Cá lóc là loài cá nước ngọt rất quen thuộc ở Việt Nam, đặc biệt là miền Tây. Con cá có thân hình thon dài, vảy bóng loáng màu nâu đen, sống mạnh mẽ trong sông, ao, đồng ruộng. Cá lóc vừa là thực phẩm, vừa là một phần của cuộc sống, văn hóa ẩm thực đồng quê.
Món cá lóc nướng trui không cần chế biến cầu kỳ, nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Đầu tiên, cá lóc được rửa sạch, không cần đánh vảy. Người dân thường lấy cây tre nhỏ xiên từ miệng cá xuống tận đuôi, rồi dựng cá lên đống rơm khô, đốt lửa. Khi rơm cháy hết, cá cũng vừa chín.
Lớp vảy bên ngoài cháy đen, thịt cá bên trong lại trắng ngần, ngọt lịm và thơm phức. Vị ngọt tự nhiên của cá kết hợp với mùi thơm của rơm cháy tạo nên hương vị độc đáo. Cá lóc nướng trui thường được ăn kèm với muối ớt, rau sống, bánh tráng và bún.
Nước mắm chấm chua ngọt pha thêm tỏi ớt là gia vị không thể thiếu, tạo nên tổng thể hài hòa, kích thích vị giác. Khi thưởng thức, cảm nhận từng miếng cá mềm mại, thấm đẫm vị muối ớt, thêm chút vị đắng nhẹ của rau sống, sự giòn giòn của bánh tráng, khiến ai từng thưởng thức cũng khó quên.
Cá lóc nướng trui có thể kết hợp với nhiều món khác. Phổ biến là bún. Bún tươi xếp trong tô, thêm rau sống (xà lách, giá, rau thơm, dưa leo…), đặt miếng cá lóc nướng trui lên trên. Chan thêm nước mắm chua ngọt và chút đậu phộng rang, hành phi, bạn sẽ có tô bún thơm ngon, đậm đà hương vị miền Tây.
Ngoài ra, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng cũng khá hấp dẫn. Miếng bánh tráng mềm dai, gói gọn trong đó là cá lóc, rau sống, bún tươi và chấm cùng nước mắm pha.
Chị Ngân bên vỉ cá lóc nướng của mình
Đối với người dân miền Tây, cá lóc nướng trui không chỉ là món ăn ngon, mà còn chứa đựng nhiều kỷ niệm đẹp. Từ buổi chiều hè, trẻ con trong xóm rủ nhau ra đồng bắt cá lóc, đến những lần gia đình quây quần bên bếp lửa, cùng chuẩn bị và thưởng thức món cá nướng.
Ba tôi, một nông dân, kể lại rằng hồi còn nhỏ, mỗi lần mùa lúa chín, ông và bạn bè thường rủ nhau đi bắt cá lóc ở cánh đồng ngập nước. Sau khi bắt được cá, cả nhóm cùng nhóm lửa, nướng cá ngay tại chỗ.
"Mùi cá nướng thơm lừng, tiếng cười nói rôm rả làm sao quên được!" - ba tôi cảm thán. Không chỉ trẻ con, người lớn tuổi cũng có những kỷ niệm đẹp với món cá lóc nướng trui. Cô Út (nội trợ ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nhớ lại những buổi sum họp gia đình bên món cá lóc nướng: "Mỗi lần nướng cá, cả nhà quây quần, con cháu xúm xít, vui lắm. Món cá lóc nướng trui như gắn kết tình cảm gia đình vậy".
Nhiều tuyến đường đô thị, chợ ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) bày bán cá lóc nướng, gợi nhớ món ăn dân dã miền quê. Trên đường Hà Hoàng Hổ (phường Mỹ Xuyên), các tiệm đều dùng mía xiên cá, tạo nên biến tấu độc đáo cho món cá lóc nướng trui truyền thống. Vị ngọt tự nhiên từ mía thấm vào từng thớ thịt cá, tạo nên sự kết hợp tuyệt vời giữa độ ngọt thanh của mía và vị đậm đà của cá.
Thịt cá bên trong mềm mại, ngọt đậm hơn hẳn. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng, thịt cá nướng không hề bị khô hay mất đi độ tươi ngon tự nhiên. Sự kết hợp này làm món cá lóc nướng trở nên hấp dẫn hơn, đem đến một trải nghiệm ẩm thực độc đáo.
Một con cá lóc nướng mía thành phẩm kèm bún tươi, bánh tráng, rau sống và nước chấm, có giá từ 120.000 - 150.000 đồng tùy theo lớn hay nhỏ. Ghé tiệm cá lóc nướng Tô Duy, "thâm niên" bán hơn chục năm, anh Duy khá tất bật, vừa trở cá cho chín đều vừa dùng dao cạo bớt lớp da cháy bên ngoài vảy cá.
Theo anh, nướng cá cần sự nhanh nhẹn, khéo tay, biết canh lửa than cho vừa. Sau khi cá chín, phải đặt ở vị trí phù hợp, giúp cá giữ được độ nóng, nhưng không làm cá bị khô vì quá lửa.
Ngày nay, cá lóc nướng trui là món ăn quen thuộc của người dân quê, lẫn người thành thị. Thỉnh thoảng, họ lại ghé qua quán ăn đồng quê để thưởng thức món cá lóc nướng trui, lai rai vài ly với bạn bè. Dân công sở bận rộn sau giờ làm việc cũng thường tạt ngang tiệm bán cá lóc nướng bếp than, mua con cá thơm lừng về ăn cùng bữa cơm gia đình.
BÍCH GIANG
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/ca-loc-nuong-mien-tay-a65272.html