Làm ẩm không khí, uống nhiều nước, súc miệng nước muối, xịt họng bằng tinh dầu… là những cách trị đau họng có đờm tại nhà có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh.
Đau họng là bệnh phổ biến và thường không nghiêm trọng. Hầu hết mọi người sẽ bị đau họng ít nhất 2 hoặc 3 mỗi năm. Trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị viêm họng hơn người lớn. Hầu hết các cơn đau họng sẽ khỏi sau vài ngày. Cứ 10 người bị viêm họng thì có 9 người khỏi bệnh trong vòng chưa đầy một tuần. Tuy có thể tự khỏi nhưng nếu có biện pháp hỗ trợ sẽ giúp làm giảm các triệu chứng viêm đau họng và giúp phục hồi nhanh hơn. Những cách trị đau họng có đờm tại nhà sau đây có thể mang đến nhiều lợi ích cho người bị viêm họng.
Thế nào là đau họng có đờm?
Đau họng có đờm thường là triệu chứng của nhiễm virus dẫn đến viêm họng. Đau họng có đờm do viêm họng thông thường như viêm amidan, viêm thanh quản, viêm họng thường đi kèm với các triệu chứng khác như khô cổ họng, đỏ ở phía sau miệng, hôi miệng, ho nhẹ, sưng hạch cổ. Người bệnh cũng có thể bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, sốt và ho khan và khàn giọng. (1)
Dưới đây là một số cách hỗ trợ điều trị đau họng có đờm tại nhà
1. Dùng thuốc điều trị
Những loại thuốc điều trị viêm họng tại nhà không cần kê đơn của bác sĩ, người bệnh có thể dùng như.
- Paracetamol hoặc ibuprofen;
- Thuốc viên ngậm;
- Thuốc xịt gây tê cổ họng;
- Thuốc xịt mũi (nếu bị nghẹt mũi).
2. Uống trà thảo mộc
Làm dịu cổ họng khô và rát bằng trà gừng. Gừng có đặc tính chống viêm, tính nóng nên cũng rất hữu ích để làm tan đờm trong cổ họng.
Trà rễ cam thảo là một phương thuốc phổ biến khác. Dựa trên một nghiên cứu về trà thảo dược trong Biomedicines, rễ cam thảo có chất chống vi khuẩn hiệu quả có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Kết quả nghiên cứu cho thấy loại thức uống này có thể kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn trong vòng 12 giờ nếu bị viêm họng liên cầu khuẩn. Nó cũng có thể giúp bôi trơn cổ họng, giảm đờm và làm dịu triệu chứng viêm.
3. Súc miệng bằng trà xanh
Trà xanh được ghi nhận rõ ràng về đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Một nghiên cứu được công bố trên Anaesthesiology and Pain Medicine cho thấy, nó cũng có thể là một loại thuốc giảm đau tốt.
Nghiên cứu liên quan đến những bệnh nhân bị đau họng do đặt nội khí quản. Những người ngậm trà xanh với liều lượng 30 ml trong miệng sẽ cảm thấy bớt đau hơn sau khi rút ống thở 12 giờ hoặc 24 giờ sau đó.
4. Súc miệng bằng nước muối
Nước muối sinh lý có thể rửa trôi vi khuẩn và cải thiện các triệu chứng sưng đau họng. Súc miệng bằng nước muối hàng ngày thường được khuyến nghị trong điều trị viêm họng.
5. Ngậm viên ngậm họng
Viên ngậm họng không kê đơn có thể chứa chất gây tê cục bộ để làm tê liệt cơn đau hoặc các thành phần sát trùng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Một số được coi là thuốc chống viêm không steroid.
Hầu hết các viên ngậm hỗ trợ điều trị đau họng đều chứa cồn 2,4-dichlorobenzyl và amylmetacresol, những chất khử trùng nhẹ giúp giảm đau nhanh chóng. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tổng hợp Quốc tế cho thấy những thành phần này có thể tiêu diệt 99,9% vi khuẩn gây viêm họng trong vòng 10 phút.
Bác sĩ cũng có thể kê toa viên ngậm có chứa benzydamine hydrochloride, một loại thuốc chống viêm không steroid. Một nghiên cứu trên BMC Primary Care cho biết hầu hết các bác sĩ kê toa benzydamine khi nuốt đau, đỏ, sưng và ho kèm theo đau họng.
6. Mật ong
Mật ong có thể hoạt động như một chất kháng viêm, chống vi khuẩn và chống oxy hóa, dựa trên một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc gia về Sinh lý học, Dược phẩm và Dược lý Hoa Kỳ. Những người tham gia sử dụng mật ong như một phần trong quá trình điều trị của họ cho biết họ giảm đau nhanh chóng và hồi phục nhanh hơn sau cơn đau họng.
Mười bốn nghiên cứu với hơn 1.000 người tham gia cho thấy mật ong là một trong những “phương thuốc” giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các triệu chứng bao gồm ho, nghẹt mũi và đau họng có đờm hoặc không có đờm.
Ngậm một đến hai thìa mật ong hai lần mỗi ngày hoặc có thể khuấy vào trà hoặc nước ấm để uống khi cổ họng cảm thấy khó chịu.
7. Xịt họng bằng tinh dầu
Những người tìm cách giảm triệu chứng không dùng thuốc có thể thử dùng thuốc xịt họng bằng tinh dầu. Một số nghiên cứu cho thấy chúng có lợi ích chống viêm, mặc dù tác dụng kháng virus cần được nghiên cứu thêm.
Hầu hết các công thức của thuốc xịt họng đều chứa hỗn hợp các loại tinh dầu. Các thành phần hoạt động của chúng có thể bao gồm: Anatolian, Echinacea, bạch đàn, phong lữ thảo, hoa cúc Đức, chanh vàng, rau kinh giới, bạc hà.
Những lưu ý khi chữa đau họng có đờm tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh/người chăm sóc trẻ cần lưu ý:
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, để giúp làm dịu cơn đau họng cần cho trẻ uống nhiều nước, nước trái cây, sữa công thức hoặc bú mẹ. Tránh cho trẻ ăn thức ăn, nóng, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, mát.
- Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm virus như cảm lạnh và cúm. Điều này là do hầu hết các bệnh viêm họng đều do virus gây ra và thuốc kháng sinh sẽ không giúp giảm đau hoặc giảm các triệu chứng.
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ trong các trường hợp bị nhiễm vi khuẩn (viêm họng liên cầu khuẩn), bị viêm họng nghiêm trọng, các phương pháp điều trị khác đã không hiệu quả.
- Tránh cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống mật ong. Mật ong có thể chứa Clostridium botulinum, một loại vi khuẩn mà trẻ sơ sinh chưa đủ sức để chống lại. Ăn phải mật ong bị ô nhiễm có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ sơ sinh.
Đau họng có đờm khi nào cần đến bệnh viện?
Người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám trong các trường hợp sau:
- Bị đau họng, sốt cao, hoặc cảm thấy nóng lạnh, run người;
- Trẻ bị mất nước hoặc tã khô;
- Đau họng và hệ thống miễn dịch suy yếu;
- Đau họng kéo dài hơn 2 tuần;
- Đau họng không phải do cảm lạnh thông thường;
- Đau họng nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể là viêm họng liên cầu khuẩn hoặc viêm amidan.
Địa chỉ chữa đau họng có đờm ở đâu uy tín?
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cung cấp dịch vụ khám, điều trị các bệnh lý tai mũi họng cho trẻ em và người lớn. Ngoài đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, BVĐK Tâm Anh còn được trang bị các thiết bị y tế công nghệ cao, thế hệ mới trong thăm khám và điều trị, mang đến chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, nhanh hồi phục.
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị đau họng và các bệnh lý tai mũi họng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Đau họng kéo dài có thể báo hiệu một tình trạng tiềm ẩn và cần điều trị. Ví dụ, đau họng có thể là triệu chứng của viêm amidan, ợ nóng (trào ngược axit), viêm mũi xoang. Đối với nguyên nhân này, người bệnh cần được điều trị tại bệnh viện.
Trong những trường hợp viêm họng do cảm lạnh thông thường, người bệnh có thể áp dụng một số cách hỗ trợ điều trị đau họng có đờm tại nhà để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh nên uống nhiều nước, làm ẩm cổ họng, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ giúp cơ thể phục hồi. Nếu triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.