Thùy trán là một phần quan trọng của não bộ, thực hiện đồng thời nhiều chức năng như kiểm soát cảm xúc, phán đoán, tập trung. Thùy trán bị tổn thương có thể dẫn đến mất trí nhớ, trầm cảm, thay đổi hành vi, nhận thức.
Thùy trán là gì?
Thùy trán là một trong năm thùy quan trọng của não bộ, nằm ngay phía sau trán, được coi là trung tâm kiểm soát cảm xúc và có ảnh hưởng đến tính cách. Vùng này liên quan trực tiếp đến chức năng vận động, giải quyết vấn đề, trí nhớ, ngôn ngữ, phán đoán, kiểm soát xung lực, hành vi xã hội và tình dục của con người. Thùy trán rất dễ bị tổn thương do vị trí nằm ngay phía trước hộp sọ, gần cánh xương bướm và sở hữu kích thước lớn. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, chấn thương vùng trán rất phổ biến, chỉ xếp sau chấn thương sọ não. (1)
Cấu tạo giải phẫu thùy trán
Trong tất cả các thùy trên não, thùy trán là thùy có kích thước lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 diện tích bề mặt của mỗi bán cầu não. Thùy trán được ngăn cách với thùy đỉnh bằng rãnh trung tâm và ngăn cách với thùy thái dương bằng rãnh bên. Vùng này được chia thành 4 phần là phần bên, phần cực, phần đáy (phần bụng) và phần giữa. Mỗi phần đi kèm một hồi chuyển, cụ thể như sau: (2)
- Phần bên: Phần bên của hồi trán trên, hồi trán giữa và hồi trán dưới.
- Phần cực: Hồi chuyển cực trước ngang, hồi chuyển biên trước.
- Phần quỹ đạo: Hồi quỹ đạo bên, hồi quỹ đạo phía trước, hồi chuyển quỹ đạo sau, hồi chuyển quỹ đạo giữa và hồi thẳng.
- Phần trung gian: Phần trung gian của hồi trước trán cao và hồi chuyển.
Các hồi được ngăn cách bởi rãnh như hồi trước trung tâm nằm ở phía trước rãnh trung tâm và phía sau rãnh trước trung tâm. Hồi trán trên và giữa được phân chia bởi rãnh trán trên. Hồi trán giữa và hồi trán dưới được phân chia bởi rãnh trán dưới.
Ở con người, thùy trán chỉ phát triển hoàn chỉnh sau độ tuổi 20. Đặc biệt, vỏ não trước trán tiếp tục phát triển cho đến năm 20, 30 tuổi trong đời, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức. Tuy nhiên, khi về già, thùy trán bị teo một phần nhỏ theo sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn từ 60 - 91 tuổi. Tỷ lệ giảm thể tích thùy trán dao động trong khoảng từ 0,5 - 1% mỗi năm.
Vị trí thùy trán nằm ở đâu?
Thùy trán nằm phần lớn ở hố sọ trước, phía trên đĩa ổ mắt của xương trán, bắt đầu từ cực trán và kéo dài về phía sau đến rãnh trung tâm, phía trước ngăn cách trực tiếp với thùy đỉnh, phía sau ngăn cách với thùy thái dương bởi rãnh bên. (3)
Thùy trán có chức năng gì?
Thùy trán thực hiện nhiều chức năng quan trọng, bao gồm: (4)
- Suy luận (Reasoning): Bao gồm việc xử lý thông tin từ đơn giản đến phức tạp, hỗ trợ suy nghĩ logic, lý luận, phán đoán, đưa ra quyết định và sáng tạo.
- Kiểm soát hành động: Thùy trán kiểm soát sự hiểu biết của não bộ về các chuẩn mực xã hội, từ đó giúp xác định những điều/ việc nên và không nên làm hoặc nói.
- Chức năng điều hành: Bao gồm khả năng tự kiểm soát và ức chế, khả năng chú ý và ghi nhớ khi làm việc.
- Chuyển động cơ bắp có chủ định như di chuyển tay để nhặt đồ vật, di chuyển chân để đứng dậy và đi lại, điều khiển các cơ tham gia vào hoạt động nói.
- Xử lý thông tin: Thùy trán thực hiện chức năng xử lý và cập nhật thông tin mới cho não bộ.
Tổn thương thùy trán tác động đến sức khỏe như thế nào?
Tổn thương thùy trán có thể xảy ra theo nhiều cách và gây ra nhiều tác động khác nhau. Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương thùy trán ở người lớn tuổi (65 tuổi trở lên). Một số nguyên nhân khác có thể do chấn thương sọ não sau tai nạn, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, động kinh thùy trán…
Thùy trán bị tổn thương ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe. Hầu hết các trường hợp từng bị chấn thương thùy trán đều có phản ứng bất thường với một số tình huống nhất định trong đời sống hàng ngày hoặc cảm xúc không được thể hiện rõ qua khuôn mặt hoặc giọng nói. Ví dụ, một người đang cảm thấy vui vẻ nhưng không cười hoặc giọng nói hoàn toàn không có cảm xúc do thùy trán bị tổn thương. Đôi khi, họ có phản ứng thái quá, biểu hiện cảm xúc quá mức hoặc không chính đáng trong một số trường hợp ngược lại.
Ngoài ra, tổn thương thùy trán cũng làm có thể tăng nguy cơ trầm cảm, đột quỵ, thay đổi bất thường về hành vi, tính cách. Nguyên nhân do suy giảm chức năng suy luận, kiểm soát, ức chế, điều khiển hành động, tập trung…
Một tác động ít gặp hơn là chứng mất trí nhớ lặp lại. Ví dụ, bệnh nhân luôn cho rằng địa điểm họ đang sinh sống là bản sao của một địa điểm khác. Tương tự, những người gặp mắc hội chứng Capgras sau tổn thương thùy trán luôn nghĩ rằng, một người nào đó đang giả vờ đóng giả bạn thân, người thân… của mình. Một số trường hợp cũng có thể bị tâm thần phân liệt do rối loạn thần kinh ở thùy trán.
Các tình trạng sức khỏe và rối loạn có thể ảnh hưởng đến thùy trán
Bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến mô não đều có thể ảnh hưởng đến thùy trán. Ngoài ra, một số vấn đề về phát triển thần kinh (liên quan đến phát triển não bộ) cũng có nguy cơ tác động đến chức năng thùy trán. Cụ thể bao gồm:
- Bệnh Alzheimer
- Chứng mất ngôn ngữ biểu cảm (chứng mất ngôn ngữ của Broca)
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
- Hội chứng tự kỷ
- Tổn thương não (do bệnh tật hoặc biến chứng phẫu thuật/điều trị bệnh)
- Khối u não (bao gồm ung thư)
Tìm hiểu thêm: U não thùy trán: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách chẩn đoán bệnh.
- Ngộ độc carbon monoxide
- Chấn thương sọ não
- Thoái hóa vỏ não - hạch nền
- Chứng mất trí nhớ vùng trán - thái dương
- Bệnh Huntington
- Bệnh Wilson
- Nhức đầu và đau nửa đầu
- Ngộ độc kim loại nặng hoặc các chất độc khác
- Nhiễm trùng
- Tình trạng sức khỏe tâm thần: rối loạn tâm trạng, rối loạn lo âu và rối loạn nhân cách
- Chứng mất trí nhớ thể Lewy
- Động kinh (đặc biệt là động kinh thùy trán) và các tình trạng bệnh ký khác liên quan đến động kinh
- Đột quỵ.
Các phương pháp chẩn đoán tình trạng sức khỏe của thùy trán
Để chẩn đoán sức khỏe thùy trán, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau, bao gồm:
- Xét nghiệm máu (phát hiện các vấn đề tổn thương hệ thống miễn dịch có liên quan đến độc tố, đặc biệt là các kim loại như đồng, thùy ngân hoặc chì)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Điện não đồ (EEG)
- Đo điện cơ (EMG)
- Điện thế kích thích thị giác (Evoked potentials)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Kiểm tra tâm lý thần kinh (Neuropsychological Testing and Assessment)
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
Một số phương pháp giúp chăm sóc, bảo vệ thùy trán khỏe mạnh
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc thùy trán khỏe mạnh và giúp hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến não bộ, tuần hoàn máu:
- Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng: Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tuần hoàn máu. Chế độ ăn thiếu khoa học sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn tuần hoàn máu não, dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, việc xây dựng thực đơn cân bằng, đủ chất, hạn chế cholesterol, chất béo bão hòa sẽ giúp ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, máu vón cục, giảm nguy cơ đột quỵ, bảo vệ não và thùy trán.
- Đạt và duy trì cân nặng ổn định, kết hợp hoạt động thể chất đều đặn: Cân nặng ổn định và hoạt động thể chất thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe tổng thể cũng như não bộ, bao gồm cả thùy trán. Cách này giúp ngăn ngừa các bệnh lý về tuần hoàn máu như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đồng thời kích thích não sản sinh chất dẫn truyền thần kinh, nuôi dưỡng não khỏe mạnh.
- Mang đồ bảo hộ: Thùy trán rất dễ bị chấn thương do nằm ở vị trí phía trước đầu, vì vậy cần lưu ý đội mũ bao hiểu và các thiết bị bảo hộ khác trong trường hợp cần thiết để bảo vệ vùng não bộ này.
- Điều trị sớm các tình trạng bệnh lý mạn tính: Nhiều tình trạng bệnh lý mạn tính có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ thùy trán, chẳng hạn như bệnh động kinh, tiểu đường loại 2… Do đó, việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Trên đây là bài viết tổng hợp thông tin về cấu tạo giải phẫu, vị trí, chức năng và các rối loạn, bệnh lý ở thùy trán. Hy vọng thông qua những thông tin này, người bệnh có thêm nhiều cập nhật hữu ích liên quan đến vấn đề điều trị và chăm sóc sức khỏe.