Trần Phú với Luận cương Chính trị của Đảng

Tranh vẽ đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị. Ảnh tư liệu.

Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về nước; đến tháng 10/1930, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong thời gian này, đồng chí Trần Phú đã làm việc không mệt mỏi, vượt qua những nguy hiểm, khó khăn để tìm hiểu thực tế, tiếp cận với phong trào đấu tranh trong nước ở Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng…

Qua thực tiễn cuộc sống, kết hợp với những ý kiến chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và kế thừa, phát triển “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc đề ra trong Hội nghị thành lập Đảng, Trần Phú đã soạn thảo và hoàn thiện bản Luận cương Chính trị để Trung ương Đảng cho ý kiến và thông qua ở Hội nghị lần thứ nhất họp từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc). Có thể nói Luận cương Chính trị là văn kiện lịch sử quan trọng, khẳng định năng lực và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối cách mạng, dẫn dắt quần chúng đứng dậy đánh đổ thực dân phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến lên XHCN.

Luận cương Chính trị cũng thể hiện tư duy sáng tạo, tầm vóc trí tuệ, ý chí cách mạng của Trần Phú, là sự đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí vào kho tàng lý luận của Đảng ta. Khi nói về giá trị của Luận cương Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”(1).

Luận cương Chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương nêu lên đầy đủ tình hình quốc tế, tình hình ở Đông Dương và tính chất của cách mạng; phân tích ngắn gọn, súc tích, đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng; vai trò lãnh đạo và lực lượng cách mạng, vừa có tính định hướng vừa chỉ ra những nhiệm vụ rất cụ thể.

1. Về tình hình quốc tế, sau khi nêu lên những mâu thuẫn gay gắt của thời đại, đó là: Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chế độ Xô viết; giữa các nước đế quốc với nhau; giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc; đặc biệt là thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước Xô viết, Luận cương Chính trị đã dự báo: “Cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa đã lên đến trình độ rất cao, có nơi đã sắp sửa cướp chính quyền”.

Về tình hình Đông Dương, Luận cương Chính trị nêu lên hai đặc điểm lớn, đó là: “a) Xứ Đông Dương cần phát triển một cách độc lập, nhưng vì là thuộc địa nên không phát triển độc lập được; b) Mâu thuẫn giai cấp ngày càng kịch liệt, một bên là thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ; một bên thì địa chủ phong kiến, tư bổn và đế quốc chủ nghĩa”. Từ đó phân tích sâu sắc các mâu thuẫn diễn ra trong xã hội, mà tập trung là mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn về giai cấp. Chính những mâu thuẫn đó “đã làm cho phong trào cách mạng ở Đông Dương ngày càng phát triển”.

2. Tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương là “cách mạng thổ địa và phản đế”, cần nắm vững thời kỳ này là thời kỳ cách mạng vô sản toàn thế giới. Xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chính các nước giúp sức cho mà phát triển bỏ qua thời kỳ tư bản mà tiến đến con đường xã hội chủ nghĩa. Như vậy Luận cương Chính trị đã khẳng định mục tiêu của cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến trình của cách mạng là bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đây là một sự sáng tạo cách mạng mang tính thời đại.

3. Để đi đến mục tiêu đó, Luận cương Chính trị đã nêu ra “những nhiệm vụ tất yếu của cách mạng”. Đó là: a) Đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, địa chủ; b) Lập chính phủ công nông; c) Giành quyền sở hữu ruộng đất về chính phủ công nông; d) Sung công hết thảy tài sản của tư bổn ngoại quốc; đ) Bỏ sưu thuế hiện thời, lập ra thuế luỹ tiến; e) Ngày làm công tám giờ; g) Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập; h) Lập quân đội công nông; i) Nam nữ bình quyền; k) Ủng hộ Liên bang Xô viết. Hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm tập trung vào đánh đổ thực dân xâm lược, áp bức, bóc lột nô dịch nhân dân. Luận cương Chính trị nêu rõ mối liên hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: “Hai mặt tranh đấu có liên hệ mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được các giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa”. Với tầm nhìn chiến lược, hai nhiệm vụ mà Luận cương Chính trị nêu ra đã là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập và thống nhất nước nhà, giải phóng ách áp bức bóc lột, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân từ đó đến nay và còn phải tiếp tục lâu dài trên con đường đấu tranh cách mạng của Đảng ta.

4. Để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược đã nêu ra và giành được thắng lợi, Luận cương Chính trị khẳng định động lực chủ đạo của cách mạng là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo. Vai trò chủ lực quân, động lực chính của công nhân và nông dân trong cách mạng là do địa vị kinh tế, xã hội quy định, điều này đã được phân tích khá kỹ lưỡng và thật sự khoa học trong Luận cương.

Về giai cấp công nhân: “Phần nhiều do dân cày hoặc là thủ công thất nghiệp mà hóa ra, còn đang mới mẻ… Tuy vậy giai cấp ấy rất là tập trung và mỗi ngày lại thêm đông…, nổi lên đấu tranh ngày càng hăng hái để chống lại tư bổn đế quốc…, thành một động lực chính và rất mạnh của cách mạng Đông Dương và lại là giai cấp lãnh đạo cho dân cày và quần chúng lao khổ làm cách mạng”. Về giai cấp nông nhân: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số, họ là một động lực mạnh mẽ cho cách mạng tư sản dân quyền… Trong lúc đấu tranh chống địa chủ và đế quốc chủ nghĩa thì vô sản có thể kéo hết dân cày về phe cách mạng”. Từ sự phân tích đó Luận cương Chính trị đã đi đến kết luận có ý nghĩa như một quy luật. “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày mà tranh đấu để bênh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày và để thực hiện thổ địa cách mạng cho triệt để thì mới có thể giành quyền lãnh đạo dân cày được. Đồng minh của giai cấp vô sản là bọn trung nông và bần nông”.

5. Luận cương Chính trị khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, tập trung mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chính và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”. Phần nói về Đảng và vai trò của Đảng, Luận cương đã nhấn mạnh đến những vấn đề có ý nghĩa cốt lõi về lý luận xây dựng Đảng, như là mục tiêu chiến đấu của Đảng; nền tảng tư tưởng của Đảng; tính tiên phong gương mẫu, tính giai cấp của Đảng; mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng… Đây chính là vấn đề cốt lõi trong tổ chức, sinh hoạt của Đảng vô sản kiểu mới.

6. Về phương pháp cách mạng, Luận cương Chính trị cho rằng, khởi nghĩa vũ trang toàn dân là vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cẩn trọng, chu đáo và biết phát động đúng thời cơ. Khi chưa có thời cơ Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân đòi quyền dân sinh, dân chủ, tăng tiền lương, giảm thuế, bớt giờ làm, “chống sự sanh hoạt mắc mớ”… nhằm từng bước giác ngộ quần chúng cách mạng. Luận cương nhấn mạnh phải kết hợp đấu tranh để đạt cả mục đích trước mắt và mục đích lâu dài: “Không chú ý đến những nhu yếu và sự tranh đấu hằng ngày của quần chúng là rất sai lầm. Mà chỉ chú ý đến những nhu yếu hằng ngày mà không chú ý đến mục đích lớn của Đảng cũng là rất sai lầm”. Khi có thời cơ cách mạng, nghĩa là có các dấu hiệu: Giai cấp thống trị suy yếu, lung lay; các giai cấp trung gian đã ngả theo cách mạng, các lực lượng cách mạng lớn mạnh, thì “Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để đánh đổ Chính phủ của địch và giành lấy chính quyền cho công nông”.

Quan điểm về bạo lực cách mạng, thời cơ cách mạng, lực lượng cách mạng nêu trong Luận cương Chính trị đã là phương châm chủ đạo giành và giữ chính quyền của Đảng đối với cách mạng nước ta từ đó đến nay.

Do điều kiện lịch sử lúc đó, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc tế Cộng sản, nên Luận cương Chính trị còn có một số hạn chế nhất định trong cách tiếp cận đối với hoàn cảnh thực tế của cách mạng Việt Nam, như về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; việc đồng nhất cách mạng ba nước Đông Dương làm một; chỉ chú trọng nòng cốt cách mạng là công nông mà chưa nêu lên việc tập trung đoàn kết mọi lực lượng yêu nước; một số nội dung nêu ra trong tổ chức thực hiện đường lối chiến lược còn máy móc, giáo điều… Mặc dầu vậy Luận cương chính trị tháng 10/1930 do Trần Phú soạn thảo là một Văn kiện có giá trị lịch sử không chỉ về mặt lý luận mà có ý nghĩa thực tiễn làm cơ sở cho Đảng ta vận dụng vào điều kiện cách mạng cụ thể từ đó đến nay. Có thể nói Luận cương chính trị của Đảng đã gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của đồng chí Trần Phú đối với Đảng, với dân tộc ta.

-

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.407

Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/luan-cuong-chinh-tri-thang-10-1930-cua-dang-cong-san-dong-duong-co-han-che-trong-viec-xac-dinh-a34720.html