Tây Tạng là một cao nguyên nằm tại khu vực Châu Á với độ cao lớn nhất thế giới, Tây Tạng nằm ở phía Đông Bắc của dãy Himalaya hùng vĩ. Tây Tạng không phải là một quốc gia riêng biệt, cũng không nằm trên địa phận lãnh thổ Mông Cổ hay Nepal mà Tây Tạng hiện nay được chia làm nhiều khu vực, trong đó có khu vực tự trị và các khu vực khác thuộc các tỉnh của Trung Quốc.
Tây Tạng gây ấn tượng với rất nhiều khách du lịch từ các quốc gia trên thế giới bời đây là khu vực cao nguyên có độ cao lớn nhất trên Trái Đất, với độ cao trung bình là 4.900 mét (16.000 ft). Độ cao cao nhất ở Tây Tạng là Núi Everest nổi tiếng - ngọn núi cao nhất Trái Đất với độ cao 8.848 m (29.029 ft) so với mực nước biển.
Tây Tạng là vùng đất có văn hóa cực kỳ đa dạng. Nơi đây là quê hương của người Tạng cũng như một số dân tộc khác như Môn Ba, Khương, và Lạc Ba, hiện nay còn có một số lượng người Hán và người Hồi đến đây sinh sống.
Đế quốc Tây Tạng nổi lên vào thế kỷ thứ 7, nhưng với sự sụp đổ của đế chế, khu vực này sớm chia thành nhiều vùng lãnh thổ. Sau Trận Chamdo, Tây Tạng được sáp nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chính phủ Tây Tạng trước đó đã bị bãi bỏ vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy thất bại. Ngày nay, Trung Quốc cai quản miền Tây và miền Trung Tây Tạng là Khu tự trị Tây Tạng. Các khu vực phía Đông hiện nay chủ yếu là các quận tự trị dân tộc ở Tứ Xuyên, Thanh Hải và các tỉnh lân cận khác.
Thuật ngữ "Khu vực Tây Tạng" bao gồm toàn bộ cao nguyên Tây Tạng nơi nguồn gốc của người Tây Tạng ở đây. Tây Tạng bao gồm tất cả các quận của Khu tự trị Tây Tạng, 95% diện tích đất của tỉnh Thanh Hải, Tây Nam Cam Túc, phía bắc Tứ Xuyên, phía tây Tứ Xuyên và phía tây bắc Vân Nam. Theo truyền thống, Tây Tạng được chia thành các khu vực cụ thể như U, Tsang, Kham và Amdo.
Khu tự trị Tây Tạng được coi là đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc. Tây Tạng là đơn vị hành chính đông thứ ba mươi hai về số dân, xếp hạng cuối về kinh tế Trung Quốc với 3 triệu dân ( số liệu năm 2018). Khu tự trị Tây Tạng bao trùm phân nửa Tây Tạng. Khác với các khu tự trị khác ở Trung Quốc nơi mà sắc tộc đa số vẫn là người Hán, còn Khu tự trị Tây Tạng đa số là người Tạng.
Phía tây Tây Tạng là trung tâm đáng chú ý nhất là quận Ngari. Đây là một quận có độ cao trung bình 4500m. Với diện tích 450.537 km2 chỉ có khoảng 77.300 người Tây Tạng. Tham quan ở Ngari mang đến cho bạn trải nghiệm thực sự thiêng liêng, bạn có thể đi theo con đường hành hương cổ điển quanh núi Kailash và Manasarovar, chứng kiến nền văn minh Tây Tạng cổ đại đã trở thành dĩ vãng.
Miền nam Tây Tạng bao gồm quận Shigatse và Shannan. Thành phố Shigatse là thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng. Shigatse là nơi có đỉnh Everest (8844,43m) và 7 ngọn núi cao vút khác trên dãy Himalaya. Shannan được cho là cái nôi của nền văn minh Tây Tạng, hồ Yamdrok màu ngọc lam, tu viện Samye - tu viện Tây Tạng đầu tiên có thể được nhìn thấy ở đây.
Phía đông Tây Tạng là vùng đất màu mỡ nhất ở Tây Tạng. Độ cao thấp (khoảng 3000m ở Nyingchi) và khí hậu dễ chịu giống như Thụy Sĩ. Với Thung lũng hoa đào, sông băng Midui, núi Namcha Barwa, hồ Basumtso... Nyingchi khá phổ biến với khách du lịch châu Á.
Phía bắc Tây Tạng có thảo nguyên vô biên và là nhà cung cấp tốt nhất các sản phẩm nông nghiệp tại đây. Trên đường đến thăm Namtso, khách du lịch có thể nhìn thoáng qua những người du mục Tây Tạng và cảnh nông nghiệp truyền thống trên đồng cỏ.
Lhasa là thủ phủ của Tây Tạng, nơi từng là trung tâm quyền lực chính trị và tôn giáo của đất Tạng trước khi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1950 và cả đất nước Tây Tạng xưa - “Vùng đất tự trị Tây Tạng” ngày nay. Lhasa từng là thủ đô của một đất nước có diện tích 1.228.000 km². Thủ phủ Lhasa có độ cao 3.650m. Để so sánh, ta có thể liên tưởng đến ngọn núi Fansipan trong dãy Hoàng Liên Sơn ở Việt Nam được mệnh danh là “Nóc Nhà Đông Dương” cao 3.143 m.
Vào năm 1980, khách du lịch được cho phép đến Tây Tạng lần đầu tiên, mở ra một thiên đường du lịch với nhiều điều bí ẩn thu hút đông đảo du khách trên toàn thế giới. Địa điểm du lịch chính là Cung Potala tại Lhasa, ngoài ra còn có nhiều địa điểm du lịch khác như chùa Đại Chiêu, Hồ Namtso và tu viện Tashilhumpo.
Tây Tạng là vùng đất tách biệt với thế giới bên ngoài của Trung Quốc được coi là bí ẩn nhất khu vực Trung Á. Tây Tạng được biết đến trên toàn cầu với tên gọi là Mái nhà của Thế giới bởi độ cao hùng vĩ, đến Tây Tạng khách du lịch sẽ cảm nhận được nơi đây quả thực là vùng đất độc đáo và đáng kinh ngạc.
Sự xa xôi và cô lập của khu vực đã khiến Tây Tạng phần nào trở thành một vùng đất bí ẩn trong mắt du khách khắp Thế Giới. Con đường đến Tây Tạng du lịch và di chuyển tại đây không dễ dàng, với độ cao và khoảng cách xa xôi. Thế nhưng ngày nay càng ngày càng nhiều du khách mong muốn đến Tây Tạng bởi những chuyến đi truyền cảm hứng và hình ảnh đẹp như tranh vẽ của Tây Tạng trên khắp các diễn đàn du lịch. Những ai đã đặt chân đến vùng đất này đều cho rằng đây thực sự là một chuyến đi đáng giá ngàn vàng với những tín đồ yêu khám phá thế giới.
Tây Tạng nổi tiếng với phong cảnh mê hoặc và văn hóa phong phú. Nơi đây được gọi là Tầng thượng của Thế giới hay cực thứ ba bởi ảnh hưởng về địa lý và môi trường đối với khí hậu Trái đất.
Tây Tạng là quê hương của dãy Hy Mã Lạp Sơn - Himalaya - dãy núi cao nhất thế giới, bao gồm cả đỉnh Everest tráng lệ. Bên cạnh những ngọn núi cao chót vót, Tây Tạng được biết đến với những hồ nước lộng lẫy và cảnh quan độc đáo như: hồ Namtso lấp lánh, linh thiêng và hẻm núi Yarlung Tsangpo - hẻm núi sâu nhất thế giới
Nằm ở độ cao ấn tượng và được coi là nóc nhà của Thế Giới, Tây Tạng với địa hình độc đáo, trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử vẫn không bị tác động bởi sự ô nhiễm như các khu vực “văn minh” khác tại Trung Quốc hay toàn thế giới. Không khí ở Tây Tạng sạch sẽ và tinh khiết, khiến nơi đây trở thành địa điểm “đi trốn” hoàn hảo khỏi cuộc sống đô thị và cũng là môi trường lý tưởng cho các hoạt động vui chơi, khám phá ngoài trời.
Sự kết hợp có một không hai của Tây Tạng với phong cảnh độc đáo, di sản phong phú và thiên nhiên ngoạn mục không thể sánh bằng bất cứ nơi nào khác trên hành tinh của chúng ta. Vẻ đẹp huyền diệu của Tây Tạng là thứ bạn sẽ phải tự mình trải nghiệm mới thấy được hết những điều mà “giấy mực”, “ngôn từ” khó có thể diễn đạt hoàn hảo được.
Không chỉ gây ấn tượng bởi nét đẹp thiên nhiên mà Tây Tạng còn là vùng đất tâm linh mà những tín đồ Phật Giáo ai cũng muốn đặt chân đến một lần. Tây Tạng có một nền văn hóa cổ xưa phong phú và lịch sử lâu đời với những ảnh hưởng đa dạng từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal. Tất cả các khía cạnh của văn hóa của Tây Tạng từ kiến trúc, thực phẩm, đến phương ngữ địa phương là duy nhất cho khu vực. Tất cả mọi thứ ở Tây Tạng đều phản ánh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo trong cuộc sống của người dân địa phương.
Tây Tạng từng là nơi sinh sống của các đời Đạt Lai Lạt Ma, cũng là nơi vô cùng linh thiêng, huyền bí không chỉ đối với người dân Tây Tạng mà đối với bất cứ tín đồ Phật Giáo mong muốn được đến 1 lần trong đời.
Tây Tạng với rất nhiều tu viện đẹp với lối kiến trúc đặc trưng chứng minh tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo trong cuộc sống của người dân Tây Tạng. Từ Cung điện Potala nổi tiếng, đến Tu viện Tashilhunpo ở Shigatse, đến Đền Jokhang trên Phố Barkhor nhộn nhịp của Lhasa bạn sẽ thấy được lý do tại sao Tây Tạng lại là lãnh địa của Phật Pháp. Du lịch đến Tây Tạng chắc chắn là một trải nghiệm tâm linh ấn tượng mà chỉ nơi đây mới đem lại cảm giác bình yên và thư thái hiếm có trên toàn thế giới.
Do tôn giáo và truyền thống Tây Tạng, người dân Tây Tạng được biết đến là người thân thiện, khiêm tốn và hào phóng. Người dân Tây Tạng thường chào đón du khách vào nhà và mời họ thức ăn. Khi đi lang thang trên khắp vùng đất này, bạn sẽ dễ dàng nói chuyện và kết bạn với người dân địa phương và tìm hiểu thêm về nền văn hóa, phong tục tập quán của họ đấy nhé!
Độ cao của cao nguyên Tây Tạng rộng lớn đã giữ cho nơi đây không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của xã hội hiện đại. Do khó tiếp cận được, Tây Tạng vẫn còn là một bí ẩn đối với thế giới xung quanh.
Ở độ cao khoảng 4.500 mét so với mực nước biển, độ cao của Tây Tạng có thể chứng minh cho bạn thấy rằng đây chắc chắn là thách thức đối với cả những du khách gan dạ nhất. Khi bạn khám phá khu vực cao nhất trên hành tinh và trèo lên những ngọn núi rực rỡ của dãy Himalaya, đỉnh Everest bạn sẽ thấy rằng đây là vùng đất giúp bạn thấy được giới hạn của bản thân và đánh dấu một chuyến đi với những “tầm cao” mới theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nhé!
Đường xá đi lại ở Tây Tạng khá phức tạp, địa hình hiểm trở bởi những dãy núi, ngọn đồi, những thảo nguyên hoang sơ và không khí loãng thế nhưng đây lại là điểm đến lý tưởng của rất nhiều du khách yêu thích khám phá. Mỗi năm, có hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ tới Tây Tạng trong đó có du khách Việt đến để tham quan, tìm hiểu và khám phá những bí ẩn của cùng đất cao nhất trên thế giới này.
Tây Tạng thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên hàng đầu thế giới và văn hóa tôn giáo lâu đời của vùng đất ấn chứa nhiều bí mật này. Dưới đây là 10 địa điểm đẹp nhất không thể bỏ qua của chuyến đi Tây Tạng.
Mảnh đất đầy huyền bí, được mệnh danh là nóc nhà thế giới, xứ sở của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Đến nơi đây, chúng tôi được mục sở thị Potala- cung điện cao nhất thế giới. Cung điện Potala với độ cao khoảng 3.700m so với mực nước biển tại Tây Tạng.
Ở độ cao trung bình gần 4000 m so với mực nước biển, không khí loãng và thiếu oxy trầm trọng đã khiến không ít du khách bị choáng, ngất. Rất nhiều du khách đến đây phải chia nhau thuốc uống để chống lại cảm giác khó thở. Người có biểu hiện nặng thì được tiêm thuốc thẳng vào tĩnh mạch và truyền nước. Dẫu vậy, hầu hết khách du lịch vẫn lên đủ 300 bậc thềm để chiêm bái Potala vì biết rằng sẽ khó có cơ hội thứ hai tới nơi này.
Dòng người đổ về thánh địa Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng đều có một đích đến là Potala. Hình ảnh quen thuộc gặp trên đường đến đây là bóng áo nâu đỏ của các vị tu sĩ là những người đàn ông, đàn bà Tạng với khuôn mặt đen đủi, khắc khổ, mải miết quay bánh xe mani, lần tràng hạt và lầm rầm đọc kinh.
Lòng mộ đạo khiến người Tạng có thể “tam bộ nhất bái”- ba bước vái lạy một lần - hay “nhất bộ nhất bái”- một bước vái lạy một lần. Cách vái lạy của người Tạng là “ngũ thể nhập địa”- họ chắp tay quá khỏi đầu, hạ xuống trán, cằm, ngực vái lạy rồi phủ phục toàn thân xuống mặt đất thành kính. Họ cứ bộ hành như thế không biết bao tháng ngày trôi đi, qua bao núi cao đèo sâu để về đến thánh địa Lhasa bái Phật.
Cung điện nổi tiếng Potala nguy nga tựa lưng vào một dãy núi, tọa lạc ngay giữa thủ phủ Lhasa ở độ cao 3.700 mét so với mực nước biển. Đây là cung điện cao nhất thế giới với Bạch Cung và Hồng Cung, Potala cao tới 117m gồm 13 tầng lầu cùng 1.000 phòng ốc, hơn 10.000 bàn thờ các chư Phật, 20.000 tượng tạc khắc đủ kiểu dạng… Kỳ quan tôn giáo này được công nhận là di sản thế giới năm 1994.
Ở phía tây xa xôi của Tây Tạng là ngọn núi linh thiêng được gọi là núi Kailash. Ngọn núi này như một kim tự tháp Ai Cập khổng lồ giữa khung cảnh cằn cỗi của cao nguyên Tây Tạng, ngọn núi linh thiêng Kailash là điểm đến hành hương quan trọng của hàng ngàn du khách mỗi năm. Với người dân địa phương nơi đây được biết đến là Kang Rinpoche, ngọn núi là nơi linh thiêng đối với các tín đồ của bốn tôn giáo riêng biệt - Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jain và Bon. Xung quanh ngọn núi linh thiêng này là năm ngôi chùa Phật giáo với những truyền thuyết và huyền bí qua hàng thế kỉ.
Nằm gần Mt. Kailash là hồ Manasarovar thanh bình, là một địa điểm quan trọng khác cho những người hành hương muốn tẩy sạch tội lỗi trong quá khứ của họ bằng cách ngâm mình trong vùng nước tự nhiên của hồ.
Được coi là một trong những ngọn núi đẹp nhất ở Trung Quốc, Kailash là một ngọn núi thần thánh, với bốn mặt gần như đối xứng, đỉnh núi phủ tuyết trắng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Bị ràng buộc bởi đức tính tôn giáo và đạo đức tinh thần của một số tôn giáo, Kailash Manasarovar Yatra được cho là một trong những hành trình hành hương thiêng liêng nhất , đưa khách hành hương đến địa điểm tôn kính của Mt. Kailash và Hồ Manasarovar ở Tây Tạng. Mỗi năm, hàng ngàn người hành hương quyết định thực hiện một hành trình hướng đến những vùng đất tận hiến, với sự nhiệt tình hơn bao giờ hết cho đức tin lập dị của niềm tin và hy vọng rằng họ có thể từ bỏ những việc làm trong quá khứ và tẩy sạch tội lỗi.
Đỉnh của ngọn núi hầu như luôn bị bao phủ trong những đám mây và người dân địa phương tin rằng bất cứ ai được ngắm nhìn đỉnh núi rõ ràng sẽ rất may mắn. Núi Kailash là một địa điểm hấp dẫn cho những người hành hương trong nhiều thế kỷ. Nhiều nhà thám hiểm đã đi đến khu vực để điều tra địa điểm linh thiêng này. Tuy nhiên, cho đến nay, không ai từng đạt đến đỉnh cao, chủ yếu là do ý nghĩa tôn giáo sùng đạo của ngọn núi.
Hồ Yamdrok (Yamdrok Yumtso) là một trong ba hồ thánh ở Tây Tạng . Nằm ở quận Nagarzê, tỉnh Shannan, hồ Yamdrok cách Lhasa khoảng 70 km. Hồ Yamdrok còn được gọi là hồ San hô hay hồ Thiên Nga. nằm ở độ cao 4.441m, Yamdrok được coi là một trong bốn hồ nước thiêng nhất tại Tây Tạng. 3 hồ khác là Lhamo Latso, Namtso và Manasarovar. Hồ Yamdrok có chiều dài 72 km. Quanh hồ có những dãy núi vây quanh, nước của hồ là từ nhiều con suối nhỏ từ các dãy núi đổ vào, màu nước hồ màu lục diệp, xanh thẳm rất ấn tượng.
Vào mùa đông, hồ Yamdrok đóng băng, các dãy núi cũng phủ một màu trắng xóa. Bên kia hồ là những ngôi nhà nhỏ người Tạng với những cánh đồng kiều mạch hay cải dầu. Nếu đi vào mùa hạ, bạn sẽ thấy những mảng vàng xanh tuyệt đẹp. Xa xa là hình ảnh núi Nojin Kangtsang cao 7.191m sừng sững với tuyết phủ trên nền trời và nước hồ xanh thẫm. Tương truyền thánh hồ này là hóa thân của Long nữ - nữ thần bảo hộ cho người dân Tây Tạng. Nếu ai tới Thánh hồ Yamdrok thành tâm cầu nguyện và chạm tay vào nước Thánh hồ sẽ đươc tiêu trừ nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều khiếp. Từ đèo Kampala cao 5.000m, du khách có thể thấy con đường uốn lượn quanh đèo rồi mất hút vào trời mây..
Hồ Yamdrok có nghĩa là 'hồ ngọc' trong tiếng Tây Tạng. Đó là một hồ rào chắn , vì dòng chảy bùn đá băng đã chặn dòng sông cách đây hàng triệu năm. Hồ Yamdrok, với diện tích bề mặt 638 km2 gấp khoảng 70 lần hồ Tây ở Hàng Châu. Đây là một hồ màu san hô và nó còn được gọi là hồ san hô.
Tu viện Samding nổi tiếng - tu viện Tây Tạng duy nhất do nữ Tulku đứng đầu nằm ở bờ biển phía tây nam của hồ. Phong cảnh thiên nhiên độc đáo của hồ Yamdrok là sự kết hợp giữa hồ, đảo, đồng cỏ, động vật hoang dã và thực vật, tu viện, núi tuyết và bầu trời xanh, vô cùng hấp dẫn với khách du lịch.
Tu viện Sera là một trong ba tu viện quan trọng nhất ở Lhasa, Thánh địa Phật giáo Tây Tạng. Hai tu viện kia là Tu viện Drepung và Ganden .
Một trong những điều độc đáo của tu viện Sera là truyền thống tranh luận. Tranh luận là một phần của các khóa đào tạo tăng sinh, các tăng sinh tham gia vào một loạt các cuộc tranh luận về Phật pháp. Những cuộc tranh luận này được tổ chức hàng ngày trong một khu vườn trải sỏi. Những cuộc vấn đáp được thực hiện dưới bóng mát của cây cối trong vườn. Những tăng sinh đang ngồi là những người bị các vị giáo thọ dồn dập đặt ra các câu hỏi để kiểm tra sự hiểu biết của họ về các kinh điển bằng những động tác rất ấn tượng. Các vị giáo thọ vỗ tay là tín hiệu yêu cầu các tăng sinh phải trả lời ngay câu hỏi.
Namtso được coi là một trong những nơi đẹp nhất ở Tây Tạng. Nằm ở quận Damxung và quận Baingo, khu tự trị Tây Tạng, hồ Namtso là hồ nước mặn lớn thứ hai ở Trung Quốc.
Namtso có nghĩa là 'Hồ thiên đường' trong tiếng Tây Tạng. Namtso ở độ cao khoảng 4.718 mét (15.479 feet) - thực sự là một hồ nước trên bầu trời. Namtso được coi là một hồ thánh của Phật tử Tây Tạng. Trong năm con cừu trong lịch Tây Tạng, các tín đồ thực hiện một cuộc hành hương đến hồ Namtso.
Có bốn ngôi đền xung quanh hồ. Hồ Namtso yên tĩnh và rộng lớn, bên cạnh bầu trời xanh, với đám mây trắng bao quanh những ngọn núi tuyết khổng lồ sẽ thanh lọc tâm hồn của bạn cho dù bạn có phải là tín đồ Phật giáo hay không.
Được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, Đền Jokhang - Đại Chiêu nằm trên Quảng trường Barkhor, Lhasa. Đây là ngôi đền tối cao của Phật giáo Tây Tạng, được coi là ngôi đền linh thiêng và quan trọng nhất của người Tây Tạng.
Đền Đại Chiêu được vua Songtsan Gampo xây dựng cho hai cô dâu của mình: Công chúa Tang Wencheng và Công chúa Nepal Bhrikuti. Phong cách kiến trúc của ngôi đền kết hợp thiết kế nhà Đường Trung Quốc với thiết kế vihara của Ấn Độ và thiết kế của Nepal.
Cả hai công chúa lần lượt mang tượng của Thích Ca Mâu Ni từ Trung Quốc và Nepal, và hai bức tượng được đặt trong Đền Jokhang. Hiện tại bức tượng Công chúa Wencheng mang đến vẫn được đặt trong đền, bức tượng Công chúa Bhrikuti mang theo được đặt trong Đền Ramoche.
Do nhiệt độ thấp và chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm ở Tây Tạng, áo khoác và các trang phục ấm là vô cùng cần thiết.
Một đôi giày trekking thoáng khí, ấm áp và thoải mái là điều cần thiết cho bạn. Và giày thể thao cao trượt cứng rất được khuyến khích cho bạn, vì chúng không thấm cát, không thấm nước và ấm.
Do Tây Tạng là khu tự trị, đặc thù chính trị khá phức tạp nên việc quay phim, chụp ảnh cũng bị hạn chế. Các địa điểm tâm linh cũng chỉ được quay phim, chụp ảnh ở bên ngoài, tuy nhiên ở bên trong các công trình tâm linh thực sự làm du khách choáng ngợp bởi vẻ đẹp cầu kỳ, huyền bí. Hơn nữa, năng lượng nơi đây rất dồi dào, mạnh mẽ, được tích tụ từ mật chú do các vị thiền sư tụng qua hàng trăm năm.
Do lượng oxi trong không khí thấp (chỉ khoảng 50 đến 60%) so với vùng đồng bằng nên các bạn hãy chắc chắn về điều kiện sức khỏe của bản thân trước khi bắt đầu chuyến đi khám phá lãnh địa của Phật Giáo nhé!
Nước uống, kính râm, kem chống nắng là những thứ không thể thiếu giúp bạn chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết Tây Tạng trong chuyến đi của mình nhé!
Trên đây là câu trả lời cho thắc mắc “ Tây Tạng ở đâu? Thuộc quốc gia nào?” và một số những thông tin cơ bản hữu ích về Tây Tạng, các vùng đất, điểm du lịch hấp dẫn tại đây cho bạn tham khảo nhé! Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về vùng đất huyền bí của châu Á. Chúc bạn có chuyến du lịch đến Tây Tạng nói riêng và các điểm đến hấp dẫn khác trên thế giới thật nhiều niềm vui và trải nghiệm ý nghĩa nhé!
Thanh Tuyền / Cattour.vn - Ảnh: Internet
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/tay-tang-la-nuoc-nao-a41661.html