Phi công là người làm việc trong ngành hàng không. Họ có nhiệm vụ vận hành máy bay để đưa hành khách hoặc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này tới địa điểm khác. Họ được tuyển dụng bởi các hãng hàng không thương mại, các tập đoàn hoặc chính phủ.
Phi công thi khối gì?
Khi nói đến công việc tương lai, các bạn học sinh cấp ba thường tự hỏi: “để làm công việc đó, cần học ngành gì, thi khối nào?”. Điều này cũng đúng trong trường hợp của những ai muốn trở thành phi công. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi “phi công thi khối gì?”.
Trên thực tế, để trở thành phi công, bạn không cần thi Đại học. Thay vào đó, bạn cần phải tham gia khóa học đào tạo (kéo dài 14 - 24 tháng) tại các cơ sở huấn luyện được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là, kết quả thi Đại học - Cao đẳng (dựa trên điểm của tổ hợp môn thi các khối A, B, C, D,…) không có nhiều giá trị trong trường hợp này.
Để được tuyển sinh vào các khóa đào tạo phi công, ứng viên sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sức khỏe, ngoại hình, khả năng ngoại ngữ,… mà trung tâm đào tạo yêu cầu.
Làm phi công thì học ngành gì và ở đâu?
Để đủ điều kiện bắt đầu học làm phi công, bạn chỉ cần tốt nghiệp bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, bạn cần phải tham gia khóa học phi công tại cơ sở huấn luyện được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn. Trong quá trình đào tạo, học viên sẽ được học các môn học sau:
Huấn luyện cơ bản
Huấn luyện lý thuyết nâng cao
Huấn luyện kỹ năng bay sử dụng thiết bị
Huấn luyện kỹ năng bay nâng cao, sử dụng thiết bị
Sau chương trình phi công cơ bản, học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ trong khoảng 1 năm, rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và 5 năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Do đó, đào tạo được một phi công thực thụ thường sẽ phải mất từ 7 đến 9 năm. Các trường đào tạo phi công tại Việt Nam phải kể đến:
Trường Phi công Bay Việt (Viet Flight Training)
Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup
Công ty hàng không Tre Việt (Bamboo Airway)
Stanford Aviation International Company (SAIC)