Cây linh sam là loại cây bonsai nổi tiếng bậc nhất tại nước ta. Với ưu điểm là hoa đẹp, lá nhỏ, thân đẹp, nhanh lớn, dễ uốn, dễ chăm sóc, chịu đày tốt... nên rất được ưa chuộm làm bonsai. Linh sam được trồng ở nước ta chủ yếu ở các tỉnh miền tây. Bắt đầu phổ biến vào những năm 2000, có giá trị rất lớn. Sau này người ta trồng nhiều hơn nên giá thành giảm sâu, rất dễ để mua được một cây linh sam đẹp.
Ưu điểm của cây linh sam
Hoa đẹp, rộ hoa: với màu đặc trưng là màu tím nhìn khá giống hoa đậu biếc. Khi cây ra hoa đồng loạt nhìn rất đẹp tím cả một góc trời. Ngoài màu tím nó còn có các màu đột biến như trắng, phớt hồng, tím than… đều rất đẹp. Cây linh sam chỉ ra hoa không ra quả, có thể ép hoa đồng loạt bằng cách xiết nước đến khi rụng lá, sau đó tưới lại cây sẽ ra hoa đồng loạt.
Lá: có 3 dòng lá nhỏ, lá trung và lá lớn. Người chơi bonsai thích nhất là lá nhỏ, lá trung cũng có thể chơi được. Nhưng bonsai lá càng nhỏ càng giá trị. Sau này có linh sam tân phú lá rí nhỏ đúng bằng hạt gạo.
Thân: xù xì, dễ uốn nắn tạo hình có tốc độ lớn nhanh dễ tạo hình từ bonsai mini cho tới bonsai đại.
Rễ: phần độc đáo là rễ có thể xắp đế từ nhỏ để tạo rễ 24h tức là đều tăm tắp về 4 phía. Có thể trồng ống để tạo rễ nôm, chân dài đều rất đặc sắc. Linh sam có sức sống mãnh liệt nên bạn có thể can thiệp thoải mái bộ rễ mà cây vẫn phát triển khỏe mạnh.
Đất trồng cây linh sam
Nếu trồng trên đất thì linh sam đặc biệt phù hợp với vùng đất phù sa và khí hậu nóng ẩm như ở đồng bằng sông cửu long. Khi trồng nên làm mô đất cao, chống ngập úng khi trồng đất không cần bón phân gì nhiều.
Trồng chậu: đa số các cây bonsai đều trồng chậu. Khi đó đất trồng sẽ cần cân nhắc kỹ, lúc này giá thể trồng cần thông thoáng tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển.
- Công thức 1: 50% trấu, 30% xơ dừa, 10% đất mặt, 10% cát hạt to.
- Công thức 2: akadama trộn pumice (mua ở tiệm cây cảnh)
Ở miền bắc không có trấu với xơ dừa thì nên sử dụng nhiều cát hạt to. Các bạn đãi cát xây dựng bỏ hết các hạt cát nhỏ, chỉ để lại các hạt to. Trộn ít nhất 50% cát hạt to, mục đích là để tránh đất trong chậu bị lèn.
Tức là ẩm quá nhiều, thoát nước kém, kém thông thoáng cây dễ bị thúi rễ. Sau khoảng một năm trồng nên thay đất một lần, lọc bỏ hết các thành phần mịn bổ sung thêm cát hạt to.
Bón phân cho cây linh sam bonsai
Phân hữu cơ: đa số mình bón phân đều dùng phân hữu cơ, bánh dầu, phân dơi... Khi bón mình chỉ hòa phân vào nước sau đó lấy nước tưới lên gốc, mỗi tuần một lần. Không nên bón trực tiếp phân hữu cơ vào chậu. Trong thành phần phân hữu cơ có nhiều tạp chất mịn, làm lèn giá thể trồng. Sau vài tháng bón nhiều sẽ làm tăng thành phần mịn trong chậu. Khi đó làm chậu khó thoát nước, ẩm nhiều, thúi rễ hoặc gây các bệnh nấm.
Phân vô cơ NPK: ở các nhà vườn trồng cả trăm, nghìn cây người ta thường bón phân vô cơ. Tại vì nếu bón phân hữu cơ chi phí sẽ rất nhiều. Các loại phân nên chọn là NPH 16-16-8, NPK20-10-10, phân DAP. Tuy nhiên mình đánh giá không cao phương pháp bón phân này. Cây bón nhiều phân vô cơ về lâu dài gây mất cân đối, tuổi thọ cây không cao, kém bền vững.
Các loại cây linh sam phổ biến
Linh sam sông hinh: là dòng linh sam đầu tiên được chơi bonsai. Có nguồn gốc ở vùng sông hinh thuộc tỉnh Phú Yên. Lá tương đối nhỏ, sai hoa, hoa to bông chùm có màu tím đậm, có gai, cây phát triển khỏe. Đầu tiên là các cây khai thác từ rừng núi, sau được nhân giống trồng nhiều ở các tỉnh miền tây.
Linh sam hạt gạo: là dòng đột biến lá siêu nhỏ bằng hạt gạo. Chơi bonsai thì lá càng nhỏ càng có giá trị nên được ưa chuộm. Là dòng đột biến của linh sam sông Hinh, nhược điểm là rất hay bỏ cành(chết cành). Để hạn chế tình trạng này phải thường xuyên lặt sạch lá bên trong thân, chỉ để lá ở ngoài đầu cành. Việc này giúp cây vận chuyển dinh dưỡng đi khắp thân hạn chế bỏ cành.
Linh sam 86: lá nhỏ hơn linh sam sông hinh một chút, nhưng lại to hơn linh sam hạt gạo là dòng đột biến của linh sam sông hinh. Ưu điểm là hoa nhỏ nhưng sai hoa, đậm màu, ra hoa quanh năm.
Linh sam khác: linh sam lá lớn, linh sam lá trung ít người chơi hơn. Lý do lá to, cây lớn nhanh, nhiều gai thường được ghép với linh sam lá nhỏ để tăng giá trị thẩm mỹ. Ngoài ra về màu sắc hoa còn có linh sam hoa trắng, linh sam hoa trắng hồng, linh sam hoa tím than(màu cực đậm).
Cách nhân giống cây linh sam bonsai
Nhân giống cây linh sam rất quan trọng vì cây linh sam rất dễ trồng, được nhiều người ưa chuộm, dễ mua dễ bán. Cây linh sam nếu được làm rễ 24h hoặc uốn thân từ bé sau này sẽ có giá trị cao. Nếu để trồng tự nhiên tỷ lệ có cây đẹp sau này rất thấp, hiệu quả kinh tế kém.
Giâm cành: cách này dễ thực hiện chỉ cần cắt cành có độ lớn phù hợp không quá non cũng không quá già. Tuy nhiên tỷ lệ sống cách này không cao chỉ khoảng 40%. Giâm cành thường chọn giá thể là cát để cây ra rễ nhiều, rễ thẳng về sau sẽ có bộ đế đẹp và đều hơn.
Chiết cành: cách này được thực hiện nhiều nhất do tỷ lệ sống cao. Cây sau khi chiết khá to nên thời gian thu hoạch cây nhanh hơn giâm cành. Chọn cành càng to tỷ lệ chiết thành công càng cao. Cắt lớp vỏ, sau đó lấy xơ dừa hoặc rễ lục bình ngâm với thuốc kích rễ đậm đặc.
Đắp lên phần thân vừa cắt bỏ lấy ni lông buộc lại. Sau khoảng 1.5 tháng cây sẽ ra rễ, cây chiết ra càng nhiều rễ non tỷ lệ trồng sống càng cao, cây sau này phát triển mạnh.
5 loại cây linh sam đẹp nhất
Vào giữa năm ngoái đã có một cây linh sam có giá trị 500 triệu đồng đoạt giải nhất cuộc thi “Hội thi hoa lan, bonsai”, chủ sở hữu của nó chính là danh hài Hoài linh quen thuộc. Cây linh sam này có dáng nghiêng đổ sang 1 bên, tuy nhiên nó lại rất cứng cáp mang ý nghĩa dù có gặp trắc trở thì vẫn vươn lên mạnh mẽ. Theo tính thẩm mĩ, chúng ta còn thấy cây còn có dáng vẻ mềm mại như một thiếu nữ duyên dáng, nhã nhặn.
Tiếp theo là cây linh sam có dáng vẻ “cực độc” của anh Lê Tiến Thịnh, được hội bonsai Việt Nam bình chọn trong top 10 và nằm trong top 3 của hội bonsai Bình Định, hội tụ đủ các yếu tố cổ, kì, văn, mỹ, cây được các nghệ nhân khác trả giá lên đến 350 triệu. Cây cũng có tư thế nghiêng sang một bên, thêm cả cây được trồng trên thân gỗ lũa chịu nước rất tốt, làm cho cây thêm phần cổ kính. Chủ nhân của cây linh sam này đã tốn rất nhiều công sức mà tiền bạc để chăm sóc và tạo dáng trên gỗ lũa, nhìn rất tự nhiên.
Có kiểu dáng độc đáo hơn chính là cây linh sam của anh Ngọc Sơn, tỉnh Hà Nam, được triển lãm tại trung tâm TP Hải Phòng trong khuôn khổ Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng năm 2017. Cây có kiểu dáng huyền, có gốc trong chậu nhưng thân cây trườn ra ngoài và đổ xuống như dòng thác. Ý nghĩa của nó giống như cây mọc trên vách núi cheo leo nhưng vẫn có lực bám rất tốt, chịu đựng các điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn vượt qua và vươn lên, ngoài ra ta còn thấy lấp ló những bông hoa tím tạo thêm phần sức sống tươi mới, mềm mại hơn cho cây.
Đây là tác phẩm đã ra hoa của ông Thắng ‘đổ’ (quận Tân Phú, TPHCM), với lối yêu thích nuôi dưỡng những gốc cây linh sam thành dạng cây bonsai, ông đã thu mua rất nhiều gốc cây để về uốn nắn, tạo hình. Cây linh sam này cũng có thế nghiêng sang một bên, thể hiện rõ phần gốc rễ to khỏe, nhìn rất đầy đặn, chắc chắn. Những bông hoa tím sẫm nở rộ rực rỡ, chi chít bao quanh các ngọn cây, lá cây được tỉa rất cẩn thận và gọn gàng khiên mọi người nhìn vào cảm thấy rất trọn vẹn.
Cuối cùng, chúng ta có cây linh sam thác đổ được mang đi trưng bày ở Hội Hoa Xuân 2013 của Nhà vườn Cổ Mai Hoa. Cây linh sam nhỏ nhắn với màu hoa tím đậm đà yêu thương của mình. Dáng huyền nhìn như dấu ngã, đổ xuống khúc đầu sau đó lại vươn lên thể hiện sự mềm mại, dịu dàng, sự tươi trẻ song tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt của mình. Ngoài thiên nhiên những cây linh sam dáng huyền thường sống trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất (cây ở sườn núi, vách đá…) nhưng cây vẫn có thể sống, gốc cây bám rất chặt vào đá, treo leo giữa không trung. Ngọn cây có xu hướng ngóc lên kể cả trồng trong chậu, ngọn cây vươn lên tạo hình ảnh của sự vượt khó luôn luôn kiên trì nhẫn nại vượt qua phong ba bão táp hướng tới tương lai tiếp tục tiến tới phát triển mạnh mẽ.
Keyword: Cây linh sam bonsai