Chắc chắn trong chúng ta không ai có thể tránh được nỗi buồn và cảm giác đau lòng, mất mát, tổn thương. Việc an ủi người đang buồn tưởng chừng như đơn giản nhưng là lại một vấn đề lớn với rất nhiều người vì họ không biết phải mở lời và phải làm như thế nào.
1. Làm thế nào để an ủi người đang buồn?
Đau buồn là trạng thái cảm xúc tiêu cực, diễn ra không theo một trật tự hay quy tắc đúng sai nào cả. Ai cũng có thể buồn bởi những lí do khác nhau hay thậm chí chỉ là không có gì để làm, không có ai hiểu và cảm thông cũng khiến chúng ta cảm thấy buồn.
Khi người khác gặp chuyện đau buồn, họ thường sẽ ủ rũ, khóc lóc, kể lể hay kêu than rất nhiều. Điều này có thể khiến những người xung quanh cảm thấy phiền phức, mệt mỏi và khó chịu. Dẫu biết chúng ta không phải là người gây ra nỗi buồn cho họ, nhưng chúng ta vẫn có thể là người an ủi, giúp họ nguôi ngoai đi phần nào. Đó là cách tốt nhất chúng ta nên làm để giúp đỡ những người thân đang gặp chuyện buồn.
Dưới đây là những cách an ủi người khác mà bạn có thể làm:
Nói với người đang đau buồn rằng bạn ở đó vì họ: Khi ai đó có người thân mất, hãy cho họ biết rằng bạn quan tâm đến họ và thoải mái lắng nghe mọi cảm xúc của họ trong thời gian này, đây là một trong những cách an ủi khi có người thân mất. Chúng ta đều hiểu rằng, đau buồn là trạng thái cảm xúc tiêu cực kéo dài, khó có thể vượt qua nhanh chóng. Có thể phải mất một thời gian dài để học cách sống chung với nó và nó có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn. Trong khi nhiều người trong chúng ta lo lắng không biết phải nói gì với một người đang đau buồn thì việc lắng nghe thực sự quan trọng hơn. Thông thường, những người có thiện chí tránh nói về sự mất mát hoặc thay đổi chủ đề khi đề cập đến người đã ra đi.
Giúp họ chia sẻ và cởi mở hơn: Đây là một trong những cách an ủi người khác đang buồn. Mặc dù bạn không nên ép ai đó mở lòng, nhưng điều quan trọng là phải cho người bạn đau buồn hoặc người thân của bạn biết rằng bạn luôn ở đó để lắng nghe nếu họ muốn nói về sự đau buồn của mình. Nói chuyện thẳng thắn về nguyên nhân gây ra sự đau buồn và tổn thương của họ. Và khi cảm thấy thích hợp, hãy hỏi những câu hỏi tế nhị, không tọc mạch để họ có thể bộc lộ cảm xúc một cách cởi mở. Đơn giản bằng cách hỏi: “Bạn có cảm thấy muốn nói chuyện không?” Bạn đang cho người thân của bạn biết rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe họ. Nói với bạn bè của bạn rằng hãy chia sẻ nỗi đau buồn của họ với bạn hay bạn bè, gia đình của họ và các thành viên khác trong xã hội. Việc đó sẽ khiến họ cảm thấy nhẹ lòng hơn, dễ chịu hơn, cảm giác đau buồn cũng sẽ từ đó mất đi.
Hãy để họ cảm nhận được sự đồng cảm: Một trong những cách an ủi người đang buồn là hãy để họ cảm nhận được sự đồng cảm. Hãy ở bên và cho họ biết bạn sẵn sàng ở bên cạnh, lắng nghe và thấu hiểu câu chuyện buồn của họ. Có thể bạn không giúp họ giải quyết hay thoát ra khỏi cảm giác đau buồn, nhưng việc bạn ở đó giúp họ có cơ hội được sẻ chia đã là sự giúp đỡ lớn lao. Bởi lẽ chỉ cần cảm giác có người ở bên cạnh cảm thông, thấu hiểu nỗi lòng, cũng là món quà tinh thần vô cùng quý giá mà ai cũng mong muốn có được.
Hãy trung thực: Hãy nhớ rằng sự cởi mở, chia sẻ phải xuất phát từ cảm xúc chân thật nhất. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc không biết phải nói gì, hãy nói điều đó với họ. Đừng khiến họ cảm thấy sự giả tạo hay gượng gạo, điều đó càng làm nỗi buồn của họ trở nên nặng nề hơn.
Tập trung lắng nghe họ: Lắng nghe là việc đầu tiên và vô cùng quan trọng khi bạn muốn một ai đó bớt đau buồn. Hãy để họ kể những câu chuyện hoặc suy nghĩ của họ mặc dù có thể họ đã kể nhiều lần. Thậm chí nếu họ không muốn nói, thì việc ở bên cạnh thôi, cũng đã là sự chia sẻ vô cùng có giá trị ở thời điểm đó.
2. Những gì không làm khi ai đó đang đau buồn
Thông thường, sự đau buồn của một người có thể ở các mức độ khác nhau, được biểu hiện ra bên ngoài cũng khác nhau, dẫn đến gây ra sự phiền toái, khó chịu nhất định tới những người xung quanh. Người đau buồn thì thường không muốn chia sẻ vì họ sợ không có ai hiểu hay thông cảm, họ sợ nỗi buồn của họ lại trở thành chủ đề bàn tán hay cười nhạo của người khác. Tuy nhiên, nếu biết họ đang gặp phải chuyện tồi tệ khiến họ đau buồn thì chúng ta không nên dửng dưng, thờ ơ, mà hãy làm điều gì đó giúp họ vượt qua cảm xúc tiêu cực này và tránh làm những điều sau:
Lặp lại những điều bạn đã nghe: Tránh nói những câu đơn giản hoặc sáo rỗng để cố gắng làm cho họ cảm thấy tốt hơn. Điều này có thể khiến họ cảm thấy sự giả tạo và không tin tưởng bạn;
So sánh mất mát của họ với mất mát mà bạn hoặc người khác đã trải qua: Mọi mất mát đều khác nhau. So sánh chỉ làm họ cảm thấy không được trân trọng và tổn thương nhiều hơn;
Ép buộc họ: Đừng bắt họ phải làm gì để trở nên tốt hơn hoặc làm thế nào để không đau buồn. Điều đó sẽ chỉ khiến họ cảm thấy gượng ép, khó chịu và thêm bức xúc, ức chế;
Phán xét họ: Cố gắng không đánh giá sự đau buồn của bạn bè hoặc người thân yêu của bạn như thế nào. Mỗi trạng thái đau buồn đều xảy ra vì những lí do, hoàn cảnh khác nhau và tùy cảm nghĩ của mỗi người cũng khác nhau. Đau buồn có thể liên quan đến những cảm xúc và hành vi cực đoan như cảm giác tội lỗi, tức giận, tuyệt vọng và sợ hãi. Một người đau buồn có thể kêu than, ám ảnh về sự ra đi của những người thân yêu hoặc khóc hàng giờ liên tục khi gặp phải chuyện không may. Người thân của bạn cần được trấn an rằng những gì họ cảm thấy là hoàn toàn bình thường. Đừng phán xét họ hoặc nhìn nhận phản ứng đau buồn của họ một cách phiến diện;
Thay đổi: Đừng bảo họ thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống của họ. Chỉ cần lắng nghe và khuyến khích họ để nỗi đau tự nhiên nguôi ngoai đi.
Ra chỉ thị: Không sử dụng các câu bắt đầu bằng các cụm từ như “Bạn nên”, “Bạn sẽ” hoặc “Hãy nghĩ về...”;
Giả định: Đừng cho rằng bạn hiểu bạn bè hoặc người thân của bạn cảm thấy như thế nào dựa trên hình dáng bên ngoài. Thay vào đó, hãy đợi họ cho bạn biết cảm giác của họ như thế nào qua việc sẻ chia và tâm sự.
Tóm lại, khi người khác gặp chuyện đau buồn, họ thường sẽ ủ rũ, khóc lóc hay kêu than rất nhiều. Điều này có thể khiến những người xung quanh cảm thấy phiền phức, mệt mỏi và khó chịu. Dẫu biết chúng ta không phải là người gây ra nỗi buồn cho họ, nhưng chúng ta vẫn có thể là người an ủi, giúp họ nguôi ngoai đi phần nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.