Nhu cầu tuyển dụng cao, lĩnh vực công việc đa dạng, mức thu nhập hấp dẫn. tiêu chí tuyển dụng linh hoạt… đang tạo nên sức hút mạnh mẽ cho các vị trí Sales. Tuy nhiên, để an tâm vị trí Sales chính là “chân ái” cho sự nghiệp của bản thân, trước khi ứng tuyển, bên cạnh thông tin bề nổi được chia sẻ rầm rộ, các bạn ứng viên cần tìm hiểu thêm những bí mật của nghề Sales mà Ms. Uptalent sắp bật mí trong bài viết này. MỤC LỤC: 1. Nghề Sales mang lại lợi ích gì? 2. Khó khăn, thử thách mà Sales phải đối mặt 3. Có phải ai cũng có thể làm Sales 4. Bí quyết để thành công trong nghề Sales Xem thêm >>> Việc làm Kinh doanh
1. Nghề Sales mang lại lợi ích gì?
Mỗi nghề nghiệp sẽ sở hữu những tính chất công việc khác nhau, chính vì vậy, những lợi ích mà nghề nghiệp mang đến cho người lao động cũng có nét đặc trưng riêng. Với nghề Sales, những lợi ích vượt trội mà nhân viên đảm nhận công việc này có được chắc chắn phải kể đến:
1.1. Phát triển kỹ năng mềm nhanh chóng
Nhiệm vụ công việc buộc nhân viên Sales phải thường xuyên tìm kiếm, tiếp cận, thuyết phục khách hàng. Những ngày đầu có thể bỡ ngỡ, lâu dần bạn sẽ trở nên dạn dĩ, năng động, linh hoạt, không chỉ kỹ năng giao tiếp được phát triển mà kỹ năng thuyết phục chốt đơn hàng, kỹ năng linh hoạt xử lý tình huống… cũng được nâng cao đáng kể. Đó là lý do chúng ta thấy những bạn làm vị trí Sales luôn tự tin khi giao tiếp, và ở họ lúc nào cũng hiện hữu năng lượng tích cực.
1.2. Sở hữu mức thu nhập cao
Bên cạnh lương cứng, nhân viên Sales còn hưởng hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu mang về cho doanh nghiệp. Yếu tố này mang tính khích lệ rất lớn, thôi thúc các nhân sự Sales không ngừng nỗ lực tìm hiểu, cải tiến hiệu quả làm việc. Và cũng vì vậy, mức thu nhập của một nhân viên Sales sẽ không có giới hạn mà tùy thuộc vào năng lực của chính họ.
1.3. Mở rộng mối quan hệ đa ngành nghề
Dù là doanh nghiệp cung cấp thông tin khách hàng hay nhân viên Sales tự tìm khách hàng thì công việc này đều sẽ giúp các bạn mở rộng mối quan hệ đa ngành nghề. Bởi lẽ, một sản phẩm doanh nghiệp bán ra sẽ có rất nhiều đối tượng khách hàng, làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau cùng quan tâm. Bạn có thể tìm thấy cơ hội công việc mới hoặc tạo được nguồn khách hàng cho mình nếu muốn sau này tự mở cơ sở kinh doanh riêng.
1.4. Nhu cầu tuyển dụng luôn cao
Mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp đều muốn tìm kiếm thật nhiều khách hàng, tiêu thụ thật nhiều sản phẩm. Do đó có thể nói, dù thời đại nào thì cơ hội việc làm cho vị trí Sales luôn rộng mở. Bạn có năng lực trong ngành Sales thì chắc chắn không phải lo thất nghiệp, khách hàng cũ vẫn có thể mua những sản phẩm mới do bạn bán ra.
1.5. Chất lượng cuộc sống được nâng cao
Ngoài thu nhập tốt thì nghề Sales còn giúp bạn giải quyết thuận lợi các vấn đề trong cuộc sống cá nhân nhờ vào những mối quan hệ mà bạn đã xây dựng. Đây là lợi ích lớn mà bạn sẽ khó tìm thấy trong những vị trí công việc khác.
1.6. Mang đến niềm vui cho nhiều người
Người làm Sales chính là những chuyên gia tư vấn, giúp khách hàng tìm thấy sản phẩm / dịch vụ để giải quyết nhu cầu, khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải. Bản thân mang đến niềm vui cho khách hàng thì chính chúng ta cũng nhận được niềm vui cho chính mình.
Có thể bạn quan tâm >>>> Sales là gì? Tất tần tật về vị trí Sales
1.7. Không bó buộc không gian, thời gian làm việc
Tiêu chí đánh giá chất lượng công việc dựa trên doanh số, lượng hàng tiêu thụ, vì vậy, nhân viên Sales không phải gò bó không gian, thời gian làm việc, họ được quyền chủ động sắp xếp lịch trình miễn sao hoàn thành chỉ tiêu được giao phó là được.
Vì vậy, bạn có thể đảm nhận vị trí Sales ở nhiều doanh nghiệp, cùng lúc tiêu thụ nhiều mặt hàng để khám phá năng lực bản thân vượt trội nhất ở đâu. Ngoài ra, bạn có thể vừa làm việc, vừa linh động giải quyết việc nhà. Tuy nhiên, chỉ tiêu mỗi doanh nghiệp giao sẽ không bao giờ dễ dàng hoàn thành nên bạn cần cân nhắc năng lực và quản lý thời gian hiệu quả.
2. Khó khăn, thử thách mà Sales phải đối mặt
Có lợi ích cũng sẽ có thách thức, khó khăn. Đã chọn con đường làm Sales, bạn phải chuẩn bị đầy đủ tinh thần và năng lực để đương đầu:
2.1. Áp lực doanh số phải hoàn thành
Doanh nghiệp cần đội ngũ Sales để đẩy nhanh doanh số tiêu thụ, bán hàng nên áp lực doanh số dành cho mỗi nhân viên Sales luôn là thách thức lớn nhất. Nếu bạn không đạt mức chỉ tiêu tối thiểu thì sẽ không được tính hoa hồng trên doanh thu, mà chỉ nhận được khoản lương cứng hỗ trợ mà thôi.
2.2. Áp lực tâm lý khi tiếp cận khách hàng
Khách hàng mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi nhu cầu. Nếu chỉ bán hàng cho những ai có nhu cầu với sản phẩm/dịch vụ của bạn thì không sẽ rất ít, nhân viên Sales phải tìm cả những khách hàng chưa hoặc không có nhu cầu để thuyết phục họ. Những lời từ chối tiếp chuyện từ nhẹ nhàng đến gay gắt sẽ xuất hiện liên tục khiến tâm lý Sales trở nên mệt mỏi, stress. Đừng bỏ lỡ >>>> Sales ngành nào có thu nhập khủng?
2.3. Phàn nàn, khiếu nại từ khách hàng
Sản phẩm đã bán vẫn có thể bị trả lại, có thể bị yêu cầu đổi hàng, hoặc bị gọi điện phàn nàn, chê bai sản phẩm kém chất lượng. Kéo theo những khiếu nại về đạo đức nghề nghiệp, về thái độ phục vụ khách hàng… Tất cả những điều này không chỉ ảnh hưởng thành tích kinh doanh, mà còn có thể làm mất uy tín thương hiệu Sales của nhân viên đó. Để hạn chế thiệt hại, nhân viên Sales phải vừa chủ động giải quyết khiếu nại từ khách hàng đã mua, vừa phải tiếp tục nỗ lực tiêu thụ để đạt chỉ tiêu doanh số.
2.4. Cạnh tranh lớn, chuyển việc cao
Thị trường ngày càng cạnh tranh, việc tìm kiếm khách hàng càng khó khăn hơn. Nhân viên Sales từ nhiều doanh nghiệp cùng ngành, hoặc nhân viên của cùng một doanh nghiệp sẽ cố gắng giành khách hàng bằng nhiều cách như giảm giá bán, tăng tiện ích dịch vụ, nói xấu sản phẩm của đối thủ… Mức độ cạnh tranh vì vậy rất cao, việc nhân viên Sales liên tiếp nhiều tháng không đạt chỉ tiêu cũng diễn ra thường xuyên hơn, và những người này buộc phải rời doanh nghiệp.
2.5. Chi tiêu cá nhân gặp khó khăn
Nhân viên không đạt doanh số tiêu thụ sẽ chỉ nhận được mức lương cơ bản thấp. Với mức lương này, nhân viên Sales vừa trang trải cuộc sống cá nhân, vừa trả chi phí đi tiếp thị, giao tiếp với khách hàng. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng chỉ duy trí trả lương cơ bản trong khoảng thời gian như sự hỗ trợ trong quá trình nhân viên làm quen công việc, thường khoảng 06 tháng đến 01 năm. Vì vậy, nếu không đạt doanh số, hoặc chỉ đạt doanh số ở mức tối thiểu, tài chính của nhân viên Sales không mấy dư dả.
2.6. Chủ động, linh hoạt trong triển khai công việc
Doanh nghiệp chỉ tập huấn về sản phẩm, dịch vụ, còn kỹ năng mềm để bán thành công sản phẩm / dịch vụ đến tay khách hàng sẽ do nhân viên tự trau dồi là chính. Vì vậy, một nhân viên Sales phải là sự phối hợp linh hoạt nhiều kỹ năng mềm từ giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề… Đặc biệt phải có sức khỏe tốt, và dù trong bất cứ tình huống nào vẫn phải luôn niềm nở, hòa nhã với khách hàng.
2.7. Bán xong sản phẩm chưa phải là kết thúc
Dịch vụ hậu mãi mới là nền tảng giúp nhân viên Sales xây dựng mối quan hệ bền vững cho khách hàng. Một khi khách hàng hài lòng thì họ có thể giới thiệu thêm khách hàng mới cho bạn. Do đó, nhiệm vụ của nhân viên Sales không chỉ là bán hàng mà còn là hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc khách hàng mọi lúc khi họ cần đến.
3. Có phải ai cũng có thể làm Sales
Quan tâm >>>> Telesales là gì? Tất tần tật về vị trí Telesales
Từ những lợi ích và thách thức trong nghề Sales mà Ms. Uptalent chia sẻ trên đây, chúng ta có thể thấy nghề Sales là một ngành nghề đòi hỏi sự năng động, nhạy bén, chịu khó và nhẫn nại rất cao. Do đó, để biết mình có những nền tảng cơ bản để phù hợp với nghề này không, chúng ta cần khách quan đánh giá xem tố chất bản thân đã sở hữu những tiêu chuẩn này hay chưa nhé:
3.1. Yêu thích giao tiếp, không ngại khi bị từ chối
Nhận lời từ chối khi làm Sales được xem là chuyện hiển nhiên, sẽ chẳng khách hàng nào mà bạn ngỏ lời bán hàng mà họ đồng ý ngay lập tức cả. Đã chọn nghề Sales bạn phải sẵn sàng tâm lý chấp nhận điều này, không cảm thấy ngại hay tự ái, để bản thân luôn tỉnh táo, tìm ra những luận điểm thuyết phục khách hàng hiệu quả.
3.2. Có khả năng tự vực dậy tinh thần
Sales làm việc có phòng ban, có đồng đội, nhưng khi triển khai công việc, dựa vào chính mình vẫn là ưu tiên. Chỉ tiêu doanh số giao cho bạn, khách hàng bạn phải tự chủ động tiếp cận, thành công hay thất bại bạn phải tự đối mặt và giải quyết. Cảm xúc mệt mỏi, bi quan, nghi ngờ năng lực bản thân sẽ xuất hiện rất nhiều lần, nhưng không phải lúc nào cũng có người để bạn tâm sự, để họ động viên bạn, mà bản thân bạn phải tự vực dậy tinh thần, tự tìm những mục tiêu để hun đúc lại ngọn lửa nhiệt huyết.
3.3. Lên kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch
Sẽ không ai theo sát thể nhắc nhở bạn tiến hành công việc cả, doanh nghiệp chỉ giao chỉ tiêu, giao sản phẩm/ dịch vụ, còn lại lên kế hoạch hoàn thành ra sao, lịch trình triển khai thế nào là do bạn quyết định. Quan trọng, bạn phải có tinh thần kỷ luật với chính mình, không để bản thân bị môi trường xung quanh xao nhãng trong quá trình triển khai công việc .
3.4. Tài chính không phải là ưu tiên khi làm Sales
Đạt doanh số, kiếm về doanh thu cao cho doanh nghiệp là nhiệm vụ của Sales nhưng để đi đường dài trong nghề này, tiền không hẳn là ưu tiên đầu tiên, vì nếu vì muốn thu về nhiều tiền mà bạn bán sản phẩm bất chấp thì các khách hàng khó khăn lắm mới tìm được sẽ nhanh chóng rời đi. Do đó, bạn chỉ phù hợp phát triển trong ngành Sales khi tâm lý mong muốn hướng đến đường dài, hướng đến sự bền vững.
3.5. Ý thức thương hiệu cá nhân
Thương hiệu doanh nghiệp sẽ hỗ trợ bạn trong những ngày đầu bước vào nghề Sales, còn thương hiệu cá nhân mới là nền tảng giúp bạn phát triển lâu dài, bền vững trong ngành này. Khi đã có thương hiệu cá nhân thì bạn đi làm Sales ở bất cứ doanh nghiệp nào, khách hàng cũng đều an tâm lựa chọn sản phẩm bạn bán. Đây cũng là lý do mà tinh thần hướng đến lợi ích khách hàng luôn cần hiện hữu.
4. Bí quyết để thành công trong nghề Sales
Yêu cầu đa năng lực, đa kỹ năng trong nghề Sales chính là lời nhắc nhở các bạn ứng viên yêu thích công việc này phải không ngừng rèn luyện bản thân ở nhiều khía cạnh từ kỹ năng đến chuyên môn:
4.1. Hiểu rõ và tin tưởng sản phẩm mà mình bán
Mỗi sản phẩm đều có ưu nhược điểm riêng, do đó, muốn bán thành công, nhân viên Sales cần hiểu rõ ưu điểm, càng cần hiểu rõ nhược điểm để tư vấn đúng yêu cầu mà khách hàng mong đợi.
4.2. Kiên trì, nhẫn nại, điềm tĩnh
Một giao dịch sẽ không thuận lợi chốt Sales ngay lập tức mà luôn cần sự thuyết phục, phân tích để thỏa mãn nhu cầu cũng như khả năng chi tiêu của khách hàng. Vì vậy, hãy luôn phát huy tính kiên trì, nhẫn nại, luôn cư xử hòa nhã, thân tình trong mọi tình huống, có như vậy, khách hàng mới có cảm giác an toàn, tin tưởng khi lựa chọn sản phẩm của bạn.
4.3. Đặt mình vào vị trí khách hàng
Mong muốn lựa chọn sản phẩm của khách hàng không chỉ dừng lại ở mua hàng giá tốt, mà còn là những tiện ích có được sau khi mua. Đặt mình vào vị trí của khách hàng sẽ giúp bạn hiểu được những mong muốn đó, giúp bạn sáng tạo những cách tiếp cận và giữ chân khách hàng hiệu quả.
4.4. Quản lý thời gian hiệu quả
Một nhân viên Sales vừa tìm khách hàng, vừa thuyết phục chốt Sales, vừa chăm sóc khách hàng cũ, vừa giải quyết khiếu nại… rất nhiều nhiệm vụ, do đó, nếu không có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, việc của bạn sẽ rất dễ chồng chéo, không việc nào hoàn thiện tốt cả.
4.5. Phát huy điểm mạnh trước đối thủ cạnh tranh
Ngoài thấu hiểu sản phẩm doanh nghiệp, bạn còn cần tìm hiểu sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh để khi khách hàng so sánh, chúng ta sẽ có ngay luận điểm để chứng minh tính vượt trội của sản phẩm mà mình đang bán.
Những bí mật của nghề Sales mà Ms. Uptalent chia sẻ trên đây đã được đúc kết và chứng thực thông qua con đường thành công của nhiều chuyên viên Sales kỳ cựu. Chắc chắn đây sẽ là cẩm nang nghề nghiệp hữu ích hỗ trợ bạn trên con đường sự nghiệp.
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet