Biến đổi khí hậu với những hậu quả về thiên tai và các sự kiện khí hậu cực đoan như bão nhiều hơn, sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng... là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống con người trong thế kỷ 21.
Nhiệt độ trung bình tăng lên có thể làm tăng số ca sốc nhiệt, đột quị và tỷ lệ tử vong. Nhiệt độ tăng lên còn có thể làm tăng ô nhiễm không khí và nguồn nước từ đó có hại cho sức khỏe (bệnh tim mạch, hô hấp). Sự gia tăng các sự kiện khí hậu cực đoan như bão, lũ lụt, gió lớn có thể ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe con người như tai nạn thương tích, chấn thương tâm lý, các bệnh do vật trung gian truyền bệnh… Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, và các sự kiện khí hậu cực đoan có thể tăng cường sự lây lan của một số bệnh lây truyền qua nước (dịch bệnh đường tiêu hoá như tả), qua thực phẩm và suy dinh dưỡng.
Các tác động sức khỏe có liên quan trực tiếp tới các điều kiện thời tiết, khí hậu:
* Các điều kiện nhiệt độ cực đoan
Khi phơi nhiễm với sóng nhiệt, con người đối mặt với các nguy cơ sức khỏe như chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt (heat stroke) và tử vong. Việc kiệt sức do nhiệt là dạng nguy cơ sức khỏe hay gặp nhất do phải phơi nhiễm với nhiệt độ ngoài trời cao trong khoảng thời gian dài. Nếu như không để ý và không được điều trị kịp thời, tình trạng kiệt sức do nhiệt có thể chuyển thành dạng sốc nhiệt là dạng nghiêm trọng hơn và thường có các triệu chứng như mê sảng, co giật, hôn mê và tử vong. Sốc nhiệt có tỉ lệ tử vong khá cao. Các ca sốc nhiệt không gây tử vong cũng có thể để lại hậu quả ốm yếu kéo dài.
Ngoài sốc nhiệt, sóng nhiệt cũng ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Căng thẳng do nhiệt khi làm việc dưới nhiệt độ và độ ẩm cao là một nguy cơ nghề nghiệp có thể dẫn tới tử vong hoặc các vấn đề mạn tính do hậu ảnh hưởng của say nắng. Cả công nhân làm việc trong nhà và ngoài trời đều có nguy cơ bị say nắng. Kể cả những người đã thích nghi với môi trường ở khu vực nhiệt đới vẫn có nguy cơ bị say nắng. Làm việc trong các môi trường nóng bức dẫn tới nguy cơ giảm khả năng thực hiện các công việc chân tay, suy giảm khả năng làm việc trí óc, tăng nguy cơ bị tai nạn lao động, và nếu phải làm việc kéo dài trong môi trường nóng bức có thể dẫn tới suy kiệt sức khỏe do nhiệt hoặc bị say nắng.
Bên cạnh các đợt sóng nhiệt, còn phải kể đến các đợt không khí lạnh khắc nghiệt . Các đợt lạnh khắc nghiệt này thường gây ảnh hưởng tới những người nghèo, đặc biệt là những người vô gia cư, công nhân, người già… Các đợt lạnh này có thể gây ra các nguy cơ cấp tính như cước chân tay hoặc giảm thân nhiệt, hoặc một số bệnh mạn tính liên quan đến đường hô hấp và một số bệnh khác.
* Các điều kiện thời tiết cực đoan
Tại Việt Nam, dạng thiên tai phổ biến nhất là bão và lũ lụt. Thiệt hại về người do các cơn bão và lũ lụt rất lớn (182 người chết và mất tích do bão, lũ lụt tính từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2023) , chưa kể đến thiệt hại về kinh tế lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng. Mùa mưa bão ở Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Các cơn bão khi đổ bộ vào đất liền, tùy theo cường độ của bão và thời gian hoành hành của bão, thường để lại nhiều hậu quả khá nặng nề. Các tỉnh ven biển thường chịu thiệt hại nhiều hơn các tỉnh khác.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/doi-song-suc-khoe-con-nguoi-a52371.html