Sahara không phải hoang mạc lớn nhất hành tinh

Sa mạc Nam Cực là sa mạc lạnh lớn nhất thế giới. Hàng năm, sa mạc này đón nhận lượng mưa trung bình là 8 inch (200 mm). Ảnh: Sennheiser

Sa mạc trên Trái Đất có muôn hình vạn trạng, từ những bãi cát khô cằn đến những tảng băng khổng lồ. Nhưng đâu mới là sa mạc lớn nhất hành tinh và các sinh vật đã sinh tồn trên những địa hình khắc nghiệt này như thế nào?

Theo sách 500 bách khoa tri thức Trái Đất của NXB Hồng Đức, sa mạc là khu vực có lượng nước bốc hơi nhiều hơn lượng mưa hàng năm nhận được. Cụ thể, các sa mạc nhận được ít hơn 25 cm lượng mưa hàng năm.

Ngoài ra, tiếng Việt cũng có từ hoang mạc để phân biệt với sa mạc, là những vùng hoang mạc chỉ có cát. Dù vậy, theo định nghĩa quốc tế được dẫn trong sách Bách khoa toàn thư Britannica, không có sự phân biệt giữa sa mạc và hoang mạc (desert).

Căn cứ trên điều kiện này, sa mạc Nam Cực là sa mạc lớn nhất và cũng là sa mạc lạnh lớn nhất thế giới với diện tích 14,2 triệu km2. Trong khi đó, Sahara ở Bắc Phi là sa mạc nóng lớn nhất, rộng 9,2 triệu km2.

Theo Live Science, sa mạc thường được xem là một khu vực khô cằn, không có sự sống nhưng trên thực tế hệ sinh thái ở đây lại rất phong phú, không hề đơn điệu như nhiều người tưởng.

Thung lũng ở Nam Cực không có mưa suốt 2 triệu năm

Năm 2021, nhà khí tượng học Jonathan Wille của Đại học Grenoble đã thực hiện một nghiên cứu về lượng mưa ở Nam Cực. Ông cho rằng vùng sa mạc lạnh này thường xuyên bị các nhà khoa học bỏ quên. Mặc dù các khu vực sâu trong sa mạc dường như không có sự sống, các sinh vật như hải âu, chim cánh cụt vẫn có thể hình thành nơi sinh sống, bắt cá và các sinh vật biển khác từ sông, hồ băng giá. Đôi lúc, các chú hải cẩu còn trồi lên bờ.

Sahara không phải hoang mạc lớn nhất hành tinh

Không băng tuyết, không mưa, không sự sống... là những đặc điểm của thung lũng khô ở Nam Cực. Ảnh: Nature Wonders

Tuy nhiên, nói với Live Science, nhà khoa học Jonathan Wille cho biết khí hậu ở Nam Cực khắc nghiệt đến mức một số khu vực như thung lũng khô McMurdo thậm chí còn chưa có một giọt nước nào rơi xuống suốt 2 triệu năm qua. Mức gió tại thung lũng đạt tốc độ 320 km/h, mạnh nhất trên Trái Đất. Điều này đã khiến độ ẩm nơi đây thấp, khí hậu khắc nghiệt, núi che lấp mây, gió mạnh khắp nơi.

Dù xét trên tiêu chuẩn của các sa mạc, khí hậu ở đây cũng quá khô cằn. Các nhà khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cho hay băng và tuyết không xuất hiện ở thung lũng khô McMurdo suốt 8 triệu năm qua, ngoại trừ một số hồ, sông bị cô lập dưới lớp băng dày. Vùng đất này còn được cho là nơi kỳ lạ nhất Trái Đất bởi không một sinh vật, thực vật nào có thể sống ngoại trừ vi khuẩn angelito. Theo các nhà khoa học, loại vi khuẩn này có khả năng tồn tại ngay cả trong không gian vũ trụ.

Sahara không phải là một vùng đất chết

Trong khi đó, sa mạc Sahara ở Bắc Phi lại là sa mạc nóng lớn nhất thế giới và là sa mạc lớn thứ 3 thế giới sau Nam Cực và Bắc Cực. Sahara ngày càng mở rộng, hiện chiếm 1/4 lục địa châu Phi.

Lượng mưa trung bình hàng năm của khu vực này dưới 100 mm, có nơi thậm chí không có một giọt mưa trong nhiều năm. Vì thế, nhiều người cho rằng đây chỉ là một vùng đất trơ trọi, khô cằn nhưng trên thực tế, sự sống ở đây lại rất phong phú. Theo Tiến sĩ André Vicente Liz của Đại học Porto, Sahara sở hữu đa dạng các đặc điểm địa lý và loài sinh vật.

“Sa mạc Sahara có những đặc điểm địa lý đáng ngạc nhiên, hoàn toàn khác với hiểu biết trước nay của con người như cảnh quan phong phú, rất nhiều khoáng sản bên dưới bề mặt cùng với khí hậu chênh lệch theo không gian và thời gian”, nhà nghiên cứu nói với Live Science.

Sahara không phải hoang mạc lớn nhất hành tinh

Sa mạc Sahara mênh mông cát. Ảnh: Science News

Cảnh quan của Sahara không chỉ có những đồi cát mênh mông vô tận như nhiều người nghĩ mà còn có biển cát, đồng bằng sỏi, cao nguyên đá, thung lũng, đồng bằng muối, núi, sông, suối... Sahara chỉ có 30% là cát.

Khoảng 4.000 năm trước, đây vẫn là một vùng trù phú với nhiều loài động thực vật. Song, biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái Đất tăng trong khi lượng mưa giảm mạnh đã khiến Sahara trở thành sa mạc cát như ngày nay.

Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như thế, một số động thực vật vẫn tồn tại và thích nghi tốt với môi trường. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Biogeography, Tiến sĩ André Vicente Liz cho biết các động vật có thể sống ở sa mạc Sahara vì chúng là loài biến nhiệt, thay đổi thân nhiệt theo nhiệt độ môi trường xung quanh. Chúng có thể di chuyển từ những khu vực nắng như thiêu như đốt đến những hố lạnh để duy trì nhiệt độ.

Liz đã quan sát loài thằn lằn và kết luận nó có thể thích nghi rất tốt dù là với điều kiện khí hậu khô hạn. Một số loài bò sát hoặc lưỡng cư khác còn có thể ngủ đông khi hạn hán đến.

Không chỉ vậy, Sahara còn là nơi sinh sống của một số loài động vật có vú và chim. Linh dương, lạc đà, báo, đà điểu, cáo sa mạc là một trong số ít những loài động vật hằng nhiệt sống được ở Sahara.

Ở Sahara còn có những khu vực đặc biệt như hồ đá “gueltas” nơi tồn tại một hệ sinh thái phong phú. Đây là nơi trú ẩn cho các sinh vật khi phải di chuyển sang nơi ở khác do khí hậu thay đổi.

Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/sa-mac-nao-lon-nhat-the-gioi-a71179.html