Tương lai của Khối Thịnh vượng chung sau khi Nữ hoàng Elizabeth qua đời

Kế nhiệm Nữ hoàng Elizabeth II, con trai cả của bà là Thái tử Charles trở thành người kế vị và được chính thức tuyên bố là vua của Vương quốc Anh vào ngày 10.9 với vương hiệu Charles III.

Tương lai của Khối Thịnh vượng chung sau khi Nữ hoàng Elizabeth qua đời

Vua Charles III phát biểu trong lễ ông được tuyên bố là vua mới của Vương quốc Anh ngày 10.9

REuters

Ông Charles không chỉ là vua của Vương quốc Anh mà còn là người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung, một tổ chức tự nguyện gồm 56 quốc gia, với phần lớn là thuộc địa cũ của Anh, theo Đài DW. Trong đó có 14 quốc gia hiện còn xem vua của Vương quốc Anh là nguyên thủ quốc gia và được gọi là các vương quốc Thịnh vượng chung.

Đây là lập trường đã được nêu rõ trong hiến pháp và luật của một số quốc gia trong các vương quốc Thịnh vượng chung, theo báo The Indian Express. Những vương quốc Thịnh vượng chung gồm có Úc, Canada, New Zealand, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tuvalu, Antigua và Barbuda, Jamaica, Saint Vincent và Grenadines, Bahamas, Belize, Grenada, Saint Kitts và Nevis, và Saint Lucia.

Vì sao ông Biden không được ngồi hàng đầu trong tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth?

Tuy nhiên, trong các vương quốc Thịnh vượng chung, một số nước đang và có thể có động thái để thay đổi. Quốc gia mới nhất không còn là vương quốc Thịnh vượng chung là Barbados. Quốc gia vùng Caribe này trở thành nước cộng hòa vào tháng 11.2021, theo trang i News. Vào thời điểm Barbados trở thành nền cộng hòa, giới chuyên gia nhận định quyết định của Barbados có thể gây “hiệu ứng domino” lên các nước cựu thuộc địa khác của Anh đi theo mô hình cộng hòa tương tự.

“Bước hoàn thành chu trình độc lập”

Trong số các vương quốc Thịnh vượng chung, 3 quốc gia Caribe được cho là đang có sự thay đổi, gồm Antigua và Barbuda, Jamaica, và Saint Vincent và Grenadines, theo tờ The Guardian.

Thủ tướng Gaston Browne của Antigua và Barbuda ngày 17.9 tuyên bố kế hoạch của một cuộc trưng cầu dân ý “không phải là một hành động thù địch, nhưng đó là bước cuối cùng để hoàn thành chu trình độc lập, để đảm bảo chúng ta thực sự là một quốc gia có chủ quyền”. Tuy cam kết của ông Brown đưa Antigua và Barbuda trở thành một nước cộng hòa là bước ngoặt quan trọng, nhưng bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần đạt được tỷ lệ đồng ý tới 2/3 trong cuộc trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, việc loại bỏ chế độ quân chủ ở Jamaica dường như đơn giản hơn, chỉ cần đạt tỷ lệ đồng ý chiếm đa số. Thủ tướng Jamaica Andrew Holness hồi tháng 12.2021 tuyên bố Jamaica phải trở thành một nước cộng hòa và đến tháng 3.2022, ông nói với vợ chồng hoàng tử Anh khi đó William và Kate rằng Jamaica dự định là “một đất nước độc lập, phát triển, thịnh vượng”.

Còn ở Saint Vincent và Grenadines, Thủ tướng Ralph Gonsalves trong tháng 7 đã đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng nói rằng việc đó chỉ có thể diễn ra với sự ủng hộ của cả phe đối lập. Nhà nghiên cứu Grace Carrington thuộc Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Đại học UCL (Anh) cho rằng yêu cầu đạt tỷ lệ 2/3 số phiếu trong bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý ở nước này là một rào cản lớn.

Tương lai của Khối Thịnh vượng chung sau khi Nữ hoàng Elizabeth qua đời

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng con trai Hadrien dự lễ tuyên bố vua Charles III là người kế vị ngai vàng tại Ottawa ngày 10.9

Reuters

Yếu tố từ chính trị gia

Một số nước Caribe khác cũng đã có phong trào đòi trở thành nước cộng hòa và đã nhận được sự ủng hộ của những chính trị gia kỳ cựu, nhưng không có tiến triển trong thời gian gần đây, theo The Guardian.

Đó là các nước Bahamas, Belize, Grenada, Saint Kitts và Nevis, và Saint Lucia. Một lần nữa, ngưỡng về tỷ lệ phiếu bầu cần đạt được để tạo ra sự thay đổi lại đóng vai trò quyết định ở những nước này. Ngoài ra, vai trò của các chính trị gia là một yếu tố có thể tác động tới cuộc trưng cầu dân ý về việc chuyển sang nước cộng hòa hay không. Ông Arley Gill, Chủ tịch Ủy ban Bồi thường quốc gia Grenada, hồi tháng 6 cho rằng nếu phe đối lập thấy có cơ hội để lật ngược thế cờ từ việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này thì chính phủ sẽ lưỡng lự.

Có gì đặc biệt về Vương tử William, người tiếp theo trong danh sách kế vị ngai vàng nước Anh?

Hai quốc gia mới gia nhập Khối Thịnh vượng chung

Vào tháng 6.2022, hai quốc gia Gabon và Togo lần lượt trở thành thành viên thứ 55 và 56 của Khối Thịnh vượng chung, theo thông báo được đăng trên trang web của tổ chức này.

Khối Thịnh vượng chung bắt đầu có 8 nước vào năm 1949 và hiện nay có tổng cộng 56 quốc gia, trải dài từ châu Phi (21 nước), đến châu Á (8 nước), châu Mỹ và vùng Caribe (13 nước), châu Âu (3 nước) và Nam Thái Bình Dương (11 nước), theo trang Princeofwales.gov.uk. Khối Thịnh vượng chung có tổng cộng hơn 2,5 tỉ người, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới. Ngoài 15 vương quốc Thịnh vượng chung, trong số 41 quốc gia còn lại của Khối Thịnh vượng chung có 36 nước cộng hòa và 5 quốc gia còn lại có vua riêng gồm Brunei, Lesotho, Malaysia, Eswatini và Tonga, theo Đài DW.

Trong khi đó, các vương quốc Thịnh vượng chung không có sự thay đổi trong lúc này là Úc, Canada, New Zealand, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tuvalu, theo The Guardian. Gần đây, các nhà lãnh đạo ở Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tuvalu đều lặp lại sự ủng hộ của họ đối với chế độ quân chủ. Trong khi đó, chủ nghĩa cộng hòa hiện phổ biến ở Úc, Canada và New Zealand, nhưng không phủ bóng các chương trình nghị sự chính trị, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay. Ở Úc, Thủ tướng Anthony Albanese ngày 11.9 tuyên bố bây giờ không phải là lúc để bàn về việc nước này trở thành một nước cộng hòa. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thì cho hay bà mong New Zealand trở thành nước cộng hòa trong cuộc đời của mình, nhưng cho rằng người dân chưa có cảm giác mong muốn việc này.

Còn ở Canada, đa số có xu hướng ủng hộ việc một nguyên thủ quốc gia được bổ nhiệm, nhưng Thủ tướng Justin Trudeau hồi năm ngoái nói rằng đó không phải là vấn đề ưu tiên.

Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/khoi-thinh-vuong-chung-a51495.html