Để ngăn chặn các triệu chứng sưng, đau khó chịu do bệnh gout gây ra, giải pháp tốt nhất vẫn luôn là phòng tránh vấn đề sức khỏe này ngay từ đầu. Theo nhiều chuyên gia sức khỏe, chỉ cần một số thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đã có thể giúp phòng ngừa bệnh gout cũng như tình trạng thoái hóa khớp liên quan. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn 4 cách phòng ngừa bệnh gout đơn giản, hiệu quả tại nhà.
Một trong các dấu hiệu của bệnh gout là sưng đỏ ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái (ảnh minh họa). Ảnh: Internet
Nguyên nhân và biến chứng bệnh gout
Tăng axit uric máu là nguyên nhân chính gây lắng đọng các tinh thể urat trong mô ở những người được chẩn đoán mắc bệnh gout. Tình trạng này có thể xảy ra bởi một số yếu tố như: lượng purin được hấp thụ từ thực phẩm quá cao; Khả năng đào thải axit uric của cơ thể suy giảm; Lượng axit uric do cơ thể tổng hợp tăng bất thường.
Như vậy, những đối tượng dưới đây sẽ cần đặc biệt lưu ý phòng ngừa bệnh gout do có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm: Béo phì; Đang có các bệnh nền hoặc vấn đề sức khỏe như: suy tim sung huyết, tăng huyết áp, kháng insulin, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, suy giảm chức năng thận; Đang sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây tăng axit uric máu, ví dụ như thuốc lợi tiểu; Uống nhiều bia, rượu; Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống chứa nhiều đường fructose; Áp dụng chế độ ăn gồm các thực phẩm chứa nhiều purin (thịt đỏ, nội tạng, hải sản…).
Nếu không chủ động phòng ngừa gout ngay từ đầu, các đối tượng trên không chỉ dễ dàng mắc bệnh mà còn có nguy cơ cao đối mặt với những biến chứng liên quan, chẳng hạn như: sức khỏe khớp suy yếu do ảnh hưởng từ các đợt viêm cấp tái phát liên tục, dễ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và thậm chí tàn phế. Bệnh tiến triển thành gout mạn tính với sự hình thành của các hạt tophi.
Những tinh thể urat có thể lắng đọng ở nhiều bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả đường tiết niệu. Khi đó, bệnh nhân khó thể tránh khỏi nguy cơ bị sỏi thận.
Điều chỉnh chế độ ăn uống là cách tốt nhất giúp phòng tránh bệnh gout.
4 cách phòng ngừa bệnh gout
Dựa theo nguyên nhân cũng như rủi ro tiềm ẩn trên, bệnh gout có thể dễ dàng được phòng tránh ngay từ đầu bởi những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hằng ngày như sau:
1. Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp
Theo ước tính từ một số chuyên gia, áp dụng một chế độ ăn uống phòng chống bệnh gout thích hợp có thể hỗ trợ giảm đến 15% nồng độ axit uric trong cơ thể.
Do đó, bên cạnh việc hạn chế dùng các thực phẩm có khả năng góp phần dẫn đến bệnh gout hoặc kích thích đợt viêm cấp như thịt đỏ (bò, dê, cừu…), nội tạng, hải sản, đồ ngọt làm từ siro ngô…, tăng cường bổ sung những thực phẩm bệnh nhân gout nên ăn vào thực đơn hằng ngày cũng là điều cần thiết để kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh, đồng thời phòng chống các đợt gout cấp xảy ra. Chúng bao gồm: Các sản phẩm làm từ sữa ít béo; Dầu thực vật; Rau xanh; Nấm; Cải bó xôi; Trái cây, nhất là những loại giàu chất xơ và có hàm lượng đường thấp, ví dụ như quả mọng (dâu tây, việt quất…) hoặc cam, quýt…; Các loại ngũ cốc và quả hạch; Trứng; Thịt trắng; Yến mạch.
Ngoài ra, mọi người cũng đừng quên uống đủ nước cần thiết trong ngày.
2. Cải thiện lối sống, sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa bệnh gout
Chú trọng vấn đề nên và không nên ăn gì chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch kiểm soát bệnh, giảm thiểu nguy cơ hình thành các cơn gout cấp cũng như phát sinh biến chứng liên quan. Vậy phòng ngừa bệnh gout như thế nào cho hiệu quả nhất? Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể thực hiện ngay tại nhà:
Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Đạt được và duy trì trọng lượng hợp lý không chỉ giúp phòng tránh các đợt viêm cấp của bệnh gout tái phát mà còn góp phần hạn chế tổn thương, thoái hóa khớp bằng cách giảm tải áp lực tác động lên bộ phận này, đặc biệt là những khớp như khớp gối và khớp háng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc giảm cân đột ngột lại có nguy cơ làm tăng rủi ro mắc bệnh trong thời gian ngắn. Do đó, thay vì áp dụng những phương pháp giảm cân cực đoan, bác sĩ thường khuyến khích mọi người duy trì cân nặng phù hợp thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học kết hợp cùng tập thể dục đều đặn.
Rèn luyện thể chất hợp lý. 30 phút luyện tập mỗi ngày với tần suất khoảng 5 ngày/ tuần là thời gian vận động vừa phải phù hợp cho việc phòng tránh bệnh gout cũng như hạn chế nguy cơ tái phát các cơn gout cấp. Bên cạnh đó, thường xuyên tập thể dục, thể thao đều đặn còn là cách ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh gout hiệu quả. Các hoạt động rèn luyện thường được khuyến nghị gồm đi bộ, bơi lội và đạp xe. Ngoài ra, tùy theo thể trạng của từng người mà các chuyên gia có thể đề xuất thêm một số hình thức vận động phù hợp khác. Vì vậy, trước khi bắt đầu, tham vấn cùng bác sĩ về kế hoạch tập luyện của bản thân là điều cần thiết.
Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ và tần suất các cơn gout cấp xảy ra. Do đó, khắc phục tình trạng sức khỏe này bằng cách tăng lượng oxy trong lúc ngủ có thể góp phần phòng ngừa bệnh gout tái phát thông qua việc giảm lượng axit uric sản sinh.
Uống nhiều nước. Thói quen uống nhiều nước trong ngày không chỉ giúp duy trì sức khỏe thận mà còn hỗ trợ quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Các chuyên gia thường dựa vào độ tuổi, cân nặng, giới tính và một số yếu tố cá nhân khác của từng đối tượng để ước tính một người cần uống bao nhiêu lít nước mỗi ngày mới đủ.
3. Lưu ý những chất cần tránh
Ngoài việc xây dựng thói quen sinh hoạt tốt, người có nguy cơ cao bị gout cũng cần tránh hai yếu tố gồm bia rượu và thuốc kích thích cơn gout cấp.
Không ít chuyên gia cho rằng các loại thức uống chứa cồn có thể gây ức chế khả năng bài tiết axit uric của cơ thể, từ đó góp phần dẫn đến tăng axit uric máu và bệnh gout. Càng uống nhiều, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Chính vì vậy, bệnh nhân gout cần tránh dùng bia rượu, đồng thời người khỏe mạnh cũng cần kiểm soát tốt lượng rượu, bia tiêu thụ.
Trong khi đó, tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, một số thuốc kháng lao có liên quan đến tình trạng tăng nồng độ axit uric trong máu. Do đó, người có nguy cơ bị gout cao đang cần điều trị gout bằng những loại thuốc này nên chủ động đề cập về tình trạng sức khỏe của mình ngay từ đầu để bác sĩ cân nhắc và kê toa thuốc phù hợp, hiệu quả.
4. Lắng nghe cơ thể
Những người không có nguy cơ bị gout vẫn nên học cách lắng nghe cơ thể mình. Hãy dành vài phút mỗi ngày để quan sát xem bản thân có bất kỳ biểu hiện đau nhức, sưng đỏ ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, sau những bữa ăn giàu protein hoặc uống nhiều bia rượu hay không. Nếu có, hãy mau chóng đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nhìn chung, có thể thấy rằng một lối sinh hoạt lành mạnh, khoa học không chỉ giúp phòng ngừa bệnh gout nói riêng và mà còn là hàng loạt các vấn đề xương khớp nói chung. Vì vậy, hãy cố gắng xây dựng thói quen sống tốt ngay từ hôm nay để bảo vệ sức khỏe của chính mình, thông qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày.
Trúc Ly (T.H)