Hiện nay, xu hướng nhỏ gọn và đa năng giúp máy tính ngày càng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người sử dụng về tất cả mọi mặt: thiết kế, hiệu năng, kích thước... Thế nhưng ít ai trong số chúng ta biết được rằng những chiếc máy tính nhỏ bằng lòng bàn tay ngày nay từng là những "cỗ máy khổng lồ" chiếm diện tích cả một căn phòng rộng lớn. Hãy cùng Quản Trị Mạng điểm lại những chiếc máy tính đầu tiên xuất hiện trên thế giới - những cỗ máy đánh dấu bước tiến bộ lớn của khoa học công nghệ trong lịch sử nhân loại đã thay đổi như thế nào theo thời gian nhé!
ENIAC, 1946
JERRY COOKE / CORBIS
ENIAC là tên viết tắt của Electronic Numerical Integrator and Computer - máy tính tích phân điện tử do hai kỹ sư J. Presper Eckert và John Mauchly của trường Đại học Pennsylvania, Mỹ xây dựng vào năm 1942. ENIAC được xem là chiếc máy tính điện tử thực thụ đầu tiên trên thế giới, sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II nhằm tính toán quỹ đạo của tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, thực tế ENIAC chỉ được hoàn thiện sau khi sau cuộc chiến tranh này kết thúc được 1 năm, tức năm 1946. ENIAC gồm có 40 chân kệ cao 2m và 18.000 dây nối điện tử để tính toán quỹ đạo của tên lửa đạn đạo.
SAGE, 1954
Một hệ thống phòng thủ khổng lồ trên không được điều khiển bằng máy tính, SAGE - Semi-Automatic Ground Environment (môi trường mặt đất bán tự động) được thiết kế giúp cho lực lượng Air Force theo dõi dữ liệu radar theo thời gian thực. SAGE được trang bị các công nghệ tiên tiến như modem và các màn hình đồ họa, cỗ máy này nặng 300 tấn và tất nhiên rất đồ sộ chiếm nguyên diện tích một tầng trong tòa nhà.
NEAC 2203, 1960
Cỗ máy NEAC 2203 - một trong những máy tính dùng chất bán dẫn đầu tiên của Nhật Bản, được hãng Nippon Electric Company (NEC) sản xuất sử dụng cho các ứng dụng kinh doanh, khoa học và kĩ thuật.
IBM System/360, 1964
IBM System/360 - một phần của dòng máy tính hoán đổi, là chiếc máy tính đầu tiên có thể chứa được toàn bộ các ứng dụng, từ nhỏ đến lớn ở nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến khoa học. Người dùng có thể mở rộng hoặc co lại việc setup mà không phải lo lắng việc nâng cấp phần mềm. Các model System/360 cao cấp giữ vai trò quan trọng trong các chiến dịch Apollo của NASA cũng như các hệ thống điều khiển không lưu (air traffic control) nhằm chinh phục Mặt Trăng.
CDC 6600, 1964
Một thời từng là chiếc máy tính nhanh nhất thế giới, máy tính 6600 của CDC (Control Data Corporation: tổng công ty kiểm soát dữ liệu) được thiết kế bởi kiến trúc sư máy tính danh tiếng Seymour Cray. CDC giữ danh hiệu chiếc máy tính nhanh nhất thế giới đến năm 1969 trước khi chính Seymour Cray thiết kế ra 1 siêu máy tính thế hệ mới của mình.
DEC PDP-8, 1965
Chiếc máy tính mini thương mại đầu tiên thành công, PDP-8 được sản xuất bởi tập đoàn Digital Equipment. Hãng này bán được 50 nghìn chiếc PDP-8 tại thời điểm ra mắt, nhiều nhất trong tất cả các máy tính ra mắt vào thời điểm đó. Nhiều năm trước khi Apple và GNU/Linux được cung cấp thay thế cho IBM/Microsoft, DEC đã đưa ra quan điểm bằng cách khuyến khích người dùng tự giáo dục bản thân và tham gia vào sự phát triển của hệ thống.
Interface Message Processor (IMP), 1969
Được xây dựng vào thời cao điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh (diễn ra từ năm 1945 đến năm 1991 nói về các xung đột chính trị, quân sự và kinh tế giữa Liên Xô và các nước phương Tây sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc). IMP được Chính phủ Mỹ xây dựng để giúp hệ thống mạng máy tính hoạt động ổn định trong trường hợp một số điểm nút mạng bị các cuộc tấn công hạt nhân phá hủy, cũng như phòng bị các cuộc tấn công thù địch khác. IMP cũng là máy tính đầu tiên có chức năng gateways mà ngày nay được biết đến với tên gọi router. Bên cạnh đó, IMP còn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mạng ARPANET (Advanced Research Projects Agency Network) - mạng chuyển mạch gói tin và là tiền thân của mạng Internet ngày nay.
Kenbak-1, 1971
Thường được xem là "máy tính cá nhân" đầu tiên trên thế giới, Kenbak là công cụ phục vụ cho công việc giáo dục bởi đặc tính dễ sử dụng của nó. Tuy nhiên, doanh số bán ra của nó rất khiêm tốn. Do thiếu một bộ vi xử lý, tốc độ xử lý của nó chỉ có 256 byte và đầu ra "output" duy nhất là hàng đèn nhấp nháy.
Cray-1, 1976
Vào thời điểm bán ra, Cray-1 là chiếc máy tính điện toán nhanh nhất trên thế giới. Mặc dù mức giá rất đắt (khoảng 5 đến 10 triệu USD) nhưng Cray-1 vẫn bán rất chạy. Cray-1 là một trong những chiếc máy tính do kiến trúc sư máy tính Seymour Cray thiết kế. Seymour Cray là một người tâm huyết và dành trọn cuộc đời mình để thiết kế các siêu máy tính - những máy tính được thiết kế với mục tiêu ưu tiên khả năng xử lý và tốc độ tính toán.
Apple I, 1976
Ý tưởng xây dựng Apple I là của Steve Wozniak (được biết đến với tên gọi Woz), Apple I không được lãnh đạo của Wozniak - tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới Hewlett-Packar chấp thuận. Mặc dù vậy, Wozniak không nản lòng mà đưa Apple I đến câu lạc bộ dành cho những người đam mê "độ" máy tính ở thung lũng Silicon. Cùng với người bạn mình là Steve Jobs, ông bán được 50 chiếc máy tính này cho Byte Shop ở Mountain View, California với giá 666 USD. Dù doanh số bán được rất thấp nhưng nó mở đường cho sự thành công của Apple II.
Máy tính cá nhân của IBM, 1981
Phụ kiện đi kèm gồm một màn hình, bàn phím và máy in độc lập cùng thiết kế hoàn chỉnh, mượt mà, máy tính cá nhân của IBM đã mở đầu cho những cuộc đổ bộ máy tính cá nhân dành cho doanh nghiệp và cá nhân người dùng. Thành công lớn về mặt thương mại khiến PC của IBM trở thành tiêu chuẩn máy tính cá nhân trong nhiều năm và dẫn đường để các nhà sản xuất khác làm ra các model máy tính để bàn tương tự.
Máy tính xách tay Osborne 1, 1981
Osborne là chiếc máy tính xách tay thương mại đầu tiên nặng 10,88 kg và có giá chưa đến 2000 USD. Osborne được sử dụng phổ biến do mức giá thấp so với giá máy tính thời điểm đó, đồng thời thư viện phần mềm đi kèm cũng rất phong phú.
Máy tính HP 150, 1983
Đại diện cho những bước đầu tiên trong công nghệ phổ biến hiện nay, HP 150 là máy tính thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ màn hình cảm ứng. Màn hình 9 inch của nó được bao phủ bởi các máy phát hồng ngoại và bộ thu phát nhằm nhận diện vị trí ngón tay của người dùng.
Deep Blue, 1997
Được bắt đầu xây dựng tại IBM vào cuối những năm 1980, dự án Deep Blue là nỗ lực sử dụng khả năng xử lý song song giải quyết một vấn đề khó khăn - đánh bại người chơi cờ hay nhất thế giới thời điểm đó là Garry Kasparov. Sau một trận đấu kéo dài 6 hiệp, Garry Kasparov cuối cùng cũng thua trận.
iPhone, 2007
Vào năm 2007, thiết bị nhỏ tiện dụng cầm tay được giới thiệu bởi CEO của Apple - Steve Jobs không chỉ truy cập được Internet, hoạt động như một chiếc điện thoại bình thường, chụp ảnh và nghe nhạc, mà nó còn hỗ trợ một loạt các ứng dụng được phát triển từ bên thứ 3 hay các ứng dụng cung cấp tất cả mọi thứ từ công thức đến bản đồ và tất cả chỉ gói gọn trong một chiếc điện thoại smartphone tiện dụng.
iPad, 2010
Sau thành công vang dội của iPhone, Apple tiếp tục cho ra mắt thế hệ máy tính bảng với tên gọi iPad có độ dày chỉ khoảng 1,2 inch, trọng lượng khoảng 680 gram và màn hình 9,7 inch. Theo như CEO Steve Jobs cho biết trong buổi ra mắt, thiết bị có thời lượng pin sử dụng lên đến 10 tiếng. Người dùng có thể sử dụng các phần mềm, ứng dụng được phát triển từ phía thứ 3, chơi game, xem video và truy cập internet (tương tự như iPhone). Giá bán cho bản Wi-Fi là 499 USD còn bản 3G là 629 USD.
Tham khảo thêm một số bài viết:
- Libratus - trí tuệ nhân tạo vừa đánh bại 4 cao thủ trong trò chơi poker
- Microsoft Research đang tạo ra một AI có khả năng tự viết code trong vài giây
- Hành trình khám phá lịch sử và văn hóa Việt Nam bằng xe máy
Chúc các bạn vui vẻ!