Ngôn ngữ của giới trẻ nhiều khi trở nên rất khó hiểu đối với những người thế hệ trước. Gen Z có cách chơi chữ độc đáo, tạo ra những từ, cụm từ ngữ mới theo cách "khó lường". Từ "dưỡng thê" là một ví dụ điển hình trong từ điển gen Z.
"Dưỡng thê" là gì trong từ điển gen Z?
Từ "dưỡng thê" bắt đầu xuất hiện từ năm 2023 và nhanh chóng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội từ Facebook, Tiktok, Instagram đến Threads. Nếu hiểu theo từ điển Hán Việt, "dưỡng" là nuôi dưỡng, chăm sóc; "thê" là vợ, "dưỡng thê" có nghĩa là nuôi vợ; nhưng theo "từ điển gen Z" thì ý nghĩa không phải như vậy.
"Dưỡng thê" là cách đọc lái của từ “dễ thương”, là lời khen ngợi dành cho ai đó hoặc điều gì đó dễ mến, đáng yêu.
Việc sử dụng "dưỡng thê" thay thế cho "dễ thương" không chỉ đơn thuần là một trò chơi chữ mà còn là cách để giới trẻ thể hiện sự tinh nghịch và sáng tạo. Khi gen Z nói "dưỡng thê," từ này không chỉ mang ý nghĩa khen ngợi mà còn chứa đựng sự hài hước và trẻ trung trong cách sử dụng ngôn ngữ. Một món đồ, một hành động hay một con người có thể được miêu tả bằng từ "dưỡng thê" khi người ta cảm thấy yêu thích và ấn tượng.
Trên mạng xã hội, từ “dưỡng thê” xuất hiện phổ biến trong các bình luận, bài viết khen ngợi bạn bè, người thân, những hiện tượng, sự vật dễ thương. Không chỉ dừng lại ở mặt ngôn ngữ, cụm từ này đã tạo nên một trào lưu thể hiện tinh thần lạc quan, tích cực, khuyến khích con người tìm kiếm và trân trọng những điều tốt đẹp xung quanh.
Từ lâu, hiện tượng viết lái thường là để tạo ra sự vui nhộn hoặc dí dỏm. Gen Z đã áp dụng hiện tượng này một cách sáng tạo để tạo ra ngôn ngữ riêng cho mình, vừa giúp thể hiện cá tính, vừa tạo ra sự gần gũi và kết nối trong cộng đồng.
"Dưỡng thê" chỉ là một trong nhiều từ được giới trẻ đọc lái. Trên mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp các từ được giới trẻ biến tấu thành từ mới nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa, như "xăm lính" nghĩa là xinh lắm, "mẫn nhi" nghĩa là mỹ nhân, "nấu xói" nghĩa là nói xấu...