Tổng quan lịch sử Vương quốc Anh

Bằng chứng lịch sử lâu đời nhất về sự tồn tại của con người ở vùng đất Vương quốc Anh ngày nay có niên đại 500.000 năm - vào thời Đồ Đá Cũ. Cuộc sống tại đây phụ thuộc vào công cụ thô sơ mãi cho đến khoảng 2.000 năm TCN - khi những nhóm người từ vùng đất nay là Hà Lan và miền Bắc nước Đức đến cùng kỹ năng và công cụ lao động tiến bộ hơn nhiều, có thể tạo ra những công trình còn tồn tại cho đến ngày nay như vòng đá Avebury và Stonehenge.

Bị La Mã xâm lược

Đến khoảng những năm 700 TCN, nhiều tộc người Celt từ Trung và Tây Âu xuất hiện tại các đảo Anh, trong đó nhóm Briton định cư tại nơi mà nay là Anh và xứ Wales. Một nhóm Celt khác là người Gaul từ bên kia eo biển Anh cũng tìm đường đến Anh để thoát khỏi đế chế La Mã đang ngày càng lớn mạnh trong lục địa. Tất nhiên đế chế La Mã cũng không thể bỏ qua ý định vươn xa về hướng Đại Tây Dương. Đến thế kỷ đầu tiên của Công nguyên, người La Mã chính thức chiếm được phần lớn vùng đất mà ngày nay là nước Anh.

Người La Mã xây đường xá, thị trấn, lập các cứ điểm quân sự… trong khi đó những người Briton cũng dần trở nên quen thuộc với các hệ thống, luật pháp, ngôn ngữ La Mã.

Nhưng sự êm ả này không kéo dài được lâu…

La Mã càng mở rộng càng phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là chưa kể đến sự xuất hiện của những chiến binh German đáng sợ từ Biển Bắc tràn xuống - nhóm Angle, Saxon và Jute. Quân La Mã rút khỏi đảo Anh vào năm 410, và ảnh hưởng của họ phai nhạt nhanh chóng một cách khó tin.

Thời kỳ bảy vương quốc Anglo-Saxon

Giai đoạn từ thế kỷ 5 đến 7 đôi khi được gọi là Dark Ages bởi không có nhiều sử sách ghi chép lại, cũng như vì những cuộc tấn công dữ dội từ bên ngoài và tranh chấp nội bộ giữa các vương quốc nhỏ. Người German đã lập nên bảy vương quốc (Essex, Sussex, Wessex, Middlesex, Đông Anglia, Northumbria, Mercia), đẩy các nhóm người Celt và La Mã còn lại về phía bắc và phía tây.

Năm 865, đến lượt người Viking từ Na Uy và Đan Mạch xâm chiếm và định cư trên toàn cõi Anh Quốc, chỉ trừ xứ Wessex. Người Viking tuy bị Alfred Đại đế đánh bại năm 886 nhưng cuối cùng cũng hoàn thành được cuộc chinh phục. Vua Canute của Đan Mạch trở thành người cai trị nước Anh vào năm 1017, tuy chỉ trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi.

bức tường thành Hadrian
Thay vì quyết tâm chinh phục Caledonia (nay là Scotland), Hoàng đế La Mã Hadrian cho xây dựng bức tường thành Hadrian chạy suốt từ bờ biển bên này sang bờ biển bên kia ở miền Bắc nước Anh nhằm ngăn chặn các nhóm người Pict và người Scot tràn qua biên giới.

William xứ Normandy

Năm 1066, sau khi Vua Edward - Người Xưng tội xứ Wessex qua đời mà không có con nối dõi, cả Harold Godwinson xứ Wessex và Công tước William xứ Normandy (Pháp) cũng tuyên bố lên ngôi; và William đã giành được chiến thắng trong trận Hasting để cùng trong năm này kết thúc hoàn toàn thời đại của các vua Saxon. Nhiều cuộc nổi dạy, phản kháng đã diễn ra sau khi Vua William I lên ngôi nhưng đều thất bại. Để trừng phạt những kẻ phản kháng, William I đã tịch thu hết đất đai của họ và trao lại cho người của mình.

Giai đoạn lịch sử này còn để lại nhiều ảnh hưởng khác đến Vương quốc Anh: Giới quý tộc Norman đã đem khái niệm về chế độ phong kiến vào nước Anh, xã hội bắt đầu được phân chia tầng lớp - nông dân, hiệp sĩ, quý tộc, và vua là tối thượng - tầng lớp dưới phải đóng thuế hoặc phục vụ cho tầng lớp trên.

Lịch sử nước Anh Trung đại

Giai đoạn Trung đại kéo dài từ năm 1066-1485, với vấn đề nổi bật được nêu lên là sự giằng co quyền lực giữa hoàng gia với giáo hội và với giới quý tộc. Bất đồng giữa hoàng gia và giáo hội không chỉ xoay quanh việc lựa chọn giám mục và tổng giám mục - nên chọn ai, chọn khi nào, mức độ độc lập của những vị này với nhà vua - mà còn xoay quanh việc tiền mà nhà thờ thu được sẽ phân chia ra sao cho ngân khố hoàng gia.

Còn trong mối quan hệ thứ hai, dù vẻ lý thuyết giới quý tộc sẽ trung thành với triều đình mình phụng sự, nhưng thực tế họ có những lâu đài vững mạnh, tá điền cũng như quân lính riêng. Sau những điều chỉnh, cải cách hiến pháp và luật pháp của các vị vua Norman đầu tiên như Henry I, Henry II, quyền lực của hoàng gia được củng cố những xung đột với giới quý tộc vẫn tồn tại và càng phát triển hơn dưới những triều đại vua kế vị. Xung đột này đạt đến đỉnh điểm trong triều đại của Vua John, với chiến thắng của giới quý tộc tại Rvunnymede năm 1215, buộc vua ký Đại Hiến chương Magn a Carta-văn bản công nhận nhiều quyền chính trị và tự do cá nhân (đặc biệt là cho giới quý tộc) ở Vương quốc Anh, đồng thời làm rõ rằng bất cứ ai, kể cả vua, đều phải tuân theo pháp luật.

Sau khi giành lại ngai vàng từ tay Bá tước vùng Leicester - Simon de Montfort - người đã đánh bại Henry III, Vua Edward I tiếp tục tham vọng mở rộng lãnh thổ. Để có tiền hiện thực hóa các nỗ lực chinh phục của mình, ông triệu tập hội đồng, với sự tham dự của giới quý tộc toàn vương quốc, đến cung điện Westminster bàn cách gay quỹ. Những cuộc họp như vậy tuy có nhiều khác biệt nhưng là tiền đề của Nghị viện hiện đại ngày nay.

Vào thế kỷ 12, Vua Henry II đã bắt Vua William Sư Tử (1165-1214) của Scotland và buộc kí Hiệp ước Falaise, qua đó Scotland trở thành một phần lãnh địa của Anh. Dù Scotland đã “mua” lại sự tự do của mình từ Vua Richard I, nhưng những từ ngữ mơ hồ của bản thỏa thuận cho phép các vua Anh sau đó tiếp tục đòi hỏi quyền lợi. Chẳng hạn như Vua Edward I khi tuyên chiến với Vua Philip nước Pháp đã yêu cầu Scotland cùng tham chiến; tuy nhiên lúc này người Scotland đã liên minh với Vua Philip.

Nếu trong giai đoạn đầu thời kỳ Trung đại, nước Anh tuy trải qua nhiều mâu thuẫn lớn nhưng kinh tế và xã hội vẫn phát triển thì sang đến thế kỷ 14, tình hình trở nên kém tươi sáng vì hàng loạt cuộc chiến tranh và bệnh dịch Tử thần Đen - bệnh dịch hạch - làm thiệt mạng 45% dân số chỉ trong vòng hai năm. Không chỉ vậy, dưới thời Vua Edward III, Cuộc chiến Trăm năm (1337-1453) giữa Anh với Pháp bắt đầu. Cuộc chiến này không những không đem lại lợi ích lâu dài nào mà cuối cùng người Anh còn mất gần như mọi lãnh thổ trên đất Pháp. Và trong khi cuộc chiến với Pháp vẫn chưa kết thúc thì giới quý tộc Anh đã chia thành hai phe - Lancaster và York - tranh chấp với nhau giành ngai vàng trong Cuộc chiến Hoa hồng.

Vương triều Tudor và Stuart

Năm 1485, Henry Tudor đánh bại Richard III để lên ngai vàng, lấy hiệu là Henry VII (1485-1509). Henry VII phe Lancaster đã cưới Elizabeth thuộc phe York để chấm dứt hận thù truyền kiếp, Cuộc chiến Hoa hồng thực sự kết thúc và lịch sử hiện đại của nước Anh bắt đầu - với khai thác hàng hải và thương mại được đẩy mạnh.

Nếu như trước đó Anh đã tạo ảnh hưởng lên xứ Wales nhưng không nhiều thì đến thời đại của mình, các vua Tudor đã quyết liệt hơn trong việc theo đuổi chính sách đồng hóa, Anh hóa luật pháp và thói quen của người xứ Wales. Cuối cùng, dưới triều đại Vua Henry VIII, Đạo luật Hợp nhất (1536) được thông qua, sát nhập Wales với nước Anh, bãi bỏ tất cả các luật của xứ Wales “không phù hợp với luật ở Anh”, trao lại quyền lực vào tay chính quyền London, mặc dù xứ Wales vẫn có đại biểu của mình trong Nghị viện.

Cũng dưới triều đại Vua Henry VIII, năm 1531, Giáo hội Anh tách khỏi Giáo hội La Mã, vua là người đứng đầu giáo hội. Elizabeth I là con gái của Vua Henry VIII, lên ngôi sau các anh chị của mình là Vua Edward VI và Nữ hoàng Mary I (Bloody Mary). Dưới thời của Nữ hoàng Elizabeth I, nước Anh vào năm 1583 đã có thuộc địa đầu tiên của mình - Newfoundland; đây cũng là khởi đầu thời đại hoàng kim của âm nhạc, văn học, kịch nghệ… Tuy vậy, Nữ hoàng Elizabeth I gần như lúc nào cũng phải đối mặt với những âm mưu phế truất và ám sát từ phía những người Cơ Đốc giáo. Khi James VI của Scotland, con trai của Mary, lên kế vị Elizabeth và trở thành James I, vị vua đầu tiên của dòng họ Stuart, triều đại của ông cũng vẫn bị rối loạn vì những tranh chấp tôn giáo.

Nội chiến và cuộc cách mạng vinh quang

Dưới triều đại của James I và con trai ông, Charles I (1625-1649), tầng lớp trung lưu phát triển (chủ yếu là các tín đồ Thanh giáo) đã tìm cách để Nghị viện có quyền lực cao hơn Ngai vàng. Và quả thật quyền lực của Nghị viện đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến tiền bạc, chi tiêu của hoàng gia. Không chỉ phụ thuộc tài chính, cả hai vị vua này đều có bất đồng với Nghị viện về tôn giáo, vấn đề càng lúc càng nghiêm trọng hơn khi Vua Charles I nhất mực tin rằng chúa trời, chứ không phải con người, đã giao phó cho ông quyền lãnh đạo thiêng liêng, từ đó cai trị đất nước mà không quan tâm đến Nghị viện. Những quan điểm và quyết định tôn giáo của Vua Charles I thậm chí còn khiến những người Thanh giáo bất bình và người Scotland nổi dậy.

Quốc hội dần đi đến quyết định loại bỏ nhà vua, đất nước rơi vào nội chiến, và cuối cùng vào năm 1649 Charles I bị đưa lên đoạn đầu đài. Nghị viện từ đây giành được nhiều quyền lực đến nỗi khiến các vua sau đó phải nhượng bộ, thậm chí các chính trị gia quý tộc còn có thể đưa ra quyết định lựa chọn vị vua kế tiếp cho mình - con gái của Vua James II là Mary II và chồng bà, William xứ Orange, Hà Lan. Nước Anh trở lại chế độ quân chủ, nhưng để bảo đảm các quyền tự do và bảo đảm rằng sẽ không có thêm một vị vua nào khác trong tương lai theo Công giáo La Mã, Nghị viện yêu cầu William và Mary phải ký Dự luật về các Quyền (1689). Một số điều khoản trong dự luật này về sau được sử dụng trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Năm 1701, Luật Kế vị được thực thi, quy định chỉ tín đồ Tin Lành mới được kế vị ngôi báu. Điều luật này đến nay vẫn còn hiệu lực.

Bởi vì những thay đổi diễn ra trong hòa bình và thực hiện dưới thẩm quyền của Nghị viện nên việc phế truất Vua James II được biết đến trong lịch sử nước Anh như cuộc cách mạng vinh quang. Ưu thế của Nghị viện được khẳng định, và những vị vua cai trị Anh Quốc vẻ sau đều phải học cách hợp tác với Nghị viện.

Thuộc địa mở rộng

Vương quốc Anh đã mở rộng từ năm 1607 khi Virginia, thuộc địa chính thức đầu tiên của Anh ở châu Mỹ được thành lập. Năm 1620, các tín đồ Thanh giáo từ Anh đến định cư tại Massachusetts và các khu định cư khác được lập ra vào cuối thế kỷ 17. Đến năm 1700, phần lớn các khu định cư này do một viên chức hoàng gia cai quản và gộp lại thành Thuộc địa Đại Tây Dương của Đế chế Anh.

Nhu cầu về hàng hóa trong thế kỷ 17 - lông thú, gạo, tơ lụa, thuốc lá, đường - đã đẩy mạnh hoạt động mở rộng thuộc địa của Anh Quốc vào thế kỷ 17 và 18, cạnh tranh với Pháp và Hà Lan; ngoài hai “đối thủ” này, các hạm đội tàu của Anh Quốc còn phải cạnh tranh với Tây Ban Nha. Qua cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (1701-1714) và chiến thắng trước quân Pháp, Anh Quốc chính thức được thừa nhận là quốc gia có quân đội hàng đầu, chủ yếu bởi tài chỉ huy của John Churchill, Công tước Marlborough.

Trong khi đó, tại “nhà”, để bảo đảm lòng trung thành của người Scotland với nước Anh và ngăn chặn các liên minh có thể có với các nước thù địch, Đạo luật Liên minh của Anh và Scotland được hai quốc hội bỏ phiếu vào năm 1707, qua đó chính thức tạo nên một vương quốc gọi là Great Britain nằm dưới sự cai trị của một hoàng gia với một quốc hội duy nhất đại diện cho cả hai đất nước. Liên minh này được giữ bất chấp những cuộc nổi dậy của phái Jacobite vào năm 1715 và 1745-1746.

Không chỉ vậy, dưới sự trị vì Nữ hoàng Anne (1702-1714), Vương quốc Anh còn bước vào giai đoạn phát triển và thay đổi nhanh chóng ờ nhiều mặt xã hội. Nhiều kênh đào mới được xây dựng, thủy lộ được cải tạo nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa. Các phiên chợ hàng tuần được thay bằng những cửa hiệu đầy ắp hàng hóa mở cửa hàng ngày, cải cách nông nghiệp và tập trung đất canh tác đã làm tăng số lượng nông dân nghèo và lực lượng lao động lưu động-tiền đề cho Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 19.

Sự phát triển của các đô thị công nghiệp như Manchester, Liverpool, Leeds… chỉ trong một thế hệ với cư dân căn bản là thương nhân đã dẫn đến sự thay đổi lớn về mặt xã hội cũng như những đòi hỏi chính trị. Cuộc cách mạng này thật sự đã làm thay đổi Anh Quốc về rất nhiều mặt.

Vương triều Hanover

Nữ hoàng Anne có 17 người con nhưng lại không có ai sống thọ hơn bà, và theo luật Kế vị, ngai vàng sẽ được trao cho hậu duệ của Vua James I - lúc này đang cai trị tại Hanover, nước Đức. Vậy là vào năm 1714, vị hoàng tử 54 tuổi và không biết tiếng Anh của Hanover trở thành George I (1660-1727).

Tuy khởi đầu có phần bất đắc dĩ nhưng ít nhất đến triều đại của mình, Vua George III (1738-1820) đã tỏ ra thật sự quan tâm đến việc dẫn dắt Anh Quốc. Điểm nổi bật nhất của thời kỳ từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, khi các vị vua Hanover cai trị Vương quốc Anh, là những chiến thắng huy hoàng, chiến thắng trong Cuộc chiến Thuộc địa (1756-1763) với người Pháp giúp Anh chiếm toàn bộ lãnh thổ của đối phương ở Bắc Mỹ. Mặc dù những vùng đất này cũng tuột khỏi tay họ sau Cách mạng Mỹ (1775-1783), nhưng chiến thắng trước Hoàng đế Napoleon nước Pháp đã đem lại cho Vương quốc Anh thêm hai mươi thuộc địa. Đến năm 1820, Anh nô dịch một phần tư dân số thế giới, củng cố quyền lực và danh tiếng của mình. Vài năm sau, những người dân Anh định cư tại Australia và sau đó là New Zealand trở thành những nhân tố chủ chốt trong việc khiến cho Đế chế Anh càng mở rộng thêm.

Năm 1800, với Đạo luật Hợp nhất với Ireland, Liên hiệp Vương quốc Anh chính thức ra đời. Dù những người Ireland có đại diện trong Quốc hội nhưng vẫn gây nên những rắc rối trong suốt thế kỷ 19.

Tâm lý không địa chủ, đặc biệt ở hai mươi sáu hạt miền Nam, tình trạng đói nghèo tăng lên cùng sự thù địch với người Anh; bên cạnh đó còn có sự cách biệt ngày càng tăng trong mối quan tâm giữa những hạt này và sáu hạt miền Bắc, thường gọi là ulster, nơi mà từ đầu thế kỷ 17, những người Anh và Scotland Tin Lành đã định cư trên những vùng đất do vương triều tịch thu từ sau cuộc nổi loạn. Trong khi miền Bắc dần phát triển theo hướng Tin Lành và công nghiệp thì phần còn lại của Ireland vẫn là những người Công giáo làm nông.

Những cách biệt này không chỉ gây nên mau thuẫn sau sắc trong nội bộ Ireland mà còn dẫn đến xáo trộn trong cả Liên hiệp Vương quốc Anh: Năm 1922, hai mươi sáu hạt miền Nam rút khỏi Vương quốc Anh và trở thành nước Cộng hòa Ireland.

Thời kỳ Victoria

gọi theo tên của Nữ hoàng Victoria (1837-1901), chính là đỉnh cao của Vương quốc Anh trong việc bành trướng và thống trị thế giới. Những năm 1800 hòa bình và thịnh vượng trái ngược với những năm 1700 đen tối. Anh Quốc không phải chống lại những thế lực thực dân mới nổi lên, cũng không phải lo chống trả các thế lực cũ. Các quốc gia châu Âu khác tuy đang phải đối phó với những vấn đề riêng nhưng họ, cũng như Tân Thế Giới, sẵn sàng mua hết tất cả các sản phẩm vải, len, than, sắt mà Anh Quốc có thể sản xuất ra. Trong vòng 64 năm trị vì của Nữ hoàng Victoria (1837-1901), Đế chế Anh vươn từ Canada đến Australia và New Zealand, từ Singapore, Hong Kong đến Nigeria và Nam Phi, và trên tất cả là viên ngọc quý Ấn Độ.

Năm 1769, thuyền trường James Cook thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã đặt chân đèn New Zealand và tuyên bố nơi này thuộc về nhà vua Anh.

Tuy vậy, buôn bán hải ngoại cũng dẫn tới nhiều vướng mắc quốc tế: năm 1839, Vương quốc Anh khởi sự chiến tranh Thuốc phiện với Trung Quốc; năm 1854 là chiến tranh Crime chống lại người Nga; Anh Quốc chiếm kênh đào Suez ở Ai Cập năm 1882 để bảo vệ tuyến hàng hải với Ấn Độ; chiến tranh Boer (1899-1902) tiến hành ở Nam Phi giữa lúc tranh chấp với các cường quốc Âu châu khác về thuộc địa Phi châu đang gia tăng (sau cuộc chiến này, thuộc địa của Anh Quốc ở châu Phi mở rộng đáng kể)…

Cách mạng Công nghiệp bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 18 cung cấp nền tảng kinh tế cho việc mở rộng thuộc địa cũng như phát triển quân sự của Vương quốc Anh trong những năm 1800. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của hệ thống nhà máy và của sự đô thị hóa cũng đem lại những vấn đề xã hội mới. Việc quy hoạch những vùng đất chăn thả ở cao nguyên Scotland và công nghiệp hóa miền Nam xứ Wales đi cùng với những chuyển dịch dân cư rộng lớn và dẫn đến những chuyến di cư quy mô lớn đến Mỹ, Canada và Australia.

Lịch sử Vương quốc Anh thời hiện đại

Đầu thế kỷ 20

Khi Edward VII (1841-1910) kế vị Nữ hoàng Victoria, hoàng gia không còn có quyền lựa chọn các bộ trưởng hay quyết định các chính sách; trách nhiệm, quyền dẫn dắt và điều hành đất nước được chuyển sang cho thủ tướng. Không còn nhiều thực quyền nhưng Vua Edward VII vẫn còn uy tín, ông cùng với chính phủ đã tạo cho người dân một cuộc sống hạnh phúc. Năm 1931, Đạo luật Westminster cấp tình trạng bình đẳng cho các lãnh địa tự quản của Vương quốc Anh, tạo ra khái niệm về Khối Thịnh vượng chung.

Rắc rối lớn nhất của đất nước khi này đến từ ngoài biên giới. Bốn năm sau khi Vua George V lên ngôi, Anh Quốc tham gia vào Thế chiến I. Lần đầu tiên những người nói tiếng Anh cùng sát cánh chiến đấu với nhau, nhưng sau cuộc chiến, dù chiến thắng nhưng nước Anh đã phải trả giá bằng hơn một triệu mạng người, thiệt hại vật chất cũng đưa đến những rối loạn nghiêm trọng. Những bất ổn trong ngành công nghiệp than đã dẫn đến cuộc tổng đình công năm 1926, công nhân thuộc mọi ngành nghề bãi công suốt một tuần lễ. Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến Vương quốc Anh trong những năm 1930, những trung tâm công nghiệp ở miền Nam xứ Wales và miền Bắc nước Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước những thiệt hại to lớn mà Thế chiến I gây ra, chính phủ của Thủ tướng Neville chamberlain đã tìm cách tránh tham chiến nhưng sau khi Hitler xâm lược Ba Lan, Vương quốc Anh quyết định tuyên chiến với Đức vào ngày 3 tháng 9 năm 1939. Thủ tướng Winston Churchill dẫn dắt Vương quốc Anh trong suốt Thế chiến II, huy động toàn dân tham gia vào các dịch vụ vũ trang, quốc phòng và sản xuất phục vụ chiến tranh.

Một lần nữa, tuy chiến thắng nhưng Vương quốc Anh cũng phải chịu nhiều tổn thất, con số thương vong cả quân sự và dân sự vượt quá 900.000 người. Khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Công Đảng được bầu ra, cam kết thực hiện một chương trình phúc lợi xã hội đầy đủ “từ chiếc nôi đến ngôi mộ”, cùng với việc quốc hữu hóa công nghiệp. Dịch vụ y tế được xã hội hóa, các dịch vụ xã hội khác được mở rộng, nhiều ngành công nghiệp được đặt dưới sự sở hữu công cộng. Tuy nhiên, việc quốc hữu hóa đã dừng lại khi Đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền năm 1951.

Trong hình là Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Winston Churchill, người đứng bên trái là tướng George c. Marshall, Sự lãnh đạo táo bạo cùng tài hùng biện tuyệt vời khiến Thủ tướng Churchill trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm Anh Quốc.

Vương quốc Anh thời hậu Thế chiến

Các cuộc Thế chiến gây ra một tác động sâu rộng đó là thúc đẩy sự kết thúc của Đế chế Anh. Ấn Độ giành được độc lập năm 1947, các thuộc địa khác lần lượt trong hai thập kỷ tiếp theo.

Tuy vậy, mọi chuyện tại Vương quốc Anh không hoàn toàn u ám. Chẳng hạn như năm 1951, Liên hoan Vương quốc Anh được tổ chức tại Cung Lễ hội Hoàng gia mới xây dựng bên bờ Nam London. Hai năm sau, Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang tại Tu viện Westminster; kỷ nguyên truyền hình Anh bắt đầu vào đúng ngày hôm đó, với hàng triệu người dán mắt vào những chiếc tivi bé xíu theo dõi lễ đăng quang. Những chính sách phát triển trở thành con bài đua tranh giữa Công Đảng và Đảng Bảo thủ. Tới thập niên 1950, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm và mức sống trung bình tăng lên. Harold Macmillian, vị thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ đã tuyên bố trong bài diễn văn nổi tiếng rằng người dân “chưa bao giờ sung sướng như vậy”.

Cải tổ kinh tế triệt để được chính phủ của nữ thủ tướng đầu tiên - Margaret Thacher - tiến hành với mục tiêu hạn chế vai trò của nhà nước để kinh tế thị trường có thể phát triển. Thủ tướng Thatcher cũng là nhà lãnh đạo thành công trong cuộc chiến Falklands với Argentina năm 1982, và phát triển mối quan hệ thân hữu lâu dài với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Thatcher trao lại quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ và lãnh đạo chính phủ cho John Major năm 1990.

Vương quốc Anh như chúng ta đang thấy

Mười tám năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ kết thúc vào năm 1997 khi Tony Blair và Công Đảng giành thắng lợi. Trong khoảng thời gian đầu của nhiệm kỳ, chính phủ của Thủ tướng Tony Blair đã có những quyết định đối nội, đối ngoại quan trọng, chẳng hạn như trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc (1997), khởi động đàm phán và lập lại hòa bình tại Bắc Ireland (1997-1998), cải cách Hiến pháp, trao quyền tự trị có giới hạn cho Scotland và Wales vào năm 1999…

Tuy vậy, chính phủ của Thủ tướng Tony Blair cũng nhanh chóng làm nhiều người thất vọng vì những chính sách kinh tế và chính trị của mình, đặc biệt là quyết định tham gia vào các cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq. Hậu quả của những quyết định này là uy tín của Công Đảng giảm sút nghiêm trọng. Và tồi tệ hơn, Vương quốc Anh trở thành mục tiêu khủng bố. Năm 2005, nước Anh bị tấn công bằng bom tại nhà ga xe điện ngầm và xe buýt, làm 52 người thiệt mạng và hơn 700 người khác bị thương.

Vương quốc Anh gặp phải nhiều vấn đề cần giải quyết, và Thủ tướng David Cameron của Đảng Bảo thủ đang lãnh đạo chính phủ của mình thực thi việc đó!

Cựu Thủ tướng Margaret Thatcher
Cựu Thủ tướng Margaret Thatcher (1925-2013) là một trong những nhà lãnh đạo Anh Quốc sôi nổi và ưa tranh luận nhất. Bà chiến thắng trong ba cuộc bẩu cử liên tục, và khoảng thời gian tại chức của bà (1979-1990) được gọi là Kỷ nguyên Thatcher. Trong kỷ nguyên này, phần lớn các ngành do nhà nước quản lý được tư nhân hóa. Đối với nhiều người, đây là thời kỳ của sự thịnh vượng với nhiều công trình được cải tạo và xây mới cao cấp hơn; nhưng với những người khác, nhất là ở miền Bắc, nơi các nhà máy luyện cán thép, xưởng đóng tàu và mỏ than bị đóng cửa, thập niên 80 của thế kỷ 20 là tai họa.

Ngày nay, tuy không phải là một quốc gia rộng lớn, nhưng một nhà sử học đã nói: “Nếu bạn không biết gì về lịch sử Vương quốc Anh thì bạn không thể hiểu gì về lịch sử thế giới trung đại.”

(nguồn: vuongquocanh)

Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/lich-su-anh-a52971.html