Bạn mong muốn có thể ngồi đúng tư thế để điều khiển một chú ngựa chạy nhanh hay chậm hoặc chỉ vài hiệu lệnh đơn giản, chú ngựa đã nghe lời bạn như một “chủ nhân” đích thực? Để thực hiện được điều đó đỏi hỏi bạn phải biết một số kiến thức và kỹ thuật cơ bản về cưỡi ngựa. Các kiến thức về ngựa, kỹ thuật cưỡi ngựa khá phổ biến và đa dạng theo các quan điểm, trường phái, vùng miền khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, CLB Ngựa Thánh Gióng chia sẻ với các bạn về kỹ thuật cưỡi ngựa cơ bản theo trường phái cưỡi ngựa kiểu Anh (English Riding) được Việt hóa cho phù hợp với điều kiện của người Việt với ngựa đã được thuần dưỡng. Theo quan điểm của chúng tôi kiến thức là vô hạn điều chúng ta biết thì có hạn nên với chúng tôi sự học hỏi và hoàn thiện bản thân phải thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của người học cưỡi ngựa là phải điểu khiển được ngựa đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn và tận hưởng được hết những thú vị của hoạt động này. Hy vọng những chia sẻ của CLB Ngựa Thánh Gióng sẽ giúp ích cho bạn trong tương lai nếu bạn có ý định học cưỡi ngựa hoặc tìm hiểu về ngựa, vì đây không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn là một môn thể thao rất hấp dẫn và có lợi cho sức khỏe.
Một buổi trải nghiệm cưỡi ngựa của các bạn trẻ
Cưỡi ngựa là một hoạt động đòi hỏi sự tương tác và phối hợp giữa người và ngựa để thực hiện việc di chuyển theo đúng mục đích của người cưỡi. Có một số bước cơ bản khi tham gia hoạt động cưỡi ngựa: Bước 1: Tương tác, làm quen và tìm hiểu tâm lý ngựa Khi bạn học cưỡi ngựa, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu về chú ngựa bạn chuẩn bị cưỡi như tên tuổi, giống ngựa, tính cách thế nào… và làm quen với ngựa thông qua việc vuốt ve, vỗ vào cổ, chào hỏi, nói những lời thân thiện với chúng. Cùng với sự hướng dẫn của huấn luyện viên hoặc người chăm sóc ngựa, bạn sẽ biết cách dắt ngựa, cho ăn, vệ sinh chải lông cho ngựa để tạo sự thân thiện với người bạn mới của mình.
Vệ sinh, chải lông hoạt động tương tác với ngựa
Tìm hiểu tâm lý ngựa là một yếu tố rất quan trọng bởi một chú ngựa nhút nhát hay giật mình sẽ điều khiển khác với một chú ngựa mạnh bạo, bướng bỉnh…Nắm được tính cách, ưu điểm và nhược điểm của ngựa bạn chuẩn bị cưỡi sẽ giúp bạn điều khiển, kiểm soát ngựa được dễ dàng hơn. Bước 2: Điều khiển và kiểm soát ngựa. Những chú ngựa đã được huấn luyện sẽ tuân theo hiệu lệnh của người cưỡi do vậy khi ngồi trên ngựa người học cần chú ý đến một số yếu tố: *Thái độ, tâm thế của bạn trong khi điều khiển ngựa được chúng tôi đặt lên hàng đầu bởi khi bạn ngồi trên lưng một chú ngựa cao 1.5 - 1.7 m bạn sẽ có cảm giác chinh phục vô cùng thú vị. Ánh mắt, tầm nhìn của bạn cũng rộng hơn trước một không gian rộng lớn, thiên nhiên bao la hòa quện với cảm xúc của bạn. Một tâm thế chiến thắng, chinh phục lan tỏa trong con người bạn khi bạn đưa ánh mắt qua đầu ngựa với niềm kiêu hãnh không nhiều người đã làm được như bạn. Tôn trọng và biết yêu thương động vật sẽ giúp bạn và ngựa trở thành bạn đồng hành hơn là một phương tiện giải trí giúp bạn di chuyển. Không đánh đập, la mắng, sỉ vả chúng, cần có những lời khuyến khích động viên khi ngựa nghe lời, nhưng cũng không “yêu chiều, dễ dãi vô cớ” khiến chúng “nhờn” và “bắt nạt” bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần có thái độ nghiêm khắc với những chú ngựa bướng bỉnh. Ánh mắt nhìn thẳng vào mắt ngựa, khẩu lệnh rõ ràng và thái độ không hài lòng của bạn sẽ giúp chúng nghe lời và tuân thủ hơn.
Tôn trọng, yêu quý động vật sẽ giúp bạn đến gần với ngựa hơn
*Hiệu lệnh cơ bản trong khi điều khiển ngựa được hiểu là “khẩu lệnh” và “động lệnh”. Chúng được kết hợp với nhau khi bạn điều khiển ngựa. Nếu bạn muốn ngựa đi bạn sử dụng khẩu lệnh “Tặc…tặc…tặc” và kết hợp với động lệnh bằng cách dùng tay kéo dây cương và gót chân đá vào sườn ngựa theo nguyên tắc tay trái kéo thì chân phải đá hoặc ngược lại. Vậy muốn ngựa dừng thì bạn phải làm thế nào? Thật đơn giản thôi! Bạn dùng 2 tay cầm cương kéo ngược về phía sau đồng thời hai chân bạn đẩy về phía trước theo kiểu “hãm phanh” ô tô vậy. Đừng quên kết hợp khẩu lệnh bằng cách hô “À à à…à…à…” ngựa của bạn sẽ dừng lại thôi. Khi bạn muốn ngựa rẽ trái, rẽ phải thì bạn chỉ việc kéo dây cương về bên trái hoặc phải. (Chú ý là “kéo cương” chứ không “giật cương”). Với người mới học bạn cần phối hợp các động tác khẩu lệnh, động lệnh với nhau nhưng khi bạn đã thành thạo và đặc biệt sự thân thiết với ngựa rồi thì bạn chỉ cần kéo nhẹ cương ngựa cũng đi hoặc dừng… Ngoài ra, muốn cho ngựa đi chậm, chạy nước kiệu, nước đại, nhảy rào thì sử dụng những hiệu lệnh gì? Chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn trong thời gian tới. *Tư thế ngồi và cách cầm cương được xem là cách “tạo form” cho bạn khi ngồi trên lưng ngựa. Lưng bạn cần phải thẳng, ngực hơn ưỡn về phía trước, hai chân để vào bàn đạp thật thoải mái (không bị ngắn quá, dài quá). Bàn chân bạn xỏ 1/3 vào bàn đạp, lưu ý không xỏ chân vào sâu quá bởi khi gặp sự cố có thể chân bạn không kịp tuột ra khỏi bàn đạp. Hai tay bạn cầm đều dây cương sao cho từ khửu tay bạn cho đến hàm thiếc của ngựa nằm trên một đường thẳng, khoảng cách dây cương và tay cầm cương không quá dài, quá ngắn. Sử dụng 3 ngón tay trỏ, giữa và áp út để nắm dây cương đồng thời ngón cái nắm bên ngoài. Bạn có thể hình dung tư thế tay đang cầm một “cái ca” với khoảng cách 2 tay khoảng 10 - 15 cm. Đầu bạn giữ thẳng, mắt nhìn về phía trước qua đầu ngựa.
Tư thế ngồi cầm cương trên lưng ngựa
Xem tiếp: Kỹ thuật cưỡi ngựa cơ bản (Phần 2) The HR Man CLB Ngựa Thánh Gióng Vì một tầm nhìn cao hơn và xa hơn Xem thêm: Khóa huấn luyện cưỡi ngựa cơ bản Trải nghiệm cưỡi ngựa giải trí
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/hoc-cuoi-ngua-a65192.html