Trẻ con bị F0, cha mẹ nên và không nên làm gì? - BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

1.Những thắc mắc khi trẻ mắc COVID-19

Hỏi: Có nhất thiết phải theo dõi SPO2 khi con bị COVID-19 không?

Bác sĩ: Có. Trong COVID-19 có hiện tượng thiếu oxy máu thầm lặng. Trẻ em lại có khả năng chịu đựng thiếu oxy cao hơn người lớn. Do đó, phát hiện sớm lượng oxy máu đang giảm là quan trọng. Đợi đến khi có biểu hiện suy hô hấp e là muộn và bệnh chuyển biến nặng nhanh.

Hỏi: Trẻ nhiễm COVID-19 có nên tắm không?

Bác sĩ: Có. Tắm nhanh nơi kín gió, tắm bằng nước ấm vừa phải.

Hỏi: Vitamin C giúp tăng cường miễn dịch , có giúp trẻ nhanh khỏi COVID-19 không?

Bác sĩ: Không. Khả năng miễn dịch là quá trình bồi đắp lâu dài. Vài chai vitamin C khi đã có bệnh không mang lại ý nghĩa gì.

Có thể dùng que phết lên bề mặt amidal của trẻ để xét nghiệm.

Hỏi: Có nên cho trẻ uống thuốc kháng virus Monupiravir không?

Bác sĩ: Không, trẻ em không được dùng thuốc này tại nhà.

Hỏi: Có nên cho trẻ thể dục không?

Bác sĩ: Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi có thể hoạt động tự do, trẻ lớn hơn có thể tập thể dục nhẹ nhàng, không gắng sức (gắng sức= thở mạnh, tim đập nhanh, vã mồ hôi, nói hổn hển).

Hỏi: Có cần đeo khẩu trang cho mọi trẻ bị nhiễm COVID-19 không?

Bác sĩ: Nếu cả nhà đều bị thì không cần đeo. Nếu chỉ mình trẻ bị thì cho trẻ đeo. Trẻ dưới 2 tuổi hạn chế đeo khẩu trang vì sẽ không quan sát được sắc mặt, dấu hiệu suy hô hấp (tím quanh môi, thở phập phồng cánh mũi…)

Hỏi: Có nên xông cho trẻ không?

Bác sĩ: Không, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi.

Hỏi: Có nhất định chỉ cho trẻ ăn cháo khi nhiễm COVID-19 không?

Bác sĩ: Không, cho trẻ ăn những gì trẻ muốn (trừ bánh kẹo hay nước ngọt), giữ giờ ăn và cách ăn như bình thường.

Hỏi: Tập thở cho trẻ mắc COVID-19 như thế nào?

Bác sĩ: Trẻ lớn ngồi thẳng lưng, vững vàng, hít vào chậm sâu bằng mũi hết cỡ, nín thở 3-5 giây, thở ra từ từ bằng miệng. Thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần 5 phút.

Hỏi: Trẻ trên 5 tuổi nhiễm COVID-19 rồi thì khi nào mới chích được vaccine ngừa COVID-19?

Đáp: Về mặt nguyên tắc, sau khi trẻ khỏi bệnh (PCR âm tính), sức khỏe phục hồi bình thường là có thể chích được.

Hỏi: Trẻ bị COVID-19 rồi, liệu có bị nữa không?

Bác sĩ: Hoàn toàn có thể, do kháng thể chống lại COVID-19 tồn tại trong máu có thời hạn, lượng nhiều hay ít cũng tùy trẻ. Do đó, trẻ có thể bị nhiễm COVID-19 nhiều lần, nhất là với các biến chủng mới.

Hỏi : Có nhất định phải lấy dịch tỵ hầu (chọc mũi) trẻ để làm test không?

Bác sĩ: Không nhất định, dịch mũi và phết bề mặt amidan cũng có thể làm được. Dùng que chọc mũi phết lên bề mặt 2 cục amidan sau đó test vẫn lên bình thường.

Hỏi : Test nhanh âm tính có phải là đã khỏi bệnh?

Bác sĩ: Không, test nhanh âm tính không có nghĩa là đã khỏi bệnh, chừng nào PCR âm tính mới tính là khỏi đợt cấp tính.

Chỉ nên test khi bé chịu hợp tác để tránh làm đau, tổn thương mũi của bé.

Hỏi : Hội chứng viêm đa cơ quan khi trẻ mắc COVID-19 là gì?

Bác sĩ: Là hội chứng hiếm gặp, có thể xuất hiện trong vòng 2 tháng kể từ ngày bị COVID-19. Biểu hiện: Sốt trên 3 ngày không hết và có một loạt các triệu chứng ở các cơ quan (da, niêm mạc, thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa)

Hỏi : Trẻ em có ” hậu COVID-19″ giống người lớn không?

Bác sĩ: Có. Tuy nhiên ít, thường nhẹ và tự phục hồi. Cần theo dõi, đánh giá tổng quát định kỳ để phát hiện bất thường hậu COVID-19, có ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ hay không.

2. Những băn khoăn khi trong nhà có người mắc COVID-19

Hỏi: Mẹ nhiễm COVID-19 có thể cho con b ú không?

Bác sĩ: Có, vẫn cho con bú bình thường nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ.

Hỏi : Cả nhà bị rồi, giờ trẻ có triệu chứng có cần thiết phải test COVID-19 không?

Bác sĩ: Nếu trẻ hợp tác thì test, nếu trẻ không hợp tác thì không nhất thiết phải đè trẻ ra để test. Có thể coi như trẻ là F0 và chăm sóc theo dõi y như trẻ F0 đã có kết quả rõ ràng.

Nhưng nếu không test cho trẻ mà sau này trẻ có dấu hiệu hội chứng đa cơ quan hay hậu COVID-19 thì sẽ khó chẩn đoán hơn (vì xét nghiệm định lượng kháng thể chống COVID-19 hiện chưa phổ biến và đang gặp nhiều rào cản). Do đó vẫn nên chọn một phương pháp test nào ít gây đau, khó chịu cho trẻ nhất.

Nguồn: Bộ Y tế

Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/bi-f0-nen-lam-gi-a59618.html