Không biết từ bao giờ, ruộng bậc thang Sa Pa đã trở thành điểm đặc trưng không nên bỏ lỡ khi ghé thăm núi rừng Tây Bắc hoang sơ. Nếp ruộng uốn lượn xếp tầng như những nấc thang dẫn lên trời cao, hòa hợp với ánh nắng vàng ươm và sương giăng bảng lảng đã tạo nên bức tranh tiên cảnh xao xuyến lòng người. Hãy cùng khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Sa Pa qua bài viết sau bạn nhé!
Trước khi đi sâu tìm hiểu thời điểm và tọa độ “săn” ruộng bậc thang Sa Pa lý tưởng, Sun World xin bật mí những thông tin tổng quan giúp bạn biết thêm về lịch sử kiến tạo, diện tích cũng như các thành tựu nổi bật của kỳ quan thiên nhiên này.
Theo các nhà nghiên cứu, ruộng bậc thang ở Sa Pa là phương thức canh tác lúa lâu đời xuất hiện cách đây ít nhất 200 năm và gắn bó mật thiết với cuộc thiên di của người dân tộc thiểu sổ từ phương Bắc xa xôi. Trên các mặt phiến đá cổ chưa xác định được niên đại nằm rải rác khắp thung lũng Mường Hoa, du khách cũng có thể tìm thấy hình họa ruộng bậc thang được người xưa chạm khắc tinh xảo. Qua nhiều thế hệ, người đồng bào Sa Pa đã xem nương rẫy non cao là món tài sản vô giá, góp phần truyền tải linh hồn văn hóa bản địa.
Ruộng bậc thang là kiệt tác được tạo nên từ khối óc sáng tạo và bàn tay lao động của con người nhằm thích ứng với địa hình đồi núi trùng điệp. Chỉ bằng các nông cụ thô sơ và sức cày kéo của gia súc, người dân địa phương đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang Sa Pa uốn quanh sườn đồi. Họ phải đào đất từ phần giữa núi tạo thành mặt bằng rồi khoét dần xuống dưới, đồng thời chừa lại một bờ thành bao quanh làm bằng đá sỏi hoặc đất sét. Theo nguyên tắc, càng lên dốc thì bờ ruộng càng cao và bề ngang ruộng càng thu hẹp dần.
Để giải quyết vấn đề tưới tiêu, người nông dân phải dẫn nước từ các khe suối trong rừng xuống tầng ruộng bậc thang cao nhất. Nước chảy phải có độ dốc rất nhỏ nhằm tránh bào mòn đất đá và rửa trôi các chất dinh dưỡng màu mỡ. Khi nước trên tầng cao đã đầy thì thông qua cửa tràn làm bằng ống tre đan xen như mắc cửi, nước sẽ tiếp tục được vận chuyển xuống tầng thấp hơn. Đây là một hệ thống thủy lợi sơ khai nhưng được vận dụng một cách tài tình, khéo léo.
Theo số liệu ghi nhận vào năm 2013, tổng diện tích ruộng bậc thang tại các xã trọng điểm Tả Van, Lao Chải, Hầu Thào của thị xã Sa Pa lên đến 749 ha, trong đó bao gồm khu vực bảo vệ cấp 1 và cấp 2. Bên cạnh việc giữ gìn nếp ruộng truyền thống từ đời ông cha, người dân địa phương vẫn tiếp tục công tác khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích của ruộng bậc thang và hoàn thiện hệ thống mương nước phục vụ tưới tiêu, thoát lũ.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa vào ngày 02/11/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận ruộng bậc thang Sa Pa là danh lam thắng cảnh và di tích quốc gia. Qua đó, giá trị lịch sử và văn hóa của địa danh này được nâng lên một tầm cao mới, đòi hỏi chính quyền địa phương phải đưa ra các chính sách bảo tồn hiệu quả và đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên.
Hiện tại, thửa ruộng bậc thang nắm giữ kỷ lục 121 bậc liên tiếp thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Lò Quẩy Vảng, ngụ tại thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa. Nằm trải dài trên sườn đồi dốc đứng, khu ruộng trông như một chiếc thang mây dẫn lên đỉnh trời và là một “bồ thóc” trù phú của vùng rẻo cao Tây Bắc. Theo chia sẻ của ông Vảng, tổ tiên ông là những đầu tiên “khai sơn phá thạch” tạo lập thôn bản và truyền thụ nghề trồng lúa cho sáu đời con cháu trong suốt khoảng 150 năm qua.
Nhằm quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành tập tem “Ruộng bậc thang” vào năm 2023. Tập tem bao gồm 5 hình ảnh ruộng đồng thể hiện quá trình canh tác lúa nước của người dân miền núi từ đám mạ non lún phún cho đến thân lúa chín vàng. Tư liệu ảnh được chụp tại nhiều địa điểm khác nhau của Tây Bắc, trong đó có ruộng bậc thang mùa nước đổ ở Ngũ Chỉ Sơn, mùa cấy ở xã Tả Phìn và ảnh toàn cảnh ở xã Mường Hoa trực thuộc Sa Pa.
Có thể nói, ruộng bậc thang Sa Pa là một trong những điểm nhấn độc đáo thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại nơi đây. Theo số liệu thống kế đăng tải trên chuyên trang Thông tấn xã Việt Nam, lượt khách đến Sa Pa trong năm 2023 cán mốc 3,5 triệu người, chiếm khoảng 60% lượng khách đến Lào Cai và gấp hơn 50 lần dân số toàn tỉnh. Con số ấn tượng này đã cho thấy giá trị thương mại của ruộng bậc thang và nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác tại Sa Pa.
>>> Thăm quan địa danh nổi tiếng SaPa: Thác Tình Yêu
Vào mỗi thời điểm nhất định trong năm, ruộng bậc thang Sa Pa lại khoác lên mình lớp áo mới tinh tươm, hấp dẫn mọi ánh nhìn hiếu kỳ của du khách, bao gồm mùa nước đổ, mùa lúa thì con gái và mùa lúa chín.
Khi mưa hè bắt đầu trút xuống đại ngàn Hoàng Liên, những thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa được lấp đầy nước sóng sánh, xen kẽ màu mạ non mới cấy của người đồng bào. Mặt nước tráng gương phản chiếu ánh nắng lấp lánh trông như chiếc kính vạn hoa xuyên thấu thế gian, in rõ dáng hình đồi núi và bầu trời cao xanh vời vợi. Khám phá ruộng bậc thang mùa nước đổ cũng không hề dễ dàng vì hầu hết đường đi vào rẫy khá trơn trượt và nhiều bùn lầy, yêu cầu du khách cần cẩn trọng khi di chuyển.
>>> Tu viện cổ Tả Phìn đang chờ bạn khám phá với những điều thú vị! Tìm hiểu thêm và chuẩn bị cho chuyến đi của bạn!
Ngậm đủ sương gió miền sơn cước, đám mạ non xơ xác đã trổ đồng phổng phao thành thân lúa xanh mướt một màu, bừng tỉnh sức sống như nàng thiếu nữ đôi mươi. Từng cây lúa vươn mình thẳng tắp lên trời mây, khẽ khàng đong đưa theo nhịp điệu gió ngàn và dệt thành tấm thảm xanh mềm mượt buông mình giữa triền đồi nhấp nhô. Khi trải nghiệm ruộng bậc thang Sa Pa mùa lúa thì con gái, du khách nên thận trọng khi đưa tay chạm vào lá lúa vì cạnh lá sắc nhọn có thể cứa rách da.
Dưới vạt nắng rót mật ấm áp và tiết trời ngày thu chan hòa, ruộng bậc thang Sa Pa dâng trào sóng lúa, ngân nga tiếng gọi mùa vàng. Hàng triệu bông lúa trĩu hạt kết thành những dải lụa vàng óng ả trải dài mênh mông, phảng phất hương thơm lúa chín đến mọi nẻo đường quanh co của thôn bản để báo hiệu mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Tuy nhiên, thời điểm để ngắm ruộng bậc thang Sa Pa mùa lúa chín ở mỗi địa điểm có thể chênh lệch do sự biến chuyển của thời tiết nên khoảng thời gian tháng 9 - tháng 10 chỉ mang tính chất tham khảo.
Nếu bạn đang thắc mắc ruộng bậc thang Sa Pa ở đâu, nhìn chung, khi rong ruổi khắp các bản làng vùng cao Sa Pa, du khách đều có thể chiêm ngưỡng thắng cảnh ruộng bậc thang đẹp mơ màng. Ấy vậy mà mỗi nơi lại đem đến những cung bậc cảm xúc riêng biệt kết hợp với trải nghiệm đặc trưng.
Xuất phát từ trung tâm thị xã Sa Pa, chuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa đưa du khách băng băng trên con đường ray trải đầy hoa thơm cỏ lạ dẫn đến quần thể ga đi cáp treo Sun World Fansipan Legend. Toa tàu sang trọng được trang hoàng hệ thống quạt trần cổ điển, đèn chiếu sáng lộng lẫy và những chi tiết mạ vàng đậm phong cách kiến trúc châu Âu. Từ những ô cửa kính trong suốt của đoàn tàu, bạn có thể thưởng ngoạn toàn cảnh thung lũng Mường Hoa chìm trong những làn khói sương ảo mộng và những thuở ruộng bậc thang Sa Pa vàng rực trong nắng mai.
Khi quan sát từ độ cao nhất định của tàu hỏa leo núi, vùng thung lũng trù phú không ngại phô diễn địa hình lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng bậc thang lớp lang trên các sườn đồi cheo leo. Có thể ví von đó là chuyến hành trình diệu kỳ xuyên qua rừng núi để ngắm nhìn nương rẫy, thấp thoáng bóng hình của những ngôi nhà dân cũ kỹ, giản dị hay những mỏm đá tai mèo gồ ghề. Đặc biệt, nếu trải nghiệm đi tàu hỏa vào buổi hoàng hôn, bạn sẽ phải trầm trồ khi bắt gặp ráng chiều phủ xuống ruộng bậc thang Sa Pa Mường Hoa gam màu đỏ cam lãng mạn.
Bằng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tuyến cáp treo ba dây của Sun World Fansipan Legend đã hiện thực hóa ước mơ chinh phục đỉnh thiêng Fansipan của mọi đối tượng du khách, rút ngắn thời gian leo núi từ 2 ngày xuống chỉ còn khoảng 15 phút. Công trình thế kỷ được xây dựng bởi hai hãng cáp treo hàng đầu thế giới và chịu sự giám sát thi công chặt chẽ của tập đoàn Sun Group. Mỗi chiếc cabin nhẹ nhàng vượt gió rẽ mây để chạm đến đỉnh trời, đem đến cho du khách góc nhìn mới mẻ về ruộng bậc thang Sa Pa.
Ngay từ những phút khởi hành đầu tiên từ ga đi cáp treo Hoàng Liên, bạn đã có thể phóng tầm mắt hướng về toàn cảnh đồng ruộng lúc thì quang đãng yên bình, lúc lại phủ đầy sương mây trắng xóa. Càng lên cao hơn, vùng thung lũng dưới chân núi càng nhỏ dần, chỉ để lại những đường cong bắt mắt tưởng chừng như vân tay của trời. Điểm xuyết giữa khung cảnh ruộng lúa miên man là những mái nhà chấm nhỏ li ti như các nốt son diễm lệ trên đôi bàn tay thiếu nữ.
Bản Cát Cát là ngôi làng cổ của người H’Mông hình thành từ giữa thế kỷ XIX, nép mình dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn và cách trung tâm thị xã khoảng 4km về hướng Tây Nam. Tọa độ này gây tiếng vang bởi dòng suối thác chảy cuồn cuộn và vô vàn góc “sống ảo” độc lạ. Để di chuyển từ trạm soát vé đến trung tâm bản làng, du khách phải đi bộ dọc qua những thuở ruộng bậc thang Sa Pa lát đá, đường mòn nhỏ hẹp hay cây cầu gỗ đơn sơ bắc qua vực suối.
Ruộng lúa được cư dân bản Cát Cát gieo trồng không tạo nên địa thế lòng chảo như thung lũng Mường Hoa nhưng lại gây ấn tượng với quang cảnh thoáng đãng, giao thoa giữa miền xuôi và miền núi. Các thửa ruộng kéo thẳng từ chân đồi bằng phẳng đến triền núi chênh vênh và hòa vào sắc xanh của rừng rậm. Trên hết, những chiếc guồng nước xoay tròn đã trở thành biểu tượng canh tác của riêng bản Cát Cát mà dường như không bản làng nào tại Sa Pa có thể sở hữu.
Cách trung tâm thị xã khoảng 11km chếch về hướng Bắc, bản Tả Phìn được xem như một ốc đảo biệt lập của Sa Pa bởi các dãy núi đá vôi bao quanh và đường giao thông đi lại khó khăn. Để di chuyển đến vị trí này, du khách cần băng qua đường đèo xóc nảy, rừng trúc um tùm, nhiều đoạn nhỏ hẹp đến mức chỉ vừa đủ một chiếc xe máy chen qua. Do đó, bạn nên ưu tiên đón xe ôm của người bản địa để đảm bảo an toàn và thuận tiện.
Bản Tả Phìn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống nguyên bản của Sa Pa từ nếp nhà gỗ pơ mu, làng nghề thủ công gia truyền cho đến đường nét hoang sơ của ruộng bậc thang Tây Bắc. Những thửa ruộng bậc thang Sa Pa phủ kín khắp triền đồi trập trùng và tạo thành lối đi dẫn đến mây trời hư ảo. Tản bộ trên con đường làng xinh xắn hay bờ suối giữa cánh đồng lúa, du khách dễ dàng gặp được những người phụ nữ Dao đỏ trong tà váy thổ cẩm đang cặm cụi se lanh, dệt vải hay chăm chỉ lên rừng hái thuốc.
Bản Tả Van là một trong những điểm đến du lịch trọng điểm của Sa Pa, cách trung tâm thị xã khoảng 12km về hướng Đông Nam. Đây là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc H’Mông - Dao - Giáy với địa thế tựa lưng vào dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ và hướng về dòng suối Mường Hoa hiền hòa. Lộ trình di chuyển đến Tả Van không quá phức tạp, một phần nhờ vào đường đi đã được trải nhựa đến tận trung tâm bản.
Bản Tả Van tập trung phần lớn diện tích ruộng bậc thang Sa Pa với đường bờ ruộng uốn lượn như sóng vỗ, sóng sau xô sóng trước như mặt biển lăn tăn giữa những cơn gió ngàn mát mẻ. Rải rác khắp vùng nương rẫy bao la là những phiến đá cổ trầm mặc với đủ hình thù, kích thước kỳ lạ và được chạm khắc hoa văn, họa tiết huyền ảo không biết đã tồn tại từ thế kỷ nào. Bởi lẽ đó, chuyến tham quan bản Tả Van thôi thúc du khách không chỉ bởi vẻ đẹp của lúa mùa thu mà còn nằm ở giá trị lịch sử - văn hóa của khu chạm khắc đá cổ.
Bản Ý Linh Hồ cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 7km và nằm cạnh cụm bản Lao Chải - Tả Van. Mặc dù quãng đường di chuyển không quá xa xôi nhưng để đến được địa danh này, bạn phải vượt lên vài đoạn dốc cao hiểm hóc và băng qua cây cầu treo bấp bênh đầu bản. Từ trên cầu treo, bạn đã có thể trông thấy những gian nhà gỗ nhỏ trên ruộng lúa màu mỡ hay các em bé người đồng bào đang đùa nghịch cùng đàn gà, đàn vịt.
Ít ai biết được rằng bản Ý Linh Hồ chính là một hòn ngọc quý Tây Bắc chưa được mài dũa với những thửa ruộng bậc thang Sa Pa xếp chồng lên nhau giữa vùng cao nguyên sương mù xứ lạnh. Các đường cong bờ ruộng đan xen vào nhau một cách có trật tự và phác họa nên một tác phẩm nghệ thuật sống động giữa rừng già xanh thẳm. Tản bộ trên con đường làng xuyên qua thôn bản trong tiết thu lãng mạn, bạn có thể thưởng thức hương lúa chín ngòn ngọt quyện vào mùi hanh của bùn đất.
Sín Chải là bản làng có diện tích lớn nhất của Sa Pa, nằm ẩn mình dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn và cách trung tâm thị xã khoảng 4km về hướng Tây Nam. Lộ trình đi đến tọa độ này chỉ có một con đường đèo duy nhất nên không quá khó tìm. Tuy có vị trí gần bản Cát Cát - khu du lịch cộng đồng nổi tiếng nhưng bản Sín Chải vẫn giữ được những đường nét mộc mạc, giản dị thể hiện qua cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống.
Khi ghé thăm bản Sín Chải, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng hàng nghìn thửa ruộng bậc thang Sa Pa nối đuôi nhau bất tận về phía chân trời, tạo nên một bức tranh phong cảnh ngoạn mục. Cánh đồng lúa trải dài từ mặt bằng phẳng lì lên đến triền đồi khúc khuỷu rồi hòa vào rừng đại ngàn hùng vĩ. Hình ảnh những người nông dân miền núi cần mẫn cày cuốc trên nương rẫy cũng đọng lại trong lòng du khách những cảm xúc bình yên, tự tại.
Bản Nậm Cang nằm tận cùng phía Đông Nam Sa Pa với khoảng cách từ trung tâm thị xã lên đến 36,5km. Quãng đường di chuyển đến địa điểm này đi qua hầu hết thôn bản hẻo lánh vùng sâu, vùng xa và đòi hỏi du khách phải tập trung tinh thần cao độ khi lái xe đường dài. Tạm gác lại nhịp sống ồn ào, hối hả nơi đô thị phồn hoa, khách lãng du tìm về với Nậm Cang để hưởng thụ bầu không khí khoáng đạt và chìm đắm trong không gian thanh bình.
Không phải ngẫu nhiên khi cánh nhà báo và những tay săn ảnh kỳ cựu luôn dành câu từ mỹ miều để tán thưởng vẻ đẹp của ruộng bậc thang Nậm Cang. Đồng lúa tuy không rộng lớn như thung lũng Mường Hoa nhưng lại tạo nên một cảnh sắc thơ mộng, thấp thoáng bóng dáng lán nghỉ hay lều canh lúa của người dân. Đặc biệt, thôn bản còn chiêu đãi du khách những đồi ruộng dốc tròn trông như quả mâm xôi khổng lồ căng mọng được cấu thành từ hàng chục nấc thang xếp tầng mãn nhãn.
Để có chuyến hành trình khám phá ruộng bậc thang Sa Pa suôn sẻ, du khách nên quan tâm đến một số lưu ý quan trọng sau đây.
1- Hỏi lại chủ homestay/ hội nhóm/ người đi trước thời điểm nên đến
Vụ lúa tại Sa Pa chịu ảnh hưởng sâu sắc của thời tiết và lịch canh tác hằng năm của người dân đồng bào tại mỗi thôn bản. Những lúc mưa hè đến sớm, dân địa phương có thể tranh thủ cấy lúa và đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Vì thế, bạn nên hỏi lại chủ homestay, tham khảo thông tin trên hội nhóm Facebook hoặc tìm hiểu kinh nghiệm của người từng trải để biết được trạng thái chính xác của ruộng bậc thang tại địa điểm và thời điểm muốn đến.
2 - Di chuyển bằng xe máy hoặc trekking
Đường mòn xuyên qua các thôn bản Sa Pa tương đối nhỏ hẹp nên nếu muốn chiêm ngưỡng đồng lúa hai bên đường, bạn nên sử dụng xe máy cá nhân hoặc thuê xe máy để di chuyển nhanh chóng. Mặt khác, bạn cần trekking đi sâu hơn vào ruộng bậc thang nhằm khám phá mọi ngóc ngách của nương rẫy, chạm tay vào những thân lúa thẳng tắp và thưởng thức hương đồng cỏ nội quyến rũ.
3 - Nên mặc trang phục vintage/ Bohemian/ dân tộc
Mỗi loại trang phục khác nhau sẽ phản ánh những nét đẹp riêng trong bộ ảnh check-in ruộng bậc thang Sa Pa. Trong đó, bạn nên cân nhắc:
4 - Bỏ túi những dáng chụp ăn hình
Thay vì gồng mình theo những tư thế khó nhằn, bạn nên thả lỏng cơ thể và tự tin thả dáng để giúp ảnh chụp trở nên tự nhiên và hài hòa hơn. Bạn có thể tham khảo một số dáng chụp tại ruộng bậc thang Sa Pa cơ bản theo gợi ý dưới đây:
Danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa khiến nhiều người lưu luyến không thôi khi phải chia tay “thị trấn sương mù”. Hình ảnh những nấc thang tuyệt tác dẫn lên trời cao, quyện vào sương gió và uốn quanh triền đồi đã khắc sâu vào ký ức của du khách thập phương. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có chuyến thăm thú ruộng lúa miền sơn cước thuận lợi!
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/ruong-bac-thang-o-dau-a70250.html