Về Mường Lò gần xong mùa gặt, những mẻ thóc cuối cùng đã được người nông dân tải về bản trên những chuyến xe ngựa nặng trĩu... Những cơn gió thổi trên cánh đồng mát rượi đưa hương lúa mới thơm dịu nhẹ ngập tràn trong không khí khiến ta hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn ấy.
Vào thời điểm này, ban ngày khắp nơi đã bận rộn gặt lúa, đêm xuống cũng nhộn nhịp không kém. Dưới ánh đèn cao áp, đường phố thị xã Nghĩa Lộ trải dài và nườm nượp người. Từ người già đến trẻ nhỏ, cả nam lẫn nữ, từng tốp, từng nhóm, mỗi người đều sẵn trong tay một cái chai nhựa, người cầm gậy dài, người cầm đèn pin... đi đi lại lại, vồ vồ, chụp chụp... Họ đang bắt "muồm muỗm" - một loại côn trùng cùng họ với cào cào, châu chấu, thường sinh sôi, nảy nở phát triển rất nhanh và mạnh ở các cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch.
Khắp trong không gian, dưới loang loáng ánh đèn đường và đèn xe cộ đi lại, muồm muỗm bay rào rào thành từng đàn, từng đàn; con nào con nấy to đều như ngón tay áp út. Mỏi cánh, chúng hạ mình đậu lên những bờ tường, những cành cây, thậm chí đậu đầy trên mặt đường.
Để bắt được nhiều muồm muỗm cũng không phải đơn giản. Chỉ trừ những chú muỗm muỗm hạ cánh ở tầm thấp, hoặc ngay dưới đường, còn lại, những con đậu trên cao (cành cây, mái nhà, cột điện...), người ta phải dùng đến những dụng cụ tự chế đặc biệt. Đó là một chiếc sào dài, đầu trên được buộc hoặc gắn thêm một cái chai nhựa (hoặc can nhựa loại nhỏ) đã được cắt bỏ phần đáy để làm thành một cái phễu tầm xa, ngoài ra còn phải có đèn pin để soi những chú muồm muỗm khôn ngoan nấp mình sau những cây xà ngang...
Khi "tóm" muồm muỗm ra khỏi phễu cũng phải biết cách nếu không muốn bị hai chiếc răng vừa to vừa cứng, vừa nhọn hoắt lại đen xì của chúng "xơi" vào tay, phải cầm thật chắc phần gáy của muồm muỗm và nhét đầu chúng vào chai trước...
Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Để có món đặc này, trước tiên phải sơ chế muồm muỗm. "Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột" là 4 khâu cơ bản để để sơ chế muồm muỗm. Sau đó, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo.
Đầu tiên, muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp lửa, khi nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm...) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay, cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm.
Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm
Có khá nhiều món "đặc sản" chế biến từ côn trùng của miền Tây Yên Bái như: bọ xít, dế mèn, cào cào (tôm bay)..., nhưng món muồm muỗm lại có một cảm giác riêng khác, rất đặc biệt. Đưa chú muồm muỗm đã được chế biến công phu, ánh màu vàng rộm lên miệng, lập tức cảm nhận ngay được cái giòn tan như cơm cháy Ninh Bình, vừa có vị béo ngậy như lớp da gà Đông Tảo, lại vừa có vị thơm nồng tựa hương lúa nếp Mường Lò... Chừng ấy thứ cũng đủ khiến người ta phải ngất ngây khi thưởng thức món ăn này.
Để được thưởng thức món muồm muỗm rang Mường Lò và hiểu thêm về bản sắc văn hóa con người nơi đây, du khách còn chần chừ gì mà không khoác ba lô đến Mường Lò - thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.