Chắc hẳn các bạn không quá xa lạ với Hồng Kông qua các bộ phim TVB. Những tòa nhà chọc trời, đô thị hiện đại, khu mua sắm sầm uất khiến nơi đây trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt mỗi dịp nghỉ lễ.
Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch tự túc đến Hong Kong, hãy tham khảo những kinh nghiệm thực tế mà Bankervn đã chắt lọc trong những hành trình gần đây. Xứ Cảng Thơm đang chờ đón bạn với những trải nghiệm đầy thú vị và độc đáo. Nào, hãy cùng bắt đầu hành trình ngay bây giờ!
Hong Kong là sự kết hợp tinh tế của văn hóa truyền thống Trung Hoa và văn hóa hiện đại phương Tây
Đôi nét về Hong Kong
Hong Kong hay Hương Cảng ban đầu chỉ là một vùng thưa thớt, nghèo nàn và lạc hậu thuộc vùng Hoa Đông được triều đình nhà Thanh nhượng lại cho Vương Quốc Anh vào năm 1841. Nó phát triển mạnh mẽ thành một trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất thế giới, cùng với Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore trở thành “4 con rồng kinh tế Châu Á”.
Cho đến năm 1997, Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc. Trở thành Đặc khu hành chính (SAR) có quyền tự trị. Tức là Hong Kong thuộc Trung Quốc nhưng có hệ thống chính trị, luật pháp, giáo dục, kinh tế và tiền tệ độc lập với đại lục. Hầu như người dân ở đây lấy tên tiếng Anh, có hộ chiếu riêng và coi mình là người Hong Kong hơn là người Trung Quốc.
Hong Kong có tổng diện tích là 2.755 km2, bao gồm phần đất liền và hơn 260 hòn đảo. Lớn nhất là đảo Đại Tự Sơn, nổi tiếng nhất là đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long, Tân Giới là vùng đất liền và hầu hết các đảo còn lại. Ba mặt của Hong Kong là biển, phần đất liền duy nhất ở phía Bắc giáp thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông.
Hầu hết người Hong Kong là người gốc hán đến từ Quảng Đông. Tổng dân số vào khoảng 7,413 triệu người, tập trung trong các khu đô thị chật hẹp, khiến mật độ dân số ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới. Với mức thu nhập bình quân đầu người là 48,517 USD, mọi chi phí ở Hong Kong cực kỳ đắt đỏ.
Ngôn ngữ chính thức của Hong Kong là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, các biển báo đều có song ngữ. Tiền tệ là Đô la Hồng Kông (HKD), một đô la xấp xỉ 3,100 VND. Múi giờ UTC+08:00 (HKT) nhanh hơn Việt Nam 1 tiếng. Nguồn điện 220V nhưng ổ cắm 3 chấu nhiều hơn 2 chấu, vì vậy nên mang theo ổ cắm chuyển đổi.
Địa hình Hong Kong dốc, có nhiều cầu thang, du khách cũng thường xuyên đi bộ, nên mang giày dép phù hợp. Google Map và Uber có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của bạn, nhưng nếu muốn phức tạp có thể cài OpenRice để xem review quán ăn, Explore Hongkong để xem bản đồ MTR.
Nên du lịch Hong Kong vào thời điểm nào
Hong Kong có khí hậu nhiệt đới biển, với bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân và thu mát mẻ, mùa hè không quá nóng nhưng ẩm ướt và mùa đông không quá lạnh nhưng không khí rất khô.
- Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5, mát mẻ và dễ chịu, với nhiệt độ từ 18-25°C. Đôi khi có sương mù và mưa nhỏ.
- Mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8, nóng và ẩm, với nhiệt độ vào khoảng 30-35°C. Mưa nhiều, đặc biệt là tháng 7, 8, đôi khi có bão.
- Mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11, mát mẻ và dễ chịu, với nhiệt độ từ 25-30°C. Đôi khi có mưa nhỏ.
- Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2, không quá lạnh nhưng không khí rất khô, với nhiệt độ dao động từ 15-20°C.
Với du khách ở xứ lạnh, mùa đông là thời điểm thích hợp nhất để du lịch Hong Kong. Thực tế, đây là mùa cao điểm du lịch vì khô ráo, không quá lạnh và trùng với các dịp lễ Noel, Tết Dương Lịch và Tết Âm Lịch.
Còn với du khách Việt Nam, các tháng đẹp nhất là tháng 3, 4, 10 và 11 vì khí hậu mát mẻ, không có bão và lượng mưa thấp. Tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa bão, đặc biệt là tháng 6 đến tháng 8 nóng và ẩm ướt không khác gì ở Hà Nội. Từ tháng 12 tới tháng 2, nhiệt độ có thể xuống dưới 10°C, hơi lạnh so với dân mình.
Chi phí du lịch tự túc Hong Kong
Hong Kong là thiên đường mua sắm vì được miễn thuế, tha hồ mà mua đồ đắt tiền, hàng hiệu, hàng xa xỉ. Mặc dù là xứ đắt đỏ, nhưng hầu hết chi phí du lịch của mình và bạn bè không đáng bao nhiêu nếu so với tiền mua sắm. Nếu loại bỏ chi phí này thì mỗi ngày chi tiêu ở đây khoảng 500 - 1000 HKD. Có thể phân thành ba mức chi tiêu như sau:
- Tiết kiệm 500 HKD/ngày: nghỉ dorm, ăn uống tiết kiệm, di chuyển bằng giao thông công cộng và tham quan miễn phí.
- Bình dân 1000 HKD/ngày: nghỉ phòng riêng, ăn uống đầy đủ, nhiều hình thức di chuyển hơn, tham quan miễn phí và có phí.
- Sang chảnh 2000 HKD/ngày: loại này thì vô cùng lắm nhưng với chi phí tầm này thì thoải mái, thích gì được nấy.
Xin visa Hồng Kông
Để đến Hong Kong, du khách Việt cần xin evisa với chi phí 230 HKD. Đây là loại hồ sơ không khó, tuy nhiên, visa thường ra sát ngày khởi hành dự kiến, do đó, bạn nên làm thủ tục sớm nhất có thể. Tham khảo: Hướng dẫn xin evisa Hồng Kông hoặc đăng ký tư vấn tại Dịch vụ làm visa Hồng Kông trọn gói.
Vé máy bay
Mặc dù có thể đi Hong Kong bằng cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không nhưng phổ biến nhất vẫn là hàng không. Các hãng bay bao gồm Vietjet, Vietnam Airlines, Hong Kong Airlines và Cathay Pacific. Giá vé khứ hồi dao động từ 4 đến 7 triệu. Nếu hữu duyên có thể đặt được vé khuyến mại chỉ 2 đến 3 triệu.
Khoảng cách từ Hong Kong đến Hà Nội là gần 880km, Đà Nẵng là hơn 950km và TP.HCM là hơn 1.500 km. Hành trình bay sẽ mất từ 2 đến 2,5 tiếng. Thủ tục nhập cảnh tương đối đơn giản nhưng lưu ý, sân bay Hong Kong nổi tiếng là rất rất rộng, việc đi lại tìm chỗ làm thủ tục sẽ tốn nhiều thời gian.
Sim du lịch
Sim du lịch Hong Kong khá rẻ, có các loại từ 5 đến 8 ngày với mức giá giao động từ 200 - 350k, tham khảo ở đây. Nếu đi nhóm, muốn tiết kiệm thì có thể thuê cục phát wifi. Không biết các bạn thế nào chứ mình thấy mua sim tiện nhất. Trước hay mua qua Klook sang sân bay đi tìm điểm lấy mà sau thấy phiền mua ở Việt Nam còn tiện hơn.
Đổi tiền
Nên đổi đô la Hong Kong và một ít đô la Mỹ tại Việt Nam, tiện nhất là qua tiệm vàng. Đổi ở sân bay nghe nói tỷ giá không tốt. Tại Cửu Long, mình được giới thiệu khu Chungking Mansions ở Tsim Sha Tsui có nhiều quầy đổi tiền. Đảo Hong Kong thì có khu World Wide House ở Central. Lưu ý là đổi tiền ở Hong Kong thì phải dùng USD chứ VND không có nhận nhé.
Nói chung, tùy mức chi tiêu để đổi, nhiều quá không tiêu hết về lại phải đi bán. Các tờ tiền mệnh giá lớn đôi khi bị từ chối thanh toán. Khi mua hàng tại trung tâm mua sắm, nhà hàng, trang đặt vé, đặt phòng hầu hết đều thanh toán qua thẻ tín dụng. Bạn mình có nói nhỏ là lên group đổi lợi tỉ giá, không biết các bạn sao, mình thì không chơi mấy cái trò hên xui này.
Chi phí chỗ ở
Hong Kong là nhất trừ khách sạn, giá cả trên trời không. Không có ngoại lệ đâu nhé, giá rẻ chỉ có cũ bẩn hoặc cách xa trung tâm thôi. Giường dorm khoảng 700k, phòng riêng tạm được là tầm 2-3 triệu. Nói chung cứ lên airbnb, booking, agoda đọc review thật kỹ rồi đặt.
Chi phí ăn uống
Ẩm thực của Hong Kong cực kỳ đa dạng và phong phú nên giá cả cũng trên trời dưới bể. Một bữa ăn bình dân như mì, cơm gà, xá xíu là khoảng 50 HKD. Một bữa ăn trong nhà hàng ít nhất là 125 HKD. Ăn lẩu thì tầm 200 - 300 HKD một người. Món nổi tiếng nhất là ngỗng quay, nửa con có giá khoảng 400 HKD. Chai nước suối khoảng 10 HKD, kem hoặc trà sữa cũng tầm 30 - 50 HKD.
Chi phí đi lại
Hong Kong là thành phố có tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng cao nhất thế giới. Sự đa dạng của các phương tiện công cộng và độ phủ rộng rãi khiến du khách có thể khám phá mọi ngóc ngách của đảo Hong Kong, Cửu Long và một phần Tân Giới. Chi phí di chuyển bằng phương tiện công cộng mỗi ngày chưa đến 100 HKD.
Chi phí tham quan
Giá vào các điểm tham quan của Hong Kong tương đối đắt. Đi Disneyland sẽ tốn ít nhất 600 HKD, mua thêm các combo từ 20 HKD nữa. Ngong Ping 360 và The Peak cỡ 250 HKD.
Ở đâu tại Hong Kong
Tổng diện tích của Hong Kong là 2.755 km2, chỉ xấp xỉ 1,3 lần Sài Gòn. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là biển đảo và đồi núi, vùng đô thị chỉ chiếm diện tích rất nhỏ. Về mặt du lịch, Hong Kong được chia làm 5 khu vực chính:
- Hong Kong Island (Đảo Hong Kong): trung tâm của trung tâm, hiện đại, đắt đỏ và xa xỉ.
- Kowloon (Cửu Long): vẫn là trung tâm nhưng đậm chất văn hóa Trung Hoa, giá đỡ đắt đỏ hơn Đảo Hong Kong.
- Lantau (Đại Tự Sơn, tên cũ là Lạn Đầu): đảo lớn nhất Hong Kong, nơi đặt sân bay quốc tế.
- Outlying Islands (Các hòn đảo xa xôi): nổi bật nhất là đảo Cheung Chau, tiếp theo là đảo Lamma.
- The New Territories (Tân giới): phần đất liền, chủ yếu là nơi sinh sống của dân địa phương.
Về mặt hành chính, The New Territories bao gồm cả Lantau và Outlying Islands. Trong đó, chỉ có 3 điểm du lịch là Disneyland, Ngong Ping 360 và làng Tai O tại Lantau là đáng chú ý nên hầu như khách du lịch không lưu trú tại đây. Hai khu vực để du lịch là đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long. Giao thông giữa hai khu vực này cực kỳ tiện lợi và nhanh chóng. Vì vậy, ở hai khu vực này, du khách ở đâu cũng được, miễn là gần ga tàu hoặc bến xe bus.
Đảo Hong Kong là nơi người Anh đặt chân đến đầu tiên, là trung tâm kinh tế với hàng trăm tòa nhà chọc trời, cao ốc sang trọng. Giá phòng ở đây là vô địch nhất. Bao gồm các khu xếp theo thứ tự từ đắt đến rẻ: Vịnh Causeway, Central, Wan Chai và Sheung Wan.
Kowloon hay bán đảo Cửu Long có mặt bằng chi phí thấp hơn đảo Hong Kong. Đi lại cũng tiện nên được nhiều du khách chọn lựa nhất. Bao gồm các khu xếp theo thứ tự từ đắt đến rẻ: Tsim Sha Tsui, Yau Ma Tei và Mong Kok.
Di chuyển tại Hong Kong
Việc đầu tiên cần làm khi xuống sân bay là làm thẻ Octopus. Cũng giống như T-money (Hàn Quốc), Easy Card (Đài Loan), Octopus là loại thẻ toàn năng của khách du lịch, không có không được. Octopus Card dùng để đi MTR, Airport Express, Ding Ding, Bus, Tram, Ferry… Ngoài ra, nó còn được sử dụng để thanh toán ở các cửa hàng tiện lợi, một số nhà hàng và điểm tham quan.
Thẻ Octopus
Có thể mua thẻ Octopus từ khi ở Việt Nam hoặc tại các cửa hàng tiện lợi tại Hong Kong. Tiện nhất là quầy Customer Service của Airport Express tại sân bay, sim du lịch tại đây cũng có giá thành hợp lý. Octopus Card có giá 150 HKD, bao gồm số dư 100 HKD để sử dụng và 50 HKD tiền đặt cọc trong thẻ.
Khi nào quẹt thẻ mà máy báo đỏ là mình phải nạp tiền. Việc nạp tiền cũng tương đối dễ dàng. Tại các ga MTR, có rất nhiều máy nạp tiền, chỉ cần cắm thẻ, nhét tiền vào và bấm nút là xong. Hoặc vào 7-Eleven, Watson, Circle K… đưa tiền cho nhân viên nạp. Cứ mạnh dạn nạp nhiều chút, không tiêu hết bạn có thể lấy tiền ra. Chỉ cần đến quầy Customer Service tại MTR hoặc Airport Express tại sân bay yêu cầu rút tiền dư. Khi về thì trả thẻ và lấy luôn tiền cọc, phí là 11 HKD.
Thẻ Octopus còn có loại online, nạp tiền qua Apple Pay nhưng thường xuyên gặp trục trặc. Nhiều người dân bản địa có khuyên là không nên dùng. Thực tế nhiều du khách Việt cũng đã thử nhưng phải dùng song song cả cứng cả online vì thường xuyên gặp sự cố nạp tiền và thanh toán.
Di chuyển từ sân bay về thành phố
Du khách đến Sân bay Quốc tế Hồng Kông có 3 lựa chọn chính để di chuyển vào thành phố. Mỗi phương thức di chuyển có ưu nhược điểm khác nhau chứ không đơn thuần so sánh giá được:
Airport Express: tàu điện ngầm là phương tiện di chuyển nhanh nhất, chỉ cần khoảng 20 phút là về thành phố. Giờ chạy từ 05:54 đến 00:48, khoảng 10 phút một chuyến. Tuy nhiên, MTR chỉ đến ga Cửu Long hoặc đảo Hong Kong. Nếu chỗ ở cách xa ga và hành lý nhiều thì sẽ hơi vất vả nhé. Giá vé đến Cửu Long là 100 HKD và đến đảo Hong Kong là 110 HKD.
Xe bus: xe buýt là cách di chuyển rẻ nhất, tuy nhiều điểm đến hơn MTR nhưng lâu nhất, mất tầm một tiếng. Để bắt xe bus, khi ra khỏi sân bay, bạn cần đi xuống tầng trệt và băng qua bên kia đường, bến ở phía bên phải. Giá vé khoảng 30 - 40 HKD.
Taxi, Uber hoặc đặt xe đưa đón sân bay: giá taxi khoảng 350 HKD và Uber thì rẻ hơn. Nếu bạn đi theo nhóm từ 3 người trở lên thì đây là phương tiện đáp ứng cả ba tiêu chí, nhanh, tiện, rẻ. Ngoài ra, nếu đi đông người hơn có thể đặt xe đưa đón sân bay có nhiều chỗ hơn.
Di chuyển trong thành phố
MTR (Mass Transit Railway)
Hệ thống MTR có tốc độ nhanh, mạng lưới hơn 150 trạm dừng phủ sóng tất cả các điểm du lịch nên có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu của bạn. Chỉ cần lên google map đánh điểm đến là có chị chỉ đường. Tìm line và cầm thẻ Octopus quẹt rồi lên tàu thôi. Biển báo song ngữ Tiếng Trung và Tiếng Anh, google map cũng chỉ cổng ra rồi, chú ý xíu là được, dễ ợt.
Trạm nào cũng đẹp, thỏa thích chụp ảnh, sống ảo các kiểu. Bạn nào muốn check-in các trạm có background nhiều màu thì đi theo line đỏ về hướng Tsim Sha Tsui - Mong Kok - Jordan.
Xe bus
Những chiếc xe bus khổng lồ, trang trí bắt mắt có mặt khắp mọi nơi và hoạt động đến tận một giờ đêm. Xe xịn lắm, sạch sẽ lại còn rẻ hơn MTR. Buổi chiều tối thì hơi tắc đường xíu thôi. Nếu say xe thì đừng ngồi tầng hai nhé. Trên xe có bảng chỉ dẫn điểm đến, cứ xem bản đồ và nhìn bảng, đến thì xuống thôi.
Ding Ding
Xe điện (tram) hay còn gọi là Ding Ding rất thịnh hành trong các bộ phim TVB, nét văn hóa đặc trưng của xứ Cảng Thơm. Xe nhỏ, có hai tầng, được cái giá rẻ, trang trí rất bắt mắt, vừa đi vừa ngắm cảnh rất chill. Nhược điểm là Ding Ding chỉ có ở đảo Hong Kong, chờ xe cũng lâu, đông và đi hơi chậm.
Tàu thuyền và phà
Ngắm Hong Kong hoa lệ trên biển là một trải nghiệm rất đáng để thử. Có thể đi bằng tàu, thuyền hoặc phà. Tàu thuyền thì có nhiều loại, từ du thuyền, cao tốc đến tàu Trung Hoa với nhiều mức giá khác nhau. Phà thì siêu to, sang, xịn, mịn hết chỗ chê. Từ đảo Hong Kong đi Cửu Long có thể dùng phà siêu rẻ, ngắm hết vịnh Victoria. Đây cũng là phương tiện để đi đảo Lamma hay Cheung Chau.
Taxi và Uber
Đây là phương tiện di chuyển nhanh, tiện, đắt đỏ nhất nhưng có nhiều trường hợp cần dùng đến. Khác với Việt Nam, bạn không thể đứng ở đường vẫy taxi mà phải đứng ở trạm Taxi Stand, xếp hàng chờ tới lượt. Nhiều bạn phản hồi dùng Uber bị chập chờn, còn taxi cần tải HKTaxi để đặt và một số trường hợp gặp tài xế không biết tiếng Anh.
Điểm du lịch nổi tiếng Hong Kong
Đảo Hồng Kông (Hong Kong Island)
- Núi Thái Bình (Victoria Peak): Điểm cao nhất của Hong Kong, nơi ngắm nhìn toàn cảnh đảo Hong Kong và vịnh Victoria. Bao gồm một quần thể du lịch, bắt đầu từ đi Peak Tram, tham quan The Peak Tower, bảo tàng Madame Tussauds và các khu mua sắm và ẩm thực.
- Khu Central: Trung tâm tài chính với các tòa nhà cao ốc hiện đại, cửa hàng mua sắm hàng hiệu và nhà hàng sang trọng. Các điểm tham quan như Graham Street (Con phố nghệ thuật nằm gần MTR Central); Central Mid Level Escalator (Thang cuốn ngoài trời dài nhất thế giới); Man Mo Temple (Đền thờ trên đường Hollywood Road); Hong Kong Observation Wheel (Vòng lớn nằm ngay cạnh Lan Kwai Fong).
- Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong) và Soho: Khu vực nổi tiếng với các quán bar, nhà hàng, và cuộc sống về đêm sôi động. Mỗi ngày, khu Lan Kwai Fong có hai khung giờ đặc biệt là “Happy Hour” từ 17:00 đến 21:00 và “Spree Hour” từ 22:00 đến tờ mờ sáng.
- Yick Fat Building và Montane Mansion tại Vịnh Causeway: Một bối cảnh trong Transformer 4, bao gồm những tòa nhà cao tầng đầy màu sắc. Một trong những địa điểm check-in hàng đầu của những tín đồ Instagram.
- Blue House tại Wan Chai: Xuất hiện trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng của TVB. Chụp ảnh ở đây cũng đẹp ghê gớm.
- Công viên Đại dương Hồng Kông (Ocean Park Hong Kong): Công viên nổi tiếng chỉ sau Disneyland. Bao gồm hai khu cách nhau một dãy núi, có thể di chuyển bằng cáp treo hoặc tàu xuyên núi.
- Aberdeen Floating Village: Nằm ở cuối đảo Hong Kong, nổi tiếng với nhà hàng trên biển.
Xem thêm: Tất cả các điểm du lịch nổi tiếng của Đảo Hong Kong
Bán đảo Cửu Long (Kowloon)
- Cảng Victoria (Victoria Harbour): Nơi tuyệt vời để ngắm toàn cảnh đảo Hong Kong. Đây cũng là vị trí lý tưởng để xem “Bản giao hưởng âm thanh và ánh sáng” rất hoành tráng, diễn ra vào lúc 20:00 hàng ngày và kéo dài 15 phút. Các điểm tham quan dọc bờ biển bắt đầu từ Victoria Harbour, đến Clock Tower (tháp đồng hồ), Avenue of Stars (Đại lộ Ngôi Sao) và trải dài đến Tsim Sha Tsui Promenade (quảng trường).
- Sky100: Đài quan sát nằm trên tầng 100 của tòa nhà International Commerce Centre cao nhất Hong Kong, là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn trọn vẹn cảng Victoria, đảo Hồng Kông, Cửu Long và Tân Giới.
- Ngã tư Nathan (Nathan Road): Được gọi là “con đường vàng” của Kowloon, nơi bạn có thể mua sắm, thưởng thức đặc sản và trải nghiệm sự sống động của thành phố.
- Chung cư nổi tiếng, nơi check-in của giới trẻ: Choi Hung Estate (chung cư cầu vồng với sân bóng rổ), Lok Wah Estate (chung cư cao chót vót).
- Các khu chợ nổi tiếng: Chợ đêm phố chùa (Temple Street Night Market), Ladies’ Market (chợ quý bà).
- Combo niềm tự hào Việt Nam: Hanoi Road, Saigon Street, Haiphong Road
- Sik Sik Yuen Wong Tai Sin Temple: Ngôi đền nổi tiếng.
Tham khảo: 21 Địa điểm du lịch nổi tiếng tại Kowloon
Đảo Đại Tự Sơn (Lantau)
Đại Tự Sơn (tên cũ Lạn Đầu, tiếng anh Lantau) là hòn đảo lớn nhất Hong Kong, nơi đặt sân bay quốc tế. Về mặt hành chính, hòn đảo này thuộc Tân Giới.
- Khu du lịch Disneyland (Hong Kong Disneyland): Công viên giải trí nổi tiếng với các cuộc phiêu lưu và hoạt động vui chơi cho cả gia đình.
- Ngong Ping 360: Dây cáp treo từ Tung Chung đến làng Ngong Ping ở đỉnh Đại Nhĩ Sơn. Các điểm tham quan bao gồm làng Ngong Ping, tượng Phật Thiên Đàn (Tian Tan Buddha) còn gọi là tượng Phật Thiên Tân, tượng Đại Phật bằng đồng nặng 202 tấn, Con đường trí tuệ (Wisdom Path) và Thiền viện Bửu Liên (Po Lin Monastery).
- Làng Tai O (Tai O Village): Một ngôi làng đánh cá 300 năm tuổi của cộng đồng người Tanka. Với các ngôi nhà trên cột gỗ, đường đi bộ ven biển và khu ăn uống sầm uất.
Tham khảo: 8 điểm du lịch nổi tiếng của đảo Lantau
Tân giới (The New Territories)
Về mặt hành chính, Tân Giới bao trùm Hong Kong. Nó bao gồm toàn bộ Hong Kong trừ đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long. Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Tân Giới là đảo Lantau. Tiếp theo là hai hòn đảo Cheung Chau và Lamma, cả hai chỉ cách Hong Kong chưa đến một giờ đi phà. Tham khảo: 12 địa điểm du lịch nổi tiếng của Tân Giới
Những điều phải làm tại Hong Kong
Dạo chơi tại các trung tâm mua sắm
Với chính sách miễn thuế, Hong Kong là thiên đường mua sắm hàng hiệu, hàng xa xỉ. Có thể shopping ở khắp mọi nơi, từ trung tâm mua sắm, cửa hàng đến các chợ nổi tiếng.
- Các trung tâm mua sắm tập trung quanh khu Central, Vịnh Causeway, Tsim Sha Tsui. Nổi bật là Harbour City, K11 Musea Plaza, Landmark, SOGO Causeway Bay…
- Danh sách các chợ nổi tiếng gồm có: Temple Street Night Market, Ladies Market và Phố chợ Sneaker trên đường Fa Yuen. Temple Street Night Market chủ yếu dành cho khách du lịch, nếu đi tiếp, xuyên qua công viên, bạn sẽ đến khu chợ địa phương có giá chỉ bằng một nửa.
- Rất nhiều du khách hạn chế tới trung tâm mua sắm hay khu chợ nổi tiếng để tiết kiệm ngân sách. Nhưng thật khó để không mua sắm gì tại Hong Kong khi các cửa hàng thì có mặt ở khắp nơi với các chương trình khuyến mại cực kỳ hấp dẫn.
Dạo một vòng bằng xe bus
Đây là hoạt động ưa thích của khách du lịch, giá rẻ nhưng trải nghiệm thì tuyệt vời. Leo lên một chiếc xe bus và dạo một vòng khắp các con phố từ Mong Kok đến vịnh Causeway, dừng lại tại bất cứ nơi nào bạn cảm thấy thú vị. Ding Ding cũng là lựa chọn hàng đầu khi muốn dạo một vòng đảo Hong Kong.
Đi xe điện Peak Tram đến Sky Terrace 428
Peak Tram là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Hong Kong. Đây là tuyến đường sắt có độ dốc nhất thế giới. Đưa du khách lên đỉnh Victoria và Sky Terrace 428, ngắm nhìn thành phố từ trên cao cực kỳ ngoạn mục. Khu này có nhiều cửa hàng, nhà hàng và điểm thăm quan như Madame Tussauds và The Art Of Chocolate Museum. Vào những ngày đông khách sẽ phải xếp hàng đợi rất lâu. Mọi người thường mua vé trực tuyến nên khi đến mua trực tiếp nhanh lắm.
Ngắm thành phố từ Sky100
Sky100 là điểm ngắm nhìn thành phố từ trên cao lý tưởng nhất chỉ sau đỉnh núi Thái Bình. Đài quan sát này nằm trên tầng 100 của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ICC) ở Cửu Long. Được CNN vinh danh là một trong 17 địa điểm phải đến khi tham quan Hồng Kông.
Du khách đến Sky100 sẽ ngỡ ngàng với tốc độ siêu nhanh của thang máy. Đài quan sát có tầm nhìn 360°, ngoài ngắm nhìn Hong Kong từ mọi góc độ còn được tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Hong Kong thông qua phòng trưng bày nghệ thuật.
Ngắm thành phố bằng Thuyền hoặc Phà trên vịnh Victoria
Bồng bềnh trên mặt nước ngắm nhìn thành phố xa hoa lộng lẫy là một trải nghiệm rất đáng để thử. Hong Kong có các loại du thuyền, tàu cao tốc, thuyền truyền thống kiểu Trung Hoa và phà. Phà rất rẻ, một chuyến phà từ Cửu Long đến đảo Hong Kong sẽ cho bạn ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Victoria.
Check-in những toà nhà và chung cư nổi tiếng
Hong Kong nổi tiếng với các tòa nhà và chung cư cao đến chóng mặt và đầy sắc màu. Những địa điểm check-in này hót hòn họt trên instagram. Bao gồm: Yick Fat Building và Montane Mansion ở Quarry Bay; Blue House ở Wan Chai; chung cư cầu vồng Choi Hung Estate và Lok Wah Estate ở Cửu Long.
Đi bộ trên lưng rồng
Dragon’s Back, được coi là con đường đi bộ đường dài nổi tiếng nhất tại Hong Kong, là một trải nghiệm thiên nhiên tuyệt vời. Con đường hiking này kéo dài khoảng 4 giờ và nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ, được mô tả như một bức tranh tuyệt đẹp, và đã được tạp chí Time bình chọn là một trong những con đường đi bộ đường dài số dách châu Á.
Ngoài Dragon’s Back, Hong Kong còn có các tuyến hiking nổi tiếng khác như Sharp Peak, Lamma và MacLehose. Đường mòn MacLehose là một thử thách đầy cam go. Cung trekking chia làm 10 chặng, nối 8 công viên quốc gia ở Tân Giới, với tổng chiều dài là 100 km.
Khám phá đảo Lantau
Lantau có tên tiếng Việt là Đại Tự Sơn, trước đây được gọi là Lạn Đầu. Đây là hòn đảo lớn nhất của Hồng Kông và nếu tính về hành chính, nó là một phần của Tân Giới. Đảo này thực chất không có gì, để phát triển du lịch, người ta cho xây dựng sân bay quốc tế, Disneyland và quần thể tâm linh trên đỉnh núi Đại Nhĩ Sơn.
Hong Kong Disneyland có thể chơi từ một đến hai ngày. Ngong Ping 360 bao gồm tham quan làng, cáp treo, tượng phật, chùa Bửu Liên và Làng chài Tai O có thể đi trong ngày. Nếu bạn không có nhiều thời gian, hoàn toàn có thể bỏ qua điểm đến này.
Đi thuyền đến đảo Cheung Chau hoặc Lamma
Cheung Chau (Trường Châu) và Lamma là hai hòn đảo để người Hong Kong đi ăn hải sản, thay đổi không khí. Khởi hành từ Bến tàu Trung tâm của đảo Hong Kong, đi bằng phà sẽ mất tầm một giờ đồng hồ. Chi phí di chuyển rẻ, lại được ngắm nhìn thành phố và rất nhiều hòn đảo trên đường nên đây cũng là một cung nhiều du khách lựa chọn. Ngoài ra, trên hai đảo đều có cung trekking, Lamma lớn hơn nên tuyến đi bộ dài và nhiều cảnh quan hơn.
Khám phá MaCau
Macau cùng với Hong Kong là hai đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Được mệnh danh là Las Vegas của Châu Á, Macau thu hút du khách bằng các casino cực kỳ tráng lệ. Đi phà nhanh từ Hong Kong đến Macau chỉ khoảng hơn một giờ, nên dân chơi đi lại suốt. Tuy nhiên, không có nhiều du khách Việt đi tuyến này.
Các món ăn nên thử tại Hong Kong
Ẩm thực Hong Kong không chỉ đa dạng mà còn rất độc đáo, và dĩ nhiên rất đắt. Các món đặc trưng như dimsum tinh tế, bánh cuốn nhân tôm mềm mịn, chân gà hấp tàu xì độc đáo, mì vịt tiềm thơm ngon, cháo quẩy giòn tan, cơm ngỗng quay thơm lừng, bánh trứng nướng ấm béo, dessert và bingsu mát lạnh, mochi xoài thơm ngon…
Ngỗng quay (Roast Goose)
Đây là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Hong Kong giống như vịt Bắc Kinh vậy. Ngỗng thường được quay chín vàng, sau đó cắt thành từng miếng mỏng. Lớp da giòn và thịt mềm ngon ngọt, chấm với nước sốt đặc biệt và ăn kèm với bánh bao hoặc cơm trắng.
Hải sản
Bào ngư, vi cá, tổ yến là những món thượng hạng của Hong Kong. Không chỉ vậy, hải sản tại đây luôn tươi ngon và phong phú. Cách chế biến thì đã nổi tiếng khắp thế giới. Từ chiên, xào, hấp, nướng, súp, cháo… cùng đủ loại gia vị, sốt khác nhau. Hong Kong được mệnh danh là thiên đường dành cho những người sành ăn hải sản. Tuy nhiên, các món hải sản cao cấp tại Hong Kong rất mắc.
Dim Sum
Dimsum là tên gọi chung của các món ăn chế biến theo kiểu bên trong là nhân, bên ngoài bọc một lớp bột mỏng. Nhân có nhiều loại, mặn có, ngọt có. Đa phần được hấp trong rổ tre, ví dụ như: há cảo, xíu mại, bánh bao xá xíu, bánh cuốn… Có thể tìm thấy Dimsum ở khắp nơi và đây là món phổ biến mà ai du lịch Hong Kong cũng thử ít nhất một lần.
Bánh Tart Trứng
Bánh trứng du nhập vào Hong Kong từ những năm 1940, nhanh chóng trở thành loại bánh phổ biến. Hương vị thơm lừng, béo ngậy và không quá ngọt khiến nhiều du khách tán thưởng. Ngoài bánh trứng, bánh phu thê truyền thống cũng không chê vào đâu được.
Trà sữa
Khác với trà sữa Đài Loan, trà sữa Hong Kong có phần hơi đơn điệu, không có nhiều topping cầu kì, nhưng hương vị cũng khá hấp dẫn. Bánh trứng và trà sữa là bộ đôi huyền thoại với những ai yêu ẩm thực Hong Kong.
Các món khác
Ngoài các món nổi bật trên, còn có rất nhiều món ăn khác chờ đợi bạn khám phá. Một số món phải nhắc đến là đậu hủ thối, heo quay năm lớp, lẩu nước, lẩu khô, các món từ vịt, các loại mì… Bingsu và mochi cũng được nhiều du khách trẻ khen ngợi. Xem thêm: 50+ quán ăn nức tiếng Hương Cảng
Lịch trình du lịch tự túc Hong Kong
Để khám phá Hong Kong và mua sắm thì cần ít nhất là 4 ngày. Hầu hết mọi người thường đi từ 3 - 7 ngày. Dưới đây là một số lịch trình do Bankervn sưu tập:
Lịch trình du lịch Hong Kong 4 ngày 3 đêm
Trên MTR không được ăn uống. Mấy quán nổi tiếng xếp hàng chờ lâu. Không được vứt rác bừa bãi và phải phân loại rác không bị phạt nặng. Nhiều quán đóng cửa sớm, người Hong Kong cũng dậy muộn hơn ở mình.
Ngày 1
- 6h nhập cảnh, 8h lấy thẻ Octopus.
- 9h bắt bus S1 đi Ngong Ping 360 (Tung Chung Station Exit B). Mình đi line riêng vì đã mua vé cáp treo khứ hồi của Klook với giá 522k. Thăm làng Ngong Ping, tượng Đại Phật, Con đường Trí tuệ và Thiền viện Bửu Liên.
- 12h20 đi bus 21 sang Tai O Fishing Village. Nhớ check kỹ giờ bus chạy vì chỉ có vài giờ cố định.
- 14h về lại Ngong Ping, đi cáp treo xuống Tung Chung Station.
- 15h45 nhận phòng, nghỉ đến 19h
- 20h ra Victoria Harbour và Đại lộ ngôi sao xem giao hưởng ánh sáng.
- Ăn tối dimsum ở chợ đêm cạnh nhà, khu Du Mã Địa rồi về ngủ.
Ngày 2
- 8h ăn sáng ở Sham shui po, Apliu Street Flea Market.
- Mrt Choi Hung - Exit C4 đi Choi Hung Estate kiếm sân bóng rổ sắc màu.
- 11h30 về khách sạn và ăn dimsum gần nhà.
- Đến trạm Central, đi tram đến Shipyard Lane, chụp hình tại Yick Fat Building.
- Đi khu Mongkok, chợ Quý Bà rồi về khu Yau Ma Tei đi Fruit Market.
- Lại ra cảng Victoria xem giao hưởng ánh sáng
- Tham quan chợ đêm phố chùa, ăn dimsum, bingsu rồi về khu Yau ma Tei ăn uống tiếp.
Ngày 3
- Sáng đi tìm khu Haiphong Road, HaNoi Road, Quangninh Road.
- Ăn sáng ở Cafe de Coral tại Tsim sha tsui.
- Ra Victoria Harbour, chụp ảnh tượng Lý Tiểu Long tại đại lộ ngôi sao, đặt tay vào bàn tay của các ngôi sao, tham quan cột đồng hồ.
- Đi phà qua đảo Hongkong: Dốc phim TVB, Hollywood Mural; Central Market.
- Ăn trưa tại Chan Kee Roasted Goose.
- Đi phà qua Miếu Thần Tài Tin Hau Temple, Vịnh nước cạn.
- Qua Lan Quế Phường thấy cũng toàn bar với pub nên về chợ đêm phố chùa ăn tối. Ăn vặt tại Kai kai Desert, xếp hàng khá lâu.
Ngày 4
- 9h đi The Peak Tram, nhớ đi thật sớm không là xếp hàng lâu lắc.
- 11h đi ăn ở Lan Fong Yuen: quán ăn sáng truyền thống Hongkong vô cùng nổi tiếng. Mua bánh tart trứng và bánh phu nhân ở Tai Cheong Bakery. Bánh ngon lắm mà chỉ tầm 10 HKD một cái.
- 12h45 đi phà qua đảo Cheung Chau từ Pier No 5 Cheung Chau. Ăn Kim Wing Tai Fish Ball, đi miếu, ăn mochi mango siêu ngon.
- 14h45 đi phà về lại Central MRT. Ra biển chụp cafe % Arabica (Kennedy Town) nhưng mà quá là đông nên thôi lại đi về.
- 16h40 ăn Dim Sum ở Siu Yuk Style Restaurant. Rồi mua quà ở Welcome. Uống trà sữa Ten Ren Tea.
- 19h15: về hostel lấy đồ. 19h40 đi MRT ra sân bay. 2h sáng về tới Việt Nam.
Lịch trình du lịch Hong Kong 5 ngày 4 đêm
Day 1: Hongkong Island
- From TST take ferry to Central Star Ferry Pier
- Walk to Former HK Court & Central Mid Levels Escalators
- Tram to Canal Road (Causeway Bay): Xem đánh tiểu nhân dưới chân cầu vượt
- Take tram to Montane Mansion, Yick Fat Building. Cafe at % Arabica (Monster Mansion)
- Braemar Hill Peak, Red Incense Burner Summit, HK Observation Wheel, Lan Kwai Fong
Day 2: Lantau Island
- Ngong Ping Village, Tai O Little Venice, Fu Shan Viewing Point
- Victoria Harbour, Avenue of Star, The Symphony of Lights in Victoria Harbour (8pm)
Day 3: Po Pin Chau
- From MTR Diamond Hill Station Exit C2, take bus 92 to Sai Kung Town Centre. From Sai Kung Town Centre, catch a taxi to East Dam. Take MRT to Sai Kung then take a green taxi from Sai Kung town center
- Trekking Po Pin Chau
- Back to TST, Museum of Art, Museum of Space, Mongkok Night Market (Lady Market),
Day 4: Cheung Chau Island
- MTR Hong Kong Station - Ferry Central Pier #5 - Cheung Chau Island: tàu chậm 55 phút, nhanh 35 phút, sạch sẽ, cảnh đẹp.
- Tham quan đảo chủ yếu là đi bộ hoặc thuê xe đạp dạo một vòng và ăn hải sản.
Day 5: Kowloon
- Wong Tai Sin Temple, Chi Lin Nunnery, Nan Lian Garden (Japanese Garden)
- Shopping
Lịch trình du lịch Hong Kong 6 ngày 6 đêm
Ngày 1
- 6:00 đến Hong Kong, làm thủ tục, check-in, mua thẻ Octopus, bắt Bus A21 về khách sạn tại khu Kowloon
- 8:30 đến khách sạn Ramada Hong Kong Grand, cách MTR Jordan 500m. Diện tích phòng bé cỡ 15m2 nhưng nước và wifi mạnh. Từ đây có thể đi bộ qua Tsim Sha Tsui chỉ tầm 1km. Gần nhiều quán nổi tiếng như Australian Dairy, Mak Man Kee Noodle Soup, Phở Việt Nam…
- Ăn sáng Australian Dairy Company, mở từ 07h00-22h00, cách khách sạn 600m
- Đi chung cư Cầu Vòng Choi Hung Estate bằng bus 22. Tham quan: Nan Lian Garden, Chùa Sik Sik Yuen Wong Tai Sin Temple, Tai Shing Street Market, Kowloon Walled City Park nơi quay Công Chúa Giá Đáo. Ăn trưa tại One Dim Sum, mở cửa từ 09h30-23h00 tại MTR Princess Edward
- Chiều tối vui chơi tại Tsim Sha Tsui Waterfront Park, A Symphony of Lights Show, Temple Street Night Market, dạo quanh khách sạn rất vui vẻ, nhộn nhịp.
Ngày 2
- Ăn sáng Red Tea Hong Kong Tsim Sha Tsui (07h00-11h30) cách khách sạn 650m
- Tham quan Hong Kong Palace Museum (10h00-18h00), Element Shopping Mall
- Trưa ăn Dim Dim Sum (10h00-22h00), Mak Man Kee Noodle (12h00-00h30)
- Tham quan Victory Harbour, Ocean Terminal Deck, Hong Kong Cultural Centre, Former Kowloon-Canton Railway Clock Tower, Avenue of Star, Bruce Lee Statue
- Ăn bánh bà xã và bánh trứng bách thảo tại Hang Heung Dundas (11h00-20h00)
- Dạo Ladies Market hơi chán, Mong Kok Night Market thì chán phèo
Ngày 3
- Di chuyển qua khách sạn Rosedale Hotel tại đảo Hong Kong. Cách MTR Causeway Bay 700m, gần quán mì Sister Wah Beef Brisket, công viên… Diện tích phòng 25m2, khu này nhộn nhịp nên hơi ồn.
- MTR tới trạm Tai Chung cáp treo đi lên Ngong Ping tham quan làng, chùa.
- Đi Tai O Village bằng bus từ Ngong Ping
- Ăn Sister Wah Beef Brisket (11h00-22h45) và Kam’s Roast Goose (11h30-21h30)
- Dạo Lan Kwai Fong
Ngày 4
- Ăn sáng tại Jollibee. Các quán ăn ở Hong Kong hình như đều không có khăn giấy.
- Đi Disneyland cả ngày (10h30 - 20h30). Mang theo 1 chai nước vì bên ngoài khu vực WC có máy lọc nước miễn phí. Bảo vệ kiểm tra đồ mang theo, cho mang theo snack khô còn lại phải bỏ hết. Ăn uống khá mắc khoảng 150HKD/phần.
- Ăn tại Kau Kee Food Cafe (12h30-22h30) / Sun Closed và Sister Wah Beef Brisket (11h00-22h45)
Ngày 5
- Ăn sáng sớm đi Peak Tram
- Central-Mid-Levels Escalators
- Ăn uống Lan Fong Yuen (07h30-18h00) / Sun closed: trà sữa vợt, vị khá đậm
- Ăn trưa Kau Kee Food Cafe (12h30-22h30) / Sun Closed
- Chung cư cổ Montane Mansion, Yick Fat Building
- Ghé Forest Hill và ăn tối quán địa phương Sai Kung island
Ngày 6
- Check-in old-fashion style Hong Kong
- 12h00 The Murray hotel Hong Kong
- 14h30 ra sân bay tạm biệt Hong Kong
Tổng kết
- Nhập cảnh nhanh chóng, hỏi vài câu đơn giản như đi bao lâu, ở đâu, chơi gì. Hong Kong không đóng mộc nhưng vẫn điền 1 cái form be bé, giữ kĩ form này cho đến lúc về nhé.
- 99% mình đi phương tiện công cộng, rất tiện luôn. Chỉ cần tra google map là ra hướng dẫn chi tiết, không phải cầu kỳ làm gì nhé. Thẻ Octopus thanh toán được nhiều nơi lắm chỉ trừ taxi thôi. Khi về thì ra quầy tại sân bay trả thẻ, lấy lại tiền dư, cọc với phí là 11 HKD.
- Quán ăn có điện tích nhỏ nên share bàn ăn là bình thường. Manning hay sales 1 tặng 1 giá rất hời. Đặc biệt hãy chuẩn bị 1 đôi giày thật êm vì đi bộ khá nhiều. Tổng chi phí cỡ 7000 HKD có cả shopping mỹ phẩm linh tinh và vé Disneyland.