Để hiểu công nghiệp hóa là gì, trước tiên cần hiểu thế nào là công nghiệp. Công nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất mà sản phẩm được chế tạo, chế phẩm, chế biến, chế tác… phục vụ nhu cầu tiêu dùng hoặc hoạt động kinh doanh của con người. Đây là hoạt động kinh tế, sản xuất có quy mô lớn và có sự hỗ trợ của công nghệ, khoa học và kỹ thuật.
Công nghiệp hóa được hiểu là quá trình nâng cao tỷ trọng của công nghiệp gồm: Tỷ trọng về lao động, tỷ trọng về giá trị gia tăng, tỷ trọng về sản phẩm tạo ra… trong toàn bộ các ngành kinh tế ở một vùng kinh tế hoặc một nền kinh tế.
Nói cách khác, công nghiệp hóa là quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội từ nền kinh tế với mức độ tập trung tư bản nhỏ bé sang nền kinh tế công nghiệp. Đây là một phần của quá trình hiện đại hóa. Sự chuyển biến kinh tế - xã hội này đi đôi với sự kiến bộ của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, trong đó phải kể đến sự phát triển của sản xuất năng lượng và luyện kim quy mô lớn.
Sau khi đã tìm hiểu công nghiệp hóa là gì, LuatVietnam sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về các loại hình công nghiệp hóa trên thế giới và tại Việt Nam để hiểu rõ hơn về công nghiệp hóa.
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, công nghiệp hóa đã được thực hiện dưới nhiều hình thức và mô hình khác nhau, được chia thành 02 loại hình chính:
- Công nghiệp hóa kiểu truyền thống: Loại hình công nghiệp hóa này diễn ra ở các nước phương Tây từ cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XX và được hoàn thiện ở một số nước.
- Công nghiệp hóa kiểu mới: Được tiến hành từ những năm 60 của thế kỉ trước đến nay và còn đang tiếp diễn. Công nghiệp hóa kiểu mới đã rút kinh nghiệm từ những mặt tiêu cực và trở ngại của loại hình công nghiệp hóa cổ điển, đồng thời tiếp thu những thành công của công nghiệp hóa mới ở một số nước đi sau.
Ở nhiều nước hiện nay đang nghiên cứu và thực hiện một loại hình công nghiệp hóa kiểu mới, vừa rút ngắn thời gian vừa gắn kết với yêu cầu của nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức, và đòi hỏi của thời đại phát triển bền vững.
2.1 Loại hình công nghiệp hóa trên thế giới
- Ở Anh: Công nghiệp hóa ra đời vào thế kỷ XVIII(theo loại hình cổ điển) gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Bắt đầu từ ngành công nghiệp dệt sau đó kéo theo một số ngành khác như: Trồng bông, nuôi cừu,… Từ đó đòi hỏi cần có thiết bị, máy móc cho sản xuất tạo tiền đề cho ngành công nghiệp nặng phát triển như: cơ khí chế tạo máy,…
- Ở Liên Xô: Công nghiệp hóa bắt đầu từ những năm 1930 sau đó được áp dụng cho các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sau năm 1945 và một số nước đang phát triển khác. Mô hình này ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.
- Ở Nhật Bản: Tiến hành công nghiệp hóa theo kiểu mới đó là thực hiện chiến lược công nghiệp hóa rút ngắn, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu, thông qua việc tận dụng lợi thế về khoa học, công nghệ của các nước đi trước.
2.2 Loại hình công nghiệp hóa ở Việt Nam
Tại Văn kiện Đại hội VIII của Đảng nêu ra công thức "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" và Văn kiện Đại hội IX đặt vấn đề "công nghiệp hóa theo hướng hiện đại" đã cho thấy sự lựa chọn loại hình công nghiệp hóa kiểu mới. Đến nay, Việt Nam vẫn đang tiếp tục đi theo hướng phát triển công nghiệp hóa kiểu mới. theo đó, có thể hình dung ra những đặc điểm công nghiệp hóa tại Việt Nam hiện nay như sau:
- Công nghiệp hóa phải rút ngắn thời gian, phát triển nhanh để sớm đuổi kịp trình độ của các nước.
- Công nghiệp hóa đi liền với hiện đại hóa, phát triển công nghệ, công nghệ thông tin, tiếp cận kinh tế tri thức.
- Phát triển kinh tế cùng với với phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm công bằng xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Phát triển bền vững, gìn giữ và cải thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Đối với Việt Nam, từ cuối thế kỷ XX đến nay, quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa được xác định đầy đủ là công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là một quá trình kinh tế, kỹ thuật - công nghệ và kinh tế - xã hội toàn diện, sâu rộng nhằm chuyển đổi nền sản xuất và xã hội Việt Nam từ trình độ nông nghiệp lạc hậu lên trình độ công nghiệp với các trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại, văn minh.
Dưới đây là một số nội dung cơ bản của công nghiệp hóa tại Việt Nam:
3.1 Công nghiệp hóa trong sự phát triển của lực lượng sản xuất
Công nghiệp hóa trong sự phát triển của lực lượng sản xuất được biểu hiện ở chỗ cơ khí hóa nền sản xuất xã hội bằng cách chuyển nền kinh tế từ chỗ dựa trên kĩ thuật thủ công sang dựa trên kĩ thuật cơ khí, chuyển nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp.
Cùng với đó, tiến hành áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào các ngành của nền kinh tế quốc dân. Thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại gắn với “hiện đại hóa”, gắn với cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, gắn với bước chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp.
Ngoài ra, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện bằng cách gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức.
3.2 Xây dựng cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, hiện đại
Cơ cấu kinh tế được hiểu là tổng thể hữu cơ giữa cơ cấu kinh tế, vùng kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế, trong đó, cơ cấu ngành kinh tế là quan trọng nhất. Nội dung này được thực hiện thông qua quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế được hiểu là sự chuyển đổi từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả và bất hợp lí sang một cơ cấu kinh tế hợp kí, hiện đại, hiệu quả. Mục tiêu của sự chuyển dịch này là đi từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp lên cơ cấu kinh tế nông, công nghiệp và phát triển lên thành cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ hiện đại.
Đi cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế tri thức là tiền đề chi phối xu hướng dịch chuyển cơ cấu lao động trong từng thời kì ở nước ta.
Ngoài các nội dung nêu trên, nội dung quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam còn bao gồm:
- Củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo trong quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa;
- Xây dựng cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, hiện đại và đạt hiệu quả cao.
Vừa rồi, LuatVietnam đã làm rõ công nghiệp hóa là gì và phân loại công nghiệp hóa. Ngành công nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất, do đó sẽ có những tác động mạnh mẽ đến các mặt của đời sống, kinh tế, gồm cả những tác động tích cực và tác động tiêu cực.
4.1 Tác động đến đời sống gia đình
Trong giai đoạn hiện nay, quá trình công nghiệp hóa đang có những tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi của gia đình nói chung, đời sống sinh hoạt nói riêng, nhất là ở các thành phố lớn.
Ở nước ta, cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa là sự gia tăng của các tệ nạn xã hội. Cơ chế thị trường đang làm thay đổi mạnh mẽ hệ giá trị và các chuẩn mực đạo đức truyền thống. Trong bối cảnh đó, nhiều trường hợp quan hệ gia đình không còn tồn tại đơn thuần là dạng quan hệ tình cảm mà còn gồm các vấn đề phát sinh khác như: Mâu thuẫn trong phân chia tài sản trong gia đình,…
Quá trình công nghiệp hóa đã và đang tạo ra những áp lực lớn đối với mưu sinh và tồn tại của tầng lớp dân cư. Nhu cầu làm giàu, nhu cầu phát triển công việc là chính đáng, song mặt trái của quá trình này là làm thu hẹp quỹ thời gian cá nhân, cuốn con người vào vòng xoáy của đồng tiền và lối sống thực dụng, làm rạn nứt tình cảm gia đình.
Không thể phủ nhận rằng, sự hỗ trợ của những dịch vụ xã hội và phát triển khoa học kĩ thuật đã đem lại cho con người cuộc sống thoải mái và tiện nghi hơn. Tuy nhiên, sư ảnh hưởng và tác động của nó trong việc suy giảm và tăng cường đời sống sinh hoạt gia đình là không nhỏ. Quan hệ gia đình vốn được đặc trưng bởi quan hệ tình cảm, trực tiếp nay đã và đang có xu hướng trở thành quan hệ gián tiếp và lỏng lẻo hơn.
4.2 Tác động đến sự phát triển kinh tế, tri thức
Công nghiệp hóa là bước đi tất yếu của tất cả các nước trong quá trình tiến lên hiện đại. Sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cách mạng thông tin, cách mạng tri thức, đã cho ra đời các công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nanô, công nghệ của nền kinh tế tri thức. Hệ thống công nghệ mới ấy đang làm biến đổi sâu sắc các quá trình sản xuất, cách thức sản xuất, kinh doanh và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việt Nam đã nắm bắt và vận dụng công nghệ mới, tri thức mới của thế giới cho sự phát triển của đất nước mình. Trí tuệ sáng tạo, sự năng động của các chủ thể kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân, ngày càng thể hiện tiềm năng to lớn.
Hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển dựa vào tri thức ở nước ta. Trong đó, yếu tố cơ bản đưa đến thành công của các mô hình này là: Đã biết nắm bắt và sử dụng tri thức mới nhất trong hoạch định chiến lược kinh doanh, lựa chọn công nghệ, tạo sản phẩm mới, cách tổ chức sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả...
Hiện, mô hình phát triển của Việt Nam là tiến hành đồng thời và lồng ghép nhau hai quá trình: Chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức.
4.3 Tác động đến môi trường
Môi trường và bảo vệ môi trường là vấn đề được đặt ra hàng đầu khi định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh những thành tích đạt được khi sử dụng công nghệ để xử lý sự cố môi trường, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế đã, đang trở thành bài toán khó. Vấn đề đặt ra là vậy làm sao để vừa phát triển công nghiệp hóa, vừa bảo vệ được môi trường?
Thực tế cho thấy, 80 thành phần khác nhau tìm thấy từ quá trình phát thải công nghiệp như: Amiang, dioxin, chì,… và các ngành công nghiệp đều nằm trong số những nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu.
Ô nhiễm nguồn nước cũng là trở ngại lớn đối với môi trường gây ra bởi các nhà máy sản xuất tác động đến nguồn nước tự nhiên. Chất độc từ nước thải tồn tại ở dạng rắn - lỏng hoặc khí là trầm trọng thêm các nguồn nước cấp, nước mặt và nước ngầm. Bên cạnh đó, nước thải rỉ rác từ bãi chôn lấp dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng hơn các nguồn tiếp nhận.
Ô nhiễm đất gắn liền với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa. Các kim loại nặng, hóa chất độc hại ngấm vào đất sẽ tác động lớn đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Công nghiệp hóa là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển công nghiệp hóa chưa được “luật hóa” cụ thể do đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Chính sách phát triển công nghiệp còn dàn trải, việc bố trí nguồn lực cho phát triển công nghiệp chưa đủ mạnh, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công nghiệp phát triển. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức về đối tượng cần hướng đến của các chính sách phát triển công nghiệp là khu vực kinh tế tư nhân chưa được chú trọng.
Vì vậy, việc “luật hóa” về công nghiệp hóa được coi là vân đề tất yếu. Theo đại diện của Vụ pháp chế, trước những đòi hỏi của thực tế phát triển các ngành công nghiệp, hệ thống pháp luật công nghiệp trong giai đoạn tới đây cần đảm bảo thể chế hóa, khẳng định vai trò của Nhà nước trong tiếp tục khơi tạo không gian, nền tảng cho công nghiệp phát triển.
Hệ thống pháp luật phải tạo ra cơ chế, chính sách, động lực nắm bắt, tận dụng, tương tác cộng sinh các xu hướng phát triển về công nghiệp trên thế giới và khu vực để thu hút, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy nâng tầm phát triển công nghiệp trong nước.
Đồng thời khẩn trương thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển công nghiệp. Trong đó, khẩn trương xây dựng Luật về phát triển công nghiệp.
Trên đây là giải đáp về vấn đề Công nghiệp hóa là gì? Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/mot-trong-nhung-noi-dung-co-ban-cua-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-o-nuoc-ta-la-a35494.html