F&B là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong khách sạn nhưng tuỳ thuộc vào quy mô kinh doanh cũng như cấp độ của khách sạn mà bộ phận này trong khách sạn sẽ có mô hình, cấu trúc khác nhau. Hy vọng bài viết hôm nay mà CET cung cấp về Thuật ngữ Nhà hàng Khách sạn sẽ giúp bạn hiểu hơn về bộ phận F&B nhé! Ngày nay, cùng với lưu trú thì nhu cầu về ăn uống của con người cũng được chú trọng và nâng cao hơn. Ngoài việc ăn no và ngon, khách hàng ngày càng đòi hỏi nhiều điều hơn trong bữa ăn tại nhà hàng. Họ sẵn sàng móc hầu bao để có được những sự trải nghiệm tốt nhất. Vì thế, bên cạnh buồng phòng thì F&B là nơi đem lại nguồn doanh thu khủng cho khách sạn.
Bên cạnh buồng phòng thì F&B là bộ phận mang lại doanh thu lớn cho khách sạn(Nguồn: Internet)
F&B là gì?
F&B là thuật ngữ viết tắt của từ Food and Beverage Service (Ẩm thực và đồ uống). Đây là dịch vụ cung cấp đồ ăn thức uống cho khách lưu trú tại khách sạn hoặc khách vãng lai. Ngoài đáp ứng nhu cầu về ăn uống (Room Service), F&B còn kinh doanh các dịch vụ kèm theo như: hội họp, tiệc, giải trí …
Có thể thấy, mô hình F&B ở khách sạn và của một nhà hàng riêng biệt bên ngoài có sự khác biệt rất lớn. Tuỳ theo cấp độ sao, số lượng phòng, diện tích… mà mỗi khách sạn sẽ cơ cấu hình thành bộ phận F&B sao cho phù hợp nhất để vận hành. Ví dụ như:
- Khách sạn 3 sao thường bao gồm 1 nhà hàng phục vụ giờ cố định, 1 quầy bar (thường ở khu vực tiền sảnh) và dịch vụ Room Service khi khách có yêu cầu.
- Khách sạn 4 sao thì có ít nhất 1 nhà hàng phục vụ các bữa trong ngày với bữa sáng được phục vụ với hình thức buffet (tự chọn) và quầy bar tại các khu vực công cộng như tiền sảnh, hồ bơi hay spa… và dịch vụ Room Service 24/24.
- Đối với khách sạn từ 5 sao trở lên luôn có ít nhất 2 nhà hàng sẵn sàng phục vụ ăn uống 24/24 với da dạng hình thức như: buffet, A La Carte, Set Menu… từ các món ăn cao cấp Âu - Á và các món nước sang trọng. Ngoài ra, bên cạnh các quầy bar tại các khu vực công cộng, các khách sạn ngày nay còn có vài khu vực riêng dành cho thực khách thưởng thức chuyên sâu về các loại đồ uống, cocktail như: Lounge, club, các quầy bar mở ở sân thượng hay ngoài bãi biển,… và dịch vụ Room Service 24/24 với chất lượng như bữa ăn tại nhà hàng.
Vậy vai trò của F&B là gì?
Vai trò đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của bộ phận F&B là thoả mãn nhu cầu ăn uống của khách hàng. Ngoài ra, đây không chỉ giúp mang lại nguồn doanh thu lớn mà còn là nơi để quảng bá văn hoá, giới thiệu thương hiệu của khách sạn rộng rãi đến với mọi đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, nếu bộ phận F&B của khách sạn được tổ chức và hoạt động tốt thì đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy nguồn thu từ các dịch vụ khác như hội họp, tiệc…
Quầy bar, nhà hàng là nơi quảng bá văn hoá, thương hiệu của khách sạn cực kỳ hiệu quả(Nguồn: Internet)
Các bộ phận trực thuộc F&B
Lobby bar
- Lobby bar: là quầy bar cần thiết phải có tại khu vực tiền sảnh của khách sạn từ 3 - 5 sao. Đây là khu vực dành cho khách lưu trú tại khách sạn có thể thưởng thức những món café thơm ngon hay những ly cocktail hương vị hảo hạng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Bên cạnh đó, Lobby bar sẽ phụ trách các món nước Welcome drink để khách có thể thưởng thức trong thời gian chờ làm các thủ tục check-in. Ngày nay quầy Lobby bar tại các khách sạn thường mở rộng thêm nhiều chương trình như High Tea, Happy Hours… để thu hút cả thêm cả đối tượng khách vãng lai.
Restaurant
- Restaurant: là nơi cung cấp tất cả các bữa ăn trong ngày dành cho thực khách. Ngoài ra, nhà hàng thường là nơi chịu trách nhiệm phục vụ ăn uống dành cho khách đến tham dự các hội nghị, hội thảo và họp hành tại khách sạn; cũng như tổ chức các loại hình tiệc (theo yêu cầu) của khách vãng lai. Doanh thu của nhà hàng so với các bộ phận khác thuộc F&B thường không đồng đều mà có sự chênh lệch qua các tháng, biến chuyển theo nhu cầu ăn uống thực tế của khách hàng.
Room Service
- Room Service: là dịch vụ phục vụ ăn uống tại phòng theo yêu cầu của khách. Đối với khách sạn từ 4 sao trở lên thì Room Service luôn hoạt động 24/24. Ngoài ra, bộ phận này còn phụ trách đặt các phần trái cây, bánh bên trong phòng để chào đón các vị khách VIP, quan trọng; cũng như chịu trách nhiệm kiểm soát và bổ sung Minibar trước và sau thời gian khách lưu trú. Hầu hết ở các khách sạn thì Room Service hoạt động như một bộ phận độc lập của F&B nhưng một số khác thì được bao gộp trong nhà hàng.
Banquet
- Banquet (bộ phận Yến tiệc): là nơi cung cấp các dịch vụ liên quan đến hội họp, các sự kiện, tiệc cưới, tiệc công ty… với đa dạng loại hình tiệc theo yêu cầu từ phía khách hàng. Hầu hết ở tất cả các khách sạn 4 - 5 sao thì Banquet mang lại doanh thu, lợi nhuận chiếm phần lớn tổng nguồn thu từ F&B.
Executive Lounge
- Executive Lounge: thường chỉ có ở các khách sạn từ 4 sao trở lên, đây là khu vực chỉ dành riêng cho khách đang lưu trú (đặc biệt là khách VIP) tại khách sạn. Giống với nhà hàng, tại đây cũng sẽ phục vụ các bữa ăn nhưng số lượng món ăn thức uống ở đây được hạn chế và lựa chọn, chế biến kĩ lưỡng đạt chất lượng rất cao. Ngoài chất lượng của đồ ăn đồ uống thì khách khi đến các lounge ở khách sạn được phục vụ ở mức chuyên nghiệp cao, chu đáo.
Kitchen
- Kitchen (Bếp): đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp sẽ phụ trách chế biến tất cả các món ăn được phục vụ trong toàn khách sạn, ngoài ra chịu trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sáng tạo ra các món ăn mang đậm dấu ấn, phong cách, văn hoá tại địa phương góp phần thu hút thực khách lui tới.
Ngoài ra, như đã đề cập bên trên thì tuỳ theo quy mô và nhu cầu thực tế mà bộ phận F&B sẽ còn mở rộng thêm các hình thức F&B khác như: Rooftop bar, Club, …
Các loại hình F&B trong khách sạn ngày càng được đa dạng hoá(Nguồn: Internet)
Tổng kết
Có thể thấy, các loại hình F&B trong khách sạn ngày càng được đa dạng hoá. Không chỉ để mang lại nguồn doanh thu lớn nhất có thể dành cho khách sạn mà đó còn là mong mỏi, khát khao mang đến nhiều hơn sự hài lòng trong ăn uống - trải nghiệm của khách hàng. Qua đó, thu hút thêm cũng như quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam trong mắt khách du lịch và bạn bè quốc tế.