Hoa đào và hoa mai đã trở thành biểu tượng của ngày Tết Nguyên Đán. Vậy nên, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ trong nhà cho đến khắp phố phường người ta đều bắt gặp sắc hồng, sắc vàng của những cành đào cành mai đang báo hiệu một năm mới sắp tới. Thế nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa của hoa mai và hoa đào trong những ngày Tết.
Xin mời quý độc giả hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của hoa đào và hoa mai trong dịp Tết qua bài viết dưới đây qua lời chia sẻ của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh!
Tích xưa kể lại rằng, ở vùng núi Sóc Sơn có một cây đào cổ thụ, cành lá xum xuê, hoa nở rất đẹp. Cây đào chính là nơi trú ngụ của hai vị thần tên Trà và Uất Lũy. Các Ngài là thiện Thần và thường che chở, bảo hộ cho dân chúng khỏi sự quấy phá của ma quỷ. Vậy nên dân chúng rất quý mến các Ngài cũng như quý cây đào.
Thế nhưng, cứ đến ngày cuối năm, hai vị thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ ma quỷ được dịp hoành hành, đến trêu chọc nhân dân. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi hái những cành đào ở núi Sóc Sơn về cắm trong nhà từ cuối năm cho đến hết Tết. Bởi họ nghĩ rằng, ma quỷ sợ hai vị thần và hai vị thần lại ngụ ở cây đào nên có thể chúng sợ cả cây đào, cành đào. Có lẽ xuất phát từ tích truyện này mà cây đào xuất hiện trong mỗi dịp Tết đến xuân về với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ.
Sự tích hoa mai bắt nguồn từ một cô gái tên Mai. Cô và cha mình đều là những võ sĩ rất giỏi, trừ được tà và diệt được yêu tinh. Chuyện kể rằng, năm ấy có một con yêu tinh đến quấy phá, hai cha con cô đã dũng cảm lên đường diệt yêu tinh. Tuy tiêu diệt được yêu tinh, nhưng không may sau đó, cô gái lại bị một con thần rắn quấn chết. Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của Mai, người dân mang xác cô về chôn cạnh ngôi miếu.
Thời gian sau, từ ngôi mộ mọc lên một cây ra hoa vàng rất đẹp. Người dân lấy tên của cô đặt cho cây và gọi là cây mai. Từ đó trở đi, vì hoa mai rất đẹp lại nở vào mùa xuân cho nên người ta thường lấy về để chơi Tết, chơi xuân cũng như để cầu cho sự may mắn, xua đuổi ma tà không tốt.
Hoa đào, hoa mai là những loài hoa rất đẹp. Vẻ đẹp của đào mai thể hiện ở sức sống tiềm tàng của nó. Mặc dù khi thu qua, đông đến, đào mai trút hết lá, chỉ còn trơ trọi những cành khẳng khiu, sần sùi.
Nhưng khi mùa xuân vừa chớm đến, những cành khẳng khiu ấy lại căng đầy nhựa sống, nụ hoa vươn mình hé nở, mầm lá đâm chồi nảy lộc. Đây là một hình ảnh rất sinh động, thể hiện sức sống mãnh liệt của cây hoa đào, hoa mai. Có lẽ cũng vì thế mà hình ảnh hoa đào, hoa mai được các Thiền sư đưa vào những áng văn vần thơ và truyền lại cho thế hệ sau.
Trong bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Thiền Sư Mãn Giác có viết:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Dịch nghĩa:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
“Cáo tật thị chúng” là bài thơ nổi tiếng trong nhà thiền nói lên sự giác ngộ của người tu hành. Đó là phải trải qua mưa đông gió rét, trải qua đau khổ, trải qua những khó khăn chướng ngại, người tu hành mới có thể bật lên được trí tuệ giác ngộ. Giống như hoa mai vậy, nó phải trải qua đêm đông, gió lạnh như thế mới có thể mọc lên được. Và càng lạnh thì hoa mai càng đẹp, càng nở rộ.
Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận để lại một bài kệ khuyến khích chúng đệ tử rằng:
“Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bả thằng đầu tố nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương”
Dịch nghĩa:
“Vượt khỏi trần lao chuyện chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.”
Bài thơ nói lên ý nghĩa biểu trưng sức sống mãnh liệt của hoa mai. Để có được những bông hoa vàng tinh khiết tỏa hương, cây mai đã phải trải qua biết bao sự khắc nghiệt của mùa đông mới có thể kết tụ được những cánh hoa tinh anh, có hương thơm thanh quý, riêng biệt dâng hiến cho mùa xuân.
Cũng vậy, người tu hành nếu không giữ vững lập trường, chí nguyện tu hành, không trải qua những cam go khổ nạn thì khó có ngày vượt khỏi cõi trần lao, đạt được giác ngộ giải thoát.
Như vậy, có thể thấy, các Thiền sư ngày xưa đối với hoa mai, hoa đào rất có duyên. Đây là hai loài hoa biểu tượng cho sức sống mãnh liệt mà chúng ta phải nên học hỏi. Trải qua khoảng thời gian trụi hết lá cành, nhưng mà sức sống vẫn còn nguyên, đầy ắp ở bên trong để đến kỳ được trổ nụ, ra hoa và đem được sắc xuân làm đẹp cho đời.
Thi sĩ Lưu Trọng Lư từng nói: “Không có lời nào đẹp bằng tiếng nói của hoa, ở đâu có hoa thì ở đó có lòng thơm thảo”. Quả thật, nhìn những đóa hoa mai, hoa đào đang nở rộ, hẳn trong lòng chúng ta cũng thêm rạo rực đón chờ năm mới. Hoa không chỉ làm đẹp cho phố phường, làng bản mà hoa còn là nơi để gửi gắm những niềm ước mong may mắn, tốt lành; đặc biệt là giúp kết nối tình cảm con người với nhau.
Trong không khí ấm áp, tràn đầy sức sống của mùa xuân, chùa Ba Vàng xin gửi đến quý độc giả những hình ảnh hoa đào hoa mai trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng: Thấy hoa đào, hoa mai là thấy cả mùa xuân. Vẻ đẹp của hoa đào, hoa mai không chỉ mang đến sự ấm cúng, niềm an vui cho mỗi nhà mà còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Mong rằng, mỗi chúng ta đều có thể như những đóa hoa đào, hoa mai luôn mạnh mẽ, tràn đầy sức sống đem lại những giá trị ý nghĩa cho đời!
Tịnh Châu
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/hoa-dao-va-hoa-mai-a41004.html