Tình bạn doanh nhân trong cuộc sống
Nói về tình bạn của doanh nhân, thường sẽ nghĩ đó là mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Thương trường như chiến trường. Vì thế, hiếm ai tin rằng tình bạn thật sự sẽ tồn tại trong môi trường đầy rẫy những tính toán, cạnh tranh khốc liệt.
Thực tế, đã có không ít tình bạn đẹp như Lưu Nga - sáng lập thương hiệu thời trang Elise và Vân Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TNR Holdings Việt Nam. Học cùng trường và sau 30 năm, cả hai vẫn vô cùng thân thiết, cùng chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Họ có chung một đam mê làm việc, đam mê tạo ra giá trị tốt nhất trong công việc của mình.
Bà Đặng Thu Thủy - Giám đốc Công ty TMDV Vũ An cũng chia sẻ: “Tôi có ba người bạn rất thân từ nhiều năm, cùng sinh hoạt trong một hội doanh nhân. Tình bạn của chúng tôi không phải chuyện gì cũng phải kể cho nhau nghe, không cần chuyện vui nào các bạn cũng phải biết, không phải nỗi buồn nào cũng mang đến cho nhau, nhưng khi ai đó có những chuyện không êm ả hoặc những bước ngoặt xảy đến trong cuộc sống, tất cả tụ nhau lại cùng giúp nhau giải quyết, chia sẻ. Trong cuộc sống, chúng tôi luôn bên nhau, cùng hoàn thiện bản thân và hướng đến mục đích: Bên nhau để vui và cùng nhau không “già đi”.
Song cũng có lúc xao nhãng tình cảm, sự quan tâm lẫn nhau vì ai cũng có trách nhiệm với cuộc sống của nhân viên, cộng sự của mình, phải hoàn thành nghĩa vụ của một người phụ nữ, một người mẹ, một người con… Đôi khi không cân bằng được cảm xúc và tạo cảm giác không thoải mái cho những người bạn của mình. Có những lúc cái “tôi” thật lớn, nhưng tất cả chỉ là chút gia vị cho tình bạn, sau đó lại hiểu nhau và bao dung hơn.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cũng khẳng định, tình bạn trong giới doanh nhân là rất cần thiết vì nó giúp doanh nhân cân bằng mối quan hệ, vì doanh nhân vốn đã rất căng thẳng, phải suy tính nhiều nên cần có tình bạn để giúp chia sẻ, tạo động lực trong cuộc sống.
Bản thân ông Vũ cũng có tình bạn rất thân trong giới doanh nhân đã hơn 10 năm. “Có những người trước là đối tác, là nhà cung cấp của tôi, nhưng sau thời gian làm việc, thấy họ tốt, cư xử chuyên nghiệp, chúng tôi trở nên thân thiết. Những khi rảnh rỗi, chúng tôi thường đi cà phê, trò chuyện, nhất là khi có những chính sách mới cần sự chia sẻ, tư vấn”.
“Tình bạn trong giới doanh nhân cũng như cái duyên vợ chồng. Có những mối duyên 10-20 năm, có mối duyên ngắn ngủi. Có những người hợp tác với nhau, sau đó họ chuyển giao sang con cái và con cái lại tiếp nối cái duyên đó. Có những người không làm cùng nhưng sau đó vẫn âm thầm hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ nhau”, ông Vũ kể.
Tình bạn trong kinh doanh, thì sao...
Tình bạn doanh nhân trong cuộc sống có lẽ dễ xây dựng hơn tình bạn trong kinh doanh, bởi nó không bị cạnh tranh, xung đột lợi ích. Có đúng vậy không?
Về lý thuyết, việc đi cùng nhau đồng nghĩa với việc mỗi chúng ta không đơn độc, có đồng đội sẻ chia, gánh vác những chông gai, áp lực để tiến bước về phía trước. Khi đi xa, nguy hiểm, thách thức nhiều hơn, tình bạn đồng hành sẽ trở nên quan trọng, động viên, sẻ chia gánh nặng và giúp ta có thêm niềm vui tinh thần để vững bước.
Thực tế cũng có những cặp bạn thân vượt lên trên những thử thách, rào cản để cùng nhau xây dựng tình bạn đẹp, khẳng định câu “muốn đi xa hãy đi cùng nhau” và đã hỗ trợ, khơi nguồn sáng tạo cho nhau như tỷ phú Bill Gates và Paul Allen - sáng lập nên hãng phần mềm Microsoft, Steve Wozniak và Steve Jobs sáng lập nên Apple, Sergey Brin và Larry Page đồng sáng lập công cụ tìm kiếm Google, ba người bạn thân đến từ Seattle là những người cha đẻ đầu tiên đồng sáng lập nên thương hiệu cà phê Starbucks nổi tiếng…
Aaron Harvey - đồng sáng lập, giám đốc sáng tạo của Ready Set Rocket từng nêu quan điểm, nên khởi nghiệp với cộng sự vì “hai bộ óc thì luôn tốt hơn một, đặc biệt nếu cả hai có cách nghĩ và cách làm khác nhau trong việc phát triển doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Cảnh Hiền - Giám đốc Công ty CP Microsun cũng khẳng định: “Cách duy nhất để một công ty trường tồn thì phải hợp tác cùng nhau, đi cùng nhau tạo thành hệ sinh thái chung thì mới dễ phát triển lâu dài. Còn những ai xem “thương trường là chiến trường” thì hầu như chỉ có thắng - thua, ắt sẽ khó lâu dài được. Ví dụ, Apple vẫn mua màn hình từ Samsung để làm ra điện thoại iPhone; hay Thế Giới Di Động vẫn cung cấp dịch vụ, mua hàng từ FPT, Viettel Store, dù họ là những nhà bán lẻ.
Song chỉ khi tin nhau thì mới bắt tay nhau, còn không tin, chưa tin thì làm ăn khó mà lâu dài được. Nghi ngờ lẫn nhau chỉ là ngắn hạn, tức thời. Trong kinh doanh, người ta xây dựng quy trình: khách hàng - bạn hàng - đối tác. Khi đã là đối tác thì hãy tin tưởng lẫn nhau, gắn kết hài hòa lợi ích cùng nhau, chia sẻ thành quả cùng nhau.
“Xét ở góc độ tinh thần đội nhóm hợp tác cùng tiến trong kinh doanh thì thật tuyệt vời. Nhất là khi tất cả thành viên cùng chung một mục tiêu, ý chí và lý tưởng sống. Đặc biệt với các startup khi khởi nghiệp cùng nhau sẽ dễ chia sẻ khó khăn”, ThS. Nguyễn Kiên Nhẫn - Founder, CEO Công ty Truyền thông và Hướng nghiệp Happy Key khẳng định và cho biết, ông và các bạn bè doanh nhân đã thành lập ra một hệ sinh thái kinh tế để kết nối, tạo sự gắn kết giao thương với nhau. Các thành viên biết cách tương tác với nhau và không tạo ra rào cản nào để cùng tiến. Triết lý “Rừng mưa” được mọi người vận dụng và duy trì sự gắn kết làm ăn rất hiệu quả, đó là “khả năng cộng tác, kết hợp nhiều nhân tài, ý tưởng và nguồn lực khác nhau thành một tổng thể vĩ đại đã tạo ra xã hội hiện đại dựa trên những giao dịch hiệu quả, đôi bên cùng có lợi”. Như vậy, “đi cùng nhau để đi xa” mới thật bền chặt.
Giữa đường bỏ bạn?
Bên cạnh những tình bạn đồng hành trong kinh doanh, vẫn có không ít câu chuyện về tình bạn doanh nhân khi thuở hàn vi khởi sự có nhau, nhưng khi công ty lớn lên thì phát sinh mâu thuẫn và mối lương duyên tình bạn trở nên “giữa đường bỏ bạn”.
CEO Công ty Truyền thông và Hướng nghiệp Happy đúc kết từ thực tiễn, vẫn có những người “đi cùng nhau” một cách mù quáng, tức là có người đang bị “thao túng” bởi những lợi ích cá nhân nào đó trên thương trường nên đã tạo ra bức tranh không đẹp. Nhiều cá nhân đã sử dụng câu nói “đi xa cùng nhau” để “tạo tâm lý”, xây dựng đội ngũ bán hàng cho họ một cách bất chấp. Như vậy, không thể gọi là đồng hành hay tình bạn của doanh nhân.
Bản thân tôi khi khởi nghiệp cũng đã gặp nhiều trắc trở khi đồng hành cùng nhiều người. Ban đầu, tôi suy nghĩ mình hạn chế về tài chính nên đã lập công ty cổ phần gồm 5 thành viên. Sau khi thống nhất với nhau cùng hoạt động thì tất cả đều rất khí thế. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 diễn ra thì tinh thần của nhiều thành viên đã không còn như ban đầu, họ rút vốn bất ngờ làm tôi rất khó khăn. Thế rồi, công ty phải phá sản. Đến năm 2022, tôi quyết định thành lập công ty riêng và một mình chịu trách nhiệm hoàn toàn với dự án khởi nghiệp về giáo dục khởi nghiệp của mình”.
Sau thất bại của mình, một trong những điều Đào Chi Anh - sáng lập The Kafe đúc kết được đó là khi chỉ có một mình làm chủ, bạn có thể làm bất kỳ thứ gì bạn muốn. Nhưng khi có nhiều hơn các “ông chủ” bạn cần phải đảm bảo lợi ích của tất cả. Khi đó, một kế hoạch kinh doanh chi tiết, khả thi và từ đó các bên bám vào đó mà thực hiện sẽ giúp đáp ứng được lợi ích, hoặc ít nhất lấy đó làm căn cứ “đồng cam cộng khổ”. Ngược lại thì mâu thuẫn sẽ gia tăng. Nhất là sáng lập nào có tư tưởng “tự dưng có tiền” mà giảm nhiệt huyết công việc.
Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp ông N.V.T lãnh đạo một công ty TNHH về cơ khí nói: “Việc hợp tác kinh doanh thì muôn hình muôn vẻ. Thực tế có rất nhiều sự đồng hành kết thúc một cách phũ phàng. Sau khi hợp tác, có người là bạn bè nhưng có người chỉ là bạn hàng, thậm chí không nhìn mặt nhau nữa”.
Từ câu chuyện của mình, bà Nguyễn Châu Linh - đồng sáng lập và Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn Hành trình Kim Cương DJC chia sẻ góc nhìn khác: “Tôi có khá nhiều bạn bè chân thành, thậm chí là tri kỷ trong công việc. Nếu mình xác định mối quan hệ quan trọng hơn những lợi ích vật chất hữu hình thì việc giữ gìn một tình bạn là điều không khó.
Tôi từng có mối quan hệ hợp tác về vốn, sức lao động, sức sáng tạo với một vài người bạn; dự án ấy đến nay đã không giữ trọn vẹn số cổ đông ban đầu. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa tôi để họ đi một mình. Đó là lúc mình chọn đi theo quan điểm từ đầu của chính bản thân, rằng mối quan hệ bạn bè cần được ưu tiên nhất. Thế nên, việc thỏa thuận nhượng lại cổ phần của tôi cho bạn bè diễn ra rất nhanh chóng, nhẹ nhàng. Và đến lúc này, tôi và họ vẫn làm bạn, vẫn chia sẻ rất nhiều thứ trong cuộc sống và hỗ trợ nhau trong kinh doanh.
Tôi cũng từng “chia tay” một cộng sự, nhưng chưa từng đánh mất mối quan hệ bạn bè vì một con số thể hiện tỷ lệ cổ phần của mình hay của người kia. Tình bạn là thế! Nếu xác định là bạn thì vật chất nên được xem nhẹ một chút; miễn còn giữ được sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau.
Bà Linh đúc kết, phải thẳng thắn và rạch ròi nếu muốn giữ tình bạn trong kinh doanh. Một số người không đồng tình khi thấy tôi hay “nhường một bước” trong mọi mối quan hệ, nhưng tôi tự tin là đúng. Tuy nhiên, trong mối quan hệ công việc thì chuyện nhún nhường là điều rất không nên.
Tại sao tôi và bạn của tôi có thể “chia tay trong hòa khí” ở chuyện làm ăn và tiếp tục giữ được tình bạn tốt đẹp? Bởi vì ngay từ đầu cả hai bên đã luôn rạch ròi. Công việc là công việc, là những thỏa thuận được chuẩn hóa về mặt pháp lý, là rõ ràng với nhau về trách nhiệm, về quyền lợi của tất cả mọi người. Chúng ta có thể xuề xòa với bạn bè trong một buổi cà phê trò chuyện, nhưng không bao giờ có thể xuề xòa trong kinh doanh, vì còn ảnh hưởng đến rất nhiều người khác nữa. Tôi và bạn đồng hành đã luôn có cùng quan điểm và thực hiện đúng những điều này, thế nên khi “chia tay”, mọi việc không có lý do gì để phải căng thẳng cả.
Khẳng định tình bạn trong doanh nhân là rất hy hữu, khan hiếm, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên nói: “Trong cùng một ngành nghề, lẽ ra phải chơi với nhau để cùng hỗ trợ nhau, phát triển nhưng thực sự điều đó rất hiếm. Khi khác ngành nghề, nhiều người cho rằng, họ không liên quan đến mình nên không cần thiết phải chơi với nhau”.
Với những doanh nhân ban đầu hợp tác, khi lớn mạnh lại tan rã, thì cần xem lại ngay từ đầu họ có thực sự là bạn hay không. Có những người chỉ vì quyền lợi nên hợp tác với nhau. Khi chưa có quyền lợi, họ có thể ở bên nhau chung sức, nhưng khi thành công, họ sẽ phân chia quyền lợi dẫn đến mâu thuẫn. Vì thế, nguyên nhân chính là từ ban đầu đã không xuất phát từ tình bạn. Nếu là tình bạn thực sự thì họ sẽ biết nhường nhịn, biết vì lợi ích chung để xây dựng công ty cùng phát triển.
Đúc kết kinh nghiệm của mình, ông Đặng Văn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Hải Hưng nhấn mạnh: “Thương trường là chiến trường nên rất khó để nhiều doanh nhân có tình bạn đúng nghĩa”.
Người ta thường nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, nhưng thực tế các doanh nhân khó đi cùng nhau để phát triển doanh nghiệp chung vì nhiều lý do. Thứ nhất, do tư duy tầm nhìn, mục tiêu mỗi doanh nhân dẫn đến sự không phù hợp trong việc hợp tác để phát triển doanh nghiệp chung. Thứ hai, sự khác biệt trong đào tạo cơ bản, cách quản lý không đồng nhất, gây xung đột và ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ. Thứ ba, khả năng tài chính, góp vốn mỗi doanh nhân khác nhau, nhưng tư duy quyền lợi luôn muốn công bằng.
Ngoài ra, việc quản lý doanh nghiệp luôn đòi hỏi hiệu quả, thực tiễn. Nhiều doanh nhân khi gặp khó khăn mất đi sự kiên trì nên khó có thể cùng cộng sự phát triển tiếp doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nhân luôn có sự ham muốn lớn hơn về sự kiểm soát và tự quyết định trong việc quản lý doanh nghiệp của họ, điều này có thể dẫn đến quyết định đi một mình.
Tôi đã chứng kiến ít nhất 6 trường hợp tình bạn của các doanh nhân tan rã sau khi thành lập công ty một thời gian. Bản thân tôi cũng đã từng cùng một số người bạn thành lập công ty, tuy nhiên khi đến giai đoạn góp vốn thì nảy sinh một số mâu thuẫn nên cuối cùng “tan đàn xẻ nghé”.
Một trường hợp khác, tôi cùng một người bạn mở cơ sở sản xuất tranh 3D. Thời gian đầu, hoạt động khá tốt, nhưng sau đó công nghệ thay đổi, phía đối tác đòi hỏi phải nâng cấp từ 3D lên 8D. Để làm được điều này phải góp một số vốn lớn. Khi đó, tôi không thể tiếp tục đầu tư lĩnh vực này được nữa, do đó tôi quyết định không hợp tác nữa mà tặng lại cho những người bạn tiếp tục làm. Đó là yếu tố khách quan tác động đến việc hợp tác của các doanh nhân.
Còn lại, theo tôi đa phần là do yếu tố chủ quan, các doanh nhân mâu thuẫn với nhau về quyền lợi khi doanh nghiệp phát triển. Rất hiếm doanh nhân có thể “đi xa” cùng nhau trong một doanh nghiệp. Nếu có, thường là các doanh nhân đó phải đi học từ nước ngoài về, có tầm nhìn lớn, biết vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, với những doanh nhân ngoài ngành nghề, tôi thấy có nhiều tình bạn thân thiết và đáng trân trọng. Bản thân tôi cũng có nhiều tình bạn lâu năm với những doanh nhân khác. Điều đó giúp tôi có thêm các mối quan hệ để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ông Trần Tấn Sơn - Giám đốc Trung tâm Anh Ngữ AMAs - ATA - Smile Yoga Đắk Nông chia sẻ thêm: “Trong kinh doanh ai cũng có những câu chuyện đồng hành cùng đối tác, bạn bè, thành công có, thất bại có, đó là những bài học giá trị và trải nghiệm cho mỗi doanh nhân.
Bản thân tôi đã từng đồng hành với một người bạn thời đi học phổ thông, nhưng không thành công do tư duy hợp tác chưa chuẩn, nguồn vốn chưa dồi dào, không vượt qua được những khó khăn xuất hiện trên thị trường, vì bất đồng quan điểm và không xử lý được.
Vì thế, trong các mối quan hệ thì tình bạn là một mối quan hệ mang tính lâu dài, ít có sự ràng buộc và bền chặt theo thời gian. Riêng đối với tình bạn doanh nhân, nó có một đặc thù riêng liên quan mật thiết tới quyền lợi và lợi ích của cá nhân. Nếu cùng nhau chia sẻ những lợi ích trong công việc, lĩnh vực đó một cách hợp lý, cân bằng thì nó sẽ bền vững và hãy hành xử trên nguyên lý “lợi mình, lợi người, lợi chúng sinh”.
Vẫn chưa thể kết luận vấn đề này một cách khách quan và chính xác nhất về câu chuyện các doanh nghiệp thường khó đồng hành sau khi đã đạt được mục đích, vì đây thực sự là vấn đề khá nhạy cảm. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận rằng trong giới doanh nhân vẫn luôn tồn tại những cuộc hợp tác chỉ vì mục đích lợi ích kinh doanh và những mối quan hệ sau kinh doanh vẫn tiếp tục là tình bạn gắn bó. Cũng như trong cuộc sống đều có hai mặt tích cực và tiêu cực cần được nhận định rõ ràng. Đây là một câu trả lời mà tự mỗi cá nhân doanh nghiệp sẽ có lời giải đáp và sự lựa chọn riêng.