Nơi đây là một vùng mới, trẻ, được khai phá khoảng trên 300 năm. Vì thế, sông nước Cà Mau dường như vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ mà ít nơi nào có được. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ví von Cà Mau như “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, nơi chứa đựng biết bao kỳ tích, huyền thoại của quá trình khai hoang mở cõi.
Ban đầu tên gọi Cà Mau được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là “nước đen”. Sở dĩ nước ở đây hay có màu đen đặc trưng là do lá của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống tạo nên.
Vị trí địa lý Cà Mau
Tỉnh Cà Mau có tổng cộng 9 đơn vị hành chính gồm thành phố Cà Mau và các huyện như: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển cùng với 101 xã, phường và thị trấn.
Phía bắc giáp với tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp tỉnh Bạc Liêu và biển Đông, phía nam giáp biển Đông. Cà Mau có đường bờ biển dài 104 km và phía tây giáp vịnh Thái Lan với bờ biển dài 145 km. Với lợi thế ba mặt tiếp giáp biển, Cà Mau không chỉ là nơi giao lưu của các tuyến đường thủy trong khu vực mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách trong lẫn ngoài nước.
Lịch sử hình thành Cà Mau
Vào khoảng cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, những lưu dân Việt, Hoa, Khmer đến đây cư trú và sinh sống, hình thành nên “Xã Cà Mau”. Vào đầu thế kỷ thứ XVIII, “Xã Cà Mau” trực thuộc trấn Hà Tiên. Mãi đến thời vua Minh Mạng (1820-1840), “Xã Cà Mau” đã được nâng lên thành huyện Long Xuyên thuộc tỉnh Hà Tiên.
Vào năm 1947, khi Pháp thành lập tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau trở thành một quận của tỉnh Bạc Liêu.
Ngày 9/3/1956, Chính quyền Sài Gòn khi ấy lấy quận Cà Mau để thành lập tỉnh Cà Mau, đến ngày 22/10/1956 đổi tên tỉnh Cà Mau thành tỉnh An Xuyên.
Sau khi miền Nam được giải phóng, ngày 01/01/1976, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu hợp nhất lại thành một tỉnh có tên gọi là Cà Mau - Bạc Liêu. Ngày 10/03/1976, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu được đổi thành tỉnh Minh Hải. Ngày 01/01/1997, tỉnh Minh Hải lại tách thành tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.
Nhịp sống của thành phố Cà Mau
Khí hậu và Địa hình Cà Mau
Do nằm trong khu vực nội chí tuyến bắc bán cầu, cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, nên Cà Mau có khí hậu ôn hòa với 2 mùa rõ rệt, ít có mưa bão. Mùa mưa ở đây kéo dài từ tháng 5 - tháng 11, mùa khô từ tháng 11- tháng 4 năm sau.
Cà Mau là vùng đồng bằng ven biển, nơi đây có nhiều sông rạch, địa hình tương đối bằng phẳng và thấp, có đến 90% diện tích ngập mặn, nhiễm phèn. Do vậy, đất đai ở đây rất phì nhiêu, màu mỡ, thích hợp nuôi trồng thủy sản, trồng lúa và rừng ngập mặn.
Thu hoạch tôm ở Thới Bình
Thu hoạch tôm ở Thới Bình
Sông ngòi Cà Mau
Cà Mau là tỉnh ven biển có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài lên đến hơn 7.000 km. Trong đó, có những con sông có chiều dài hơn 50 km có thể kể đến như là: sông Bạch Ngưu (72 km), sông Ông Đốc (dài hơn 60 km), sông Cửa Lớn (58 km), sông Gành Hào (56 km). Một số kênh lớn khác như kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (dài 118 km), Cà Mau - Bạc Liêu (hơn 70 km).
Cà Mau có khá nhiều đầm, trong đó có Đầm Thị Tường là thắng cảnh và là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau.
Một góc Đầm Thị Tường
Tài nguyên thiên nhiên Cà Mau
Cà Mau là vùng đất rất giàu tài nguyên rừng và biển.
Rừng: Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đây có diện tích khoảng 54.000 ha với 46 loài thực vật, tiêu biểu kể đến như mắm, đước, giá, dà vôi, vẹt… Thảm thực vật úng phèn của Cà Mau có hơn 173 loài, giá trị nhất trong đó là cây tràm với tổng diện tích gần 38.000 ha.
Biển: Bờ biển Cà Mau dài hơn 254 km, chiếm 7,7% chiều dài bờ biển của cả nước. Diện tích vùng biển rộng trên 71.000 km2, và là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Sở hữu những loài thủy sản có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá thu, cá chim, cá mú…
Nhờ vị thế tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, gần tuyến hàng hải quốc tế nên thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế biển.
Vùng biển Cà Mau là nơi có nhiều cụm đảo lớn nhỏ như: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc. Những đảo này đều là điểm hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đước - loài cây đặc trưng của Cà Mau
Tiềm năng du lịch Cà Mau
Đến với Mũi Cà Mau, du khách sẽ được thăm cột mốc tọa độ quốc gia, ngắm rừng, ngắm biển..
Với hệ sinh thái rừng đa dạng, Cà Mau là một trong những tỉnh có hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng.
Đặc biệt, Cà Mau có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau gồm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ mang vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí.
Là một trong số những địa phương có nhiều sân chim tự nhiên như: Sân chim cà Mau, sân chim Ngọc Hiển, sân chim Chà Là… Những điểm du lịch này đã tạo sức hút lớn, gây tò mò đối với du khách gần xa.
Bên cạnh đó, tại Cà Mau còn nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia và nhiều lễ hội truyền thống lớn như: Lễ Nghinh Ông, vía Bà, Chôl Chnăm Thmây … mang đậm bản sắc văn hóa của 3 dân tộc là Kinh - Hoa - Khmer.
Bãi bồi Mũi Cà Mau
Cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001
Giao thông Cà Mau
Cà Mau (cách thành phố Hồ Chí Minh 380 km, cách thành phố Cần Thơ 180km) là nơi nằm trên trục quốc lộ 1 đi từ Cần Thơ đến Năm Căn và đến quốc lộ 63, đi Kiên Giang và nhiều tuyến sông lớn như Gành Hào, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, kinh xáng Bạc Liêu chảy ngang tạo nên giao thông rất thuận tiện.
Cảng biển quốc tế Năm Căn nằm trong hệ thống cảng biển thương mại quốc tế là nơi có vị trí quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa tới các vùng nội địa và quốc tế. Cảng nước sâu Hòn Khoai là cảng tổng hợp hàng hóa của quốc gia, cảng trung chuyển quốc tế khu vực ASEAN.
Cảng hàng không Cà Mau có tổng cộng 7 chuyến bay/tuần đi tuyến thành phố Hồ Chí Minh và di chuyển ngược lại bằng máy bay ATR72, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Khi đến với Cà Mau, du khách sẽ được nghe những câu chuyện kể “ông vua nói dóc” bác Ba Phi, thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử, đi thuyền trên sông hay thưởng thức những món ăn đặc sản nức tiếng của vùng quê sông nước Cà Mau.
Cảng hàng không Cà Mau