Ông bà ta lâu nay phân biệt rất rõ giữa con bò và con bê, con trâu và con nghé, dẫu có thể một vài địa phương ở Thanh Hóa, Nghệ An gọi con bê là con me, nhưng ai mà có kiến thức về... bò thì đều hiểu, con bê (hoặc con me, từ đây gọi chung là bê) chính là con của con bò, mà cần cẩn thận thì ghi rõ, con của con bò cái. Tương tự như thế thì con nghé là con của con trâu cái. Ngàn đời nay đã thế, trước ngàn đời vẫn thế.
Thế mà qua nay, nhóm phóng viên các báo thường trú ở Tây Nguyên xôn xao lên vì có một nơi dường như không phân biệt được bò và bê, tức không phân biệt được mẹ và con.
Theo một tờ báo thì “tháng 11/2023, UBND xã Ngọk Wang (huyện Đắk Hà, Kon Tum) triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (hỗ trợ bò cái sinh sản) thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Ngọk Wang huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu cấp bò cái sinh sản cho 108 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có "chiếc cần câu" để sớm ổn định cuộc sống. Theo kế hoạch phê duyệt, mỗi con bò giống trị giá 16,5 triệu đồng, từ 17-20 tháng tuổi, nặng 1,4-1,5 tạ, với tổng kinh phí dự án 1,7 tỷ đồng.
Bò giống được Cơ sở sản xuất kinh doanh N.P (Tp.Kon Tum) cung ứng. Người nuôi phải trả lại 35% tương ứng số tiền khoảng 5,7 triệu đồng sau 2 năm chăm sóc”.
Thế nhưng khi nhận bò, thì lạ chưa, toàn bê. Thực tế, dẫu là đứa trẻ vẫn biết phân biệt thế nào là bò, thế nào là bê huống hồ là bà con đã "theo" con bò, con bê bao đời nay. Theo bà con, “bò” này ít nhất phải ba năm nữa mới sinh sản được, và nếu mua ngay ở làng thì chỉ khoảng 8 triệu thôi. Vấn đề nữa là, sau hai năm lấy tiền đâu để trả nếu mỗi con “bò” này bây giờ đã trị giá từng ấy tiền.
Thế nên có gia đình đã cương quyết không nhận “bò” mà xin lĩnh tiền để tự mua, và họ đã mua con bò, không ngoặc kép, có 8 triệu thật. Nhà báo Tạ Vĩnh Yên của báo Giao thông thường trú Tây Nguyên cung cấp cho tôi mấy clip anh quay về con bò này và so sánh với mấy con “bò” được cấp.
Và, điều này mới vui, ấy là ngay sau khi các báo vào cuộc, thì ngay lập tức, các gia đình đã được đổi bò, tức là bò đúng bò, bò không phải cho vào ngoặc kép. “Thôn Đăk Duông, xã Ngọk Wang có 16/21 hộ đã đổi lại bò, các hộ khác không đổi nữa vì họ nuôi gần 1 tháng nay nên thấy quen rồi, muốn giữ lại tiếp tục nuôi. Anh A Ui ở thôn Đăk Duông, xã Ngọk Wang cho biết thêm: "Bò trước cấp nhỏ quá có 120kg, như con bê thôi. Nay mình đổi lại con bò được hơn 170kg, bây giờ đúng là bò rồi"”.
Nó nói lên mấy điều, một là thấy sai thì sửa, và thứ hai, cay đắng hơn, có người nghĩ hay là "ăn không được" thì trả lại.
Thực ra thì, lâu nay cũng có nhiều điều tiếng ì xèo trong việc cấp phát vật tư con giống cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa. Tôi có anh bạn từng là chi Cục trưởng chi cục Phát triển nông thôn một tỉnh Tây Nguyên, anh này rất tốt, rất trung thực, nhưng nhiều lúc cũng bất lực trước nhiều chuyện vượt quá khả năng của anh ấy. Sáng nay khi ngồi cà phê, tôi cung cấp cho anh ấy xem thông tin vụ bò bê bê bò này, anh ấy chép miệng, nhiều chuyện lắm anh ơi, khó nói lắm, nên em bèn... xin về hưu sớm.
Chúng ta có rất nhiều chính sách tốt cho bà con nghèo, bà con vùng sâu vùng xa, nhưng khi thực hiện cụ thể có lúc vẫn để những điều không hay làm sai lệch ý nghĩa của những việc rất tốt ấy.
Nó là cái sự một vài nơi có cán bộ làm mất lòng tin của dân, mà vụ bò thành bê này có thể là ví dụ. Rồi vụ kế toán của cơ quan Mặt trận Tổ quốc một tỉnh Tây nguyên bị bắt vì biển thủ 3,5 tỉ tiền quyên góp chống dịch Covid khiến cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch cơ quan bị kỷ luật là ví dụ cũng mới rợi.
Search trên mạng câu lệnh “Ăn chặn của người nghèo” trong 0,29 giây có tới 5.330.000 kết quả, từ chủ tịch xã tới hiệu trưởng, từ ăn chặn tiền điện tới tiền trợ cấp xã hội vân vân.
Nó, chuyện ăn chặn ấy, chuyện bê với bò ấy, nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, so với số tiền mà Việt Á, mà giải cứu, mà gian lận cát, Xuyên Việt Oil... gây ra, nhưng nói như người xưa “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, từ những việc nhỏ, nếu không ngăn chặn, nó sẽ dẫn tới sự mất lòng tin và niềm tin vào đời sống.Mà nói thật, nó xấu hổ, nó mất tư cách con người.
À nhưng vẫn có những niềm vui trong đời sống. Sáng nay báo TT đăng tin một cụ bà bán vé số nhặt được 8 chỉ vàng, đi tìm công an nhờ trả lại. Rất ấm lòng trong những ngày mùa đông này.