Từ thủ đô Bắc Kinh ở miền bắc, trải qua hành trình hơn 3.600 km đến thành phố Lhasa, thủ phủ khu tự trị Tây Tạng ở tây nam Trung Quốc, ai trong chúng tôi cũng đầy hứng khởi để khám phá miền đất thiêng nơi “nóc nhà của thế giới” với bao bí mật ẩn dấu. Lúc sắp hạ cánh, nhìn qua cửa sổ máy bay, khung cảnh tuyết trắng miên man với những đỉnh núi phủ băng vĩnh cửu trên mảnh đất cao nguyên, làm cho người ta có cảm giác trời và đất như gần nhau hơn. Ấn tượng đầu tiên là sự chân thành và mến khách của người dân Tây Tạng với món quà gặp mặt là những chiếc khăn lụa mầu trắng có tên địa phương là Hada, quàng lên cổ các vị khách từ phương xa theo nghi thức chào đón bản địa. Dưới bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ, những chiếc khăn Hada trắng muốt càng trở nên nổi bật, như những lời chúc phúc của chủ nhân miền đất cao nguyên, cũng là những tín đồ Phật giáo thuần thành, thiêng liêng và trang trọng!
Nói đến Tây Tạng, là nói đến thánh địa của Phật giáo Mật Tông, hay còn gọi là Phật giáo Tạng truyền, khởi nguồn từ thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Sự ra đời của hệ phái Phật giáo có ảnh hưởng to lớn trong quá khứ và hiện tại của Tây Tạng, gắn liền với câu chuyện giao thoa văn hóa giữa vùng đất này với các triều đại phong kiến nhà Đường Trung Quốc và các quốc gia lân cận như Nepal và Ấn Độ. Songtsen Gampo, vị Tán phổ (quốc vương) được xem là quân chủ vĩ đại nhất của người Tạng, đã có công mở rộng lãnh thổ, thống nhất các bộ tộc, rời đô về Lhasa, tạo nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng của vương quốc Thổ Phồn. Ông được coi là người đầu tiên đem Phật giáo đến Tây Tạng, với việc kết hôn cùng công chúa Văn Thành của nhà Đường và công chúa Bhrikuti Devi của Nepal, những người đã mang đến tượng Phật và nhiều kinh sách làm của hồi môn. Giữa thế kỷ thứ VII, Songtsen Gampo cho xây dựng cung điện Potala và hai ngôi chùa Đại Chiêu (Jokhang) và Tiểu Chiêu (Ramoche) ở Lhasa, làm nơi thờ cúng tượng Phật, để người dân đến hành hương, lễ bái; đồng thời, cử người sang Ấn Độ học tập Phật pháp, tổ chức biên dịch kinh sách. Phật giáo Tạng truyền ngày nay chia làm 5 tông phái chính, là sự kết hợp của Phật giáo với tín ngưỡng bản địa, với nhiều nghi lễ phức tạp và biểu tượng huyền bí, trong đó nổi bật nhất là việc truyền thừa qua hình thức tái sinh của Phật sống.
Cung điện Potala thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Điểm đầu tiên trong hành trình là cung điện Potala (Bố Đạt La), công trình biểu tượng của Tây Tạng với kiến trúc kiểu lâu đài, được mệnh danh là “hòn ngọc của cao nguyên”. Vừa đặt chân đến, chúng tôi đã bị choáng ngợp trước sự tráng lệ của tòa cung điện hơn 1.300 năm tuổi, ở trên địa thế cao 3.700m so mực nước biển. Cả tòa cung điện được xây dựng trên sườn núi, những bức tường lớn sừng sững như những vách đá hòa vào với ngọn núi, tạo nên vẻ hùng vĩ lạ thường. Khi đến gần hơn, cảm giác hùng vĩ dần biến mất, thay vào đó là sự thiêng liêng và huyền bí đến từ những dải cờ phướn ngũ sắc tượng trưng của Phật giáo Tạng truyền. Dưới nền trời trong xanh, bạn sẽ nhìn thấy trên những miếng vải sặc sỡ mờ ảo ghi lại các bài kinh bằng chữ Tạng dày đặc. Cô hướng dẫn viên nói rằng, cờ phướn có mặt ở khắp mọi nơi, trên những đỉnh núi, bên những dòng sông, con đường hay chùa chiền, những tín đồ Phật giáo Tạng truyền tin rằng, nhìn cờ phướn tung bay trước gió là một lần tụng kinh, có thể cầu nguyện những điều tốt đẹp. Bằng cách này, những dải cờ phướn đã trở thành sợi dây liên kết giữa thần linh và con người, gửi gắm những ước mơ tốt đẹp của người dân bản địa.
Kết cấu của cung điện Potala chia làm 2 phần là Bạch cung và Hồng cung, mang đậm phong cách kiến trúc Tây Tạng, cao 13 tầng, tổng diện tích khoảng 130.000 m2, vốn là vương cung của các vị vua Thổ Phồn; nhưng từ thế kỷ XVII trở đi, trở thành nơi ở và làm việc của các đời Đạt Lai Lạt Ma, trung tâm của “chính giáo hợp nhất” (lãnh đạo chính quyền và tôn giáo là một) ở vùng đất Tây Tạng xưa. Đi sâu vào bên trong, người xem như bị dẫn vào mê cung, với hàng trăm căn phòng lớn nhỏ khác nhau, như tẩm cung, Phật điện, linh tháp điện, tăng xá..., với nột thất lộng lẫy cùng những tác phẩm bích họa, điêu khắc gỗ tinh xảo. Ấn tượng nhất, có lẽ chính là những linh tháp, nơi lưu giữ nhục thân của các vị Đạt Lai Lạt Ma, được mạ vàng và gắn lên nhiều trang sức đá quý cùng những bức bích họa rực rỡ sắc mầu. Người hướng dẫn viên bản địa cho biết, cung điện Potala hiện có 8 linh tháp với kích cỡ và mức độ lộng lẫy khác nhau, tùy theo công đức và ảnh hưởng của vị Đạt Lai Lạt Ma khi còn sống. Được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1994, cung điện Potala hiện vẫn là nơi tu hành của các vị Lạt Ma; đồng thời, giới hạn mỗi ngày không quá 7.000 khách du lịch, phân chia theo 2 tuyến tham quan, để giữ gìn giá trị di sản và sự tôn nghiêm của cơ sở tôn giáo.
Cách cung điện Potala chưa đầy 2 km, chùa Đại Chiêu cũng có niên đại hơn 1.300 năm, nằm ở trung tâm khu phố cổ của Lhasa, là kiến trúc nguy nga nhất của vương quốc Thổ Phồn còn lại cho đến ngày nay, mang phong cách của cả Tây Tạng, nhà Đường, Nepal và Ấn Độ, trở thành hình mẫu cho tất cả kiến trúc tôn giáo bản địa. Chùa cao 4 tầng, còn lưu giữ 103 bức chạm khắc gỗ hình các con thú và nhân sư, cùng 2 bức bích họa “Công chúa Văn Thành đến Tây Tạng” và “Kiến thiết chùa Đại Chiêu” với tổng chiều dài gần 1.000m. Đặc biệt, trong chùa có bức tượng báo thân Phật Thích Ca Mâu Ni 12 tuổi, tương truyền là một trong 3 bức tượng báo thân được tạo tác từ thời Đức Phật còn tại thế và được chính Đức Phật khai quang, gia trì.
Trải qua hơn 1.300 năm lịch sử, chùa Đại Chiêu luôn có vị trí “chí cao vô thượng” đối với mỗi tín đồ Phật giáo Tạng truyền. Trên những con đường dẫn tới ngôi chùa này, không khó để bắt gặp những Phật tử mộ đạo đang thực hành nghi lễ cao nhất “tam bộ nhất bái, ngũ thể đầu địa” (đi ba bước lễ bái một lần, sao cho 5 bộ phận trên cơ thể gồm 2 tay, 2 chân và trán cùng chạm đất, đồng thời không ngừng niệm kinh để thanh lọc tâm hồn, cầu phúc cho gia đình). Trong số họ, không ít người đã kiên trì thực hành nghi thức ấy trong nhiều tháng trời, trên con đường hành hương hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km đến ngôi chùa linh thiêng được coi là thánh địa, để hoàn thành tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời.
Vẻ đẹp thơ mộng của hồ Yamdrok. Nguồn ảnh |Báo Tây Tạng điện tử xzxw.com
Vẻ đẹp của Tây Tạng không chỉ dừng lại ở những kiến trúc văn hóa-tôn giáo với lịch sử lâu đời, mà còn ở cả thiên nhiên hùng vĩ của miền cao nguyên nhiều nắng gió. Rời thành phố Lhasa với độ cao trung bình hơn 3.600m so mực nước biển, vốn đã làm cho không ít người phải đau đầu, chóng mặt vì thiếu ô-xy khi bị “phản ứng cao nguyên”, chúng tôi đối mặt thử thách lớn hơn với độ cao khoảng 4.500m ở hồ Yamdrok thuộc thành phố Lhoka. Đây là một trong 5 hồ nước mặn lớn nhất Trung Quốc, cũng là một trong 3 hồ thiêng trong tâm thức của người dân Tây Tạng. Phong cảnh nơi đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa hồ nước xanh biếc, mênh mông với núi tuyết trắng, những hòn đảo trên hồ là nơi trú ngụ của hàng chục loài chim và động vật trên cạn quý hiếm. Trong những bộ trang phục truyền thống của người Tạng, du khách đến đây có thể đắm mình với khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt, lưu lại những bức hình đẹp với những chú chó Ngao Tạng hay bò Yak thân thiện chỉ có ở mảnh đất cao nguyên này.
Người dân địa phương cho biết, với diện tích 638 km2, hồ Yamdrok có lượng cá khổng lồ, tuy nhiên, người dân nơi đây không đánh bắt làm thức ăn, bởi họ coi cá là những vị sứ giả kết nối con người với thế giới cực lạc. Chính sự tôn kính với hồ thiêng, sự chan hòa với thiên nhiên của những người dân bản địa, đã góp phần gìn giữ vẻ nguyên sơ của Yamdrok, viên ngọc bích tuyệt đẹp giữa cao nguyên Thanh Tạng. Rời Tây Tạng sau hành trình chưa đầy 40 tiếng, vẫn còn nhiều điều chưa thể khám phá hết, nhưng có lẽ chúng tôi cũng đã hiểu vì sao, trong nhiều năm, Tây Tạng đứng đầu các địa phương về chỉ số hạnh phúc, còn thủ phủ Lhasa là thành phố hạnh phúc nhất ở Trung Quốc. Đôi chút tiếc nuối sẽ là động lực để chúng tôi tìm đến để tiếp tục khám phá và cảm nhận “mảnh đất hạnh phúc” này trong tương lai.
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/tay-tang-o-dau-a54667.html