Ngày 10/1/2023, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tỉnh Thái Nguyên là một tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc”. Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm của vùng Việt Bắc, nằm trong quy hoạch vùng của thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên có vị trí địa lý quan trọng, có tầm chiến lược, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng; quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ khá lớn; dân số tăng trưởng nhanh; hạ tầng giao thông thuận lợi trong việc kết nối với các vùng; là một trong những trung tâm công nghiệp, giáo dục, y tế quan trọng của vùng và cả nước; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại tỉnh Thái Nguyên
Trong phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Thái Nguyên từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, cạnh tranh của tỉnh, phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Vị trí địa lý; hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn; chính quyền năng động, thân thiện và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp… Có thể nói, Thái Nguyên gần như có đủ các điều kiện hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của Khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Trước tiên, về vị trí địa lý. Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố tạo thành Vùng Thủ đô, có một vị thế địa - kinh tế đặc biệt. Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi sân bay quốc tế Nội Bài 50km; cách biên giới Trung Quốc (theo hướng Lào Cai khoảng 215km, Lạng Sơn khoảng 170km, Cao Bằng khoảng 200km); cách trung tâm Hà Nội 75km; cách cảng Hải Phòng 200km và Quảng Ninh 180km. Thái Nguyên là điểm giao cắt của các tuyến quốc lộ (QL): QL3 nối Hà Nội - Bắc Kạn - cửa khẩu Việt - Trung; kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; QL1B nối Lạng Sơn - cửa khẩu Việt - Trung; QL37 nối Quảng Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Phú Thọ - Sơn La. Lợi thế này tạo thuận lợi đặc biệt về giao thông kết nối, nhất là kết nối quốc tế, tạo sức hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ mà không phải địa phương nào thuộc Vùng Thủ đô đều có.
Mỏ đa kim Núi Pháo (Đại Từ) do Công ty quản lý và vận hành là mỏ Vonfram quy mô lớn
Thái Nguyên còn những lợi thế tự nhiên nổi bật khác, đó là có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, thủy ngân,... Đặc biệt, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, lớn thứ hai thế giới tập trung chủ yếu tại Núi Pháo (huyện Đại Từ); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn, lớn thứ hai của cả nước tập trung chủ yếu tại Làng Cẩm, Núi Hồng (huyện Đại Từ), Phấn Mễ (huyện Phú Lương), Khánh Hòa (thành phố Thái Nguyên); quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn tập trung chủ yếu tại Trại Cau, Tiến Bộ (huyện Đồng Hỷ), quặng titan trên 10 triệu tấn, chì kẽm khoảng trên 200 ngàn tấn... cùng nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đây là điều kiện, cơ hội tốt để tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển các ngành công nghiệp luyện kim và khai khoáng.
Thái Nguyên còn có diện tích đất rộng, tạo thành “quỹ dự trữ phát triển công nghiệp và đô thị”. Trong điều kiện hiện nay, khi đất đai, mặt bằng ngày càng khan hiếm, lại đang diễn ra xu hướng bùng nổ phát triển Khu công nghiệp và đô thị, thì “quỹ dự trữ đất đai” là một lợi thế tuyệt đối để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là trong phạm vi Bắc Bộ, nơi có Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ. Đất nền làm khu công nghiệp - đô thị của Thái Nguyên có chất lượng tốt, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư. Đây cũng là một thế mạnh trong cạnh tranh thu hút đầu tư.
Khu Công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên
Thứ hai, về điều kiện dân số - lao động. Quy mô dân số Thái Nguyên đạt hơn 1,3 triệu người; nằm trong khu vực tương đối sẵn có nguồn nhân lực “phổ thông”, tính cho cả vùng Bắc Bộ lẫn các tỉnh miền núi phía Bắc. Dân số này, cộng với tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lưu chuyển mạnh, cho phép tạo ra “quy mô kinh tế” đủ lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tương ứng với dân số là lượng lao động đông, trẻ và có trình độ học vấn khá cao.
Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn của cả nước với 9 trường đại học; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh; hàng năm đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề ở nhiều các lĩnh vực… đang đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Thứ ba, về điều kiện hạ tầng kết nối. Thái Nguyên có vị trí “đắc địa” - gần Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế và có giao thông kết nối - cả “đối ngoại” lẫn “đối nội” - hết sức thuận lợi. Những năm qua, Thái Nguyên nổi lên như một ngôi sao về phát triển hạ tầng giao thông. Sự khởi sắc kinh tế của tỉnh trong 10 năm qua gắn với xu hướng cải thiện mạnh mẽ hạ tầng giao thông tạo thành động lực để Thái Nguyên phát triển mạnh hơn trong lĩnh vực này. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều dự án lớn, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có một số dự án giao thông quan trọng mang tính liên kết, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho cả vùng như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng chiều dài 42,55km, với tổng số vốn đầu tư trên 4.200 tỷ đồng, đã tổ chức khởi công ngày 12/5/2022; Dự án đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Đây là những dự án đầu tư xây dựng mới các tuyến đường kết nối Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xét trong mối liên hệ vùng, tỉnh Thái Nguyên còn có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển các hành lang và vành đai tăng trưởng, thúc đẩy các hoạt động liên kết chặt chẽ với các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc qua Cao Bằng, Lạng Sơn thông qua hệ thống giao thông thuận lợi: QL.3 mới, QL.3 cũ, QL.1B, QL.37, QL.3C, QL.17, ĐT.261, ĐT.264B, ĐT.265..., đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu Xá, giao thông đường thủy sông Cầu giúp cho tỉnh Thái Nguyên có nhiều lợi thế và điều kiện để phát triển nhanh và bền vững. Các tỉnh, thành phố nằm cạnh Thái Nguyên như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang đều sẽ là những địa phương bùng nổ phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Nằm trong hành lang này, sẽ hình thành các mối liên kết công nghiệp, từng bước phát triển và định hình các chuỗi sản xuất - cung ứng mà Thái Nguyên chắc chắn sẽ là một đầu mối quan trọng. Thông qua liên kết, Thái Nguyên có điều kiện phát huy vai trò thúc đẩy và lan tỏa tăng trưởng, nhờ đó, thực hiện chức năng của một trung tâm tăng trưởng và phát triển vùng và đây là một động lực mạnh để tỉnh phải vượt lên mạnh mẽ hơn.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 08 khu công nghiệp (KCN) với quy mô 2.395ha: KCN Sông Công I, diện tích 195ha (thành phố Sông Công); KCN Sông Công II, diện tích 250ha (thành phố Sông Công); KCN Sông Công II mở rộng, diện tích 300ha (thành phố Sông Công); KCN Nam Phổ Yên, diện tích 120ha (thành phố Phổ Yên); KCN Yên Bình I, diện tích 400ha (thành phố Phổ Yên); KCN Điềm Thụy, diện tích 350ha (thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình); KCN Quyết Thắng, diện tích 105ha (thành phố Thái Nguyên); KCN Phú Bình, diện tích 675ha (huyện Phú Bình). Và 37 cụm công nghiệp (CCN) diện tích 1.484,4ha. Trong đó, thành phố Thái Nguyên có 08 CCN; huyện Phú Bình có 07 CCN; thành phố Phổ Yên có 06 CCN; thành phố Sông Công có 04 CCN; huyện Đại Từ, Định Hóa có 03 cụm công nghiệp và huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai có 02 CCN. Đột phá phát triển công nghiệp đặt Thái Nguyên vào quá trình bùng nổ phát triển trên toàn tuyến, ở mọi lĩnh vực, trước hết là sự bùng nổ dân số - lao động và phát triển đô thị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Thái Nguyên đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ đạt 13,16%/năm, có thể nói đó là sự tăng trưởng vượt bậc. Chính sự phát triển mạnh mẽ đó đã giúp cho tỉnh Thái Nguyên rất nhiều cơ hội lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tại, có 9 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Thái Nguyên với 171 dự án còn hiệu lực, trong đó dẫn đầu là Hàn Quốc (hơn 100 dự án), tiếp đó là nhà đầu tư Trung quốc (30 dự án), Đức, Nhật… Từ một tỉnh thuần nông với cây chè, cây lúa, củ khoai cùng khu liên hợp gang thép chuyên sản xuất công nghiệp nặng, Thái Nguyên đã chuyển hướng mạnh mẽ sang kinh tế công nghiệp cao. Khởi đầu là việc Tập đoàn Samsung quyết định khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh, linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Yên Bình, cho đến thời điểm hiện tại, Samsung vẫn đang đóng vai trò là động lực phát triển mạnh mẽ bậc nhất của Thái Nguyên. Sự lựa chọn phát triển các tổ hợp đô thị hiện đại - công nghiệp - công nghệ cao, định hướng hội nhập quốc tế của Thái Nguyên là phù hợp với xu thế thời đại. Những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực mà Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua chính là tiền đề vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có và khát vọng hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành “một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”./.
Kim Ngân