Tháng giêng, hoa đào đón xuân cùng hoa mùi già ngan ngát. Xuân sang, hoa đào khoe những cánh hồng mỏng manh trong làn mưa bụi. Cái Tết đến thật gần nhưng thiếu đi cành đào, khí xuân cũng vợi đi mất một nửa. Theo chân mùa xuân, những cành đào đầu tiên cũng đã có mặt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ.
Những nhánh mùi già đã bày bán khắp chợ. Đêm tất niên, cả nhà tắm gội bằng lá mùi, gột rửa mọi điều không may của năm cũ để đón một mùa xuân tràn ngập hy vọng tương lai.
Tháng hai, hoa ban tím. Không phải là loài hoa bắt nguồn từ Hà Nội, nhưng hoa ban đã gắn bó và trở nên thân thiết với mảnh đất này. Mùa xuân, hoa ban nở tím biếc trên phố và sẽ lưu lại trong khoảng 3 tuần trước khi rời cành.
Tháng ba trắng muốt hoa sưa. Bất chợt một ngày đi trên phố, bạn nhận ra hàng cây vẫn đứng lặng thầm suốt mùa đông bừng nở trắng xóa, đấy là sưa đã về với phố.
Tháng tư, loa kèn chờ xuống phố. Mùa hoa đến nhanh và đi cũng thật nhanh. Có khi người ta chưa kịp nhận ra mùa hoa đã về thì cánh hoa loa kèn đã úa tàn. Từ trong nhà ra đến ngõ phố, từ ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng cho đến ngôi biệt thự sang trọng, trên giỏ chiếc xe đạp lọc cọc đến chiếc ôtô cao cấp thanh lịch, trong những chiếc lọ bằng men sứ thông thường hay những bình pha lê đắt tiền..., loa kèn vẫn bình dị, khiêm nhường và cao quý.
Tháng năm tím biếc bằng lăng, rực trời phượng cháy. Mùa hoa đặc biệt của tuổi học trò, mùa hoa của mùa thi, mùa chia tay mái trường. Khi bằng lăng nở tím mọi con đường cũng là lúc hoa phượng chờ đến lượt mình. Bằng lăng nhạt màu theo những cơn mưa đầu tiên của mùa hạ cũng là lúc hoa phượng đốt hết mình rực rỡ trong nắng hè.
Tháng sáu, trong đầm gì đẹp bằng sen. Từ 4h30 sáng, những người đi hái sen đã khéo léo lách thuyền trong hồ. Những bông hoa sen to và hé nụ sẽ được hái đem về. Những bông hoa mới hái một phần sẽ được bó lại và bán cho những người đến mua hoa sớm, phần còn lại sẽ được ủ với chè tươi. Số khác sẽ được tách chỉ lấy nhụy hoa để ướp trà. Trong chiếc lán ven hồ, những cánh sen mỏng manh tỏa hương thơm dìu dịu. Sáng sớm mùa hè, hãy đến với hồ sen, để thưởng hương sen, pha ấm trà sen thơm ngọt giọng và ngắm một Hồ Tây lao xao gió yên bình.
Tháng bảy, thơm hương hoa sấu, hoa xà cừ. Sau một mùa trút lá, những bông hoa sấu đầu tiên đã nở và rụng đầy trên những con phố. Có thể bạn sẽ không nhận ra những hương thơm ấy bởi hàng trăm mùi hương khác trên phố. Nhưng đâu đó phảng phất là vị ngọt của hoa sấu, là hương hoa xà cừ dìu dịu, thoang thoảng.
Tháng tám, trở lại với tuổi thơ cùng hoa dâu da xoan. Hoa dâu da trắng tinh, bé li ti, vươn lên trời xanh, khi mưa xuống, hoa rụng dát trắng hè phố. Trưa hè, đi ngoài đường, nhìn từng chùm hoa trắng toát kiêu hãnh vươn lên trời cao, màu trắng của hoa được tôn lên trên nền lá xanh tươi nhìn thật mát mắt, tưởng như cái nóng mùa hè đã dịu đi nhiều.
Tháng chín hoa sữa. Mùa thu, hoa sữa về như một cái hẹn mỗi năm. Đi trên đường chợt thoảng nghe mùi hương hoa sữa. Bất giác nhìn lên hàng cây hoa sữa ven ngôi nhà thờ, hoa đã nở trắng cây tự khi nào. Mùi hương hoa sữa thật nhẹ nhàng nhưng cũng nồng nàn lắm. Mỗi năm, cứ vào độ ấy, hễ nghe thấy mùi hương hoa sữa là biết thu đang đến.
Tháng mười, sen tàn cúc lại nở hoa. Thu sang, cúc đến. Loài hoa của riêng mùa thu mang nét phảng phất buồn cho những ngày gần mùa đông giá rét. Hoa cúc bền bỉ. Lọ hoa cắm đến hai tuần vẫn tươi rói sắc. Hoa cúc man mác buồn như thể nỗi buồn mùa thu đi theo mỗi xe hoa trên phố đông người.
Tháng mười một, hoa lưu ly. Tím biếc trên những giỏ xe, hoa lưu ly đi qua phố trong những ngày giá rét. Loài hoa cánh mỏng ấy lại có một sức sống lâu bền và mãnh liệt. Lưu ly chỉ xuất hiện trên phố khoảng hai tuần rồi biến mất, trước khi những cơn gió lạnh giá của mùa đông ào ào qua.
Tháng mười hai mùa hoa cải ven sông. Hà Nội có một mùa đặc biệt xen giữa những ngày đông u ám giá lạnh - mùa hoa cải.
Từ cuối tháng mười một, hoa cải vàng rực một góc vườn, đung đưa trong gió, trên môi cười của thiếu nữ, thành hoa cài tóc và hoa cầm tay cho các cô dâu.
Travelhanoi sưu tầm
THAM KHẢO CÁC TOUR DU LỊCH TỪ HÀ NỘI
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/hoa-mua-dong-mien-bac-a69547.html