Như nhiều bạn theo dõi trang này của mình thì biết mình cực thích bộ truyện tranh Hikaru no go (Kỳ thủ cờ vây) của Yumi Hotta, Obata Takeshi. Thế nên đợt vừa rồi nghe thông tin Trung Quốc mua bản quyền để sản xuất phim thì nói thực cảm giác đầu tiên là thất vọng. Tuy nhiên, sau khi phim được chiếu thì mình bắt đầu có cái nhìn khác.
1. Nỗi lo lắng khi nghe tin Hikaru no go được chuyển thể
Thứ nhất: Mình đã không có niềm tin dành cho các nhà sản xuất phim Trung Quốc từ lâu rồi, đặc biệt là ở khâu kịch bản (đây mình chỉ bàn về thể loại phim truyền hình). Sự rườm rà, thiếu logic, ngôn tình hóa, kéo dài mạch phim một cách lê thê hoặc đề cao tính dân tộc quá mức khiến từ lâu phim Trung đọng lại trong mình chỉ là màu sắc sặc sỡ, phục trang bắt mắt. Có thể có nhiều bạn thích phim Trung nghĩ mình đánh giá quá phiến diện, nhưng thực sự nếu bạn nhìn ở một khía cạnh công bằng, lý trí và hiện thực nhất thì cũng sẽ không hoàn toàn là sai đâu.
Từ lâu, các biên kịch, đạo diễn phim Trung vốn không được đánh giá cao trong thể loại chuyển thể, phần lớn đều làm mất cái hồn của truyện và xu hướng hiện nay là cái gì cũng muốn ngôn tình hóa. Mấy thể loại phim kiếm hiệp gần đây cũng bị xào thành nồi lẩu thập cẩm tình yêu nam nữ cẩu huyết, mất dần tính kiếm hiệp giang hồ thì nỗi lo của mình cũng không có gì sai. Chính vì vậy khi một bộ truyện tranh mà mình cực cực kỳ yêu thích lại được phiêu du đến tận đây thì làm sao mà không lo cho được.
Thứ hai: Hikaru no go là một tác phẩm truyện tranh đậm văn hóa Nhật Bản. Những giải đấu cờ, hay quy trình đào tạo cũng như trình tự giải đấu, xếp hạng đều dựa theo quy định của cờ vây Nhật Bản. Thế nên, mình không biết các nhà làm phim Trung Quốc liệu có thay đổi quá nhiều để phù hợp với môi trường và quy định của cờ vây Trung Quốc hay không? Một khi đã thay đổi cái khung sườn phát triển của Hikaru thì chính là bẻ gãy quá trình trưởng thành của cậu bé.
Thứ ba: Sai quá đáng yêu. Thực sự nhân vật mình lo nhất khi lên màn ảnh chính là Sai. Với mình, kiểu như Sai hay Sessomaru đều đã thành những hình mẫu hoàn hảo trong lòng người đọc. Dưới trình độ vẽ tranh tuyệt đỉnh của các tác giả, họa sỹ Nhật thì các anh đã quá sống động và hình thành ánh hào quang vô hình trong lòng mọi người. Chính vì vậy vô cùng khó để đưa sự hoàn mỹ vào thế giới hiện thực.
Thứ tư: Trailer. Xem trailer và poster mình đã sớm nghĩ rằng nhà sản xuất đã hoàn toàn bỏ qua giai đoạn lúc nhỏ và đẩy nhân vật lên giai đoạn trưởng thành. Sai trong trailer xuất hiện cũng thật sự không tạo ra một cảm giác an toàn nào. Trang điểm quá đậm làm Sai trở nên ẻo lả quá.
2. Xem phim
Chính bởi những lý do trên nên mình đã không có ý định xem phim. Tuy nhiên, nhờ động lực của một số bạn xem rồi thì mình cũng gọi là xem thử xem. Nhưng không ngờ, các nhà làm phim Trung Quốc lần này lại làm mình thực sự ngạc nhiên.
Bởi không có nhiều thời gian mình mới chỉ xem 2 tập đầu nên chỉ có những nhận xét sơ sơ ban đầu là phim thu hút hơn những gì mình nghĩ.
Không giống như những suy đoán khi xem trailer, phim vẫn bắt đầu từ khi Tiểu Quang (tức là Hikaru) còn nhỏ. Cái này phải cảm ơn biên kịch lần này có tâm là không xào nấu bộ truyện mà thực sự viết theo đúng mạch truyện. Xem phim có cảm giác chính là những nhân vật trong truyện được đưa lên màn ảnh người đóng. Từng chi tiết nhỏ đều được biên kịch và đạo diễn giữ nguyên khiến mình cảm động không thôi. Trời ơi, cảnh Hikaru bật ngửa khi thấy Sai hiện thân, cảnh Akira kéo Hikaru đi trong mưa, rồi đến hội quán cờ của Akira cũng giống hệt trong truyện. Thật sự không ngờ các nhà phim Trung có thể giữ nguyên và xây dựng tất cả các tình tiết như vậy.
Theo mình bộ phim hay như vậy một phần chính là nhà làm phim đã giữ nguyên tác phẩm. Bởi truyện tranh Hikaru no go có kịch bản cực kỳ xuất sắc luôn. Giống như ta thường nói là chuẩn không cần chỉnh, chỉnh là không còn chuẩn. Biên kịch cứ giữ nguyên như manga là vừa nhẹ nhàng lại vừa hay.
Bé đóng Thời Quang hồi bé đóng cực đạt luôn. Cậu bé thực sự làm nổi bật tính cách nhân vật, đúng kiểu của Hikaru luôn. Mình chưa xem tập người lớn đóng nhưng cậu bé này diễn xuất tốt nhất trong dàn diễn viên cho đến tập mình đã xem.
Chử Doanh - tức là Sai, nhân vật gây lo lắng nhất với mình từ khi bắt đầu nghe tin chuyển thể thì cũng có vẻ đạt được 70%. Thực ra mình không đặt áp lực bạn diễn viên phải đóng cho thật giống nguyên tác, bởi sẽ không có diễn viên nào có thể diễn được hoàn toàn ra Sai như vậy nên mình cũng không quá khắt khe với vai diễn này. Tuy nhiên, bạn đóng Chử Doanh vẫn còn diễn khá yếu, nhất là những đoạn nội tâm. Khi Chử Doanh nhớ về quá khứ, nỗi đau khổ lúc bị oan, phẫn uất phải chọn cái chết, hay những năm tháng trong bóng tối cô đơn, bạn diễn viên diễn vẫn khá đơ chưa thấm được nỗi trăn trở đó. Tạo hình nhân vật thực sự cũng không quá tốt, giống hệt cảm giác lúc xem trailer là nhìn hơi ẻo lả. Tuy nhiên, tổng thể Chử Doanh cũng rất đáng yêu luôn. Mình cứ lo lên phim Sai không còn giữ được sự đáng yêu đó nhưng với những gì Chử Doanh trong 2 tập đầu với mình là đáng yêu lắm.
Mình cực mê cảnh cậu bé Thời Quang che ô cho Chử Doanh. Đoạn nói chuyện của Hikaru và Sai dưới cơn mưa trong manga mình đã cực thích rồi lên phim còn được xây dựng thêm chi tiết bé Quang đứng lên che ô cho Chử Doanh rồi hai người cùng cười nữa chứ. Đẹp và tình cảm lắm.
Thật sự đã lâu rồi Trung Quốc mới làm một bộ phim nói chung và phim chuyển thể nói riêng mà làm mình phải khen ngợi hết lời như vậy. Hi vọng những tập sau khi nhân vật trưởng thành thay thế bộ phim vẫn giữ vững phong độ như vậy.
Thật vui khi có thể nói:
“Chào Sai, chào Hikaru, rất vui khi được gặp mọi người trên truyền hình.”
“Sai à, dù anh chỉ là một linh hồn, dù năm tháng trải qua đã quá lâu, một thế hệ say đắm bên anh đã có nhiều thay đổi nhưng anh thấy không anh vẫn luôn tồn tại. Mọi người vẫn sẽ nhớ đến anh. Fujiwara No Sai vẫn luôn tồn tại.”
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/ky-hon-tap-1-a69852.html