Huyết áp cao là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đột quỵ. Vậy vì sao huyết áp cao dẫn đến đột quỵ hay người bị huyết áp cao có bị đột quỵ không? Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và đột quỵ như thế nào?
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp cao (tăng huyết áp) là tình trạng lực máu đẩy vào thành mạch máu quá cao. Huyết áp được đo bằng milimet thủy ngân (mm Hg). Tăng huyết áp được xác định khi chỉ số huyết áp từ 130/80 mm thủy ngân (mm Hg) trở lên. Huyết áp càng cao càng nguy hiểm. Thông thường, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong trường hợp huyết áp cao bất thường, ví dụ hơn 180/120 mm Hg. (1)
Người bị huyết áp cao có thể không có triệu chứng cụ thể, ngay cả khi chỉ số huyết áp đạt mức cao nguy hiểm. Người bệnh có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số người bị huyết áp cao có thể có:
- Nhức đầu
- Hụt hơi
- Chảy máu cam
Tuy nhiên, những triệu chứng này không cụ thể và thường không xảy ra cho đến khi huyết áp cao đạt đến giai đoạn nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
Có hai dạng tăng huyết áp là tăng huyết áp nguyên phát hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn và tăng huyết áp thứ phát. Tình trạng huyết áp cao nếu kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng sức khỏe nguy hiểm xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị giảm hoặc dừng đột ngột, không thể cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để nuôi các tế bào não, làm cho các tế bào não bị tổn thương và chết đi nhanh chóng.
Có hai loại đột quỵ là đột quỵ nhồi máu não do tắc mạch máu não và đột quỵ xuất huyết não do vỡ mạch máu não. Hơn 80% trường hợp đột quỵ có liên quan đến tắc nghẽn mạch máu não.
Đột quỵ có thể gây tổn thương não lâu dài, dẫn đến các biến chứng nặng nề hoặc thậm chí tử vong. Các dấu hiệu của đột quỵ bao gồm: tê yếu, liệt ở một bên mặt hoặc cơ thể, đau đầu đột ngột và dữ dội, nhìn mờ, rối loạn ngôn ngữ,…
Huyết áp cao dẫn đến đột quỵ không?
Tăng huyết áp gây đột quỵ không? Huyết áp cao được cho là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ. Hầu hết những người bị đột quỵ lần đầu được ghi nhận là có mắc bệnh huyết áp cao. (2)
Huyết áp cao làm tổn thương các động mạch khắp cơ thể, bao gồm cả các động mạch dẫn đến não. Tình trạng tăng huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp đột ngột có thể làm cho động mạch dễ bị vỡ hoặc tắc nghẽn. Các động mạch bị suy yếu hoặc bị tắc nghẽn trong não sẽ gây nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Huyết áp từ 140/90 trở lên được cho là có thể làm hỏng các mạch máu cung cấp máu cho não và dẫn đến đột quỵ. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn. (3)
Tình trạng huyết áp cao dẫn đến đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là ở những người đang có các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát huyết áp cao đặc biệt quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ.
Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và đột quỵ
Tình trạng tăng huyết áp gây đột quỵ theo nhiều cách khác nhau. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông di chuyển đến não và làm hỏng các mạch máu nhỏ nằm sâu bên trong não. Tình trạng tăng huyết áp cũng có thể gây ra đột quỵ do xuất huyết não nhiều hơn. Cụ thể:
1. Đột quỵ nhồi máu não do cục máu đông (đột quỵ do thiếu máu cục bộ)
Huyết áp cao dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ bởi tình trạng huyết áp cao làm tổn thương các mạch máu, khiến mạch máu trở nên hẹp và cứng hơn, đồng thời gây ra sự tích tụ chất béo. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch.
Các cục máu đông có thể hình thành trên các vùng chất béo tích tụ. Nếu cục máu đông di chuyển đến não sẽ gây ra đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA hoặc đột quỵ nhỏ).
2. Đột quỵ xuất huyết não do chảy máu trong hoặc xung quanh não
Bên cạnh đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não thì còn có tình trạng huyết áp cao dẫn đến đột quỵ chảy máu não. Huyết áp cao làm cho thành mạch máu yếu đi, làm tăng nguy cơ vỡ thành mạch máu và dẫn đến chảy máu não gây đột quỵ.
Ngoài ra, còn có trường hợp huyết áp cao dẫn đến tai biến do huyết áp cao gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ nằm sâu bên trong não. Khi các mạch máu nhỏ bị tổn thương quá nhiều sẽ gây nên các vấn đề liên quan đến suy giảm nhận thức cũng như làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Ngoài tình trạng tăng huyết áp gây đột quỵ, còn có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bao gồm:
- Bệnh tim mạch: Các bệnh lý tim mạch là yếu tố nguy cơ thứ hai gây đột quỵ sau yếu tố huyết áp cao. Bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người sống sót sau đột quỵ. Trong đó, nhịp tim không đều (rung nhĩ) là yếu tố nguy cơ cao nhất gây đột quỵ có liên quan đến bệnh tim mạch.
- Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người không mắc bệnh tiểu đường.
- Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ bị đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não.
- Căng thẳng: Người thường xuyên căng thẳng, stress, trạng thái tinh thần bị kích thích tột độ dễ bị huyết áp cao dẫn đến đột quỵ.
- Sử dụng thuốc tránh thai: Một số hoạt chất trong thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ nếu lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách.
- Số lượng hồng cầu cao: Số lượng tế bào hồng cầu tăng lên đáng kể sẽ làm đặc máu và dễ hình thành cục máu đông hơn. Điều này làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Cholesterol và lipid máu cao: Mức cholesterol cao có thể góp phần làm xơ vữa động mạch do chất béo, cholesterol và canxi tích tụ thành các mảng bám. Sự tích tụ mảng bám bên trong thành động mạch có thể làm giảm lượng máu lưu thông đến não và gây đột quỵ.
- Lối sống chưa khoa học: Uống rượu nhiều, thiếu tập thể dục, ăn nhiều chất béo dẫn đến béo phì,… là những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Lạm dụng thuốc: Lạm dụng thuốc không chỉ gây phụ thuộc vào thuốc, lờn thuốc mà còn làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não.
- Di truyền: Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ.
- Tuổi tác: Những người sau 55 tuổi có khả năng bị đột quỵ tăng hơn gấp đôi so với những người trước 55 tuổi.
- Giới tính: Đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới, nhưng tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở phụ nữ lại cao hơn nam giới.
- Tiền sử đột quỵ trước đó: Bạn có nguy cơ bị đột quỵ lần thứ hai cao hơn sau khi bạn đã bị đột quỵ, kể cả những cơn đột quỵ nhỏ.
- Nhiệt độ, mùa và khí hậu: Tử vong do đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn khi nhiệt độ khắc nghiệt, thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng.
Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ cho người bệnh tăng huyết áp
Để phòng ngừa tình trạng huyết áp cao dẫn đến đột quỵ, cần kiểm soát tốt huyết áp để duy trì huyết áp ở mức ổn định:
- Theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp để biết huyết áp có cao hay không. Nên đo huyết áp định kỳ 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối, ghi lại huyết áp để có thể theo dõi trạng thái huyết áp một cách chính xác nhất.
- Tập thể dục thể thao để hạn chế tình trạng tăng cân béo phì, huyết áp cao dẫn đến đột quỵ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh ăn quá nhiều, hạn chế ăn các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ và chất béo. Tránh ăn mặn, hạn chế uống quá 2 ly rượu/ngày. Ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước lọc. Không sử dụng chất kích thích.
- Nên nghỉ ngơi đầy đủ, tránh thức khuya, ngủ không đủ giấc. Bên cạnh đó, cần quản lý căng thẳng, hạn chế để lo lắng, stress kéo dài.
- Trường hợp bị cao huyết áp mạn tính cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát huyết áp ở mức ổn định, tránh huyết áp cao dẫn đến đột quỵ.
Đặc biệt, cần lưu ý định kỳ đến bệnh viện để kiểm tra huyết áp, khám sức khỏe tổng quát cũng như tầm soát đột quỵ. Tất cả người lớn nên kiểm tra huyết áp định kỳ. Với người có mức huyết áp bình thường, tốt nhất nên thăm khám và tầm soát 1 lần/năm. Với những người có nguy cơ huyết áp cao dẫn đến đột quỵ cao, nên thăm khám, tầm soát ít nhất 2 lần/năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 là đơn vị uy tín chuyên thăm khám, tầm soát các bệnh lý thần kinh nói chung và đột quỵ nói riêng. Khoa quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có sự phối hợp với Trung tâm Tim mạch để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất giúp hạn chế nguy cơ huyết áp cao dẫn đến đột quỵ.
Đặc biệt, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đầu tư nhiều thiết bị máy móc hiện đại, hỗ trợ tốt nhất cho việc tầm soát đột quỵ như máy chụp CT 1975 lát cắt đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á, hệ thống chụp MRI 1,5 - 3 Tesla, máy theo dõi huyết áp 24 giờ,… Trong đó, máy chụp CT 1975 lát cắt ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo với tốc độ quay nhanh nhất thế giới có thể phát hiện, đánh giá nhanh các bệnh lý tim mạch, đột quỵ chỉ trong vài phút. Từ đó rút ngắn thời gian chẩn đoán, giúp người bệnh được điều trị sớm, tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, huyết áp cao dẫn đến đột quỵ và làm tăng nguy cơ tử vong nếu không kiểm soát đúng cách. Người bệnh không nên chủ quan nếu phát hiện huyết áp cao. Cần thăm khám, tầm soát định kỳ để kiểm soát tình trạng huyết áp cao, tránh nguy cơ đột quỵ.