Hôi miệng khiến bạn dễ tự ti khi giao tiếp hoặc thậm chí còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc. Việc tìm hiểu nên khám hôi miệng ở đâu sẽ giúp người bệnh điều trị hôi miệng dứt điểm, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, có nhiều địa chỉ khám và điều trị hôi miệng hiệu quả trên cả nước. Việc tìm đúng nơi khám chất lượng sẽ giúp bạn mau chóng hết hôi miệng và lấy lại tự tin. Vậy khám hôi miệng ở đâu? Tìm hiểu ngay qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau đây.
Tại sao bạn bị hôi miệng?
Trước khi tìm hiểu nên khám hôi miệng ở đâu, bạn cần phải hiểu rõ vì sao mình rơi vào tình trạng bất tiện này. Thực tế, nguyên nhân gây hôi miệng rất nhiều, chẳng hạn như:
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Đây là nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng. Nếu bạn không vệ sinh răng miệng sạch sẽ, các mảng bám thức ăn vẫn còn dính trên răng, lưỡi và amidan, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng không sạch có thể dẫn đến một số bệnh răng miệng như sâu răng và nha chu gây hôi miệng.
- Thức ăn: Sự phân hủy của các mảnh thức ăn trong và xung quanh răng có thể làm gia tăng vi khuẩn và gây ra mùi hôi. Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như hành, tỏi và gia vị mùi nồng cũng có thể gây hôi miệng. Sau khi cơ thể tiêu hóa những thực phẩm này, chúng sẽ đi vào máu đến phổi và ảnh hưởng đến mùi hơi thở.
- Cà phê: Cà phê có thể là nguyên nhân gây hôi miệng do hương vị thơm nồng cũng như ảnh hưởng của nó đối với quá trình sản xuất nước bọt. Sau khi uống cà phê, chất caffeine có thể gây giảm sản xuất nước bọt, làm gia tăng vi khuẩn gây mùi.
- Đồ uống có cồn: Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân khiến hơi thở có mùi. Bạn càng uống nhiều rượu thì càng có nhiều nguy cơ gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, thói quen uống rượu bia quá nhiều sẽ làm giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây mùi sinh sôi.
- Ăn nhiều đồ ngọt: Thói quen ăn nhiều đồ ngọt có thể gây hôi miệng do đường có thể tương tác với các vi khuẩn trong khoang miệng và khiến đồ ngọt có mùi chua.
- Chế độ ăn giàu protein hoặc low carb: Carbohydrate thực hiện các chức năng quan trọng trong cơ thể. Nếu chế độ ăn uống của bạn không đủ carbs, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng. Khi cơ thể không nhận đủ carbs do chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt sẽ dẫn đến những thay đổi trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến hôi miệng. Chế độ ăn với các thực phẩm giàu protein đôi khi khiến cơ thể khó tiêu hóa và có xu hướng giải phóng khí lưu huỳnh gây hôi miệng.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá không những gây hôi miệng mà còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng khác như viêm nha chu, răng xỉn màu…
- Các vấn đề tiêu hóa: Tiêu hóa kém, táo bón hay rối loạn đường tiêu hóa có thể khiến hơi thở có mùi hôi. Nếu bạn thường xuyên bị trào ngược axit, mùi của thức ăn vừa mới tiêu thụ có thể dễ dàng trào ngược lên thực quản và miệng, gây ra hôi miệng.
- Khô miệng: Nước bọt giúp giữ cho miệng luôn sạch bằng cách loại bỏ các mảnh thức ăn còn sót lại. Khi quá trình sản xuất nước bọt bị chậm hoặc ngừng lại có thể dẫn đến hơi thở có mùi hôi. Điều này xảy ra một cách tự nhiên trong khi bạn ngủ, đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều thấy hơi thở của mình có mùi hôi khi thức dậy. Tuy nhiên, nếu vấn đề vẫn tồn tại suốt cả ngày, bạn cần phải điều trị.
- Các thuốc kê đơn: Một số loại thuốc có thể gián tiếp khiến hơi thở có mùi do góp phần làm khô miệng. Một vài thuốc khác có thể bị phân hủy trong cơ thể để giải phóng các chất hóa học và gây hôi miệng.
- Các nguyên nhân khác: Mặc dù hầu hết trường hợp hôi miệng là do vi khuẩn gây ra, nhưng có một số tình trạng sức khỏe khác có thể góp phần gây ra vấn đề này. Hôi miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác, như chảy dịch mũi sau, nhiễm trùng đường hô hấp và amidan, các vấn đề về xoang, tiểu đường, các vấn đề về gan và thận, một số rối loạn về máu. Trong một số trường hợp hiếm hơn, việc hơi thở có mùi có thể là dấu hiệu của ung thư hoặc các tình trạng nghiêm trọng khác như rối loạn chuyển hóa.
Khám hôi miệng ở đâu?
Khi bị hôi miệng bạn cần đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng ở các bệnh viện uy tín, chẳng hạn như:
Miền Bắc:
1. Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Viện Răng Hàm Mặt Quốc gia)
Địa chỉ: 40 Tràng Thi, P. Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
2. Bệnh viện Quân Y 103
Địa chỉ: 261 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội
3. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Địa chỉ: 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
4. Bệnh viện Bạch Mai
Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
5. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực thuộc Đại học Y Hà Nội
Địa chỉ: 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội
Miền Trung:
1. Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đà Nẵng
Địa chỉ: 124 Hải Phòng, Thạch Thang, TP. Đà Nẵng
2. Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Trung ương Huế
Địa chỉ: 16 Lê Lợi, TP. Huế
Miền Nam:
1. Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 201A Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, quận 5, TP. Hồ Chí Minh
2. Bệnh viện Răng Hàm Mặt thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 263 - 265 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
3. Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 155B Trần Quốc Thảo, phường 9, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
4. Bệnh viện Nhân Dân 115 - Chuyên khoa Tai Mũi Họng
Địa chỉ:
- Cổng 1: 88 Thành Thái (520 Nguyễn Tri Phương cũ), phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh
- Cổng 2: 527 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh
5. Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh - Chuyên khoa Tai Mũi Họng
Địa chỉ: 215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Với những thông tin được chia sẻ trong bài, Hello Bacsi tin rằng bạn đã biết được nguyên nhân gây hôi miệng của mình là do đâu và chọn được địa chỉ khám phù hợp.
[embed-health-tool-bmi]