Sheikh Zayed - kiệt tác nghệ thuật của Abu Dhabi

Sheikh Zayed - kiệt tác nghệ thuật của Abu Dhabi

Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed trắng muốt như một viên ngọc.

Những con số ấn tượng

Sheikh Zayed là một trong 8 thánh đường lớn nhất thế giới. Nó không chỉ gây ấn tượng về kích thước mà còn bởi nghệ thuật kiến trúc. Sheikh Zayed nằm uy nghi ở lối vào thành phố Abu Dhabi, bạn có thể nhìn thấy rõ thánh đường tráng lệ này từ ba cây cầu chính là Al Maqta’a, Mussafah và Sheikh Zayed. Thánh đường như một viên ngọc trắng muốt, lấp lánh tỏa sáng giữa sa mạc khô cằn.

Thánh đường có tên đầy đủ là Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan, cũng là tên của cố tổng thống đã thành lập UAE. Ông rất nổi tiếng vì là người tạo ra sự thống nhất giữa các bộ lạc Bedouin trong sa mạc Ả Rập. Năm 1966, ông thành lập UAE - liên minh giữa 7 tiểu vương quốc, và sử dụng nguồn doanh thu lớn từ dầu mỏ của Abu Dhabi để xây dựng những tòa nhà chọc trời, cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và các giá trị văn hóa.

Thánh đường Sheikh Zayed bắt đầu được xây dựng năm 1996 nhằm tôn vinh công lao của Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan và hoàn thành vào năm 2007 với tổng chi phí lên tới gần 600 triệu USD. 3.000 nghệ nhân thuộc 38 công ty xây dựng toàn cầu đã làm việc không ngừng nghỉ trong vòng 11 năm.

Thánh đường Sheikh Zayed có tổng diện tích hơn 22.000m2, tương đương gần 4 sân bóng đá, có thể chứa tới 40.000 người cầu nguyện và giữ 3 kỷ lục thế giới Guinness: Tấm thảm dệt tay lớn nhất, Đèn chùm lớn nhất và Mái vòm lớn nhất của kiến trúc thánh đường trên thế giới.

Sheikh Zayed có 82 mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng, trong đó, mái vòm cao nhất có chiều cao 85m, bốn ngọn tháp cao 107m, 1.096 cột bên ngoài, 96 cột bên trong nạm ngọc và đá quý, 7 chiếc đèn chùm pha lê Swarovski mạ vàng 24 carat khiến Sheikh Zayed trở thành công trình ngoài sức tưởng tượng.

Sheikh Zayed - kiệt tác nghệ thuật của Abu Dhabi

Chiếc đèn chùm nặng 12 tấn ở sảnh cầu nguyện chính.

Kiến trúc đỉnh cao

Thánh đường được thiết kế bởi kiến trúc sư người Syria - Yousef Abdelky, được lấy cảm hứng từ kiến trúc Ba Tư, Mughal và Moorish. 82 mái vòm hình củ hành được ốp bằng đá cẩm thạch trắng tinh khiết với 7 kích cỡ khác nhau, lấy cảm hứng từ nhà thờ Hồi giáo Badshahi của Lahore (Pakistan) - đại diện cho vẻ đẹp, niềm đam mê và uy quyền của triều đại Hồi giáo Mughal. Mái vòm lớn nhất nằm ở trung tâm của sảnh cầu nguyện chính. Trên đỉnh các mái vòm là biểu tượng trăng lưỡi liềm, trên cùng được khảm thủy tinh vàng. Bốn ngọn tháp của thánh đường mang dáng dấp cây cọ - một loại cây đặc trưng vùng Trung Đông và là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Mamluk của Ai Cập, Morish của Bắc Phi và Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sảnh cầu nguyện lớn với sức chứa 8.000 người được chống đỡ bởi 96 cây cột cao vút, mỗi cột đều được phủ bằng đá cẩm thạch Macedonia, ngọc trai và nhiều loại đá quý khác. Trên trần của sảnh cầu nguyện là 7 chiếc đèn chùm pha lê do công ty Faustig (Munich, Đức) sản xuất. Mỗi chiếc đèn nặng từ 8 - 12 tấn và được treo bởi một loại cán thép có thể chịu lực lên đến 36 tấn. Tất cả đèn chùm đều được làm từ thép không gỉ và đồng thau mạ vàng (khoảng 40kg vàng 24 carat đã được sử dụng).

Điều đặc biệt là các đèn chùm được gắn pha lê nhiều màu sắc khiến chúng càng trở nên lộng lẫy và kỳ ảo. Khoảng 40 triệu viên pha lê Swarovski được dùng để trang trí cho 7 chiếc đèn. Đèn chùm được thiết kế theo hình ảnh cây cọ, một loại cây có thể nhìn thấy ở khắp nơi tại UAE. Cây cọ là loại cây có “sức mạnh phi thường” bởi nó có khả năng chịu đựng được khi thiếu nước mưa và nhiệt độ vào mùa hè lên tới 41 - 43oC. Cây cọ là một thành phần quan trọng trong văn hóa của người Ả Rập. Ở Abu Dhabi thường có Lễ hội cây cọ vào tháng 11 hằng năm.

Tấm thảm lót sàn của thánh đường cũng là một kiệt tác, do nghệ sĩ người Iran Ali Khaliqi thiết kế. Đây là tấm thảm dệt tay lớn nhất thế giới với diện tích gần 5.700m2, 70% là len và 30% còn lại là bông. Đây là tác phẩm của 1.200 người thợ miệt mài dệt thủ công trong vòng 18 tháng với 2,2 tỷ mũi dệt, 38 tấn len với 25 màu sắc tự nhiên, trong đó màu xanh là chủ đạo. Công đoạn vận chuyển tấm thảm cũng hết sức kỳ công. Để chuyển thảm từ Iran tới Abu Dhabi, người ta đã phải cắt tấm thảm thành 9 mảnh và chở chúng trên 2 chiếc máy bay lớn. Bên ngoài nhà thờ được lát toàn bộ bằng đá cẩm thạch trắng muốt được nhập khẩu từ Hy Lạp cùng các hồ nước bao quanh. Từ đây, bạn có thể nhìn thấy sự phản chiếu của các cột trụ lung linh, huyền ảo.

Với những con số ấn tượng và kiến trúc tuyệt vời, thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed thực sự là điểm đến không thể bỏ lỡ khi du lịch Abu Dhabi.

Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/thanh-duong-sheikh-zayed-a65362.html