Làng tre Phú An gồm có bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An. Đây là nơi tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam. Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh là người đưa ra ý tưởng, sau đó trực tiếp xây dựng Làng tre Phú An trở thành một “bảo tàng tre” lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2010, làng tre đã nhận được giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học.
Làng tre được thiết kế theo không gian thoáng đãng với hai khu độc lập, gồm khu bảo tàng tre và khu vực nghiên cứu. Khu bảo tồn sinh thái tre Phú An sớm trở thành địa điểm thu hút khách du lịch gần xa. Điều này đã gây bất ngờ cho ngay cả người sáng lập khu bảo tồn tre, vì mục đích ban đầu chỉ nhằm bảo tồn và nghiên cứu khoa học. Đến nay, nơi đây đã trở thành một khu du lịch xanh, du khách có thể trải nghiệm và khám phá sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái tre xanh với khoảng 130 giống tre cùng 300 loại mẫu tre.
Làng tre Phú An có nhiều giống quý hiếm như tre vuông, mai ống, tre vàng sọc, luồng xuất xứ từ Phú Thọ, mây Muồi Mai ở Bắc Kạn cho đến loại tre ngà chỉ có ở Thái Nguyên hay tre mét, hóp lớn ở Hà Tĩnh... Đến Làng tre Phú An, du khách có thể hòa quyện vào thiên nhiên thoáng đãng; có thể đi dạo dưới những hàng tre rợp bóng mát giúp du khách mãn nhãn về sự phong phú, đa dạng của tre. Nếu đến đây đúng dịp, du khách còn được thấy hoa tre quý hiếm hàng chục năm mới trổ một lần.
Đưa làng tre thành điểm du lịch hấp dẫn
Dù tên gọi chính thức là Khu bảo tồn sinh thái Phú An nhưng người dân, du khách vẫn thường gọi đây là Làng tre Phú An. Nơi đây vừa là một địa chỉ du lịch vừa giúp du khách mở mang kiến thức, biết được lợi ích từ cây tre mang lại. Tại đây, từng loài tre đều có tên riêng gắn trên thân tre để du khách có thể tự khám phá, chụp ảnh tìm hiểu. Để tạo thêm cảm giác gần gũi, ấm áp của làng quê Việt Nam, làng tre còn xây dựng một số nét đặc trưng không gian văn hóa của đời sống người dân Việt Nam từ bao đời gắn bó cây tre qua hình ảnh cây cầu khỉ, vó lưới cá, những hàng rào đơn sơ, mộc mạc được đan kết từ cây tre, gắn với truyền sống sinh hoạt của người dân 3 miền.
Xa hơn, ngành du lịch tỉnh và địa phương đang xúc tiến để phát triển nơi đây thành Làng du lịch sinh thái cộng đồng Phú An, bên cạnh những giá trị bảo tồn, nghiên cứu khoa học từ tre đã từng bước chinh phục du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Nhiều năm nay, làng tre còn trở thành “phim trường” để các đạo diễn thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Mỗi năm làng tre còn thu hút hàng trăm đôi uyên ương tìm đến để chụp ảnh cưới. Đây còn là nơi thu hút nhiều nhiếp ảnh gia, các câu lạc bộ nhiếp ảnh và cho ra đời những tác phẩm mang đậm dấu ấn của đời sống người dân Việt Nam gắn bó với lũy tre làng chân thực, mộc mạc.
Ngoài tác dụng tái tạo cảnh quan, môi trường vùng đất Tam giác sắt anh hùng trong lịch sử, Làng tre Phú An còn là nơi nghiên cứu, giới thiệu những lợi ích của cây tre trong đời sống thường ngày. Đến Làng tre Phú An, du khách sẽ thấy được đôi tay khéo léo của người thợ đã biến cây tre thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vật dụng trong sinh hoạt như giường, bàn ghế, nôm, thúng, rổ, rá… Không chỉ vậy, du khách sẽ bất ngờ hơn khi biết cây tre đã góp phần tham gia vào việc cải thiện môi trường nước, đất và không khí ở những khu vực sản xuất công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm.
Nhờ sử dụng cây tre từ Làng tre Phú An do tiến sĩ Hạnh cung cấp để làm sạch nước thải sau quá trình sản xuất thuộc da và tái sử dụng lại, Công ty Sài Gòn Tan Tec (Khu công nghiệp Việt Hương II) đã giảm được không ít chi phí sản xuất. Ứng dụng này của công ty đã được nhận giải nhì của Ban tổ chức giải thưởng “Energy Efficiency Award” (Cộng hòa Liên bang Đức) nhờ thực hiện hiệu quả năng lượng. Cụ thể, nhờ giải pháp này đã giúp công ty tiết kiệm 40% năng lượng tiêu thụ và giảm đến 2.700 tấn CO2 thải ra môi trường.
Nơi đây có khu nghiên cứu dành cho chuyên gia, sinh viên khám phá, tìm tòi những phương thức bảo tồn và phát triển tre xanh và ứng dụng của nó trong việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, khi đến đây, du khách có dịp được tìm hiểu cụ thể hơn về những giống tre, quá trình phát triển cũng như các công dụng và sử dụng tre làm nguyên, vật liệu trong việc chế tác các sản phẩm tre, nứa thủ công mỹ nghệ cho đến những vật dụng gắn bó với người dân từ xa xưa đến ngày nay.
Hiện ngành du lịch tỉnh đang xúc tiến để đưa Làng tre Phú An vào địa chỉ du lịch hấp dẫn dành cho du khách khi đến Bình Dương. Như đã nói trên, do mục đích ban đầu Làng tre Phú An chỉ là khu bảo tồn sinh thái nên nơi đây vẫn còn thiếu một số dịch vụ mà du khách mong muốn. Hy vọng trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp cùng địa phương quy hoạch được làng nghề thủ công, đan lát các sản phẩm tre, qua đó giúp du khách có dịp tìm hiểu, khám phá thú vị hơn.
Theo các chuyên gia, tại đây cần có làng nghề hay một “siêu thị tre” để trưng bày các sản phẩm làm từ tre từ xưa đến nay hoặc nhà hàng tre với các vật dụng làm từ tre như bàn ghế tre, đũa tre, chuông gió bằng ống tre, quà lưu niệm cùng các dịch vụ ăn uống như nấu cơm trong ống tre, món ăn dân dã chế biến từ măng tre. Nơi đây cũng cần có thêm các dịch vụ vui chơi giải trí, quần thể công trình tái tạo các hoạt động, sinh hoạt, không gian văn hóa, trò chơi dân gian. Có như vậy, chắc chắn sẽ thu hút và để lại nhiều ấn tượng cho du khách.
Với không gian thoáng mát, không khí trong lành cùng cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, Làng tre Phú An được kỳ vọng sẽ trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách gần xa trong thời gian tới.
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/lang-tre-a70902.html