Con người không thể tồn tại nếu thiếu máu. Vậy máu là gì? Có tác dụng gì? Vai trò của máu? Có bao nhiêu nhóm máu? Cấu tạo máu chứa các thành phần gì?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS Nguyễn Quốc Thành - Trưởng Đơn vị Bệnh Huyết học, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Máu là gì?
Máu là chất lỏng lưu thông tự do trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Máu được tim bơm đến các mô và cơ quan của cơ thể, sau đó được đưa trở lại tim để lặp lại quá trình tuần hoàn này.
Máu lưu thông trong hệ thống mạch máu, bao gồm: động mạch, tĩnh mạch và mao mạch.
Ở cơ thể người, máu có màu đỏ và có độ nhớt cao hơn nước. Màu sắc đặc trưng của máu được tạo ra bởi hemoglobin, một loại protein có chứa sắt. Hemoglobin có màu sáng khi bão hòa oxy (oxyhemoglobin) và sẫm màu khi loại bỏ oxy (deoxyhemoglobin). (1)
Tế bào máu là gì? Nguồn gốc của tế bào máu
Tế bào máu được tạo ra từ tủy xương. Tủy xương là cơ quan tạo máu chính của người, là một mô có kết cấu mềm, xốp, nằm ở các xương dẹt (xương sọ, xương ức, xương sườn, xương chậu, xương đốt sống…) và đầu tận xương dài (xương cánh tay, xương đùi, xương chày), (2)
Tủy xương tạo ra khoảng 95% tế bào máu của cơ thể. Bên cạnh đó, còn có những cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể giúp điều hòa các tế bào máu. Các hạch bạch huyết, lá lách và gan giúp điều hòa quá trình sản xuất, tiêu hủy và biệt hóa (phát triển một chức năng cụ thể) của tế bào.
Các tế bào gốc tạo máu được hình thành trong tuỷ xương, trải qua quá trình biệt hoá thành hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Các tế bào này được đưa vào máu ngoại vi và thực hiện chức năng của chúng.
Trong máu có chất gì?
Thành phần chủ yếu của máu bao gồm huyết cầu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Thành phần của huyết tương chủ yếu là nước (chiếm đến 92%) và các chất quan trọng khác như:
- Yếu tố đông máu
- Kháng thể
- Đường glucoza
- Hormone
- Chất đạm (protein)
- Muối khoáng
- Chất béo
- Vitamin
Máu di chuyển trong cơ thể như thế nào?
Cơ thể con người cần lưu lượng máu di chuyển liên tục qua tim và các bộ phận để duy trì sự sống. Quá trình lưu thông của máu diễn ra thành một vòng tuần hoàn:
- Trái tim bơm máu giàu oxy đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Máu di chuyển từ phổi đến tâm nhĩ trái qua các tĩnh mạch lớn (tĩnh mạch phổi). Lúc này, van hai lá mở ra để đưa máu từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái.
- Tâm thất trái khi đầy máu sẽ co bóp, van hai lá đóng lại và van động mạch chủ mở ra. Tim co bóp tống máu qua van động mạch chủ đến động mạch chủ, đưa máu đến phần còn lại của cơ thể.
- Khi rời khỏi tim, máu sẽ chảy qua hệ thống động mạch để đến mọi bộ phận trong cơ thể, từ các cơ quan chính (như não) đến các mô xa nhất ở đầu ngón chân.
- Trong quá trình di chuyển, tuần hoàn khắp cơ thể, máu thực hiện hai “nhiệm vụ” chính là cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho tất cả các cơ quan và mô cũng như hấp thu carbon dioxide (CO2) và các chất thải khác.
- Máu tiếp tục chảy về tim. Lúc này, máu chứa lượng oxy thấp và đi vào tâm nhĩ phải qua hai tĩnh mạch lớn: tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới. Những tĩnh mạch này lần lượt đổ máu trực tiếp vào tâm nhĩ phải của tim.
- Van ba lá của tim sẽ mở ra để máu đi từ tâm nhĩ phải đến tâm thất phải. Tâm thất phải khi đầy sẽ co bóp, van ba lá đóng lại và van động mạch phổi mở ra. Máu chảy qua động mạch phổi chính và các tiểu động mạch đến các mao mạch phổi, nơi nơi xảy ra quá trình trao đổi khí, máu nhận oxy và giải phóng CO2.
- Máu từ phổi về tim có màu đỏ tươi, giàu O2 và tim sẽ tiếp tục bơm máu đi khắp cơ thể, lặp lại quy trình trên. Quá trình tuần hoàn của máu diễn ra liên tục và không ngừng nghỉ.
- Nếu dòng máu di chuyển chậm lại, sẽ tạo nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể làm tắc nghẽn mạch máu và gây nên các vấn đề nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu không can thiệp và điều trị kịp thời.
Trong quá trình di chuyển của máu, hai loại mạch máu có nhiệm vụ mang máu đi khắp cơ thể chính là động mạch và tĩnh mạch:
- Động mạch mang máu đã được oxy hóa (máu đã nhận oxy từ phổi) đi từ tim đến phần các mô và cơ quan trong cơ thể.
- Máu tiếp tục di chuyển qua các tĩnh mạch, trở lại tim và phổi để nhận oxy rồi gửi trở lại cơ thể qua các động mạch.
Khi tim đập, máu di chuyển khắp cơ thể tại các điểm có mạch đập - như cổ và cổ tay - nơi các động mạch lớn chứa đầy máu chạy sát bề mặt da.
Cấu tạo các thành phần trong máu
Cấu tạo máu gồm hai phần chính: tế bào máu (chiếm 45%) và huyết tương (khoảng 55%).
1. Huyết tương
Huyết tương là thành phần vô cùng quan trọng, kết cấu dạng chất lỏng màu vàng và chứa hơn 90% nước. Ngoài ra hỗn hợp huyết tương còn chứa đường, chất béo, protein và muối khoáng, các men,… Các tế bào máu sẽ lơ lửng trong huyết tương.
Nước trong huyết tương có thể trao đổi tự do với tế bào cơ thể và các dịch ngoại bào khác. Phần nước trong huyết tương luôn có sẵn để giúp các mô trong cơ thể duy trì trạng thái hydrat hóa bình thường.
Huyết tương có chức năng vận chuyển các tế bào máu đi khắp cơ thể cùng với các chất dinh dưỡng, chất thải, kháng thể, protein đông máu, chất truyền tin hóa học như hormone và protein giúp duy trì cân bằng chất lỏng của cơ thể. (3)
Huyết tương chứa các protein, chiếm khoảng 7% trọng lượng. Sự khác biệt giữa huyết tương và dịch ngoại bào của mô là hàm lượng protein cao trong huyết tương. Protein huyết tương tạo ra hiệu ứng thẩm thấu khiến nước có xu hướng di chuyển từ dịch ngoại bào vào huyết tương. Phần lớn protein huyết tương được sản xuất ở gan.
Protein huyết tương chủ yếu là albumin, một phân tử tương đối nhỏ có chức năng chính là giữ nước trong máu nhờ tác dụng thẩm thấu. Lượng albumin trong máu là yếu tố quyết định tổng thể tích huyết tương. Sự suy giảm albumin làm cho chất lỏng rời khỏi tuần hoàn và tích tụ, gây sưng mô mềm (phù nề). Albumin liên kết với một số chất khác được vận chuyển trong huyết tương nên đóng vai trò là protein vận chuyển không đặc hiệu.
2. Các tế bào máu
Cấu tạo của tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Mỗi loại tế bào sẽ giữ những chức năng khác nhau. Hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất trong số các loại tế bào máu.
2.1. Hồng cầu
Các tế bào hồng cầu có màu đỏ tươi do chứa huyết sắc tố và chiếm hơn 40% thể tích của máu. Số lượng hồng cầu bình thường là 4,5 - 6,2 triệu/µL ở nam và 4,0 - 5,2 triệu/µL ở nữ.
Hồng cầu có hình dạng đĩa, hai mặt lõm với tâm dẹt. Việc sản xuất hồng cầu được kiểm soát bởi erythropoietin (hormone được sản xuất chủ yếu bởi thận). Các tế bào hồng cầu hình thành từ tế bào gốc đầu dòng hồng cầu trong tủy xương, sau khi trưởng thành (khoảng 7 ngày) sẽ được giải phóng vào máu.
Không giống như nhiều tế bào khác, hồng cầu không có nhân và có thể dễ dàng thay đổi hình dạng để đi qua các mạch máu khác nhau trong cơ thể. Việc thiếu nhân khiến tế bào hồng cầu trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng tuổi thọ của tế bào khi hồng cầu di chuyển qua các mạch máu nhỏ nhất, phá hỏng màng tế bào và làm cạn kiệt nguồn cung cấp năng lượng cho tế bào.
Trung bình hồng cầu chỉ tồn tại được 120 ngày. Hồng cầu già bị tiêu hủy chủ yếu ở lách và gan. Tủy xương sản sinh các hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu ổn định trong cơ thể. (4)
Chức năng chính của hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô của cơ thể và vận chuyển CO2 dưới dạng chất thải ra khỏi các mô và quay trở lại phổi. Hemoglobin là một protein quan trọng trong tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
2.2. Bạch cầu
Tế bào bạch cầu trong máu là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể nhưng chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng máu. Số lượng bạch cầu trong một microlit máu thường dao động từ 3.700 -10.500/µL. Số lượng bạch cầu cao hơn hoặc thấp hơn so với lượng trung bình có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó.
Chức năng chính của bạch cầu bao gồm:
- Chống lại các loại vi trùng khác nhau như vi khuẩn, virus
- Tạo kháng thể, là những protein đặc biệt có khả năng nhận biết và loại bỏ các vật thể lạ, có hại (như tế bào chết, mảnh vụn mô và tế bào hồng cầu cũ,…)
- Bảo vệ cơ thể khỏi các vật thể lạ xâm nhập vào máu như các chất gây dị ứng
- Chống lại các tế bào bị thay đổi (đột biến) như ung thư
Thời gian tồn tại của bạch cầu thay đổi từ vài giờ đến nhiều năm. Các tế bào bạch cầu mới liên tục được hình thành - một số ở tủy xương và một số ở các bộ phận khác của cơ thể như lá lách, tuyến ức và các hạch bạch huyết.
Các loại tế bào bạch cầu bao gồm:
- Tế bào lympho
- Bạch cầu đơn nhân
- Bạch cầu ái toan
- Bạch cầu ái kiềm
- Bạch cầu trung tính
Bạch cầu phổ biến nhất là bạch cầu trung tính. Đây là tế bào “phản ứng ngay lập tức” và chiếm 55% - 70% tổng số lượng bạch cầu.
Mỗi bạch cầu trung tính sống chưa đầy một ngày, vì vậy tủy xương phải liên tục tạo ra bạch cầu trung tính mới để duy trì khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Việc truyền bạch cầu trung tính thường không hiệu quả vì chúng không tồn tại lâu trong cơ thể.
Tế bào lympho cũng là một loại bạch cầu phổ biến. Có hai quần thể chính của tế bào lympho là tế bào lympho T và tế bào lympho B:
- Tế bào lympho T giúp điều chỉnh chức năng của các tế bào miễn dịch khác và tấn công trực tiếp vào các tế bào và khối u bị nhiễm bệnh khác nhau.
- Tế bào lympho B tạo ra kháng thể, là các protein đặc biệt nhắm vào vi khuẩn, virus và các vật chất lạ khác.
2.3. Tiểu cầu
Không giống như hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu thực chất không phải là tế bào mà là những mảnh tế bào nhỏ, có hình bầu dục. Có từ 150.000 đến 400.000 tiểu cầu/µL. Tuy nhiên, tiểu cầu chỉ tồn tại khoảng 9 ngày trong máu và liên tục được thay thế bằng tiểu cầu mới do tủy xương tạo ra.
Chức năng chính của tiểu cầu là tham gia quá trình đông cầm máu. Ngoài ra, tiểu cầu còn làm cho thành mạch máu mềm mại, dẻo dai hơn nhờ chức năng làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc.
Khi mạch máu bị vỡ, tiểu cầu sẽ tập trung tại vị trí vết thương, dính vào niêm mạc mạch máu bị thương nhằm bịt kín chỗ máu chảy. Tiểu cầu kết hợp với các protein tạo sự đông máu, kiểm soát chảy máu bên trong cơ thể và trên da.
Quá trình tập hợp các tiểu cầu tại một vị trí nhất định sẽ hình thành cục máu đông. Cục máu đông chính là nền tảng để hình thành mô mới và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Tuy nhiên, cần lưu ý số lượng tiểu cầu cao hơn bình thường có thể gây đông máu không cần thiết, dẫn đến những cơn đau tim và đột quỵ. Ngược lại, số lượng tiểu cầu thấp hơn bình thường có thể dẫn đến chảy máu nhiều, khó cầm máu.
Lượng máu ở người bình thường là bao nhiêu?
1. Lượng máu trung bình ở người trưởng thành
Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ, khoảng 7 - 8% tổng trọng lượng cơ thể con người là máu. Tổng lượng máu ở người sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi, giới tính, cân nặng và các yếu tố khác. Trung bình lượng máu ở người trưởng thành là khoảng 60 ml/kg trọng lượng cơ thể. Nói cách khác, một người trưởng thành trung bình có xấp xỉ 5-6 lít máu trong cơ thể.
Ở cơ thể người trưởng thành với mức cân nặng trung bình thì nam giới có khoảng 5,67 lít máu; còn nữ giới khoảng 4,2 lít máu.
2. Sự thay đổi về lượng máu trong cơ thể
Có rất ít sự thay đổi về lượng máu của một người khỏe mạnh trong thời gian dài, mặc dù thành phần của máu luôn thay đổi liên tục. Đặc biệt, thành phần nước trong máu liên tục di chuyển vào - ra nhằm duy trì sự cân bằng với chất lỏng ngoại mạch (những chất bên ngoài mạch máu).
Tuy nhiên, lượng máu cũng có thể mất đi do hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của con người. Ví dụ, khi mất nhiều mồ hôi hoặc mất nước thì lượng máu có thể giảm do bị cô đặc.
Thể tích máu bình thường trong cơ thể con người giúp đảm bảo việc cung cấp đủ lượng máu cần thiết trong trường hợp cơ thể mất đi một lượng máu đáng kể (do chấn thương, hiến máu, chu kỳ kinh nguyệt,…). Do đó, việc rút khoảng 500ml máu cho hoạt động hiến máu được xem là bình thường và an toàn.
Lượng máu mất đi sẽ được thay thế nhanh chóng. Điều này có được nhờ cơ chế điều hòa giữa lượng máu sinh ra ở tủy xương và lượng máu bị mất đi. Sau vài giờ, sự di chuyển của dịch ngoại mạch tuần hoàn sẽ giúp huyết tương có thể phục hồi lượng thể tích ban đầu.
Tuy vậy, nếu mất một lượng máu quá lớn hoặc chức năng sinh máu của tủy xương bị rối loạn thì lượng máu trong cơ thể có thể rơi vào tình trạng mất ổn định.
Vai trò của máu
Máu có tác dụng gì? Chức năng của máu là duy trì sự ổn định của môi trường bên trong cơ thể. Các chức năng chính của máu bao gồm:
- Vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng: Máu chuyên chở khí O2 và CO2 trao đổi giữa phế nang và các tế bào; vận chuyển đường, các axit amin, các axit béo, các vitamin… đến các tế bào.
- Đưa chất thải đến thận và gan, lọc và làm sạch máu: Máu lưu thông khắp cơ thể, lấy những chất thải của quá trình chuyển hóa tế bào như CO2, urê và axit lactic,… đưa đến các cơ quan bài xuất như thận, phổi, tuyến mồ hôi…
- Hình thành cục máu đông ngăn mất máu: Máu giúp hình thành cục máu đông ở vị trí vết thương để cầm máu và thúc đẩy quá trình hình thành vết thương. Vai trò này chủ yếu nhờ vào tiểu cầu.
- Mang tế bào và kháng thể chống nhiễm trùng: Nhờ vào bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu trung tính mà máu có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng do tác động của vi khuẩn, virus,…
- Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể: Một số thành phần của máu tham gia vào quá trình điều hòa, giúp cơ thể thích nghi với những biến đổi lớn của khí hậu và áp suất khí quyển. Ví dụ: máu giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể một cách nhanh chóng, giúp duy trì các cơ quan khác nhau trong cơ thể cùng chung một mức nhiệt.
- Đảm bảo sự đồng bộ của các cơ quan trong cơ thể: Máu có các kháng thể, kháng độc tố… tham gia vào cơ chế bảo vệ cơ thể. Máu mang các hormone, các loại khí O2 và CO2, các chất điện giải như Ca++, K+, Na+… để điều hòa hoạt động các nhóm tế bào, các bộ phận trong cơ thể nhằm duy trì hoạt động đồng bộ.
Có bao nhiêu nhóm máu?
1. Cách xác định nhóm máu
Nhóm máu của một người được xác định bởi các kháng nguyên trên tế bào hồng cầu.
Kháng nguyên là các phân tử protein trên bề mặt của các tế bào này. Còn kháng thể là các protein trong huyết tương cảnh báo hệ thống miễn dịch về sự hiện diện của các chất lạ có khả năng gây hại. Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi mối đe dọa của bệnh tật hoặc nhiễm trùng.
Các tế bào hồng cầu đôi khi chứa một kháng nguyên khác gọi là RhD (cũng là một phần của nhóm máu). Nhóm máu dương là nhóm máu có kháng nguyên RhD.
2. Vai trò của việc xác định nhóm máu
Việc biết bản thân thuộc nhóm máu gì có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh (cần truyền máu) hoặc nhận tạng hiến từ người khác. Các kháng thể sẽ tấn công các tế bào máu mới nếu không đúng nhóm máu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có thể gây hại tính mạng. Ví dụ, kháng thể kháng A sẽ tấn công các tế bào có kháng nguyên A.
Bên cạnh đó, việc xác định nhóm máu rất quan trọng khi mang thai. Ví dụ, nếu một người mang thai có máu RhD âm tính, nhưng thai nhi thừa hưởng máu RhD dương tính thì cần phải điều trị để ngăn ngừa tình trạng tan máu ở trẻ sơ sinh.
3. Các nhóm máu
Mỗi người có thể sở hữu một trong bốn nhóm máu chính là: A, B, AB hoặc O.
- Nhóm máu A là nhóm máu chỉ có kháng nguyên A trên hồng cầu (và kháng thể B trong huyết tương).
- Nhóm máu B là nhóm máu chỉ có kháng nguyên B trên hồng cầu (và kháng thể A trong huyết tương).
- Nhóm máu AB là nhóm máu có cả kháng nguyên A và B trên tế bào hồng cầu (nhưng không có kháng thể A và B trong huyết tương).
- Nhóm máu O là nhóm không có kháng nguyên A và B trên hồng cầu (nhưng cả kháng thể A và B đều có trong huyết tương).
Mỗi nhóm này có thể là Rh dương tính (+) hoặc âm tính (-), tạo thành tám loại máu chính là: A(+), A(-), B(+), B(-), AB(+), AB(-), O(+) và O(-).
Khi xác định được nhóm máu, bạn có thể dễ dàng biết được mình có thể cho hoặc nhận nhóm máu nào, dựa trên bảng tóm tắt sau:
Nhóm máu Nhóm máu bạn có thể nhận được Nhóm máu bạn có thể hiến tặng A+ A+, A-, O+, O- A+, AB+ A- A-, O- B+, AB+ B+ B+, B-, O+, O- B+, AB+ B- B-, O- B-, B+ AB+, AB- AB+ Tất cả các nhóm máu AB+ AB- AB-, A-, B-, O- AB-, AB+ O+ O+, O- O+, A+, B+, AB+ O- O- Tất cả các nhóm máuCác vấn đề thường gặp
1. Cơ thể mất máu nguy hiểm như thế nào?
Trong những trường hợp mắc phải các bệnh lý như thiếu máu do mất máu, suy tủy,… lượng máu trong cơ thể sẽ thay đổi tùy thuộc tình trạng bệnh lý. Nếu mất trên 1/3 tổng lượng máu thì sẽ gây rối loạn chức năng của nhiều cơ quan, có thể gây sốc, thậm chí tử vong.
Cụ thể, khi tình trạng mất máu bắt đầu diễn ra, các mạch máu nhỏ hơn co lại để máu ít chảy qua. Nhịp tim sẽ tăng lên để duy trì huyết áp ổn định và cung cấp oxy đến các cơ quan quan trọng, bao gồm não và tim. Lượng nước tiểu của cơ thể cũng giảm xuống để bảo tồn lượng chất lỏng của cơ thể.
Khi cơ thể mất khoảng 14% tổng lượng máu, bạn có thể cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt, da tái nhợt, có cảm giác ớn lạnh nhưng thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hiệu (huyết áp, nhịp tim).
Nếu cơ thể mất hơn 20% lượng máu, bạn có thể bị sốc xuất huyết. Lúc này, tim đập chậm lại và không thể lưu thông đủ máu đi khắp cơ thể. Huyết áp và nhiệt độ cơ thể cũng đồng loạt giảm mạnh.
Nếu mất từ 30 - 40% lượng máu (tương đương với khoảng 1,5-2 lít máu) sẽ gây tử vong khi không cấp cứu kịp thời, truyền máu và bổ sung chất lỏng bằng dung dịch muối.
2. Các xét nghiệm máu phổ biến
Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất để theo dõi sức khỏe tổng thể và/hoặc giúp chẩn đoán các tình trạng bệnh lý.
Có nhiều xét nghiệm máu khác nhau, phổ biến bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC)
- Xét nghiệm đánh giá chức năng chuyển hóa - trao đổi chất (BMP)
- Xét nghiệm tình trạng dị ứng và tự miễn dịch:
- Globulin miễn dịch đặc hiệu với chất gây dị ứng E (IgE)
- Protein phản ứng C (CRP)
- Tốc độ máu lắng (ESR)
- Globulin miễn dịch A (IgA)
- Globulin miễn dịch E (IgE)
- Globulin miễn dịch (IgA, IgG, IgM)
- Mô transglutaminase IgA, IgG
- Xét nghiệm cholesterol trong máu
- Cấy máu để kiểm tra vi trùng
- Xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng thiếu máu và các vấn đề về tế bào máu
- Xét nghiệm bệnh tiểu đường
- Xét nghiệm lượng đường trong máu (glucose)
- C-peptide
- Huyết cầu tố a1c
- Insulin
- Xét nghiệm máu kiểm tra hệ thống nội tiết/tăng trưởng/phát triển giới tính
- Xét nghiệm đo mức độ khoáng chất và chất dinh dưỡng
- Xét nghiệm máu để phát hiện ung thư
Ngoài ra, tùy theo nhu cầu thăm khám, tầm soát và các vấn đề sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp xét nghiệm phù hợp nhất.
Thăm khám và điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh vui lòng liên hệ:
Máu là một thành phần quan trọng của cơ thể. Mất máu quá nhiều có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí gây tử vong. Do đó, chúng ta cần thực hiện các biện pháp bảo vệ máu cũng như tránh các tác nhân gây hại cho máu. Nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lý về máu, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám và điều trị (nếu cần).