Nếu ở Trà Vinh, chuyện ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Những “hiệp sĩ” trong Đội thanh niên xung kích chữ thập đỏ Trà Vinh đã miệt mài cứu trợ hàng nghìn trường hợp gặp nạn dọc đường. Điều đặc biệt, với phương châm “Đói tự ăn, xăng tự đổ, khổ tự chịu”, họ làm việc hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và miễn phí.
Một buổi trưa tháng 6, trong thời điểm PV VOV Giao thông liên hệ phỏng vấn, Đội thanh niên xung kích chữ thập đỏ Trà Vinh vẫn đang cần mẫn chạy ca-nô mò tìm từng cây số trên sông Long Bình. Họ đang hỗ trợ người nhà tìm một người đàn ông làm nghề chài lưới mất tích cách đây 3 ngày:
“19h đêm, ngày 6/6/2024 đến nay người đó mất tích. Đến ngày 7/6 gia đình phát hiện và đã điện thoại nhờ Đội hỗ trợ. Hiện tại, Đội đang hỗ trợ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Trà Vinh giúp người nhà tìm cố gắng tìm kiếm nạn nhân, sớm đưa về với gia đình. Hiện tại vẫn đang tìm kiếm”.
Anh Trần Huỳnh Hoài Phong, Đội trưởng Đội thanh niên xung kích chữ thập đỏ Trà Vinh cho biết, chi phí một chuyến tìm kiếm như vậy dao động từ 3-6 triệu đồng, gồm nhiên liệu ca-nô, thực phẩm cho 3-4 thành viên một ê-kíp tìm kiếm. Nếu tìm kiếm nhiều ngày, chi phí sẽ rất lớn, không nhiều gia đình lo liệu được.
Vì vậy, họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đội xung kích Trà Vinh, các hoạt động của Đội là hoàn toàn miễn phí, không nhận tiền từ nạn nhân và gia đình người bị nạn. Anh Hoài Phong tiết lộ: Toàn bộ 26 thành viên thường trực đều có công việc ổn định, có kinh tế vững vàng và tự nguyện tham gia sức người, sức của để duy trì hoạt động cho Đội.
“Khi chúng tôi nhận được thông tin người dân về số hotline, Đội sẽ nhanh chóng triển khai lực lượng nhanh chóng nhất, đảm bảo an toàn, kịp thời, hiệu quả. Phương tiện thì chúng tôi được người dân nhìn vào hiệu quả, họ tặng, thì chúng tôi cũng đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền, để cấp giấy phép hoạt động, giấy phép ưu tiên khi di chuyển”.
Được thành lập từ năm 2015, trải qua gần 1 thập kỷ, Đội xung kích Trà Vinh đã trở thành thương hiệu yêu mến, tin cậy của bà con trong tỉnh mỗi khi xảy ra trường hợp khẩn cấp như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước. Quy trình tiếp nhận thông tin, tiếp cận hiện trường của đội rất đơn giản, nhanh chóng.
Đội được trang bị phương tiện ưu tiên, các thành viên chủ chốt được Trung tâm đào tạo cán bộ của Trung ương chữ thập đỏ Việt Nam đào tạo, từ đó trở thành huấn luyện viên sơ cấp cứu ban đầu, cứu hộ cứu nạn, bảo quản thi thể, phòng chống thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… để huấn luyện lại các tình nguyện viên.
Chị Kha Phượng Loan, ở khu du lịch Huỳnh Kha Trà Vinh, chia sẻ: Đội xung kích là địa chỉ chị thường xuyên gửi các phần quà, kinh phí để nhờ hỗ trợ, gửi tận tay đến các hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn: “Mình thấy trước mắt luôn, như TNGT hay này kia thì người trong xóm điện cái là Đội tới liền. Mà cho tiền là chả bao giờ lấy, mình tin tưởng 100%. Mình cũng ở phường 4, Đội đó ở phường 5, nhiều bà con không có tiền, hoàn cảnh khó khăn thì đều được mấy em trong Đội hỗ trợ miễn phí”.
Là thành viên mới nhất của Đội xung kích Trà Vinh, anh Huỳnh Phạm Đông Anh, cho biết, anh thường xuyên nhìn thấy xe cấp cứu của đội trên đường. Sau khi quan sát khoảng 3 năm, và chuyển chỗ ở tới gần đội, anh đã xin gia nhập và có sự trưởng thành hơn về các kỹ năng sơ cấp cứu, bơi lội, cứu nạn trên sông, trên biển. Anh chia sẻ, mỗi khi cứu được một người, cảm xúc còn “vui hơn khi nhận lương”: “Tại ngày xưa em cũng đi làm đây đó, tha hương cầu thực, cũng được bà con, những người xa lạ giúp đỡ cho mình cái ăn cái mặc. Từ đó, em học được tính hướng thiện, cứu người, giúp người”
Theo anh Trần Huỳnh Hoài Phong, Đội trưởng Đội thanh niên xung kích chữ thập đỏ Trà Vinh, anh không thể đếm chính xác được đã có bao nhiêu trường hợp được anh và các thành viên cứu nạn, hỗ trợ khẩn cấp. Cứ có cuộc gọi là lên đường. Con số có lẽ lên hàng nghìn người được giúp đỡ, chưa kể khoảng 200 người được trục vớt.
Mới đây nhất, vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, ở biển Ba Động, anh Phong cùng các thành viên Đội xung kích và lực lượng chức năng đã sử dụng phao cứu sinh lội ra biển kịp thời cứu sống 2 thiếu niên bị sóng cuốn ra xa, rơi vào hố sâu và đuối nước.
Anh Phong ấp ủ dự định sẽ thành lập thêm các tổ, nhóm ở các huyện ngoài thành phố Trà Vinh, từ đó có khả năng giúp đỡ được nhiều hơn bà con ở các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Với phương châm “Đói tự ăn, xăng tự đổ, khổ tự chịu”, Đội xung kích Trà Vinh thực sự là những “Hiệp sĩ” giữa đời thường, những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chuyên đi cứu đời, giúp người. Năm 2023, họ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh với giải thưởng Tình nguyện quốc gia: “Chúng tôi rất mong quý bà con, cô bác, chúng ta phát huy tinh thần tương thân tương ái giữa con người với con người. Chúng ta nên động viên, hỗ trợ phát huy những đội hình, những nhóm làm công tác cứu nạn, cứu hộ trên tinh thần tình nguyện, miễn phí như thế này để giúp đỡ nhiều bà con hơn”.
-
Các bạn thân mến.
Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected].
Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/khu-vuc-nao-sau-day-trong-nam-co-tu-1-ngay-den-6-thang-luon-la-toan-dem-a35697.html