Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Phân loại cận thị
Cận thị là một tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay. Để điều trị cận thị, hầu hết bệnh nhân sẽ đi đến các bệnh viện mắt. Người bị cận thị khó khăn khi nhìn thấy các vật ở xa nhưng có thể thấy rõ các đối tượng ở gần. Ví dụ như bạn không thể nhận ra biển hiệu đường cao tốc cho đến khi chỉ cách một vài mét. Tình trạng này có thể diễn tiến dần dần hoặc nhanh chóng, thường trở nặng hơn ở thời thơ ấu và niên thiếu.
Nguyên nhân gây cận thị bao gồm:
- Trục nhãn cầu trong mắt dài hơn so với bình thường
- Thường xuyên nhìn quá gần
- Thủy tinh thể và giác mạc có công suất hội tụ quá cao
Cận thị bao gồm một số loại sau đây:
Cận thị đơn thuần
Đây là tình trạng phổ biến thường gặp nhất, thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 10-18 tuổi. Đối với những người bị cận đơn thuần, độ cận sẽ dưới 6 diop và kèm theo với loạn thị.
Mắt thường xuyên phải làm việc trong khoảng cách gần khiến thủy tinh thể phải phồng lên, không xẹp xuống lại được chính là nguyên nhân gây ra cận thị đơn thuần. Bệnh thường do di truyền và chế độ làm việc. Bệnh sẽ phát triển trong một thời gian và dừng lại ở một mức độ nhất định.
Cận thị thứ phát
Dưới đây là một số nguyên nhân gây cận thị thứ phát, bao gồm:
- Xơ hóa thủy tinh thể
- Một số loại thuốc kê đơn gây tác dụng phụ
- Lượng đường huyết cao và một số nguyên nhân khác
Cận thị ban đêm
Tình trạng tầm nhìn bị giảm vào ban đêm hoặc khi ánh sáng yếu, nhưng ban ngày tầm nhìn của mắt vẫn bình thường được gọi là cận thị ban đêm. Với những người bị cận thị ban đêm, đồng tử sẽ điều tiết giãn ra để thu được nhiều ánh sáng hơn dẫn đến việc hình ảnh sẽ bị biến dạng khi tới mắt.
Cận thị giả
Cận thị giả là tình trạng mắt gia tăng điều tiết, khiến các cơ thể mi - phụ trách chỉnh khả năng điều tiết mắt- bị co cứng, làm tầm nhìn xa bị suy giảm tạm thời.
Sau một thời gian nghỉ ngơi, mắt sẽ hồi phục tầm nhìn. Các dấu hiệu của cận thị giả cũng giống với cận thị bình thường.
Cận thị thoái hóa
Đây là tình trạng cận thị nặng nhất, người bệnh thường có độ cận trên 6 diop kèm theo đó là tình trạng thoái hóa bán phần sau nhãn cầu. Trục nhãn cầu liên tục dài ra khiến độ cận liên tục tăng, tình trạng cận thị thoái hóa sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Nếu người bị cận thị thoái hóa không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc, tăng nhãn áp....gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của đôi mắt.
Bệnh khá hiếm gặp, thường phát triển khi còn nhỏ, vì vậy, cần thường xuyên đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện mắt uy tín.
2. Nguy cơ mắc bệnh cận thị
Cận thị thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 8 đến 12. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Bệnh có thể được kiểm soát bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ cận thị, chẳng hạn như:
- Di truyền: những trẻ có bố mẹ bị cận thị thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Đọc sách, xem tivi, nhìn máy tính nhiều
- Do điều kiện môi trường, chẳng hạn như dành ít thời gian chơi bên ngoài
3. Phương pháp điều trị để làm chậm hoặc ngừng tiến triển của cận thị
Trong khi kính mắt, kính áp tròng, thuốc nhỏ mắt và phẫu thuật khúc xạ có thể kiểm soát được các tác động của cận thị và cho phép người bệnh nhìn rõ hơn với khoảng cách xa. Mục đích của các phương pháp này chính là điều trị các triệu chứng của tình trạng này, chứ không giải quyết nguyên nhân gây bệnh.
Khi trục nhãn cầu dài hơn bình thường, các mô võng mạc và các cấu trúc hỗ trợ dây thần kinh thị giác căng ra và trở nên mỏng hơn. Điều này làm tăng nguy cơ bong võng mạc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp ( thiên đầu thống) và thậm chí gây mù lòa. Cận thị tiến triển cành nhanh, đơn kính thuốc càng tăng, nguy cơ mắc các bệnh này càng cao.
Trẻ em có cha mẹ bị cận thị có nguy cơ cao bị cận thị.
Các nhà nghiên cứu và thực hành lâm sàng tiếp tục tìm kiếm các phương pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn chứng cận thị trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
- Đơn kính phù hợp: Điều quan trọng là đảm bảo con bạn có đơn kính thuốc phù hợp cho kính hoặc ống kính của chúng, và quan trọng hơn, ống kính được điều chỉnh quá mức thực sự có thể góp phần vào sự tiến triển của cận thị.
- Thuốc nhỏ mắt atropine: Thuốc nhỏ mắt atropine thường được sử dụng để làm giãn đồng tử mắt, đây là một phần trong quá trình khám mắt hoặc trước và sau phẫu thuật mắt. Với liều lượng khác nhau, tùy vào từng trường hợp cụ thể, thuốc nhỏ mắt Atropine có thể giúp làm chậm sự tiến triển của tật cận thị. Cơ chế chính xác cho hiệu ứng này vẫn chưa được nghiên cứu rõ.
- Dành nhiều thời gian bên ngoài: Dành thời gian ngoài trời trong thời niên thiếu và những năm đầu trưởng thành có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc cận thị suốt đời. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc với tia cực tím (UV) của mặt trời có thể thay đổi cấu trúc phân tử của màng cứng và giác mạc, giúp duy trì hình dạng bình thường.
- Kính áp tròng kép lấy nét: Một loại kính áp tròng lấy nét kép mới đã được chứng minh là làm chậm tiến triển của cận thị ở trẻ em từ 8 đến 12 tuổi.
- Kính áp tròng cứng thấm khí: Với phương pháp này, bạn sẽ đeo kính áp tròng cứng, thấm khí trong vài giờ mỗi ngày cho đến khi độ cong của mắt lộ ra. Sau đó, bạn đeo ống kính ít thường xuyên hơn để duy trì hình dạng mới. Nếu bạn ngừng phương pháp điều trị này, mắt bạn sẽ trở lại hình dạng trước đây. Một số nghiên cứu cho thấy ống kính này làm chậm sự giãn dài của nhãn cầu bị cận thị, làm giảm cận thị.
Dưới đây là một vài con số liên quan đến tật cận thị:
- 66%: Tỷ lệ tăng cận thị ở Mỹ từ đầu những năm 1970 đến đầu những năm 2000
- 50%: Tỷ dân số Thế giới sẽ bị cận thị vào năm 2050
- 4 trên 10: Tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ bị cận thị
- 1,25: Số giờ hàng ngày ngoài trời cần thiết để giảm 50% khả năng trẻ bị cận thị
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.