PGS. TS. Hoàng Kim Giao, Chủ tịch HH CN GSL Việt Nam
Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch thường trực HH CN GSL Việt Nam
Phần I
HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC
GIAI ĐOẠN 2018-2022
I. Hiện trạng ngành Chăn nuôi gia súc lớn
1. Số lượng đầu con và sản phẩm của Chăn nuôi gia súc lớn giai đoạn 2018-2022
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn năm 2018-2022, trừ số lượng trâu, dê, cừu có xu hướng giảm nhẹ, còn phần lớn số lượng đầu con và sản lượng sản phẩm của đàn gia súc lớn như bò thịt, bò sữa, hươu... đều có xu hướng tăng trưởng. Cụ thể:
Bảng 1: Số lượng gia súc ăn lớn giai đoạn năm 2018-2022
Tổng đàn (con)
Năm
Biến động 2021/2018
(%)
2018
2019
2020
2021
2022*
Tổng đàn bò
5,802,907
6,060,024
6,325,627
6,365,300
6,653,000
2.34
Bò thịt
5,508,525
5,742,295
5,994,259
6,034,063
6,310,667
2,34
Tỷ lệ bò lai (%)
58,51
61,65
64,02
65,3
66,8
-
Bò sữa
294,382
317,729
331,368
331,237
342,333
2,99
Trâu
2,425,105
2,387,887
2,332,754
2,264,700
2,310,000
-1,7
Dê
2,683,942
2,609,198
2,654,573
2,675,188
-
-0,08
Cừu
150,022
121,416
114,165
105,794
-
-8,36
Hươu, nai
62790
57615
61784
62865
-
0,03
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong giai đoạn 2018-2021 sản phẩm của gia súc lớn đều có xu hướng tăng, thể hiện ở Bảng 2
Bảng 2: Sản phẩm chăn nuôi gia súc lớn giai đoạn 2018-2022
Năm
2018
2019
2020
2021
2022
Biến động 2021/2018 (%)
Thịt trâu (tấn)
92.110
125.280
120.250
123.000
122.800
7.50
Thịt bò (tấn)
334.470
430.690
441.511
466.400
474.300
8.67
Sữa bò tươi (tấn)
936.000
986.120
1.049.260
1070800
1.277.000
3.42
Thịt dê, cừu (tấn)
32.470
36.650
37.560
54.500
-
13.82
Thịt hươu, nai (tấn)
410
340
440
452
-
2.47
Tổng
1398900
1582970
1653381
1719723
-
5.30
2. Phân bố đàn gia súc lớn theo vùng sinh thái năm 2021
Phân bố đàn trâu/bò theo vùng sinh thái năm 2021 thể hiện ở Biểu đồ 1:
Mật độ phân bố đàn trâu và đàn bò Việt Nam 2021 (Theo TCTK, 01-01-2021)
Mật độ phân bố đàn trâu và đàn bò Việt Nam 2021 (Theo TCTK, 01-01-2021)
- Đàn trâu tập trung chủ yếu ở 2 khu vực là Trung du và miền núi phía Bắc 55,46 % và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 32,95%. Số lượng trâu ở 2 vùng này chiếm gần 90 % tổng đàn trâu của cả nước, các vùng còn lại chiếm số lượng không đáng kể. Thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu long 0,97 %.
- Đàn bò thịt tập trung nhiều nhất ở khu vực Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung (38%) ; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc (19%). Số lượng bò thịt ở hai khu vực này chiếm gần 60% tổng đàn bò và 53% về sản lượng thịt bò của cả nước. Khu vực Tây Nguyên; Đồng bằng sông Cửu Long phân bố tương đối đồng đều về tổng đàn và sản lượng thịt bò và thấp nhất là Đông Nam bộ.
- Đàn bò sữa tập trung vẫn chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ: chiếm 32,07 % nhưng có xu hướng giảm do giảm đàn ở Tp. Hồ Chí Minh do đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp do đất giành cho chăn nuôi, trồng cỏ ngày càng giảm; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 26,23 %; Đồng bằng Sông Hồng là 11,50 % ; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 11,38 %; Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 9,36%; %; thấp nhất là Tây Nguyên chiếm 9,47 % đàn bò cả nước.
- Đàn dê tập trung nhiều nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc 27,63 %; tiếp theo là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 24,59%.
- Đàn cừu tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 112.594 con chiếm 98,62 % tổng đàn cả nước.
3. Giống và Công tác Giống
- Hầu hết các giống nổi tiếng về bò sữa, bò thịt, dê sữa và dê thịt đều được nhập khẩu về Việt Nam. Các giống này có thể bằng vật sống cả con cái giống hoặc đực giống. Về đực giống chủ yếu dưới dạng tinh đông lạnh dạng cộng dạ.
- Các chương trình cải tạo giống vật nuôi - giống gia súc lớn đã được Chính Phủ chỉ đạo tổ chức tiến hành rất sớm. Cụ thể:
+ Chương trình giống gốc vật nuôi được triển khai từ những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 cho đến hiên nay.
+ Chương trình Sind hóa đàn bò từ cuối những năm 60, thập kỷ 70 của thế kỷ 20.
+ Chương trình lai tạo bò thịt từ cuối năm 70, 80 và 90 của thế kỷ 20.
+ Chương trình cải tạo đàn bò vàng Việt Nam theo hướng sữa - thịt và hướng sữa từ những năm 70 thế kỷ 20.
+ Chương trình Cải tạo đàn bò Việt Nam theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng thịt được tiến hành từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21 cho đến hiện tại.
+ Chương trình cải tạo nâng cao năng suất của bò sữa Việt Nam cũng từ năm đầu của thế kỷ 21 cho đến hiện nay.
+ Chương trình cải tại đàn Dê, Cừu Việt Nam theo hướng thịt-sữa đã được tiến hành từ nhữn năm 90 của thế kỷ 20.
+ Chương trình cải tạo đàn trâu địa phương theo hướng nâng cao tầm vóc và khả năng cho thịt.
- Nhiều giống bò sữa, bò thịt nổi tiếng trên thế giới đã được nhập khẩu về Việt Nam như: Holstein Frisian, Jersesy, Charolais, Simental, Limousine, Hereford, Drought Master và gần đây là Senepol, bò Blanc Blue Belge (BBB), bò Waguy. Các giống Dê như Boer, Saanen. Alpine. Trâu Murrah, Trâu Thái Lan .v.v..
- Nhiều trung tâm giống vật nuôi được ra đời, hình thành và phát triển. Trong đó phải kể đến Trung tâm MONCADA - nơi nuôi giữ trâu bò đực giống và sản xuất tinh đông lạnh của Trâu bò, dê, cừu.
4. Cơ cấu và tiêu dùng sản phẩm gia súc ăn cỏ
- Tiêu thụ thịt Trâu bò: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022: Bình quân cho người Việt Nam tiêu thụ thịt trâu bò sản xuất ra trong nước là 6,02 kg thịt hơi và 12,87 lít sữa tươi (Dân số nước ta là 99,2 triệu người tính vào 01 tháng 4 năm 2022). Theo Tổ chức FAO, 2020, nước ta mới sản xuất được 40% nhu cầu tiêu thụ thịt bò, còn 60% phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Như vậy, mức tiêu thụ thịt bò (thịt xẻ) của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới ( 9,5 kg ), thấp hơn một số nước phát triển; Mỹ 36 kg, Úc 44 kg, Brazil 38 kg, Newzealand 30 kg, Nga 15 kg và một số nước, khu vực xung quanh như: Trung Quốc 7 kg, Nhật Bản 11 Kg, Hàn Quốc 16 kg nhưng cao hơn môt số nước như : Indonesia 2,7 kg. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Cơ cấu thịt gia súc lớn sản xuất trong nước so với thịt lợn và gia cầm trong năm 2018 được thể hiện ở Biểu đồ 2:
- Tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam:
Theo số liệu của Hiệp Hội sữa Việt Nam, Tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2010 mới đạt 14 kg/người/năm, không ngừng tăng lên qua các năm: Năm 2012 đạt 18 kg, 2015 đạt 23 kg, 2017 đạt 26 kg, 2020 đạt 27 kg và năm 2022 đạt 28 kg sữa quy đổi /người/năm. Việt Nam sản xuất được đáp ứng được 45% sữa tiêu dùng, còn phải nhập khẩu 55%. năm 2022, nước ta sản xuất được 1.277,0 triệu tấn sữa tươi. Bình quân đạt 12,87 lít/người/ năm.
Tỷ lệ tiêu dùng sữa ở nước ta đang ở mức rất thấp so với các nước trên thế giới, như Thái Lan 34 lít/năm, Singapore 45 lít/năm, Ấn Độ 46 lít/năm, Anh 112 lít/năm. Hơn nữa, ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… thì sữa lỏng được sản xuất từ 100% sữa bò tươi nguyên liệu và được công bố rõ ràng minh bạch trên bao bì ở tất cả các loại sữa lỏng (Lã Văn Thảo, 2023).
5. Nhập khẩu trâu bò sống và thịt trâu, bò
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan: số lượng trâu bò nhập khẩu giai đoạn 2012-2022 thể hiện ở Biều đồ 3 (Trích dẫn của Lã Văn Thảo, 2023):
Xuất khẩu trâu/bò sống và thịt trâu/bò theo đường tiểu ngạch
Xuất khẩu trâu/bò sống: Do sản lượng trâu/bò nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, hàng năm Trung Quốc phải nhập khẩu một lượng thịt trâu/bò lớn từ thị trường thế giới. Trâu/bò từ Việt Nam thường được gom để xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập trâu bò sống của các nước láng giềng khác như Mông Cổ, Ấn Độ, Myanmar, Lào theo hình thức Tiểu ngạch. Năm 2022, Trung Quốc đóng cửa biên giới nên trâu bò sống xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không thực hiện được. Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến giá thịt của trâu bò nước ta giảm xuống bình quân 15-20%, có nơi giảm tới 25-30%.
Xuất khẩu thịt trâu/bò
Theo số liệu từ Báo cáo triển vọng phát triển nông nghiệp 2020-2029-OECD/FAO 2020, ước tính trung bình giai đoạn 2017-2019, Việt Nam xuất khẩu 2 nghìn tấn thịt xẻ bò quy đổi.
Kim ngạch xuất khẩu thịt trâu/bò của Việt Nam trong năm 2022 đạt trên 1,64 triệu USD, cao gấp 1,9 lần so với năm trước nhưng thấp hơn 19% so với mức bình quân 5 năm (2017-2021), trong đó Campuchia vẫn là thị trường chủ yếu với trên 45% thị phần - tính theo kim ngạch xuất khẩu (Lã Văn Thảo, 2023).
6. Chăn nuôi nông hộ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, Việt Nam có 8,5 triệu hộ làm nông nghiệp. Trong đó: có 2,33 triệu hộ nuôi bò thịt (chiếm 27,44%); 1,23 triệu hộ nuôi trâu (chiếm 14,52%); 417,19 nghìn hộ chăn nuôi dê (chiếm 4,91%) và 28,70 nghìn hộ chăn nuôi bò sữa (chiếm 0,34%) Tất nhiên, trong đó có những hộ chăn nuôi hỗn hợp vừa nuôi bò thịt, đê thịt hoặc vừa nuôi trâu vừ nuôi bò, dê. Tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn chiếm khoảng 47,21% tổng số hộ làm nông nghiệp.
7. Quy mô chăn nuôi năm 2021
- Cả nước có khoảng 13.752 trang trại chăn nuôi/23.662 trang trại nông nghiệp (chiếm 58,1%).
- Cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn:
+ Cả nước có 61 cơ sở chăn nuôi bò từ 300 con trở lên đến hàng nghìn hoặc chục nghàn con.
- Cơ sở chăn nuôi quy mô vừa:
+ Có 452 cơ sở nuôi từ 30 con trâu trở lên; Có 1881 cơ sở nuôi từ 30 con bò trở lên; Có 2.357 cơ sở nuôi từ 20 con bò sữa trở lên;
8. Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ
Các địa phương đã áp dụng công nghệ cao (TTNT, sử dụng tinh phân biệt giới tính đực), Nhiều tổ hợp lai kinh tế bò thịt giữa các giống bò chuyên dụng thịt như: Charolais, Simental, Limousine, Hereford, Drought Master và gần đây là bò Senepol, bò Blanc Blue Belge (BBB), bò Waguy với đàn bò cái nền là lai Sind, lai Brahman đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt cả nước.
- Chăn nuôi bò tập trung, quy mô vừa và lớn ở một số địa phương đã ứng dụng các tiến bộ về giống, thức ăn, chuồng trại chống bức xạ nhiệt mặt trời, phun sương, làm mát tự động, giảm nhiệt độ chuồng nuôi; sử dụng thức ăn phối trộn TMR, rải thức ăn, dọn phân tự động. Một số cơ cở chăn nuôi bò sữa đã áp dụng công nghệ cao như: Công nghệ chăn nuôi theo công nghệ Âu, Mỹ (Delaval), hệ thống chuồng mát tự động; áp theo các tiêu chuẩn quốc tế Global Gap ISO 9001, trang trại hữu cơ áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu (TH True Milk, Vinamilk); Việt Nam đã ứng dụng công nghệ phối giống tinh bò phân biệt giới tính cái. Tỷ lệ bê cái sinh ra đạt tương đương khuyến cáo của nhà cung cấp tinh phân biệt giới tính là 87 -92%. Ngoài ra đã áp các kỹ thuật cấy truyền phôi (Phôi thường, phôi phân biệt giới tính), sản xuất phôi bò sữa; thụ tinh trong ống nghiệm, cắt phôi để từ 1 phôi tạo ra 2 phôi.
Quản lý giống bò sữa: Quản lý bằng phần mềm chuyên dụng ở các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, như là: AFIMILK, NOA… hỗ trợ công tác bình tuyển quản lý giống bò sữa.
Phần 2
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI
GIA SÚC LỚN TRONG THỜI GIAN TỚI
I. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC LỚN TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Mục tiêu chung
- Nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm gia súc lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;
- Tăng quy mô và thâm canh phát triển những loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gia súc lớn có tiềm năng, lợi thế so sánh và phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội. Đồng thời, đúng với khả năng đầu tư, thị trường tiêu thụ và thích ứng với sự biến đổi của khí hậu;
- Phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm gia súc lớn, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến thịt, sữa. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu từ các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
2. Mục tiêu cụ thể (QĐ 1520/QĐ-TTg)
a) Phát triển chăn nuôi gia súc lớn để góp phần thực hiện mục tiêu: Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm.
b) Sản lượng thịt xẻ các loại: đến năm 2025 thịt gia súc ăn cỏ đạt từ 8 đến 10%; đến năm 2030 thịt gia súc ăn cỏ đạt từ 10 đến 11%.
c) Sản lượng sữa: đến năm 2025 đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn; đến năm 2030 đạt khoảng 2,6 triệu tấn.
d) Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ để góp phần thực hiện mục tiêu bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: đến năm 2025 đạt từ 50 đến 55 kg thịt xẻ các loại, từ 16 đến 18 kg sữa tươi và đến năm 2030 đạt từ 58 đến 62 kg thịt xẻ các loại, từ 24 đến 26 kg sữa tươi.
3. Định hướng phát triển chăn nuôi gia súc lớn đến năm 2030 ( QĐ 1520/QĐ-TTG)
a) Đàn bò sữa đạt quy mô từ 650 đến 700 nghìn con, trong đó khoảng 60% đàn bò sữa được nuôi trong các trang trại.
b) Đàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 đến 6,6 triệu con, trong đó khoảng 30% được nuôi trong trang trại.
c) Đàn trâu ổn định ở quy mô từ 2,4 đến 2,6 triệu con, trong đó khoảng 20% được nuôi trong trang trại.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC ĂN CỎ
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế ngành chăn nuôi
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi, các TCVN, QCVN phù hợp với tình hình thực tế.
Tổ chức tuyên truyền có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.
2. Giải pháp, điều chỉnh về quy hoạch vùng chăn nuôi
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong đó có chăn nuôi. Điều chỉnh lại quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi cho các vật nuôi chính theo hướng sản phẩm gắn với sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa lý của địa phương, phát triển sản phẩm chăn nuôi sạch, hữu cơ, sinh thái, gắn với du lịch.
- Rà soát chiến lược phát triển chăn nuôi với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô cho phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia đồng thời duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến.
- Tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi ở cụm tỉnh, vùng, miền với quy hoạch chung của quốc gia, các tỉnh cần quy hoạch vùng theo lợi thế của từng địa phương: xây dựng vùng chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; chuyển đổi mạnh những diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp.
3. Quản lý giống gia súc lớn
- Quản lý được hệ thống giống của gia súc nhai lại: định dạng cá thể bằng gắn số tai, gắn chíp điện tử, vào sổ giống và xử lý các tính trạng năng suất của giống.
- Thống nhất hệ thống quản lý giống trâu, bò sữa, bò thịt ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi.
- Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ: Các cơ sở sản xuất giống phải đáp ứng đủ điều kiện đăng ký sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn
4. Giải pháp về chính sách
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành;
- Thực hiện tối đa xã hội hóa, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển chăn nuôi. Thực hiện đồng bộ các biện pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt 05 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (được phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020) để triển khai các dự án ưu tiên; Nghị định hỗ trợ chăn nuôi bền vững đến năm 2035.
- Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, bổ sung quy định về “đất chăn nuôi” vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
- Kiến nghị với Quốc hội giảm các loại phí, thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi sau khủng hoảng về dịch bệnh ở vật nuôi và trên người.
5. Nhóm giải pháp về kỹ thuật
5.1. Giải pháp về giống
a) Giống bò thịt:
- Đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò địa phương thông qua phương pháp sử dụng bò đực giống lai Zêbu F1, F2, F3...để phối giống trực tiếp ở những vùng chăn nuôi chưa phát triển, chăn nuôi phân tán, dân trí chưa cao (Một số tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên; các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn ở các địa phương) để cải tạo tầm vóc bò địa phương, nâng dần tỷ lệ bò lai.
- Ở các vùng chăn nuôi phát triển, tương đối tập trung, dân trí phát triển ( Đồng bằng Sông hồng, các huyện vùng thấp ở các tỉnh trung du miền núi, các tỉnh vùng Đông Nam bộ..): sử dụng tinh của các giống bò cao sản (Red Angus, Droughtmaster, Limousine, Charolaire, Blanc Bleu Belge, Wagyu, Senepol, Blonde d’ Aquitaine…) phối giống bằng thụ tinh nhân tạo (TTNT) với bò cái nền lai Zêbu, bò địa phương…
- Chọn lọc và nhân thuần các giống bò Zêbu và các giống thịt cao sản nhập khẩu phù hợp với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, điều kiện dân trí và sinh thái của từng vùng, từng địa phương.
- Nhập khẩu nguồn gen: Nhập bò đực giống cao sản để sản xuất tinh bò thịt đông lạnh trong nước, nhập khẩu một số tinh, phôi bò thịt phục vụ cho lai tạo và nhân thuần giống bò thịt.
- Tiến hành kiểm tra năng suất đực giống bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại.
b) Giống bò sữa.
- Đối với bò cái
+ Tiếp tục lai tạo với tinh bò sữa cao sản để tạo đàn bò sữa trong nước kết hợp với nhân thuần giống bò sữa HF.
+ Tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất, nhân giống bò bằng thụ tinh nhân tạo với tinh bò ngoại chất lượng cao, tinh bò sữa phân ly giới tính. Sử dụng các công nghệ sinh sản tiên tiến như TTNT, cấy truyền phôi, Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)… ở một số Trung tâm, doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa.
c) Giống trâu:
- Chọn lọc, cải tạo nâng cao chất lượng, số lượng đàn trâu nội: bình tuyển chọn đực giống, cái giống trong nước, đặc biệt trâu giống tốt ở các vùng chăn nuôi trâu phát triển: Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình…
- Đầu tư kinh phí nhập tinh hoặc nhập trâu đực giống tốt để cải tạo đàn trâu nội và làm tươi máu.
- Tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo trâu:
Nhập khẩu đực giống, tinh, phôi phân biệt giới tính của các giống trâu cao sản, phù hợp nhu cầu thị trường trong nước để làm tươi máu, cải tiến chất lượng đàn giống trâu trong nước, đặc biệt là nhập khẩu tinh hoặc nhập trâu đực giống một số giống trâu cho năng suất cao trên thế giới để cải tạo đàn trâu trong nước (trâu thịt Nili-Ravi từ Ấn Độ, Trung Quốc).
5.2. Thức ăn
- Chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu TACN trong nước để đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nguyên liệu TACN truyền thống và giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài;
- Sử dụng hợp lý các phụ phẩm công, nông nghiệp như rơm lúa, bã bia, bã đậu nành, phụ phẩm chế biến hoa quả, chế biến rau, tảng liếm khoáng vi lượng.v.v. làm thức ăn cho trâu, bò để giảm giá thành.
- Thức ăn hỗn hợp:
+ Áp dụng công nghệ chế biến thức ăn theo khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR, TMF) trong chăn nuôi bò sữa và vỗ béo bò thịt, trâu thịt, dê thịt và thỏ.
+ Áp dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ vi sinh trong việc chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng và giảm phát thải khí nhà kính.
- Thức ăn thô xanh: Trồng các loại cỏ, cây thức ăn chăn nuôi có hạm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng protein thô cao. Đồng thời lựa chọn trồng cỏ và cây thức ăn chịu hạn, rét, sương muối. Chọn tạo, nhân thuần, nhập nội một số giống cỏ có khả năng kháng hạn, rét, sương muối để chủ động nguồn thức ăn ở một số vùng khó khăn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhập một số giống chịu hạn như Mulato II, Ghine Monbasa, Ruzi, Stylo, Guatemala...
a) Giải pháp về nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước
- Quy hoạch để chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng cây TACN (ngô, sắn…).
- Khuyến khích phát triển sản xuất protein từ côn trùng (ví dụ: ruồi lính đen) để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu.
- Nghiên cứu sản xuất giống lúa năng suất cao, giá thành hạ làm nguyên liệu TACN./.
Một số hình ảnh về giống và mô hình chăn nuôi
Gia súc lớn ở Việt Nam.
Chăn nuôi bò sữa Công nghiệp ở VN
Chăn nuôi Dê cừu ở Việt Nam
Trâu Murrah ở Việt Nam