Các bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Đối với một số nhóm người yếu thế như trẻ em, người mắc bệnh mạn tính, người có yếu tố suy giảm miễn dịch, người cao tuổi,… khi mắc bệnh truyền nhiễm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Dù gánh nặng do các bệnh truyền nhiễm gây ra rất lớn nhưng may mắn là hiện nay, có rất nhiều cách phòng chống bệnh truyền nhiễm đơn giản, an toàn và hữu ích bạn có thể tìm hiểu qua nội dung sau đây.
Vai trò của việc chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm
Việc phòng chống bệnh truyền nhiễm không chỉ giúp cho cá nhân ngăn ngừa bệnh và tránh các tổn hại do bệnh nhiễm trùng gây ra, mà còn ngăn chặn việc lây truyền và bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Nếu không chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm, cá nhân hay cộng đồng có thể đối mặt với di chứng bệnh tật nghiêm trọng và nguy cơ tử vong.
Ví dụ điển hình là đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng trên toàn thế giới và đặt ra thách thức chưa từng có đối với sức khỏe cộng đồng. Sự gián đoạn kinh tế - xã hội do đại dịch gây ra rất tàn khốc: hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói, trong khi số người bị suy dinh dưỡng gần 690 triệu người vào năm 2020. [1]
Do đó, việc chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm trước khi mắc bệnh sẽ đảm bảo an toàn cho bất kỳ cá nhân nào cũng như cộng đồng xung quanh, đồng thời, tránh được các hậu quả lớn đối với sức khỏe, xã hội và nền kinh tế.
Hướng dẫn cách phòng chống bệnh truyền nhiễm
1. Tiêm chủng đầy đủ
Vắc xin làm giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách “bắt chước” quá trình gây bệnh tự nhiên của các tác nhân gây bệnh (vi-rút, vi khuẩn, nấm,…) nhằm giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại căn bệnh đó khi có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.
Một số ít trường hợp không may có thể bị mắc bệnh sau khi tiêm vắc xin nhưng các triệu chứng và biến chứng của bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với người không tiêm phòng. Các tổ chức y tế lớn trên thế giới đều khẳng định việc tiêm chủng đầy đủ sẽ là cách phòng chống bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả và chủ động. [2]
2. Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên
Bạn hãy xây dựng thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thực phẩm hoặc khi ăn, sau khi chăm sóc cây cảnh hoặc làm bất kỳ công việc nào gây lấm bẩn. Để phòng chống lây bệnh truyền nhiễm cho người khác, bạn lưu ý rửa sạch tay sau khi xì mũi, ho, hắt hơi; vuốt ve hoặc cho thú cưng ăn uống; sau khi đến thăm hoặc chăm sóc người bệnh.
Bạn tham khảo thêm quy trình rửa tay thường quy theo Bộ Y tế như sau:
- Bước 1: Làm ướt bàn tay bằng nước, lấy xà phòng và chà hai lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước đến cổ tay và làm khô tay.
3. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân
Sử dụng chung đồ dùng cá nhân tạo điều kiện cho việc lây nhiễm vi trùng và bệnh tật. Đặc biệt là khi dùng chung các món đồ liên quan đến nước bọt (như bàn chải đánh răng, son môi,..) hoặc liên quan đến máu (như dao cạo râu, bấm móng tay,…). Nếu bạn ăn chung với nhau, tốt hơn hết là mỗi người có một phần ăn riêng. Ngoài ra, đừng sử dụng chung ly uống nước, mỗi người sử dụng ly của riêng mình là phương án hiệu quả để phòng chống bệnh truyền nhiễm.
4. Giữ vệ sinh môi trường sống
Để phòng chống bệnh truyền nhiễm, bạn hãy lưu ý giữ gìn vệ sinh ở khu vực nhà bếp và phòng tắm vì đây là hai nơi có nhiều vi trùng, vi khuẩn. Bạn hãy bắt đầu vệ sinh bằng xà phòng và nước, sau đó lau sạch bằng khăn lau khử trùng. Trong khi vệ sinh, bạn đừng quên đeo găng tay khi sử dụng chất khử trùng và rửa tay sau khi hoàn tất. [3]
5. Nếu có thú cưng, hãy tiêm ngừa và giữ vệ sinh cho chúng
Khi dẫn chó hay mèo đi dạo ngoài trời, chúng có thể bị lây bọ ve và mang theo các mầm bệnh thường gặp như viêm não, bệnh Lyme. Để đảm bảo phòng chống bệnh truyền nhiễm cho các thành viên trong gia đình, bạn hãy cho thú cưng kiểm tra thường xuyên với bác sĩ thú ý và luôn đảm bảo chúng được tiêm phòng đầy đủ. Hơn nữa, hãy vệ sinh sạch sẽ giường, hộp vệ sinh của thú cưng và không cho chúng ăn đồ sống hay uống nước trong nhà vệ sinh.
6. Tiêu diệt các loại côn trùng gây bệnh trong môi trường sống
Các loài gặm nhấm và côn trùng có thể mang mầm bệnh, vì vậy, việc loại bỏ chúng khỏi không gian sinh sống có vai trò quan trọng cho sức khỏe gia đình bạn. Hãy đảm bảo thùng đựng thức ăn và rác được đậy kín, bịt kín các lỗ, các vết nứt trên tường nhà và khử trùng bất kỳ khu vực nào mà bạn thấy có dấu hiệu của sâu bệnh. Nếu bạn cảm thấy không thể tự mình giải quyết, hãy gọi cho chuyên gia tiêu diệt côn trùng để được giúp đỡ.
7. Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp xây dựng hệ thống miễn dịch tốt hơn. Các nhà khoa học đã tìm ra được các chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và chức năng của tế bào miễn dịch bao gồm vitamin C, vitamin D, kẽm, selen, sắt và protein (tính luôn axit amin glutamine). Các chất dinh dưỡng này được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm thực vật (bông cải xanh, ớt chuông, tỏi, gừng,…) và động vật (gà, tôm, cua,…).
Hơn nữa, nghiên cứu hiện nay tập trung vào vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột đối với chức năng miễn dịch. Họ tin rằng, chế độ ăn uống tốt cho hệ vi sinh vật cũng sẽ nâng cao hệ thống miễn dịch. Một chế độ ăn giàu chất xơ với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu hỗ trợ sự phát triển và duy trì các vi khuẩn có lợi.
Để phòng chống bệnh truyền nhiễm bằng con đường dinh dưỡng, bạn hãy bổ sung những món ăn như sữa chua, dưa muối, trà kombucha, kimchi, súp miso, hành tây, măng tây, rau bồ công anh, chuối và rong biển vào chế độ ăn uống của mình.
8. Thực hiện an toàn thực phẩm
Nhà bếp thường là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn. Do đó, bạn hãy thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng chống bệnh truyền nhiễm như sau:
- Luôn rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, rửa sạch trái cây và rau quả;
- Ăn thực phẩm đã nấu chín, lau sạch nơi bạn để thực phẩm sống, rửa kỹ các dụng cụ và thớt bạn đã sử dụng để sơ chế thực phẩm sống;
- Không sử dụng dụng cụ hoặc thớt chế biến thịt sống mà chưa được rửa sạch sẽ;
- Khi nấu, bạn cần đảm bảo tất cả thực phẩm được nấu ở nhiệt độ thích hợp; ăn chín uống sôi, hạn chế hoặc không ăn thức ăn tái/sống.
9. Cải thiện giấc ngủ
Một giấc ngủ chất lượng sẽ thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh hơn. Trong khi bạn ngủ, cơ thể tạo ra các protein gọi là cytokine giúp bạn chống lại sự viêm nhiễm và bệnh tật. Để nâng cao chất lượng giấc ngủ của mình, trước khi ngủ, bạn hãy xây dựng một số thói quen thư giãn như thiền định, xông tinh dầu, chăm sóc da,… Khi đó, bạn sẽ thấy mình dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
10. Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe
Để phòng chống bệnh truyền nhiễm, tập thể dục với cường độ vừa phải trong vòng từ 30 đến 60 phút được các nghiên cứu chứng minh có hiệu quả tốt nhất trong việc tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Nếu bạn tập thể dục đều đặn mỗi ngày hoặc hầu hết các ngày trong tuần, hệ thống miễn dịch và quá trình trao đổi chất của bạn sẽ được củng cố.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), người trưởng thành nên tập thể dục nhịp điệu với cường độ vừa phải ít nhất 150-300 phút hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ cao mỗi tuần. HHS cũng khuyến khích có ít nhất 2 ngày mỗi tuần tập luyện các nhóm cơ chính ở chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và cánh tay.
11. Quan hệ tình dục an toàn
Để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn có thể cân nhắc hoàn toàn không quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu quan hệ, bạn có thể giữ an toàn cho bản thân bằng cách:
- Đảm bảo bạn và bạn tình đều đi xét nghiệm để chắc chắn không bị nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác;
- Hạn chế số lượng bạn tình càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp;
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
12. Nắm bắt tin tức về sức khỏe bằng TV, báo đài
Một trong những cách tốt nhất để phòng chống bệnh truyền nhiễm đó là tránh xa những nơi đang bùng phát hoặc có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Bạn hãy cập nhật thông tin sức khỏe trên các kênh chính thống như TV, các báo đài lớn, các trang sức khỏe của tổ chức y tế uy tín. Bạn cũng có thể xem chuyên mục tin tức trên VNVC để nắm bắt các thông tin mới nhất về tình hình bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
⇒ Xem thêm: 47 bệnh truyền nhiễm thường gặp và mức độ nguy hiểm của nó.
13. Hạn chế đi đến những nơi có dịch bệnh
Nếu bạn đang có kế hoạch đi du lịch, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về các mũi tiêm ngừa cần thiết. Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số điều để phòng chống bệnh truyền nhiễm như:
- Nếu bạn định đi du lịch đến khu vực có bệnh do côn trùng gây ra, hãy mang theo và sử dụng thuốc chống côn trùng có chứa DEET. Ở nhiều vùng nhiệt đới, muỗi có thể truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản hoặc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác;
- Tránh xăm hình không cần thiết ở nước ngoài vì kim tiêm và ống tiêm được tái sử dụng ở một số nơi trên thế giới;
- Đun sôi nước máy trước khi uống hoặc chỉ uống nước đóng chai;
- Không uống các sản phẩm từ sữa do người địa phương tự nấu (vì sữa có thể không được tiệt trùng).
14. Cập nhật kiến thức phòng bệnh
Sự phát triển của bệnh truyền nhiễm là khó lường, theo đó, các phương pháp phòng bệnh cũng được cập nhật thường xuyên. Các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế vẫn luôn cần mẫn phát triển các loại vắc xin mới tối ưu hơn. Do đó, bạn cần biết các kiến thức phòng bệnh mới hoặc các thông tin về dịch bệnh bùng phát để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả.
15. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Ngay cả khi bạn thấy mình khỏe mạnh, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là vẫn có vai trò quan trọng giúp bạn bảo vệ sức khỏe. Mục đích của những lần kiểm tra sức khỏe này là:
- Kiểm tra các vấn đề bệnh lý hiện tại hoặc mới nổi;
- Đánh giá nguy cơ của bạn về các vấn đề bệnh lý trong tương lai;
- Nhắc nhở bạn duy trì lối sống lành mạnh;
- Cập nhật tiêm chủng với các bệnh truyền nhiễm mới.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là lúc để kiểm tra xem lối sống của bạn có thể cải thiện được những gì hoặc biết thêm những phương pháp mới để chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Khi nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm cần làm gì?
Nếu bạn thấy mình có các triệu chứng như phát ban, ngứa, sốt, ớn lạnh, ho, mệt mỏi, đau cơ hoặc đau đầu kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, bạn hãy:
- Đến bệnh viện, trung tâm y tế để chẩn đoán bệnh sớm nhất: các bác sĩ sẽ thực hiện một vài xét nghiệm hoặc chụp hình ảnh để hiểu rõ triệu chứng của bạn, từ đó, đưa ra chẩn đoán bệnh và lên phác đồ điều trị.
- Cách ly để ngăn chặn sự lây lan trong gia đình/cộng đồng: bạn có thể tự sắp xếp hoặc nhờ hỗ trợ của gia đình để có khu vực sinh hoạt của riêng mình, không sử dụng chung các đồ cá nhân, ăn bằng chén và uống nước bằng ly riêng. Nhìn chung, tất cả những vật dụng bạn sử dụng hàng ngày đều cần riêng biệt với gia đình, cộng đồng. Nếu bạn đang phải đi làm, bạn hãy xin phép công ty cho nghỉ làm hoặc xử lý công việc từ xa.
- Điều trị đúng phác đồ của bác sĩ: tuân thủ phác đồ điều trị là yếu tố chính quyết định sự thành công của điều trị. Việc bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, làm gia tăng nguy cơ tử vong và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
- Không tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ dẫn từ chuyên gia: việc sử dụng thuốc chỉ giải quyết được triệt để khi xác định rõ được nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn. Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Chăm sóc sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng: như đã nêu ở trên, chế độ dinh dưỡng lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp phòng chống bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả. Bạn hãy ưu tiên chế độ ăn uống lành mạnh (ăn đủ chất, nhiều rau, củ, quả và trái cây). Hơn nữa, tùy vào mỗi thể trạng hoặc tình trạng bệnh lý mà chế độ dinh dưỡng có thể cần được điều chỉnh cho thích hợp, bạn hãy tham khảo bác sĩ để lên được thực đơn ăn uống cho bản thân mình nhé.
- Hỗ trợ sức khỏe tinh thần người bệnh: bản thân người mắc bệnh truyền nhiễm có thể thấy căng thẳng, lo lắng, bị cô lập và mặc cảm vì nghĩ rằng người xung quanh sẽ xa lánh họ. Do đó, điều quan trọng là người chăm sóc cần động viên họ tuân thủ điều trị, vì bệnh càng sớm khỏi nhanh thì họ càng sớm gia nhập lại vào cộng đồng. Người chăm sóc cũng cần cho họ biết việc cách ly họ không phải là để xa lánh, kỳ thị mà hơn hết là để phòng chống bệnh truyền nhiễm cho mọi người xung quanh và không liên quan đến giá trị bản thân của họ.
Kết luận
Việc chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cả cá nhân lẫn cộng đồng, đồng thời, bảo vệ tất cả mọi người khỏi triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng của bệnh truyền nhiễm.
Những phương pháp ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm cũng rất đơn giản: thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đảm bảo vệ sinh cá nhân và khu vực sinh sống, xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và cập nhật kiến thức phòng bệnh thường xuyên. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân mắc bệnh truyền nhiễm, hãy đến thăm khám ở cơ sở y tế gần nhất để được các y bác sĩ hỗ trợ chẩn đoán và lên phác đồ điều trị.