Trong nghiên cứu, giảng dạy không có ranh giới giữa nam và nữ mà quan trọng là niềm đam mê học tập và sáng tạo, cách quản lý thời gian và ưu tiên dành cả tâm huyết cho nghề, cho trò. Suốt cuộc đời bà đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học, đến nay khi đã đến tuổi được ngơi nghỉ nhưng tâm thái của bà vẫn sáng như những ngày đầu đứng trên bục giảng. Đối với bà, chữ “Tâm” của một người làm giáo dục thể hiện qua tình yêu thương học trò, khơi gợi hy vọng, thổi bùng trí tưởng tượng và thấm nhuần niềm say mê học hỏi; thể hiện qua việc hết lòng chăm sóc từng câu chữ cho mỗi bài giảng, cho từng cuốn sách. Cũng bởi chữ “Tâm” đó mà đến nay, ấn tượng và những cảm xúc về bà vẫn vẹn nguyên trong lòng các em học trò với niềm biết ơn vô hạn. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bà còn làm thơ và dịch thuật. Bà hiện đang là Biên tập viên của lucbat.vn và vnthihuu.net; là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó là câu chuyện của người phụ nữ làm khoa học Trần Thị Thanh Liêm - nguyên là Trưởng Ngành tiếng Trung, Đại học Quốc tế Châu Á, Đại học Hà Nội, Trưởng Ngành tiếng Trung, ĐH Đại Nam và hiện nay đang giữ cương vị Trưởng bộ môn Tiếng Trung, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội.
Nếu ai đã từng gặp Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm hẳn sẽ có nhiều ấn tượng tốt đẹp trước thái độ niềm nở và nhiệt tình của bà trong mọi công việc. Sự tự nhiên, chân thành toát ra từ nét mặt, cử chỉ dường như được khởi phát từ tâm niệm luôn đề cao tình người trong cuộc sống. Bà sinh ngày 1/6/1950 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Vùng đất hiếu học - địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra những người con ưu tú làm rạng danh quê hương đất nước và ngày nay cũng mảnh đất thiêng liêng ấy đã nuôi dưỡng nhiều nhà giáo, nhà khoa học đang từng ngày đóng góp cho sự nghiệp giáo dục trong đó có bà. Tuổi thơ của bà gắn liền với sự khó khăn của thời kỳ chiến tranh ác liệt trước năm 1975. Tuy gian nan, vất vả là thế nhưng bà vẫn luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ. Tốt nghiệp cấp III, bà đăng ký thi và trúng tuyển vào Chuyên ngành Tiếng Trung Quốc (TQ), ĐH Ngoại ngữ (nay là ĐH Hà Nội). Sau 4 năm miệt mài học tập, tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, bà được giữ lại trường làm giảng viên (GV) Tiếng TQ tại khoa tiếng TQ. Đứng trên bục giảng khi tuổi mới ngoài đôi mươi, tuy có đôi chút bỡ ngỡ nhưng bà đã nhanh chóng hòa nhập, làm quen với cương vị mới của mình.
Khoảng thời gian từ năm 1983 - 1985, bà tham gia học tập thêm và tốt nghiệp Ngành Ngôn ngữ Việt (Hàm thụ) tại ĐH Tổng hợp Hà Nội, và có một năm làm Chuyên gia Tiếng Việt tại ĐH Ngoại ngữ (NN) Phnompenh, Campuchia. Sau khi trở về nước, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tiếp tục tham gia giảng dạy tiếng TQ tại ĐH Hà Nội (1985 - 1994). Với bà, biển học là vô bờ, vì vậy bà không ngừng tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, học hỏi thêm. Năm 1994, bà tiếp tục tham gia Tiến tu một năm tại Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh (NNBK), nay là ĐHNNBK. Đến hè năm 1995, bà được mời làm chuyên gia tiếng Việt Nam (VN) tại Korea Hàn Quốc, một vinh dự và cũng chứng thực được khả năng cùng phương pháp giảng dạy xuất sắc để được tín nhiệm giao phó trọng trách.
Từ 1995 - 1997, Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tham gia khóa học Thạc sĩ tại ĐH Quốc tế Châu Á (ĐHQTCA). Năm 1997, bà đảm nhận chức vụ Trưởng Ngành tiếng TQ tại ĐHQTCA - ĐH Hà Nội. Mùa hè năm 1998, bà được mời tham gia giảng dạy Chuyên đề Văn hóa TQ tại Tokyo Nhật Bản, sau đó quay trở về giảng dạy tiếng TQ tại ĐH Hà Nội cho đến năm 2005 thì được nghỉ hưu theo chế độ. Là GV chính của ĐH Hà Nội và cũng là GV mời giảng của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, bà đưa ra mục tiêu và tôn chỉ trong công tác giảng dạy của mình bằng trí tuệ, tâm huyết, bằng trái tim nhiệt tình, đem tất cả những tri thức mình có truyền thụ lại cho lớp trẻ. “Lấy sinh viên (SV) làm trung tâm” là phương pháp bà áp dụng vào các bài giảng của mình, cũng vì lý do này mà các bài giảng của bà, SV đều cảm thấy hứng thú, dễ tiếp thu khi được bà đào tạo và khơi nguồn cảm hứng.
Với uy tín của mình, sau khi nghỉ hưu nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm được nhiều trường ĐH mời tham gia giảng dạy như: Trưởng Bộ môn tiếng Trung, ĐH Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội (2005 - 2007); Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trưởng Ngành tiếng Trung ĐH Đại Nam (2007-2019) và hiện nay đang giữ cương vị Trưởng khoa Ngôn ngữ, Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội; Chuyên gia Ngôn ngữ - Cố vấn giáo dục cho các đơn vị như: Học viện SP Liễu Châu TQ, Công ty Giáo dục trực tuyến - Con đường Hoa ngữ VN, Học viện Giáo dục Ngoại ngữ VN, Trung tâm Hoa ngữ Hạ Long, Quảng Ninh,…
Làm tốt công tác của một người thầy nhưng nghiên cứu khoa học cũng trở thành một phần không thể thiếu trong sự nghiệp của người con xứ Quảng. Năm 2009, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tham gia Báo cáo chuyên đề Đối chiếu tiếng Việt - tiếng Hán và Phương pháp dịch Việt Hán - Hán Việt (Kỷ yếu Tọa đàm Đối chiếu tiếng Việt - tiếng Hán và Phương pháp dịch Việt Hán - Hán Việt) tại Học viện Sư phạm (SP) Liễu Châu, Quảng Tây, TQ ngày 8 tháng 12 năm 2009. Ngoài ra, bà còn tham dự rất nhiều hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế về ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm còn dành rất nhiều tâm huyết cho những cuốn giáo trình, từ điển và sách chuyên khảo, đã có nhiều cống hiến to lớn cho Ngành tiếng Hán VN, bà đã viết rất nhiều sách, xây dựng nên nhiều bộ giáo trình biên soạn (BS), biên soạn bổ sung (BSBS) hoặc biên dịch (BD) và nhiều công trình nghiên cứu từ việc tích lũy kinh nghiệm, kiến thức của bản thân hoặc từ việc hợp tác với đồng nghiệp, với chuyên gia nước ngoài,… để có thể đáp ứng nhu cầu người học cũng như bạn đọc gần xa ở trong nước và cả ở nước ngoài.
Bà là tác giả (TG), đồng tác giả (ĐTG), Chủ biên (CB), chủ biên dịch (CBD) của rất nhiều đầu sách như: TĐ Hán Việt, Trần Thị Thanh Liêm, CB, NXB Khoa học Xã hội, 2007; TĐ Thành ngữ Hán Việt, Trần Thị Thanh Liêm , NXB Lao động, 2009; TĐ Hán Việt hiện đại, Trần Thị Thanh Liêm, NXB VHTT, 2003; TĐ viết chữ Hán, ĐTG, NXB VHTT, 2002; TĐ Thành ngữ Tục ngữ Hán Việt, Trần Thị Thanh Liêm - Nguyễn Bích Hằng, NXB VHTT,2002; TĐ Đồng nghĩa Trái nghĩa Hán Việt, ĐTG, NXBVHTT, 2003. Từ điển Việt Trung hiện đại, ĐTG, NXBVHTT, 2006; Kinh điển Văn hóa 5000 Trung Hoa, 4 tập - CBD, NXBVHTT, 2002; Ngữ pháp tiếng Hoa, Trần Thị Thanh Liêm - Vũ Thu Thủy, NXB Hà Nội, 2003; Ngữ pháp tiếng Hán, Trần Thị Thanh Liêm, NXB ĐHQG, 2005; Văn hóa Thế giới - Văn hóa Phương Đông, Trần Thị Thanh Liêm - Trương Ngọc Quỳnh, NXB Lao động Xã hội, 2013; Luyện dịch Hoa Việt - Việt Hoa, Trần Thị Thanh Liêm - Hoàng Trà (1) Trần Thị Thanh Liêm - Trần Hoài Thu (2) BS, NXBVHTT, 2008; 345 câu Khẩu ngữ tiếng Hán (3 tập, CBD), Trần Thị Thanh Liêm, NXB ĐHQG, 2015; Nghe hiểu tiếng Hán (3 tập), Trần Thị Thanh Liêm , CBD, NXB VHTT, 2013; Luyện Ngữ âm tiếng Hán, Chu Quang Thắng - Trần Thị Thanh Liêm, NXB Từ điển Bách khoa, 2009; Phong tục tập quán VN và thế giới (5 tập), Trần Thị Thanh Liêm, NXBVHTT, 2007; Vương triều Ung Chính (10 tập), ĐDG, NXB Hội nhà văn (HNV) 2003,… Tuyển tập Danh ngôn Thế giới (2 tập, BS), Trần Thị Thanh Liêm - Trương Ngọc Quỳnh, NXB Thanh Niên, 2012; Người đẹp bất hạnh, ĐDG, NXB Lao động, 2000; GT Văn học TQ, NXB Giáo dục 1990, 1993, 1995, 1997 (3 tập), ĐDG tái bản nhiều lần; GT học tiếng TQ, (6 tập), NXB Thanh Niên, 1995, ĐTG, tái bản nhiều lần; GT tiếng Hán hiện đại (5 tập), NXBĐHQG, 1998, 2002, CBD & BSBS, tái bản nhiều lần; Tập viết chữ Hán, NXB ĐHQG, 1999, TG, tái bản nhiều lần; GT Hán ngữ (Bộ cũ 6 tập, CBD & BSBS), NXB ĐHSP: 1998, 1999, 2000, 2001, tái bản nhiều lần; GT Hán ngữ (Bộ mới 6 tập), CBD và BSBS,NXB ĐHQG, 2011 đến 2016. Tiếng Hoa giao tiếp (TG, BS), NXBVHTT, 2007; Tiếng Hoa tốc thành (TG, BS), NXBVHTT, 2008; Giáo trình phát triển Hán ngữ (10 tập), CBD, NXB Hồng Đức, 2019,… Với những cuốn GT BS & BD của bà đã giúp đồng nghiệp và SV trong cả nước rất nhiều trong quá trình đào tạo và học tập Hán ngữ.
Học tập ngoại ngữ vốn đã khó, nếu không chọn được GT tốt thì việc học cũng không được hiệu quả, vậy nên những cuốn GT chất lượng của bà Trần Thị Thanh Liêm BS, BD&BSBS là sự hỗ trợ to lớn cho SV, học viên tiếng Hán cả nước trong việc lựa chọn bộ GT mới nhất, tốt nhất cho mình, là sự đóng góp lớn lao vào sự nghiệp phổ cập tiếng Hán hiện đại tại VN.
Ngoài giảng dạy tiếng TQ và tiếng VN, nghiên cứu, biên soạn giáo trình, từ điển và sách chuyên khảo ra, bà còn là một dich giả kỳ cựu, là cầu nối cho nhiều trường học, công ty đầu tư hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt - Trung. Bà từng có vinh dự tham gia dịch thuật cho các vị lãnh đạo nhà nước như Cố Phó CT Hội đồng Nhà nước (nay gọi là Phó thủ tướng) Đàm Quang Trung, Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ,… Có thể thấy rằng, nhà giáo - dịch giả Trần Thị Thanh Liêm đã thực sự là cầu nối, góp một viên gạch xây đắp nên mối tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung.
Bà từng khẳng định: Trách nhiệm lớn lao mà nhà trường giao cho các thầy cô ngoại ngữ là đào tạo ra những GV, những cán bộ biên phiên dịch cho tương lai, nên GV Ngoại ngữ chúng tôi luôn xác định cho mình rằng: khả năng thì có hạn nhưng nhiệt tình làm việc vì SV thân yêu và tấm lòng thực sự cầu thị thì vô hạn. Muốn trở thành một GV đại học xuất sắc thì rất cần bồi dưỡng lòng đam mê học tập, tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo, nhất là về bộ môn dịch. Bởi vì: Dịch là một nghệ thuật, người dịch trước hết phải đi tìm cái đẹp. Cũng giống như người sáng tác đi tìm cái đẹp ở cuộc đời để tạo nên tác phẩm, người dịch tìm cái đẹp trong tác phẩm đã sẵn có của ngôn ngữ nào đó, tái tạo ra bản dịch, tức là làm ra một tác phẩm mới ở một ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc một ngôn ngữ thứ hai. Cái đẹp trong cuộc đời có thành tác phẩm văn chương hay không phải nhờ tài của người cầm bút sáng tác. Cái đẹp tìm thấy ở tác phẩm đã có sẵn có trở thành cái đẹp trong bản dịch hay không lại phải nhờ cái tài của người dịch. Ví người dịch như người thợ kim hoàn biến đá quặng thành đồ trang sức lộng lẫy? Công việc dịch có khi còn khó hơn kia - ở đây là công việc tái tạo một tác phẩm đã có sẵn thành tác phẩm bằng một chất liệu khác hơn. Ví người dịch như người diễn viên thể hiện vai diễn viết trong kịch bản có lẽ là sát hơn chăng?
Bà nói nghề phiên biên dịch rất công phu, không đơn giản chút nào. Muốn làm một dịch giả, một thông ngôn không phải dễ. Chính vì vậy bà đã luôn nghiêm túc trong giảng dạy và đề ra yêu cầu học tập và rèn luyện kỹ năng dịch đối với SV rất cao: Dịch xong một bài, một câu thường phải sửa chữa nhiều lần. Bà nhấn mạnh: “Người dịch cần suốt đời nâng cao trình độ ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ, liên tục học hỏi để làm giàu phông văn hóa. Tôi mong các dịch giả trẻ ngoài việc thông thạo ngoại ngữ, còn phải thường xuyên trau dồi tiếng Việt và văn hóa Việt thật nghiêm túc cả về lý thuyết lẫn thực hành”.
Ngoài công việc giảng dạy và dịch thuật, bà còn chơi bóng chuyền, bóng bàn, sáng tác thơ. Về thể dục thể thao, bà đã từng nhiều năm làm Đội trưởng Đội Bóng chuyền nữ Trường ĐH Ngoại ngữ (Nay là ĐH Hà Nội) và cùng đồng đội giành được nhiều Giải thưởng cấp Trường, cấp Bộ, cấp Quận và cấp Phường.
Trên thi đàn thơ VN xuất hiện cái tên Trần Thị Thanh Liêm với những vần thơ gần gũi thân thuộc, bình dị. Bà đến với thơ để tìm niềm vui, để ghi lại những khoảnh khắc đáng ghi nhớ của cuộc sống, về mái trường, về học trò, về những năm tháng đứng trên bục giảng của bà. Hiện bà là Biên tập viên của trang thơ www.lucbat.vn và là Điều hành viên chính của trang thơ . Với Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm, nghề giáo, nghề biên phiên dịch, dịch thơ và làm thơ luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau, không thể tách rời, cùng đi theo suốt một hành trình 50 năm nay.
Bà nói: “Mở rộng Tâm ra lòng thanh thản/ An vui tự tại đời thong dong”. Được đứng trên bục giảng mỗi ngày là một niềm vui lớn, niềm vui ấy được thắp lên từ chính những ánh mắt sáng trong của học trò. Suốt cuộc đời, bà luôn đặt chữ “Tâm” lên trên hết, chữ “Tâm” với nghề dạy học vốn không xa lạ mà hết sức gần gũi, bình dị vô cùng:
Chữ Tâm Nhà Giáo
Nối nghiệp cha ông đã một thời
Tấm gương nhà giáo vẫn hằng soi
Tu thân giữ lối tình khai mở
Tích đức theo nghề nghĩa trải phơi
Tận tụy truyền đi bao kiến thức
Hy sinh để lại bấy nhiêu đời
Lặng thầm hiến tặng đâu toan tính
Để chữ Tâm kia mãi sáng ngời.
(Trần Thị Thanh Liêm)
Còn nhớ, trước đây khi đang là phiên dịch viên cho quầy trưng bày máy móc của Thượng Hải ở Triển lãm Giảng Võ bà đã may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (VNG) và dịch cho Đại tướng khoảng 15 phút. Bà chia sẻ trong xúc động: “Dù chỉ có 15 phút ngắn ngủi nhưng Đại Tướng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về trí tuệ siêu phàm, sự ân cần, bình dị,…khiến cả đời tôi không bao giờ quên được”.
Để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình, bà đã sáng tác bài thơ để tưởng nhớ đến vị Đại tướng suốt đời vì nước, vì dân:
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
(25.8.1911 - 4.10.2013)
Tựa ánh sao Khuê chiếu rạng ngời
Trở thành biểu tượng thế trần soi
Điều binh dậy tiếng hùng muôn thuở
Khiển tướng lừng danh thắm vạn đời
Phát toả huân công ngàn sách ngợi
Trao truyền nhiệt huyết triệu lòng noi
Ngàn năm Văn Võ hoài lưu dấu
Đức trọng tài cao vọng đất trời.
Đức trọng tài cao vọng đất trời
Anh hùng kiệt xuất trẻ già noi
Văn tràn bốn biển nồng hương thế
Võ tỏa năm châu ngát vị đời
Dòng giống Tiên Rồng thơm nghĩa phủ
Uy miền Lạc Việt thắm tình soi
Mười trang dũng tướng lưu truyền mãi
Tựa ánh sao Khuê chiếu rạng ngời.
(Trần Thị Thanh Liêm)
Những trải nghiệm thú vị, những khát khao cống hiến,… của bà đã đem đến cho bà những niềm vui nhỏ bé, đã được vun đắp bằng những tập thơ: Thơ Hương xưa, NXB Văn học, 2013, ĐTG; Gương mặt thơ VN đương đại, NXB VHTT, 2013; Thơ Đường luật VN, ĐTG , NXB Hội nhà văn (HNV), 2011, ĐTG; Lộc phát, NXB Công an Nhân dân: 2011, 2012, 2013, ĐTG; Thơ 2 - Tủ sách Nhà văn, NXB HNV, 2012, ĐTG; Thơ nhà giáo, NXB VH Dân tộc, 2012, ĐTG, nhiều tập,…
Trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề, có rất nhiều kỷ niệm mà bà không bao giờ quên được. Bà coi đó là hành trang quý giá, là động lực để bà luôn cố gắng. Đứng trên cương vị là một người Việt, bà đã từng giúp đỡ một người lính Mỹ tìm lại niềm vui được giúp đỡ nhiều người tàn tật, hoàn cảnh khó khăn tại VN. Bà coi ông như một người bạn chứ không phải là kẻ thù bởi chiến tranh đã đi vào quá khứ. Chính bà - người tạo nên trong người lính ấy cái lòng thanh thản được làm những việc tốt như một sự hối lỗi về những tội ác năm xưa. Gianas - tên người lính Mỹ, đã cảm nhận được lòng vị tha, sự nhân đạo trong bà, coi bà như biểu tượng cao cả và như người mẹ hiền tự đáy lòng ông. Câu chuyện của bà với Gianas đã được báo chí nhắc đến nhiều: sự biết ơn, cách nhìn về con người Việt, tâm hồn con người Việt được bà xây dựng, được truyền cảm hứng tới ông nó thực sự đẹp đẽ và hết sức thanh cao. Không chỉ có câu chuyện trên, nhà giáo dịu dàng, tài năng ấy giờ đây còn là thần tượng của biết bao SV Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội, Trường ĐH Đại Nam - nơi bà từng giúp cô bé SV Hà Lệ Quyên nộp học phí, không phải vì bà giàu có mà vì thương SV, thấu hiểu và coi các em như những đứa con của mình. Đứng trước những điều bất hạnh bà không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Từng người gặp bà, biết bà, hiểu bà và rồi cũng coi bà như một thần tượng vô điều kiện, như thể từ một niềm cảm phục tấm lòng, tài năng và cả nhân cách của bà vậy.
Trước những cống hiến to lớn cho ngành, cho đời, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã vinh dự nhận được nhiều lời khen, giấy khen, huy chương và giải thưởng ở các cuộc thi cả về chuyên ngành và cả về thơ, trong đó có: Giải Khuyến khích Cuộc thi Thơ Đường luật lần 1 năm 2013 của Diễn đàn Thơ VN Thi hữu www.vnthihuu.net với bài thơ Thương Mẹ; Giải ba Cuộc thi thơ toàn quốc “Việt Nam trong tôi” năm 2017 với tác phẩm Lính Thủy Trường Sa; Huy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục và Huy chương Vì Nghĩa vụ Quốc tế,…
Đằng sau sự nỗ lực và thành công của một người phụ nữ là một gia đình yêu thương, luôn động viên và ủng hộ trong mọi quyết định. Bà may mắn có một người chồng cũng làm khoa học nên luôn thấu hiểu nỗi vất vả của người phụ nữ làm nghiên cứu. Các con của bà cũng tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình, thi đỗ thủ khoa Trường ĐH Hà Nội và hiện đang du học ở Mỹ, Úc. Có thể thấy rằng, bà là một nhà khoa học, một nhà giáo tận tụy suốt đời với sự nghiệp trồng người, ở đó có tấm lòng trong sáng và tình người sâu sắc. Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm xứng đáng là người mẹ dịu hiền của rất nhiều thế hệ học trò, nuôi dưỡng tâm hồn và là tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên học tập noi theo. Xin chúc cho bà sức khỏe, hạnh phúc để cống hiến được nhiều hơn nữa cho nền khoa học và giáo dục của nước nhà; tiếp tục bay cao trên đôi cánh tâm hồn, vươn tới những đỉnh cao mới của giáo dục, văn học nghệ thuật trong niềm đam mê bất tận.
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/tac-gia-tran-thi-thanh-du-a55521.html