ (trending).
Bằng cách sử dụng các hiệu ứng mới, các meme mới hay các hashtag xu hướng đang thịnh hành, bạn có thể cho đối tượng mục tiêu thấy rằng bạn đang không ngừng làm việc và cống hiến.
Ngoài ra, với bất cứ kiểu Người có ảnh hưởng nào, những gì mà đối tượng mục tiêu cần là những kiến thức mới mà bạn có được.
Đó có thể là những công thức nấu ăn mới, những xu hướng Digital Marketing mới trong ngành hay bất cứ điều gì mang lại giá trị cho người theo dõi.
Vai trò chính của những Người có ảnh hưởng trong marketing hay đối với thương hiệu là gì?
Tuỳ vào từng loại Người có ảnh hưởng khác nhau, mức độ ảnh hưởng hay vai trò của những Người có ảnh hưởng có thể khác nhau, dưới đây là những giá trị chính mà họ có thể mang lại cho thương hiệu.
Xây dựng độ nhận biết thương hiệu.
Không chỉ với các Mega Influencers hay Macro Influencers, tức những người có ảnh hưởng lớn thì mới có thể giúp thương hiệu xây dựng độ nhận biết hay nhận thức về thương hiệu.
Ngay cả với những người có ảnh hưởng nhỏ thì giá trị này vẫn không thay đổi.
Bằng cách để những người có ảnh hưởng truyền tải các công điệp của thương hiệu đến với các nhóm đối tượng sẵn sàng ủng hộ họ, thương hiệu của bạn sẽ ngày càng ăn sâu hơn vào tâm trí của họ.
Xây dựng lòng trung thành hay mức độ tin tưởng với thương hiệu.
Nếu các quảng cáo trực tiếp từ thương hiệu có thể khiến khách hàng của bạn cảm thấy “đường đột” và ít sự tin tưởng, hãy để những Người có ảnh hưởng giúp bạn làm điều đó.
Vì những Người có ảnh hưởng là những chuyên gia hay những người được nhiều người khác tình nguyện ủng hộ và theo dõi, họ thường có sự tín nhiệm rất cao và hiển nhiên, nếu các thông điệp được kết hợp với họ một cách phù hợp, họ có thể chuyển sự tin tưởng đó vào thương hiệu.
Thúc đẩy lượng khách hàng tiềm năng và doanh số bán hàng.
Có thể thông qua một vài chiến dịch kết hợp với Người có ảnh hưởng, thương hiệu không có được khách hàng tiềm năng hay doanh số bán hàng ngay tức thì tuy nhiên bằng cách kết hợp các chiến dịch đó vào chiến lược marketing tổng thể, mọi thứ sẽ rất khác.
Ví dụ nếu sau một chiến dịch nào đó, bạn sử dụng tính năng tiếp thị lại kèm với một số đề xuất bán hàng hay khuyến mãi đặc biệt, khách hàng khi này có thể tiến hành mua hàng vì họ đã tin tưởng về thương hiệu từ những Người có ảnh hưởng trước đó.
Ngoài ra, bằng cách lồng ghép trực tiếp các chương trình khuyến mãi vào nội dung do người có ảnh hưởng chia sẻ, bạn cũng có thể có được doanh số bán hàng trực tiếp.
FAQs - Những câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ Người có ảnh hưởng.
- Người có ảnh hưởng ảo là gì?
Người có ảnh hưởng ảo là Những người có ảnh hưởng được tạo ra từ công nghệ, họ không phải là người thật.
Thay vì sử dụng những Người có ảnh hưởng là những người thật nào đó, thương hiệu có thể sử dụng những Người có ảnh hưởng ảo được tạo ra trên môi trường kỹ thuật số dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI).
Kết luận.
Trên đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về khái niệm “Người có ảnh hưởng“.
Bằng cách hiểu rõ Người có ảnh hưởng là gì, họ là ai, Người có ảnh hưởng được phân loại như thế nào, cũng như những giá trị mà những Người có ảnh hưởng có thể mang lại cho doanh nghiệp, bạn đang có thêm một cách mới để tương tác với khách hàng và thúc đẩy sự phát triển chung của thương hiệu.
-
KOL là gì? Những lý thuyết về KOL trong Marketing
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips