Trải qua hơn 2.000 năm, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn ẩn chứa nhiều bí mật mà hậu thế có thể mất hàng trăm năm nữa mới có thể khai quật và giải mã.
Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế lập ra nhà Tần, triều đại thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Để chuẩn bị trước cho cuộc sống ở bên kia thế giới, Tần đế đã bắt đầu cho xây dựng lăng mộ cho mình vào năm 246 trước Công nguyên. Sau 38 năm xây dựng với hơn 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề, khu lăng mộ này mới được hoàn thành. Thực tế, lăng mộ được xây dựng ngay từ khi Tần Thủy Hoàng mới 13 tuổi, nhưng được đẩy mạnh sau khi ông lên ngôi hoàng đế và công trình chỉ hoàn thành sau khi Tần đế qua đời.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc năm 1974 sau khi một nhóm nông dân ở đây đào được chiến binh đất nung đầu tiên có kích thước tương đương người thật.
Khảo sát gần đây chỉ ra, lăng mộ ngầm của Tần Thủy Hoàng dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ bắc sang nam. Tổng diện tích là 41.600 m2, đây là lăng mộ lớn nhất trong triều đại Tần và Hán, kích thước của nó tương đương với 5 sân bóng đá quốc tế.
Khu vực lăng mộ trung tâm được cho là giống như một cung điện và là nơi đặt thi hài của hoàng đế nhà Tần cùng nhiều kho báu. Nơi đây chiếm đến 2/3 tổng diện tích, lăng mộ còn có chỗ chôn cho các phi tử của Tần đế với 48 ngôi mộ nhỏ được tìm thấy. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra 98 căn phòng ngay bên cạnh khu vực của đội quân đất nung.
Qua hơn 2.200 năm, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn gần như "bất khả xâm phạm". Phát hiện lớn nhất về lăng mộ này là đội quân gồm khoảng hơn 2.000 chiến binh đất nung cùng với các cỗ xe ngựa và cung nỏ. Bốn hố chôn đã được khai quật với tổng diện tích hơn 25.000m2. Tuy nhiên, đó chỉ là phần bên ngoài khu lăng mộ. Các nhà khảo cổ dự đoán có tới 8.000 tượng đất nung bên trong nơi an nghỉ vĩnh hằng của hoàng đế nhà Tần.
Đến cuối thế kỷ XX, cộng đồng khảo cổ quốc tế đều ủng hộ việc ngừng khai quật sâu vào lăng mộ. Do vậy, kết cấu của phần lăng mộ trung tâm vẫn nguyên vẹn. Các chuyên gia đã đưa ra 3 nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đến nay vẫn quyết định chưa khai quật công trình đồ sộ này.
Theo ghi chép của nhà sử học Tư Mã Thiên sống ở thời Hán viết vào thế kỷ II trước Công nguyên, bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng tồn tại "hàng trăm con sông được mô phỏng bằng thủy ngân".
Vào những năm 1980, sử dụng công nghệ quét cộng hưởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Đức đã phát hiện ra rằng, đất trong ngọn đồi chôn cất phía trên lăng mộ có nồng độ thủy ngân cao hơn nhiều so với những nơi khác. Họ ước tính, nồng độ thủy ngân ở trong lăng mộ cao gấp 280 lần mức bình thường. Lượng thủy ngân bên trong có thể lên tới 100 tấn. Điều này khá trùng hợp với những ghi chép trong bộ sử ký Tư Mã Thiên về dòng sông thủy ngân bí ẩn trong lăng mộ Tần đế.
Hiện một số nhà khảo cổ học làm việc tại khu vực này tin rằng thi thể của Tần đế có thể nằm giữa những con sông thủy ngân kịch độc. Tương truyền, Tần Thủy Hoàng đã nuốt thủy ngân với niềm tin nó có thể mang lại trường sinh bất tử, song lại bị ngộ độc vì uống quá nhiều dẫn đến tử vong. Sau khi ông qua đời, những dòng sông thủy ngân lại được tạo ra bên trong lăng mộ nhằm bảo quản thi hài của Tần đế.
Mặt khác, có những ý kiến cho rằng, người xưa sử dụng độc tính của thủy ngân trong lăng mộ để ngăn chặn những kẻ trộm mộ. Thủy ngân là kim loại dễ bay hơi, dễ dàng tách thành những giọt nhỏ và phân tán rộng, đặc biệt là tốc độ bay hơi của thủy ngân sẽ tăng nhanh khi nhiệt độ và tốc độ gió tăng. Một câu hỏi đặt ra là, khai quật một nơi có thể chứa đầy thủy ngân như lăng Tần Thủy Hoàng sẽ tác động thế nào đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh.
Nhiều người tin dòng sông thủy ngân là lý do khiến lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất khả xâm phạm, song đó dường như chỉ là một trong rất nhiều cạm bẫy khiến lăng mộ "bất khả xâm phạm".
Theo "Sử ký", để bảo vệ khu lăng mộ hoàng đế, những người thợ thời nhà Tần được cho là đã xây dựng hàng loạt cạm bẫy bên trong bao gồm cung nỏ, máy bắn tên tự động… Việc bố trí bẫy nỏ trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng cụ thể ra sao, cho tới ngày nay vẫn chưa có cách nào xác định. Tuy nhiên thông qua khai quật đường hầm binh mã (đội quân đất nung bên ngoài lăng mộ Tần Thủy Hoàng), các nhà khảo cổ đã phát hiện ra loại nỏ làm từ chất liệu gỗ dâu. Loại vũ khí này là "kình nỏ" (siêu nỏ), sở hữu tính năng và lực sát thương rất mạnh. Theo ước tính của các học giả, loại nỏ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tầm bắn hơn 800m, sức căng lên tới hơn 350kg và tự động vận hành.
Ngoài ra, khi nghiên cứu, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng có một vách đá sâu khoảng 7m được xây dựng bên trong lăng mộ và có rất nhiều cát lún trên vách đá. Những kẻ trộm mộ khi đột nhập có thể bị nhấn chìm bởi cát lún.
Không loại trừ khả năng những cạm bẫy này vẫn hoạt động tốt sau hơn 2.000 năm. Đó là lý do khiến việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở thời điểm này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo tính toán và ước tính của các nhà khảo cổ, dựa vào trình độ khoa học kĩ thuật của con người hiện tại, để khai quật một công trình có quy mô lớn như lăng mộ Tần Thủy Hoàng, hậu thế sẽ phải mất hàng trăm năm nữa. Khoảng thời gian này cũng chỉ là ước tính bởi vì trong quá trình khai quật không loại trừ khả năng phát sinh những tình huống không thể lường trước, khiến quá trình khai quật kéo dài và phức tạp hơn nữa.
Giới khảo cổ cũng cảnh báo, kể cả khi khai quật thành công, Trung Quốc cũng khó lòng đảm bảo những cổ vật bên trong lăng mộ còn nguyên vẹn khi đưa lên khỏi mặt đất.Minh chứng rõ ràng nhất là đội quân đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Những pho tượng đất nung hình chiến binh vốn khoác những tấm áo giáp và chiến bào sơn màu tím, nhưng sau một thời gian được khai quật và đưa lên khỏi mặt đất, chúng đã biến thành màu nâu hoàn toàn vì bị ô-xy hóa khi tiếp xúc với không khí bên ngoài. Kĩ thuật bảo quản hiện vật văn hóa khảo cổ hiện nay vẫn chưa thể xử lý tốt được vấn đề này.
"Hiện tại, công việc khảo cổ của chúng tôi đang tập trung vào bố cục cơ bản của lăng mộ", ông Qingbo Duan thuộc Đại học Tây Bắc ở Tây An, Trung Quốc, người dẫn đầu cuộc khai quật lăng mộ từ năm 1998 đến năm 2008, nói. Bởi vì nếu nước hoặc không khí lọt vào có thể làm hỏng bất cứ cổ vật nào bên trong, ngay cả việc đưa robot vào cũng bị loại trừ.
Yinglan Zhang, nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây tại Tây An (Trung Quốc) cảnh báo, nếu cố mở lăng mộ, kể cả bằng cách sử dụng robot hoặc khoan, sự cân bằng sẽ bị phá vỡ và những vật thể bên trong sẽ bị phá hủy nhanh chóng.
Để bảo toàn kết cấu của lăng mộ cũng như những cổ vật bên trong, thay vào đào xới, các nhà khoa học Trung Quốc đang xét đến phương án dùng máy dò tia vũ trụ. Theo một nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ, các tia vũ trụ có khả năng giúp các nhà khảo cổ xác định chính xác nơi đặt thi hài và bảo vật của hoàng đế nhà Tần.
Các nhà khảo cổ có thể cần ít nhất hai thiết bị dò tia vũ trụ đặt ở các vị trí khác nhau dưới bề mặt mộ khoảng 100m. Những thiết bị này có thể phát hiện các hạt nguyên tử có nguồn gốc vũ trụ xuyên qua mặt đất, từ đó cho phép các nhà khoa học xác định những cấu trúc ẩn không nhìn thấy.
Ngay từ thời xa xưa, người ta thường rất đầu tư trong việc chọn vị trí để xây dựng lăng mộ. Theo phong thủy, vị trí đắc địa phải có núi và có sông bao quanh. Khi xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, chỉ riêng việc chọn vị trí đã vắt kiệt sức lực của nhiều bậc thầy phong thủy lúc bấy giờ.
Lăng mộ nằm dưới một gò đất cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp. Dù ở cách xa kinh thành Hàm Dương khi đó, nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn quyết lựa chọn và đầu tư nhiều tiền của, công sức và thời gian để xây dựng lăng mộ tại đây. Ở góc độ phong thủy, một số nhà nghiên cứu cho rằng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là hình mẫu, kho tàng về địa lý được coi là lý tưởng. Nguyên tắc dựa lưng vào núi, có nguồn nước xung quanh, chính là tiền đề để xây dựng lăng mộ của vị hoàng đế Trung Quốc này. Đặc điểm phong thủy của lăng mộ Tần Thủy Hoàng là phía nam dựa vào núi, 3 mặt bắc, đông, tây đều được bao quanh bởi nước.
Khi quan sát ảnh vệ tinh, các chuyên gia nhận thấy dãy núi Ly Sơn, nơi có lăng mộ Tần Thủy Hoàng được ví như một con rồng khổng lồ. Theo phong thủy, dãy núi kéo dài không đứt là "long mạch". Hình và thế của long mạch khác nhau sẽ đại biểu cho ý nghĩa khác nhau nhưng đều mang tới những điều tích cực, may mắn. Đặc biệt, khu vực trung tâm, nơi đặt lăng mộ của Tần Thủy Hoàng lại nằm đúng ở vị trí "mắt rồng", được coi là rất linh thiêng. Do đó, các chuyên gia không muốn phá vỡ bố cục kỳ diệu này nên đã từ bỏ ý định đào xới lăng mộ của hoàng đế nhà Tần.
Ngoài những yếu tố kể trên, nguy cơ tác động đến môi trường và chi phí khai quật cũng là vấn đề lớn khiến hoạt động khám phá bí mật trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng bị hạn chế. Theo dữ liệu của Bộ Văn hóa Trung Quốc, độ dày lên 76m của lớp đất bao phủ lăng khiến chi phí khai quật sau này có thể lên tới 60 tỷ nhân dân tệ (gần 9 tỷ USD).
Minh PhươngTheo Chemistryworld, Quora, LiveScience
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/lang-mo-tan-thuy-hoang-a68044.html