BPO - Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, 2 nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của dân tộc là dựng nước và giữ nước luôn gắn bó với nhau. Dựng nước luôn gắn chặt với giữ nước, trong đó dựng nước là yếu tố cơ bản. Bởi lẽ, có xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng các thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Cũng trong quá trình hình thành và phát triển đó, dường như năm nào dân tộc Việt Nam cũng làm nên những mốc son lịch sử. Nhân dịp xuân Quý Mão 2023, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những năm Mão đáng nhớ trong lịch sử dân tộc đã được lưu giữ trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư.
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975, năm Ất Mão (ảnh tư liệu)
Năm 43 - Quý Mão: Quân của Mã Viện tiến qua Long Biên, Tây Vu đến Lãng Bạc ở phía Đông Cổ Loa. Hai Bà Trưng phải lui binh khỏi Lãng Bạc vượt sông Hồng về căn cứ Cấm Khê để thủ hiểm, dựa vào rừng núi để đánh lâu dài. Mã Viện đem quân vượt sông Hồng đuổi theo. Hai Bà Trưng đã chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Năm 187 - Đinh Mão: Nhà Hán suy yếu, Nho giáo bắt đầu du nhập vào nước ta. Trong thế kỷ II, nhân dân các quận ở Giao Chỉ luôn nổi dậy khởi nghĩa. Cuối thế kỷ II, nhà Hán suy yếu, chúng buộc phải dùng người Việt cầm đầu chính quyền ở Giao Chỉ.
Năm 547 - Đinh Mão: Triệu Quang Phục đem hàng vạn quân đến đóng trong đầm Dạ Trạch (nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Lợi dụng địa thế hiểm trở và với nghệ thuật đánh du kích tài tình, nghĩa quân đã bền bỉ chiến đấu và chiến thắng giặc Lương xâm lược.
Năm 571 - Tân Mão: Sau khi đánh thắng quân Lương, Lý Bí xưng hiệu là Nam Việt đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Năm 545, nhà Lương xâm lược Vạn Xuân. Đến năm 571, Lý Phật Tử đánh tan quân Lương và xưng đế, đặt tên Hậu Lý Nam Đế rồi dời đô từ thành Ô Diên đến vùng Phong Châu.
Năm 607 - Đinh Mão: Chính quyền đô hộ nhà Tùy chuyển trụ sở của quận Giao Chỉ từ Long Biên (Bắc Ninh) về huyện Tống Bình. Từ đây, vùng đất trung tâm Hà Nội ngày nay chính thức được chính quyền đô hộ phương Bắc chọn làm thủ phủ. Sự kiện này mở đầu quá trình đô thị hóa và sự ra đời của đô thị Tống Bình - Đại La.
Năm 679 - Kỷ Mão: Nhà Đường đặt nước ta là An Nam đô hộ phủ, gồm 12 châu, 59 huyện và đặt thủ phủ ở Tống Bình (Hà Nội). Từ đây cho đến đầu thế kỷ X, Tống Bình trở thành đại bản doanh của chính quyền đô hộ.
Năm 907 - Đinh Mão: Khúc Hạo lên kế nghiệp cha là Khúc Thừa Dụ. Ông tiến hành củng cố nền độc lập non trẻ, đồng thời có những cải cách hiệu quả về hành chính, kinh tế, xã hội, pháp luật. Khúc Hạo là người đầu tiên xây dựng được hệ thống chính quyền thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Năm 931 - Tân Mão: Dương Đình Nghệ, một vị tướng của Khúc Hạo đã mộ binh rồi đem quân từ Thanh Hóa tiến ra Bắc đánh chiếm thành Đại La (Hà Nội), đập tan quân cứu viện của nhà Nam Hán, giải phóng đất nước và tự xưng là Tiết độ sứ.
Năm 967 - Đinh Mão: Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (Ninh Bình) dẹp tan loạn 12 sứ quân cát cứ, quy giang sơn về một mối. Sau đó, ông lên ngôi hoàng đế, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.
Năm 1075 - Ất Mão: Vua Lý Nhân Tông mở khoa thi tiến sĩ, còn gọi là Minh kinh bác học đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Cũng năm này, nhà Tống xâm lược nước ta. Khi quân Tống kéo vào, trên phòng tuyến ở bờ Nam sông Cầu, Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm bài thơ “Nam quốc sơn hà”, đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
Năm 1471 - Tân Mão: Vua Lê Thánh Tông cầm quân đánh Chiêm Thành để bảo vệ giang sơn xã tắc. Cũng năm này, Lê Thánh Tông đã tiến hành cải cách sâu rộng nền hành chính quốc gia ở cả Trung ương lẫn địa phương, các đơn vị lãnh thổ được chia đặt lại, hệ thống quan chức và cơ cấu thuế khóa được cải tổ...
Năm 1483 - Quý Mão: Vua Lê Thánh Tông cho biên soạn và ban hành Bộ luật Hồng Đức, bộ luật lớn nhất và tiến bộ nhất của chế độ phong kiến nước ta thời đó.
Năm 1615 - Ất Mão: Chữ quốc ngữ Việt Nam (do các giáo sĩ Bồ Đào Nha khởi xướng) chính thức hình thành và bắt đầu được truyền bá tại Việt Nam.
Năm 1627 - Đinh Mão: Chiến tranh Trịnh - Nguyễn bùng nổ. Đất nước phân chia 2 xứ đàng Trong và đàng Ngoài với 2 chính quyền khác nhau.
Năm 1771 - Tân Mão: 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ nổi dậy khởi nghĩa với mục tiêu lật đổ cả chúa Nguyễn lẫn triều đình Lê - Trịnh và đã giành thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, triều đại Tây Sơn tồn tại khoảng 24 năm thì bị Nguyễn Ánh tiêu diệt và thành lập nhà Nguyễn.
Năm 1783 - Quý Mão: Nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã thắng quân chúa Nguyễn ở đàng Trong. Nguyễn Ánh cùng hộ vệ chạy ra đảo Phú Quốc.
Năm 1831 - Tân Mão: Vua Minh Mạng bắt đầu thi hành chính sách Trung ương tập quyền, cải tổ nền hành chánh, bỏ chức tổng trấn, đổi trấn làm tỉnh, đặt chức tổng đốc, tuần vũ, bố chính sứ, án sát sứ và lãnh binh để cai trị các tỉnh.
Năm 1867 - Đinh Mão: Thực dân Pháp đơn phương tuyên bố 6 tỉnh Nam kỳ là lãnh địa của Pháp.
Năm 1915 - Ất Mão: Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó có tên là Nguyễn Tất Thành sống và làm việc ở Anh. Cuối năm 1917, Người rời Luân Đôn trở lại Pháp hoạt động cách mạng. Từ một người yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người cộng sản và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Năm 1927 - Đinh Mão: Tác phẩm nổi tiếng “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 4-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc đi Liên Xô và đến làm việc tại cơ quan Quốc tế Cộng sản, rồi đi dự Hội nghị chống chiến tranh đế quốc họp tại Bỉ.
Năm 1939 - Kỷ Mão: Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Trung Quốc bắt liên lạc với Trung ương Đảng ta. Tháng 11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương nhằm tập hợp mọi thành phần tiến bộ, đấu tranh chống kẻ thù số 1 là chủ nghĩa phát xít, giành độc lập dân tộc.
Năm 1951 - Tân Mão: Ngày 11-2-1951, khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Năm 1963 - Quý Mão: Với quân số ít hơn địch 10 lần, các chiến sĩ Ấp Bắc đã đánh bại cuộc càn quét của trên 2.000 lính ngụy được trang bị vũ khí hiện đại, có cố vấn Mỹ chỉ huy. Cũng năm này, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đề nghị tặng thưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng, nhưng Người từ chối và xin chờ đến ngày Tổ quốc thống nhất.
Năm 1975 - Ất Mão: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Năm 1987 - Đinh Mão: Cả nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo đường lối đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1999 - Kỷ Mão: Hội nghị Trung ương lần thứ 6, 7 và lần thứ 8 (khóa VIII) đã ban hành các nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Năm 2011 - Tân Mão: Là năm diễn ra Đại hội lần thứ XI của Đảng; kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; 80 năm ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
(Theo Đại Việt sử ký toàn thư)
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/ky-mao-sinh-nam-bao-nhieu-a35627.html