Vào một ngày cuối tháng 5, Bộ trưởng Năng lượng Vương quốc Anh đã leo lên chiếc máy xúc đầu tiên trên thế giới chạy bằng hydro xanh.
Sau khi kết nối đường ống để tiếp nhiên liệu cho máy xúc màu trắng và xanh do JCB chế tạo, Claire Coutinho tuyên bố nước Anh “sẽ đi đầu trong cuộc đua sử dụng hydro tái tạo để giảm khí thải từ ngành xây dựng”.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng hydro sẽ trở thành nhiên liệu trong tương lai cho máy móc hạng nặng. “Tôi rất thích việc Lord Bamford, chủ sở hữu của JCB, đã chế tạo một động cơ đốt trong chạy bằng hydro, nhưng ai sẽ mua nó?”, Michael Liebreich, người điều hành công ty tư vấn năng lượng sạch, đã hỏi khi công bố đánh giá mới nhất của mình về những lĩnh vực có khả năng chuyển sang sử dụng hydro xanh.
“Phải mất 16 đến 18 chuyến giao hàng hydro bằng xe moóc để thay thế một lần giao hàng bằng tàu chở dầu diesel, và tôi không thể hình dung được về vấn đề hậu cần hay sự an toàn của hydro trên một công trường xây dựng”, ông giải thích.
Trên khắp thế giới, các ngành công nghiệp đang gấp rút thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng hydro xanh - được sản xuất bằng năng lượng tái tạo - cũng đang xem xét lại nhu cầu thực sự trong tương lai sẽ đến từ đâu.
Anne-Sophie Corbeau, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho biết: “Chúng tôi được biết hydro sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng, nhiên liệu này có thể được sử dụng ở mọi nơi. Về mặt lý thuyết, điều này đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các lĩnh vực sử dụng hydro xanh ngày càng hạn chế so với trước đây”.
Chi phí cao của hydro xanh là một trở ngại. Những người ủng hộ hydro xanh tin rằng cuối cùng nó có thể được sản xuất với giá 1 USD/kg, bằng với giá hydro được sản xuất bởi nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, giá hiện tại cao hơn ít nhất từ 5 đến 10 lần.
Đứng đầu danh sách khách hàng sử dụng hydro xanh là những ngành coi đây là giải pháp khả thi duy nhất để cắt giảm khí thải: Các doanh nghiệp tham gia sản xuất amoniac làm phân bón, hydro hóa chất béo trong công nghiệp thực phẩm, hydrocracking để sản xuất nhiên liệu máy bay phản lực và dầu diesel, và luyện thép.
Các ngành công nghiệp khác có thể có nhu cầu về hydro xanh bao gồm vận tải biển, hàng không, hóa chất và sản xuất điện.
Marco Raffinetti, Giám đốc điều hành của Hyphen, công ty có mục tiêu xây dựng một nhà máy hydro xanh lớn ở Namibia, cho biết: “Có một số ngành nhất định không thể giảm phát thải carbon, ngoại trừ các lĩnh vực công nghiệp xanh. Những ngành công nghiệp có động lực lớn, bao gồm vận chuyển, sản xuất điện, phân bón, nhiên liệu, thép,… Vì vậy, chúng tôi đang tập trung đặc biệt vào những ngành này”.
Nhưng ông Raffinetti nói thêm cho đến khi các chính trị gia xác định được các biện pháp khuyến khích và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng hydro xanh, rất khó để dự đoán nhu cầu chuyển sang sử dụng nhiên liệu này sẽ là bao nhiêu từ các ngành công nghiệp.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hiện tại, chưa đến 1% lượng hydro trên thế giới được sản xuất từ các nguồn tái tạo. IEA dự đoán hơn 70 triệu tấn hydro sẽ được sản xuất hàng năm bằng điện hoặc từ các nhà máy điện có hệ thống thu giữ carbon vào năm 2030 và sẽ có nhu cầu 430 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050.
Một số báo cáo cho rằng thế giới sẽ tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào thời điểm đó, nhưng bà Corbeau lưu ý: “Chúng tôi không đi theo hướng này. Khi bạn xem xét các dự báo, đều thấy cực kỳ lạc quan, nhưng đó là do dựa trên kịch bản không phát thải”.
Bà cho biết thêm chi phí của hydro xanh đã tăng lên trong năm qua vì chi phí năng lượng gió và năng lượng mặt trời tăng cao, đồng thời chi phí của các máy điện phân được sử dụng để sản xuất hydro cũng cao hơn. Chi phí tài chính cũng đã tăng.
Bà Corbeau cảnh báo sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để tạo ra một thị trường thích hợp cho hydro xanh: “Những gì mọi người muốn thấy là một thỏa thuận thu mua trước, giống như cách chúng tôi thực hiện với các thỏa thuận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đảm bảo rằng hydro sẽ được ai đó sử dụng”.
Bà Corbeau nhận xét: “Ban đầu, chúng ta sẽ có một thị trường, nơi một nhà cung cấp có thể nói chuyện với một vài người mua. Chúng tôi đã phải mất hơn ba thập kỷ trước khi thị trường LNG có thể được coi là có tính thanh khoản và hydro còn phức tạp hơn nữa”.
Dấu hỏi lớn nhất về nhu cầu trong tương lai là Trung Quốc sẽ nắm bắt hydro xanh nhanh đến mức nào. Theo IEA, Trung Quốc hiện chiếm 1/3 nhu cầu khí đốt toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi chính phủ nước này cho biết muốn trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về hydro carbon thấp, chiến lược hiện tại của họ chỉ nhằm mục đích sản xuất 100.000 đến 200.000 tấn hydro tái tạo vào năm tới và chưa có mục tiêu nào sau đó.
Ở những nơi khác, trong số các quốc gia đã đưa ra chiến lược hydro, hơn 40 quốc gia cho biết họ có kế hoạch xuất khẩu nhiên liệu, nhưng chỉ có 12 quốc gia có dự định trở thành nhà nhập khẩu - cho thấy các chính trị gia đang tập trung nhiều vào việc cung cấp hydro hơn là nhu cầu trong tương lai.
Bà Corbeau nói: “Chúng ta thường tập trung giải quyết các vấn đề ở phần sản xuất. Nhưng chưa bao giờ thực sự nhận ra rằng cũng có vấn đề ở phía cầu”.
EU thông qua khoản viện trợ "khủng" của Đức cho mạng lưới đường ống hydro Thị trường hydro xanh toàn cầu đang ở đâu? Hồng Kông công bố "Chiến lược hydro"Nh.Thạch
AFP
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/viec-su-dung-dong-co-dot-trong-da-tao-ra-kha-nang-phat-trien-nganh-nao-a38124.html