Nam Dakota: Thiên đường trốn thuế của giới siêu giàu

Nhiều nước trở thành "thiên đường trốn thuế" Khó triệt phá "thiên đường trốn thuế" “Hồ sơ Panama”: Lộ diện những thiên đường trốn thuế trên thế giới

Quý tộc toàn cầu mới

Cuối năm ngoái 2018, khi chính phủ Trung Quốc chuẩn bị ban hành các quy tắc thuế mới mang tính xiết chặt hơn thì tỷ phú Tôn Hồng Bình đã âm thầm chuyển số cổ phiếu trị giá 4,5 tỷ USD trong tập đoàn bất động sản Sunac của mình để thành lập một công ty mới nằm ở Sioux Falls (tiểu bang Nam Dakota), một trong những tiểu bang thưa dân và ít điều tiếng nhất ở Mỹ.

Sioux Falls là một thành phố khá hiền hòa với dân số ước độ 180.000 người, thành phố nằm ven bờ con sông Big Sioux thanh bình, nơi có vách đá hoa cương đỏ ối. Nó là một thành phố nhỏ mà ngay cả người dân Mỹ cũng ít đặt chân tới.

Ông William Wild Bill Janklow, nguyên thống đốc của tiểu bang Nam Dakota trong bức ảnh chụp năm 1988. Ảnh nguồn: Per Breiehagen/Life Images Collection via Getty Images.

Tuy nhiên, nguồn tiền của giới siêu giàu thế giới đổ về Soux Falls mỗi lúc một tăng. Trong một thập niên qua, hàng trăm tỷ USD từ hải ngoại đã đổ về các địa điểm cất giữ tài sản nổi tiếng như Thụy Sỹ và Jersey, và cả một số ít các tiểu bang Mỹ như Delaware, Nevada, Wyoming, nhưng tiểu bang Nam Dakota mới thật sự là điểm sáng.

Người siêu giàu chọn các khu vực pháp lý theo cùng cách mà người trung lưu chọn giữa các tài khoản tiết kiệm cá nhân (ISA): họ muốn chế độ bảo mật tốt nhất, thu nhập tốt nhất và chi phí rẻ nhất. Đó cũng là lý do mà nhiều người siêu giàu chọn Nam Dakota. Nếu người bình thường đặt tiền của họ trong ngân hàng, chính phủ có thể đánh thuế vào số tiền ít ỏi mà họ kiếm được.

Ngay cả khi số tiền đó được bảo vệ khỏi bị đánh thuế từ một kiểu dạng như ISA, thì người gửi tiền vẫn bị mất thông qua các hoạt động ly dị hoặc tố tụng pháp lý. Nhưng quỹ tín thác Nam Dakota lại thay đổi toàn bộ: nó bảo vệ tài sản của người gửi tránh các kiện cáo từ vợ / chồng; sự bất mãn từ các đối tác kinh doanh, các chủ nợ, khách hàng kiện tụng và nhiều mâu thuẫn khác.

Quỹ này không bảo vệ thân chủ khỏi các truy tố hình sự nhưng nó cũng không tiết lộ thông tin tài sản từ sự quan tâm của cảnh sát. Chính phủ cũng đứng ngoài cuộc vì không tồn tại thuế thu nhập, thuế thừa kế và cả thuế lãi vốn ở Nam Dakota.

Một thập kỷ trước, các công ty quản lý quỹ ở Nam Dakota đã nắm giữ 57,3 tỷ USD tài sản. Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng tài sản sẽ tăng lên 355,2 tỷ USD. Hàng trăm tỷ USD này đang được quản lý bởi một tiểu bang có dân số nhỏ hơn Norfolk (cơ quan lập pháp bán thời gian được lăng xê bởi các luật sư quản lý quỹ) và chính quyền cam kết chào đón càng nhiều tiền càng tốt.

Chính trị gia xứ Mỹ tự hào cho rằng nước họ là nơi tốt nhất để làm giàu, và Nam Dakota mạnh miệng để tuyên bố rằng họ là nơi tốt nhất không để tiền tuột ra ngoài. Trọng tâm làm giàu ở Nam Dakota đó là “toàn cầu hóa chưa hoàn tất”.

Và tiền chắc chắn sẽ chảy đến những nơi mà chính phủ đánh thuế thấp nhất nhưng bảo mật cao nhất. Bất kỳ ai có thể chia trả các khoản phí hợp pháp từ những thứ cọc cạch thì đều có thể giữ tiền, người giàu càng giàu thêm, còn đại bộ phận chúng ta thì không.

Một quan chức giấu tên cho biết, trong khi các quốc gia bên ngoài lãnh thổ Mỹ đang lạm thu thuế, thì tiểu bang Nam Dakota lại đang tiếp tay phá hoại các nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát sự trốn thuế, đạo tặc và rửa tiền.

Vị quan chức giấu tên cho biết: “Mỹ đang trao cho tội phạm tài chính một bến cảng an toàn và thật sự rất hiệu quả, vượt xa bất kỳ thứ gì từng tồn tại ở Jersey hay Bahamas. Nếu chúng ta không làm gì để thu hẹp khoảng cách thì sẽ tạo ra sự mất cân bằng giữa tài sản toàn cầu và pháp lý sở tại, đồng thời sẽ tạo ra một sự bất công và hình thành một dòng dõi quý tộc toàn cầu mới, không đếm được họ có bao nhiêu, song rõ ràng là họ ngày một giàu thêm gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe dài hạn của nền dân chủ tự do”.

Thiên tài kinh tế

Nam Dakota nằm ở phía Tây tiểu bang Minnesota, phía Đông Wyoming, dân số khoảng 880.000 người. Tiểu bang này giành được sự quan tâm của cử tri về tính tự lực, thuế thấp và các giá trị truyền thống gia đình.

Tỷ phú Trung Quốc Tôn Hồng Bình, Chủ tịch Tập đoàn Sunac đã bí mật chuyển nhiều tỷ USD tài sản đến cất giấu ở tiểu bang Nam Dakota (Hoa Kỳ). Ảnh nguồn: The Financial Express.

Người ngoài biết đến Nam Dakota bởi di tích Mount Rushmore được tạc hình 4 khuôn mặt tổng thống Mỹ. Hồi cuối thập niên 1970, kinh tế Nam Dakota bị sa lầy và Thống đốc William “Wild Bill” Janklow cố gắng làm mọi cách để hoạt động kinh doanh được khởi sắc.

Lúc đó, lãi suất quốc gia được Cục dự trữ liên bang Mỹ đặt ở mức cao bất thường. Citibank đầu tư mạnh vào thẻ tín dụng và vì thế đứng trước nguy cơ phá sản. Các ngân hàng tìm kế thoát thân và họ nhìn thấy ở cách hành động của Thống đốc Janklow. Theo đề nghị của phía ngân hàng, năm 1981, Thống đốc Janklow đã bãi bỏ hàng loạt quy định và đặt ra các quy tắc chống cho vay nặng lãi và nó là di sản của Kỷ nguyên giao dịch mới.

Citibank đề xuất các mức lãi suất được tính phí trên số tiền của người vay với mức mà họ thích. Nhờ Thống đốc Janklow, Citibank và các đại công ty khác đã kéo tới Nam Dakota để tránh các hạn chế đang được áp đặt ở 49 tiểu bang khác.

Cũng nhờ Thống đốc Janklow mà Nam Dakota có được ngành công nghiệp dịch vụ tài chính và Mỹ có số nợ thẻ tín dụng lên đến 1.000 tỷ USD. Janklow đặt ra tham vọng muốn biến Nam Dakota thành một Thụy Sỹ của thế kỷ 21. Những người Anh di cư đến Bắc Mỹ đã thống trị ở đó, và sự xoay vòng năng động của cải đã trở nên điên cuồng hơn tại vùng đất tự do.

Năm 1983, Thống đốc Janklow hủy bỏ luật chống lại tài sản vĩnh viễn và từ thời khắc đó, tài sản nằm trong tín thác ở Nam Dakota sẽ giữ vững mãi mãi. Một quy tắc được tạo ra bởi các thẩm phán Anh trong nhiều thế kỷ đã bị xóa sổ bởi một luật mới chỉ có đúng 19 từ!

Ông Tom Simmons, một chuyên gia về luật tín thác tại Đại học Nam Dakota, ông cũng là một thành viên của lực lượng đặc nhiệm tín thác Nam Dakota, cất lời khen ngợi: “Thống đốc Janklow quả thật là một thiên tài khi đã nhìn ra đây sẽ là cơ hội phát triển kinh tế với chi phí rất thấp cho chính quyền sở tại”. Số là vào năm 1997, Thống đốc Janklow đã sáng lập lực lượng đặc nhiệm tín thác nhằm đảm chắc Nam Dakota luôn đi trước đón đầu thị trường.

Qũy tín thác Nam Dakota cũng đảm bảo tính bí mật tối đa. Nhiều luật sư ở Nam Dakota biết rõ trường hợp của bà Leona Helmsley, một chủ thừa kế khách sạn huyền thoại. Khi bà Helmsley qua đời vào năm 2007, con chó Trouble của bà nhận được số tiền thừa kế trị giá 12 triệu USD.

Khi một tòa án New York cảm thấy chi tiêu cho chó một số tiền quá lớn là vô lý đã cắt giảm bớt số tiền chăm sóc chó, và những người nhận ủy thác của bà Helmsley đã quyết định chuyển số tiền sang Nam Dakota.

Vẽ đường cho nhà giàu trốn thuế

Dù có những đổi mới về mặt pháp lý, nhưng suốt hàng thập kỷ Nam Dakota vẫn vật lộn để cạnh tranh với các trung tâm tài chính hải ngoại nhằm đón những khách hàng quốc tế nặng ký: các trùm dầu hỏa Trung Đông hay tỷ phú từ các thị trường đang nổi.

Thắng cảnh thiên nhiên Đồi Hắc Sơn ở Nam Dakota. Ảnh nguồn: Posnov/Getty Images.

Tình thế đã thay đổi khi vào năm 2010, có vị khách hàng tố cáo rằng ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) đã bí mật giấu hàng tỷ USD từ các vị khách giàu có thì dư luận mới vỡ lẽ rằng: các ngân hàng không chỉ khai thác người nghèo mà còn giúp người giàu trốn thuế.

Các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ đã có một số hành động gây choáng: UBS nộp 780 triệu USD tiền phạt, Credit Suisse nộp 2,6 tỷ USD và mất tới 85% lượng khách hàng Mỹ, Wegelin (ngân hàng lâu đời nhất Thụy Sỹ) sụp đổ dưới sức ép điều tra.

Dưới sức ép của đánh thuế ngân hàng đã ra đời một thỏa thuận toàn cầu gọi là Tiêu chuẩn báo cáo chung (CRS). Dưới sức ép của CRS, những nơi từng hấp dẫn với người trốn thuế như Jersey, Bahamas và Liechtenstein đã ngay lập tức bốc hơi. Rồi thì giới nhà giàu cũng tìm thấy một kẽ hở để lách luật.

CRS tạo ra nhiều quốc gia có nghĩa vụ công khai các bí mật tài chính của họ, nhưng Mỹ không thuộc CRS, và họ có hệ thống Fatca chuyên thu thập thông tin từ các quốc gia hải ngoại. Mỹ đang trên đường trở thành thiên đường thuế thực sự đẳng cấp thế giới.

Kể từ khi tung ra Fatca, Mỹ đã vượt mặt quần đảo Cayman, Hong Kong và Luxembourg. Chỉ trong vòng 3 năm, số tiền đi thông qua các cấu trúc bí mật ở Mỹ đã tăng lên 14%, số tiền này rót thẳng vào Sioux Falls và kề đó là Công ty tín thác Nam Dakota (SDTC).

Matthew Tobin, CEO của SDTC (nơi tỷ phú Tôn Hồng Bình nhờ giữ 4,5 tỷ USD tài sản), giải thích: “Nhiều khách hàng hải ngoại giàu có đang lo lắng việc lộ tài sản của họ dưới áp lực của CRS. Thế rồi người ta nhìn thấy sự ổn định của nền kinh tế Mỹ, chính phủ Mỹ và cơ chế bảo mật riêng tư thế là họ mang tiền đến Mỹ”.

SDTC hiện đang quản lý khối tài sản gửi lên tới 65 tỷ USD, tất cả đều miễn thuế, và số tài sản này ngày càng phình to hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nam Dakota không hề đơn thương độc mã mà các ngân hàng ở Florida và Texas cũng đang chào đón nguồn tiền gửi từ Venezuela và Mexico; các nhà môi giới ở Los Angeles đang chào đón những vị khách Trung Quốc giàu sụ.

Liệu có bất kỳ ai ở Nam Dakota muốn minh bạch công tác chống rửa tiền đến cùng? Đã quá trễ! Nếu Nam Dakota thắt chặt các quy định thì nguồn tiền khổng lồ từ nơi này sẽ được chuyển đến 20 tiểu bang khác. Và còn vì một lẽ là nền chính trị ở Nam Dakota có vẻ như đã bị ngành công nghiệp ủy thác thao túng, do đó triển vọng minh bạch tài sản xem ra khó xảy ra.

Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/nam-dakota-a34348.html